Một góc thành phố Bắc Kạn
Bắc Kạn - chặng đường 120 hình thành và phát triển (1900 - 2020)
* Giai đoạn từ 1900 đến 1945
Lợi dụng thời cơ giai cấp phong kiến Việt Nam suy yếu, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Sau khi đánh chiếm xong các tỉnh Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp cho quân đánh chiếm các tỉnh trung du Bắc Kỳ. Đến năm 1895, chúng mới đặt được chân lên vùng đất Bắc Kạn.
Dưới sự lãnh đạo của Phùng Bá Chỉ (tức Bá Kỳ), nhân dân Bắc Kạn đã giáng cho chúng những đòn thích đáng. Trong trận Chợ Mới, ngày 17/01/1889, nghĩa quân đã tiêu diệt gần 100 tên địch. Tiếp theo đó là phong trào của đồng bào Dao do Mã Sinh Long (Mã Mang) chỉ huy, đánh địch nhiều trận, trong đó có trận phục kích đoàn vận tải ngược sông Cầu lên Chợ Mới.
Khi đã hoàn thành công cuộc chinh phục và bình định căn bản khu vực miền núi phía Bắc, để thống trị và bóc lột nhân dân các dân tộc miền núi, ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm bốn châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hoá (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn). Sau khi đặt được ách thống trị lên Bắc Kạn, thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa một cách có hệ thống trên quy mô lớn. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Bắc Kạn đã dấy lên phong trào kháng Pháp mạnh mẽ. Năm 1904, người Dao hai xã Tân Sơn và Cao Sơn (Bạch Thông) đã nổi dậy chống chính sách sưu thuế nặng nề của đế quốc, phong kiến. Năm 1914, tại thị xã Bắc Kạn, các tù nhân yêu nước cùng các lính khố xanh có tinh thần dân tộc đã nổi dậy phá nhà lao, cướp vũ khí của địch, tiến hành vũ trang làm chủ thị xã.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Bắc Kạn là vùng sâu, xa, núi rừng hiểm trở, dân cư thưa thớt, lại bị thực dân Pháp kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn cho việc tuyên truyền và phát triển phong trào cách mạng ở Bắc Kạn trong buổi đầu mới thành lập Đảng. Sau thời kỳ khó khăn, trên cơ sở phong trào cách mạng trong toàn quốc dần hồi phục và phát triển, các cuộc đấu tranh hợp pháp của nhân dân Bắc Kạn đã diễn ra (tiêu biểu là cuộc đấu tranh của dân phu bị bắt đi làm sân bay và cuộc đấu tranh chống việc bắt phu làm đường trong những năm 1935 - 1939).
Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra giữa lúc tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thời cơ cách mạng chưa tới nên bị kẻ thù đàn áp khốc liệt. Tuy vậy, tiếng súng Bắc Sơn đã có sức cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước, trong đó có Bắc Kạn. Cuối năm 1942, phong trào Việt Minh phát triển mạnh, là cơ sở cho sự ra đời Ban Việt Minh liên xã Cao Minh gồm ba xã: Cao Tân, Cao Thượng và Cổ Linh. Trong các làng bản: Chẻ Vành, Nặm Đăm, Lủng Nghè, Khưa Dầy, Mảy Sào, Thẳm Tảo… hầu hết đồng bào đã tham gia Việt Minh. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên được thành lập ở vùng cao Chợ Rã và cũng là tổ chức cách mạng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn.
Tại Ngân Sơn, từ năm 1942 đã có cơ sở Việt Minh ở Thượng Ân và Cốc Đán, được sự giúp đỡ trực tiếp và mạnh mẽ của đội Nam tiến, phong trào đã có bước phát triển mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, ở hầu khắp Ngân Sơn đã xây dựng được các cơ sở cách mạng. Cán bộ Nam tiến đi đến đâu cũng được nhân dân các dân tộc Ngân Sơn nhiệt tình giúp đỡ và hưởng ứng. Đến tháng 9/1943, các xã Thượng Ân, Cốc Đán, Tô Khê, Đức Vân, Vân Tùng, Thuần Mang đã thành lập Ban Chấp hành Việt Minh xã. Cùng với sự lớn mạnh của các tổ chức chính trị trong phong trào đấu tranh của quần chúng, các hình thức tổ chức vũ trang cũng bắt đầu ra đời. Dưới sự chỉ đạo, tổ chức của các đội Nam tiến, hàng chục cuộc mít tinh đã được tổ chức ở Thượng Ân, Cốc Đán, Đức Vân, Vân Tùng, Thuần Mang… Trong đó, đáng chú ý hơn cả là hai cuộc mít tinh ở Diều Phon và Khưa Vài, xã Thượng Ân. Cuộc mít tinh ở Diều Phon mừng thắng lợi “Đại hội liên hoan các dân tộc Cao - Bắc - Lạng” đã tập hợp hầu hết các hội Việt Minh trong toàn huyện Ngân Sơn. Đến giữa tháng 9 năm 1943, tại Khưa Vài lại tổ chức cuộc mít tinh lớn. Ngay sau cuộc mít tinh này, với sự có mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp, chi bộ Nam tiến đã tổ chức kết nạp những đội viên trung kiên vào Đảng và tuyên bố thành lập chi bộ Chí Kiên. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng Bắc Kạn. Chi bộ Chí Kiên là chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kạn.
Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và ra Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các tổ chức cứu quốc đã tổ chức nhân dân các dân tộc Bắc Kạn chớp thời cơ vùng dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Chi bộ Chí Kiên đã lãnh đạo các đội tự vệ chiến đấu tiến hành tiễu trừ Việt gian, tước súng lính dõng ở một số nơi. Trong khi đó, một bộ phận của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chia làm nhiều mũi tiến về phía nam hoạt động. Một trung đội do đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ huy tiến qua Thượng Ân, Cốc Đán, Hà Hiệu sang Chợ Rã. Một trung đội do đồng chí Đức Long chỉ huy từ xã Thịnh Vượng (Nguyên Bình) tiến qua Đức Vân, Thượng Quan, Thuần Mang xuống Phủ Thông. Cho đến ngày 21/3/1945, 16 xã thuộc Ngân Sơn đã được giải phóng, nhân dân ta đã giành được chính quyền từ tay địch. Ở phía bắc Chợ Rã, ngày 19/3/1945, tự vệ Cao Minh phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân đã chặn đánh một toàn lính địch khi chúng cướp bóc nhân dân và nổ súng vào lực lượng vũ trang ta, buộc chúng phải đầu hàng, quân ta thu được 30 súng các loại.
Trên đà thắng lợi, nhân dân Chợ Rã tiến lên đánh chiếm đồn Pác Nặm, xóa bỏ chính quyền địch ở các xã phía bắc. Ngày 21/3/1945, bộ phận đi trước của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến vào Chợ Rã. Ngày 23/3/1945, châu lỵ Chợ Rã hoàn toàn giải phóng. Ngày 24/3/1945, trước đông đảo quần chúng dự mít tinh ở châu lỵ Chợ Rã, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền và ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến toàn châu Chợ Rã. Ngày 30/3/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời châu Chợ Rã. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước năm 1945. Khoảng giữa tháng 4 năm 1945, tại khắp các xã thuộc năm tổng: Thượng Giáo, Nam Mẫu, Quảng Khê, Hà Hiệu, Giáo Hiệu đã thành lập chính quyền cách mạng cấp xã và tổng.
Những thắng lợi dồn dập và to lớn ở Ngân Sơn, Chợ Rã đã có tác động mạnh mẽ tới phong trào ở Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì… Ngày 23/8/1945, quân Nhật chính thức rút khỏi thị xã Bắc Kạn. Ngày 25/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã Bắc Kạn. Đại diện Tỉnh bộ Việt Minh tuyên bố chính thức xóa bỏ toàn bộ chính quyền địch ở Bắc Kạn, chính quyền cách mạng đã được thành lập và giới thiệu thành phần Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám ở Bắc Kạn năm 1945 đã diễn ra nhanh chóng và hoàn thành thắng lợi, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của Đảng bộ, Mặt trận Việt Minh và toàn thể nhân dân Bắc Kạn. Thắng lợi đó đã chấm dứt ách thống trị của đế quốc xâm lược trên nửa thế kỷ và ách thống trị phong kiến gần một nghìn năm.
* Giai đoạn từ 1945 đến 1975
Trước những khó khăn sau ngày tuyên bố độc lập, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy đã kịp thời đề ra những chủ trương, biện pháp để xây dựng, đấu tranh bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng; chuẩn bị điều kiện cần thiết, xây dựng an toàn khu cho các cơ quan Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với nhân dân Việt Bắc, quân và dân Bắc Kạn đã chiến đấu đánh tan cuộc tấn công lên Việt Bắc năm 1947, bảo vệ an toàn, vững chắc cơ quan đầu não kháng chiến. Trong cuộc chiến đấu giải phóng quê hương, quân và dân Bắc Kạn đã giành được nhiều thắng lợi. Ngày 09/8/1949, thị xã Bắc Kạn - thị xã đầu tiên của cả nước được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 24/8/1949, tỉnh Bắc Kạn được giải phóng. Đây là mốc son lịch sử hào hùng, là động lực vô cùng lớn lao cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dù là một tỉnh miền núi, kinh tế còn nghèo, dân số ít, nhưng Bắc Kạn đã có những đóng góp đáng kể. Từ năm 1950 đến năm 1954, tỉnh Bắc Kạn đã huy động trên 400.000 công, có lúc cao điểm tỉnh đã huy động tới 4.000 người trên tổng số 7 vạn dân và 1.400 con trâu kéo ra mặt đường. Ngoài huy động công sửa chữa cầu đường, nhân dân trong tỉnh còn đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp 3 vạn công xay giã thóc ra gạo, dùng nhiều phương tiện thô sơ vận chuyển 1.000 tấn thóc, gạo, muối phục vụ các chiến dịch; huy động hàng trăm nhân công sửa đường dây điện thoại phục vụ thông tin liên lạc của Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh.
Sau chiến thắng Biên giới 1950, tuyến Quốc lộ 3 (Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) được khôi phục; lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Trung ương Đoàn được cử bám trụ những nơi hiểm yếu. Ngày 20/3/1951, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị TNXP 312 đóng quân tại khu vực cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Tại đây, Bác đã ân cần thăm hỏi động viên các thanh niên và tặng tuổi trẻ 4 câu thơ bất hủ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Từ sau năm 1954, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội và góp phần đấu tranh thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù phải đương đầu với các cuộc phá hoại bằng không quân của kẻ thù nhưng năm 1963 Bắc Kạn được Chính phủ công nhận là tỉnh đã thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ 92% dân số, cũng trong năm 1963 với tinh thần cảnh giác cao và phương án chiến đấu sát thực tế, lực lượng vũ trang và đồng bào tỉnh Bắc Kạn đã truy lùng diệt, bắt sống gọn toán biệt kích của ngụy quyền Sài Gòn gồm 5 tên, ngăn chặn được mọi âm mưu xây dựng cơ sở phản động ở vùng cao, kích động nhân dân chống chế độ, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Đặc biệt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tháng 9/1965, quân dân thị xã Bắc Kạn đã bắn rơi chiếc máy bay ném bom F.105 của không lực Hoa Kỳ khi chúng ném bom xuống công trường quân sự Mai Hiên (kho A3) nằm trên địa bàn thị xã Bắc Kạn. Với thành tích là nơi đầu tiên trong khu tự trị Việt Bắc bắn rơi máy bay Mỹ, thị xã Bắc Kạn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Riêng trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tỉnh Bắc Thái đã bắn rơi gần 40 máy bay Mỹ, khoảng 100 giặc lái bị chết hoặc bị bắt, nhiều tấm gương dũng cảm bắt giặc lái Mỹ xuất hiện như chị Hoàng Thị Cắm, Hoàng Thị Tơ dân tộc Tày ở huyện Chợ Đồn.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Thái mở rộng họp sau ngày hợp nhất hai tỉnh đã xác định phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng bộ trước tình hình mới để đề ra các chủ trương phát triển kinh tế. Toàn tỉnh tập trung vào phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, đảm bảo giao thông thời chiến, chú trọng công tác giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, góp phần chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc. Nhiều con em của nhân dân Bắc Kạn đã tham gia Đại đội 915 và anh dũng hi sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên của độc lập, tự do.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Bắc Kạn đã có 9.021 thanh niên xung phong ra mặt trận. Trong chiến đấu, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đặc biệt Đảng và Nhà nước ta đã tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 3 đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Hà Văn Vấn và liệt sỹ Nguyễn Văn Thoát; hơn 2.000 con em đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã anh dũng hy sinh để đổi lấy độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Toàn tỉnh hiện nay có 99 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Như vậy, trong suốt thời kỳ từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến những năm tháng xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã làm tròn nhiệm vụ của mình, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, chi viện cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn cùng 6/8 huyện, thành phố vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và nhiều phần thưởng cao quý khác do Đảng, Nhà nước trao tặng cho các tập thể, cá nhân.
* Giai đoạn từ 1975 đến 1996
Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh đã phát động đợt thi đua “Mừng đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng” từ tháng 5 - 9/1975, các cơ quan, đơn vị, trường học đã động viên cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, nhân dân tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa, mua tư liệu sản xuất gửi tặng đồng bào miền Nam, trong đó có nhân dân hai tỉnh kết nghĩa Kon Tum, Khánh Hòa. Toàn tỉnh đã ủng hộ được trên 500 con trâu, hơn 100.000 đồng, 1.200 tấn thóc và nhiều phương tiện, vật tư, thiết bị, văn hóa phẩm.
Trong thời kỳ từ 1975 - 1986, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện vô cùng khó khăn. Do hậu quả của cuộc chiến tranh lâu dài và cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, quân và dân Bắc Kạn đã phát huy truyền thống cách mạng, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, vươn lên, tìm tòi, sáng tạo phương thức quản lý, cách làm ăn mới trong điều kiện chuyển từ cơ chế quản lý bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và đạt được những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI (29/12/1978) đã phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Do vậy, hai huyện Ngân Sơn, Chợ Rã (Ba Bể) thuộc Bắc Thái được tách ra và nhập vào tỉnh Cao Bằng.
Năm 1979, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp sức người, sức của cùng với quân, dân cả nước chiến đấu, kề vai sát cánh cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tỉnh Bắc Kạn vừa là hậu phương trực tiếp, vừa là tuyến đầu phòng thủ,vì vậy tỉnh đã chi viện lực lượng cho tuyến trước và chiến đấu anh dũng; vận động nhân dân sản xuất chông tre, bàn chông và quả chông dứa bằng sắt chi viện cho hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn rào biên giới; giúp đỡ, ủng hộ cho đồng bào các vùng chiến sự sơ tán đến tỉnh.
Thời kỳ 1986 - 1996, nhất là khi bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương và biệp pháp từng bước giải quyết những khó khăn, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đổi mới tư duy và cơ chế quản lý; khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới; hình thành cơ bản cơ chế quản lý mới; ổn định và phát triển sản xuất; phấn đấu thực hiện tốt các chính sách xã hội; tăng cường công tác quân sự địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chỉnh đốn và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân. Qua 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức gay gắt, kiên trì sự nghiệp đổi mới của Đảng, vượt qua thời kỳ suy thoái về kinh tế, giữ vững ổn định về chính trị, từng bước phát triển kinh tế với nhịp độ tăng trưởng cao.
Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu, kiên trì vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo ra sự chuyển biến toàn diện. Những thành tựu đó đã tạo ra thế và lực mới, nhân tố mới cho bước phát triển ổn định vững chắc những năm cuối của thế kỷ XX.
* Giai đoạn từ 1997 đến nay
Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX) ra Nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, chuyển 2 huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng trở về tỉnh Bắc Kạn. Bộ Chính trị đã ra Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm 35 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời 11 đồng chí. Ngày 01/01/1997, lễ tái thành lập tỉnh Bắc Kạn được tổ chức long trọng tại thị xã Bắc Kạn. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Việc tái lập tỉnh là cơ hội tốt để Bắc Kạn phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Khi mới tái lập tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế - xã hội kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng thấp kém, nhà cửa, phương tiện làm việc, đi lại thiếu thốn, đường giao thông khó khăn. Toàn tỉnh có 5 huyện, 1 thị xã và 112 xã, phường, thị trấn, trong đó có 16 xã chưa có đường ô tô, 16 xã khác ô tô chỉ đến được trong mùa khô; 2 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia. Trình độ dân trí thấp với 36% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều tập tục và canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo trên 50% số hộ dân. Bộ máy tổ chức các cơ quan mới bắt đầu củng cố, sắp xếp đi vào hoạt động vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Trong 112 xã, phường, thị trấn có 103 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13, ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 02 phường Xuất Hóa, Huyền Tụng và thành phố Bắc Kạn, toàn tỉnh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 07 huyện) và 122 đơn vị hành chính cấp xã (110 xã, 06 phường, 06 thị trấn). Từ 01/02/2020, sau khi tiến hành sắp xếp lại theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bắc Kạn giảm từ 122 xã, phường, thị trấn xuống còn 108 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 96 xã, 6 phường và 6 thị trấn).
Sau 23 năm tái lập, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý không thuận lợi, Bắc Kạn vẫn là một trong những tỉnh khó khăn của cả nước. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bắc Kạn quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, cùng với cả nước, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã vượt qua nhiều khó khăn, phát huy mọi nguồn lực, tìm hướng đi mới với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, từ khi tái thành lập tỉnh năm 1997 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn nên Bắc Kạn đã có những đổi thay toàn diện.
- Kinh tế của tỉnh có bước chuyển biến theo hướng tích cực. Kết thúc năm 2019, kinh tế tăng trưởng 5,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,6 triệu đồng, tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2018. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 714,2 tỷ đồng, tăng 10,09% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16%, vượt 3% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6,5 triệu USD. Có 105 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, làm cho diện mạo cảnh quan môi trường đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút, vận động vốn đầu tư nước ngoài được tăng cường. Trong năm 2019, tỉnh đã thu hút được 09 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 595 tỷ đồng. Tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các nhà đầu tư triển khai một số dự án kết cấu hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp đạt được những kết quả quan trọng. Từ một nền kinh tế thuần nông, tỉnh đã từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành một số diện tích cây trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã có 6 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, diện tích trồng rừng bình quân đạt trên 6.000ha/năm. Với tỷ lệ che phủ rừng duy trì 72,6%, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoạt động thương mại, dịch vụ được duy trì ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư làm cho diện mạo cảnh quan môi trường, nông thôn, đô thị ngày càng có nhiều khởi sắc, đổi thay. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân kể cả đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.
- Văn hóa, xã hội có bước phát triển mới: Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao; toàn tỉnh hiện có 96 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 30,2% tổng số trường học trên địa bàn tỉnh. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 110%; có 108 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Bệnh viện đa khoa với quy mô 500 giường bệnh được khánh thành, đưa vào sử dụng với trang thiết bị hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi ở các địa phương. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Các cơ quan thông tin, truyền thông đã tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo được quan tâm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 5 lần so với năm 1997.
- Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định tạo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
- Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố: Công tác xây dựng Đảng được coi trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác phát triển đảng được đẩy mạnh, đặc biệt là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Từ 03 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên được thành lập cách đây 77 năm, Đảng bộ tỉnh đã trưởng thành vượt bậc với 34.720 đảng viên (chiếm gần 11% dân số). Chất lượng các chi, đảng bộ và đảng viên không ngừng được nâng lên. Công tác tư tưởng được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong những năm qua, cấp ủy các cấp đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sức lan tỏa, chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, chỉ số PAPI của tỉnh năm 2018 đạt được 44,36/80 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và phát triển đảng hiện nay được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, có nhiều đổi mới, chuyển biến. Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Bộ máy chính quyền, đoàn thể thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu thực tế của địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Với những thành tích đạt được, tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2016)… Đây là thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn trong thời gian qua.
Chặng đường 120 năm với bao công sức, tâm huyết của các thế hệ cha anh đã xây dựng nên một trang sử vẻ vang, đáng trân trọng, tự hào của tỉnh Bắc Kạn. Phát huy truyền thống yêu nước, vượt khó đi lên của quê hương cách mạng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn quyết tâm phấn đấu, đoàn kết, ra sức thi đua, học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp, văn minh./.