Ngực lõm ở nam giới là biến dạng thường gặp của lồng ngực, ngực lõm có thể chèn ép cơ quan quan trọng như tim, phổi gây rối loạn chức năng của chúng. Biết rõ những dấu hiệu và yếu tố nguy cơ của bệnh lõm ngực để sớm điều trị, tránh những biến chứng lâu dài.
Ngực lõm ở nam giới là gì?
Ngực lõm (tiếng Anh là Pectus Excavatum), hay còn gọi là ngực hình phễu (funnel chest) đặc trưng bởi sự lõm vào trong của xương ức, tạo nên một chỗ lõm nhìn thấy ở giữa ngực. Mức độ nặng của lõm ngực được đánh giá tùy vào độ sâu của vết lõm.
Nguyên nhân của bệnh lõm ngực thường là bẩm sinh, tức người thân có thể phát hiện từ khi trẻ mới chào đời, nhưng đôi khi lúc đầu ngực lõm nhẹ, chúng ta chưa để ý đến bệnh lý này nên bỏ sót, và thường nhận biết khi trẻ ở giai đoạn dậy thì, lúc này, trẻ đã có nhận biết về cơ thể và phát hiện ra sự bất thường này. Với các bạn lớn nhanh thì ngực lõm đôi khi sẽ nặng hơn, và triệu chứng biểu hiện rõ ràng hơn.
Đa số các trường hợp lõm ngực là đối xứng hai bên và lành tính, ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như chức năng sống của trẻ, tuy nhiên với những trường hợp ngực lõm nặng hoặc lệch tâm có thể ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng bên trong, có thể tạo sự chèn ép lên tim, phổi. Đối với trẻ đang ở tuổi vị thành niên, ngực lõm nặng có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ về ngoại hình và giới hạn khả năng vận động của trẻ. (1)
Dịch tễ học
Tỷ lệ trẻ nam mắc bệnh lõm ngực thường cao gấp 3 đến 4 lần so với trẻ nữ, đây là dị dạng lồng ngực bẩm sinh thường gặp nhất (chiếm 90% trong các loại dị dạng lồng ngực), với khoảng 1000 trẻ em được sinh ra thì có 1 bé bị lõm ngực. Dị dạng hiếm gặp hơn của lồng ngực như lồi ngực (Pectus carinatum), hội chứng Poland, khe hở xương ức (Cleft sternum) sẽ được đề cập trong bài khác. (2)
Các chuyên gia vẫn chưa thể chỉ ra nguyên nhân thực sự gây ra bệnh lõm ngực, tuy nhiên có thể là do sự phát triển không cân đối của xương sườn và cơ quan bên trong như tim, phổi. Khoảng 85-90% trẻ sẽ được bố mẹ sẽ phát hiện bệnh lõm ngực sớm ngay sau sinh.
Bệnh lõm ngực cũng có thể liên quan đến di truyền, trong đó cha mẹ hay người thân trong gia đình mắc bệnh lõm ngực thì nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh tương tự cao hơn. Mặc dù đa số bệnh lõm ngực ở nam giới đều sẽ được phát hiện sớm ngay sau sinh, tuy nhiên bệnh có biểu hiện rõ hơn khi trẻ phát triển nhanh ở giai đoạn dậy thì.
Vì sao tỷ lệ nam giới bị lõm ngực cao hơn?
Hầu hết lõm ngực được hình thành từ trong bào thai, do phần xương sườn và xương ức của thai nhi phát triển không bình thường, mà “quặp” vào trong gây biến dạng lồng ngực tạo một vết lõm ở trước ngực. Theo nghiên cứu trên dân số lớn, các tác giả nhận thấy bé trai có tỷ lệ bị lõm ngực cao hơn các bé gái, và hiện nay, vẫn chưa lý giải được chính xác cơ chế của sự chênh lệch này. Người ta cũng nhận thấy, đột biến gen góp một phần gây ra dị tật lõm ngực ở trẻ em.
Lõm ngực thường đi kèm các bệnh gì?
Những trẻ mắc bệnh mô liên kết sẽ có tỷ lệ mắc bệnh lõm ngực cao hơn, tỷ lệ mắc bệnh lõm ngực lên đến 60% ở trẻ mắc hội chứng Marfan, và có thể gặp trong hội chứng Loeys-Dietz và Ehler-Danlos. Ở trẻ bệnh lõm ngực bẩm sinh cũng cần được thám sát về bệnh liên quan cơ hoành như thoát vị hoành bẩm sinh và bất sản cơ hoành. Hội chứng “bụng quả mận” (prune belly syndrome, hay “tam chứng Eagle-Barett”) cũng có thể đi kèm bệnh lõm ngực. Ngoài ra bệnh lõm ngực cũng thường đi kèm với chứng vẹo cột sống ở trẻ.
Triệu chứng lõm ngực ở nam giới thường gặp
Đa số trẻ em khi vừa sinh ra đều có thể dễ dàng nhận ra và phát hiện bệnh lõm ngực nếu có. Đôi khi lúc nhỏ vết lõm sẽ chưa rõ ràng, tuy nhiên vết lõm có thể rõ hơn khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên, độ tuổi mà trẻ có sự phát triển vượt bậc về thể chất đặc biệt là hệ cơ xương. Nếu càng để lâu, ngực lõm có thể chèn ép tim và phổi gây biến chứng tức thì hoặc kéo dài lên tim phổi dù được phẫu thuật sửa chữa hay không. (3)
Dấu hiệu ngực lõm ở nam giới có thể khác nhau ở mỗi độ tuổi. Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể nhận biết thông qua dấu hiệu:
- Trên ngực trẻ có một vết lõm rộng và nông, hoặc sâu và hẹp hoặc lồng ngực không cân đối;
- Cùng với biến dạng lồng ngực, trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường.
Lõm ngực ở thành niên sẽ có các dấu hiệu nhận biết là:
- Có một vị trí lõm vào ngay giữa ngực;
- Dễ mệt, khó thở gắng sức khi tập luyện thể dục hoặc làm công việc cần dùng sức nhiều;
- Tim đập nhanh;
- Thở khò khè, kèm theo ho;
- Đau ngực;
- Mệt mỏi;
- Chóng mặt;
- Tiền sử bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều;
- Vết lõm ngực có thể trở nên nghiêm trọng hơn cùng với sự lớn lên của trẻ.
Ảnh hưởng của bệnh lõm ngực đối với nam giới
- Ảnh hưởng tâm lý: lúc còn nhỏ trẻ chưa nhận thức về cơ thể nên chưa ảnh hưởng về tâm lý, tuy nhiên khi đến tuổi dậy thì trẻ thường cảm thấy khiếm khuyết về cơ thể của mình tạo nên cảm giác mặc cảm, tự ti, hay tránh né các hoạt động chung có lộ ngực của mình như học bơi, tắm biển,…
- Ảnh hưởng thể chất: trẻ lõm ngực thường có thể trạng gầy, thể lực thể hình phát triển kém. Trường hợp ngực lõm nặng, trẻ sẽ gầy yếu, trí tuệ chậm phát triển dù được chăm sóc chu đáo, nghiêm trọng hơn có thể bị trầm cảm, tự kỷ…
- Ảnh hưởng chức năng tim - phổi do bị chèn ép: nếu lõm ngực nặng thì trẻ sẽ hạn chế chơi các môn thể thao dùng nhiều năng lượng như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh… và bị hạn chế các hoạt động nặng.
Các yếu tố nguy cơ gây lõm ngực ở nam giới
Lõm ngực thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới. Lõm ngực có thể nằm trong bệnh cảnh của các hội chứng bẩm sinh như:
- Hội chứng Marfan: Gồm các dị tật mô liên kết dẫn đến bất thường ở mắt, xương và tim mạch. Về hệ thống cơ xương, biến dạng xương ức gây lõm ngực hoặc lồi ngực.
- Hội chứng Ehlers - Danlos: là nhóm các rối loạn collagen di truyền, ảnh hưởng đến mô liên kết, chủ yếu là da, khớp và mạch máu. Người mắc hội chứng này thường có các khớp rất dẻo, da căng giãn quá mức.
- Bệnh xương thủy tinh: là một rối loạn về xương trong di truyền, xương giòn, dễ gãy. Quá trình tạo và hủy xương trong cơ thể diễn ra liên tục.
- Hội chứng Noonan: đây là rối loạn di truyền bẩm sinh, với sự bất thưởng ở các bộ phận khác nhau như bất thưởng ở khuôn mặt, tim bẩm sinh, dị dạng lồng ngực, thấp còi.
- Hội chứng Turner: là bệnh liên quan rối loạn nhiễm sắc thể giới tính thường gặp ở nữ, đặc điểm người mắc hội chứng Turner thường có cổ ngắn, lõm, có các nếp gấp da dọc xuống vai, tai thấp.
Đánh giá độ nặng của lõm ngực ở nam giới?
Có nhiều thang điểm đánh giá độ lõm ngực ở trẻ, trong đó chỉ số Haller (Haler index, HI) được sử dụng nhiều nhất. Chỉ số Haller được tính dựa trên hình ảnh cắt lớp vi tính lồng ngực, bằng cách lấy đường kính ngang lớn nhất của lồng ngực chia cho đường kính trước sau tại điểm lõm nhất. Chỉ số Haller bình thường khoảng 2.5.
Có thể đánh giá độ nặng của ngực lõm theo chỉ số Haller như sau:
- ≤ 2.56: lồng ngực bình thường
- 2.56 < HI ≤ 3.25: lõm ngực nhẹ - trung bình
- HI > 3.25: lõm ngực nặng
Ngoài ra bác sĩ sẽ hỏi bệnh đánh giá ảnh hưởng của lõm ngực đến đời sống của trẻ, các ảnh hưởng đến tâm lý thể chất của trẻ, cũng như thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng quan trọng khác:
- Đo chức năng hô hấp: đánh giá chức năng của phổi. Một số nghiên cứu cho thấy sau phẫu thuật Nuss, trẻ có thể cải thiện khả năng gắng sức dù trước đó chức năng phổi của trẻ bình thường (chỉ số FEV1)
- X-quang ngực thẳng: đánh giá nhu mô phổi, mức độ chèn ép tim, tình trạng vẹo cột sống đi kèm,…
- Siêu âm doppler tim: đây là xét nghiệm có giá trị nhất trong đánh giá chức năng tim, các bất thường tim bẩm sinh đi kèm từ đó có thể đánh giá toàn thể bệnh trạng của trẻ. Ngực lõm càng sâu, tim sẽ bị ép càng nhiều, chức năng co bóp của tim có thể sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là thất phải. Các van tim cũng được chú ý vì xương lõm có thể chèn ép làm biến dạng vòng van gây hở van tim.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực/Chụp cộng hưởng từ lồng ngực: để đánh giá hình thái của phổi, mức độ chèn ép tim, các tổn thương thành ngực, xương lồng ngực, cột sống và cơ hoành đi kèm.
- Ghi điện tim: tìm các bất thường về nhịp tim.
- Xét nghiệm gene: nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ có liên quan đến các hội chứng bẩm sinh do gene.
Điều trị lõm ngực sớm sẽ mang lại hiệu quả hơn
Bệnh lõm ngực khi được điều trị sớm sẽ có hiệu quả chỉnh hình tốt hơn, giúp giảm ảnh hưởng đến tim, phổi và thậm chí có thể cải thiện chức năng tim phổi sau mổ. Đồng thời, khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên sẽ không bị tự ti mặc cảm về ngực lõm, tự tin tham gia các hoạt động cộng đồng cùng bạn bè và nhà trường.
Các phương pháp điều trị bệnh lõm ngực
Với trường hợp ngực trẻ bị lõm nặng, cần phẫu thuật để điều chỉnh. Có hai phương pháp kinh điển điều trị lõm ngực, tuy nhiên phẫu thuật Nuss - phẫu thuật xâm lấn tối thiểu là phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi trên thế giới vì đường mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau, hồi phục nhanh, ít biến chứng và trẻ sớm trở về cuộc sống bình thường hơn so với phẫu thuật mổ mở khác. (4)
Trong phẫu thuật Nuss bác sĩ sẽ rạch hai đường mổ nhỏ hai bên ngực để định vị và đưa thanh nâng ngực luồn bên dưới xương ức để qua phía ngực bên kia. Thanh nâng này có tác dụng nâng phần xương ức lên, hỗ trợ chỉnh hình chỗ lõm ngực. Thông thường, thanh nâng này sẽ được đặt trong lồng ngực người bệnh khoảng 2-3 năm.
Phương pháp phẫu thuật Ravitch: Đây là phương pháp mổ hở được áp dụng nhiều ở những năm 1950 đến khi tác giả Donald Nuss công bố phương pháp mổ của mình vào 1987. Trong phẫu thuật Ravitch, bác sĩ sẽ rạch da dài từ ngực trái sang phải, bộc lộ cơ bám ở xương ức và xương sườn, cắt bỏ sụn sườn quanh vị trí lõm nhất, giữ lại màng sụn và cố định xương ức lại vị trí bình thường. Các sụn sườn sẽ dần phát triển theo các màng sụn còn lại và dần tạo ra một khung mới, giúp giữ xương ức ở vị trí đã được chỉnh.
>> Xem thêm: Chi phí phẫu thuật lõm ngực mất bao nhiêu tiền? Giá có đắt không?
Tuy nhiên, phương pháp này để lại một sẹo lớn trên ngực và với các trẻ nhỏ, theo thời gian sự biến dạng lồng ngực có thể trở nên phức tạp hơn do sự phát triển không đồng đều của phần xương đã cắt.
Ngoài ra, điều trị bệnh lõm ngực sẽ có hiệu quả hơn phòng ngừa các biến chứng sau mổ nếu người bệnh được sự kết hợp với phương pháp trị liệu vật lý, các biện pháp giảm đau sau mổ. Tuy nhiên, khi tập luyện cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các chuyên gia.
Độ tuổi phù hợp để phẫu thuật lõm ngực
Hiện nay phẫu thuật Nuss kết hợp với video nội soi được ưu tiên sử dụng hàng đầu trên thế giới, kể cả những trường hợp mổ lại khi thanh di lệch hoặc trẻ lớn lên lồng ngực không phát triển đều thì phẫu thuật Nuss vẫn cho thấy hiệu quả chỉnh hình tốt vì ít tàn phá cấu trúc lồng ngực hơn.
Độ tuổi trung bình có thể phẫu thuật lõm ngực theo các chuyên gia là >6 tuổi. Trong khi đó, do sự tiến bộ về mặt dụng cụ và kỹ thuật mổ, nên một số tác giả chấp nhận phẫu thuật khi trẻ >2 tuổi, thường sẽ mổ ở độ tuổi 3-5 tuổi, vì ở tuổi này xương trẻ mềm mại, đang phát triển nên hình dáng lồng ngực sẽ được điều chỉnh dễ dàng. Lúc này trẻ chưa đi học, sẹo lành tốt, và lớn lên trẻ cũng ít nhớ đến phẫu thuật này.
Nhờ sự tiến bộ trong kỹ thuật nên cũng không có giới hạn độ tuổi không được phẫu thuật, theo các tác giả ở Mỹ, họ chủ động phẫu thuật ở tuổi dậy thì vì tại thời điểm này lồng ngực đã có hình dáng xác định và ít thay đổi, do đó điều trị đặt thanh nâng ngực xong hình dạng lồng ngực sẽ được giữ tốt hơn, đơn cử một vài báo cáo cho thấy phẫu thuật Nuss cũng được áp dụng ở người bệnh 70 tuổi.
Phẫu thuật đặt thanh nâng ngực có đau không?
Các phẫu thuật chỉnh hình liên quan đến xương đa phần sẽ đau, tuy nhiên tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm, làm chủ kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giảm đau hiệu quả, ít biến chứng, được áp dụng trong các phẫu thuật ở lồng ngực và bụng như mổ tim hở, nội soi lồng ngực, bệnh lý cắt phổi, phẫu thuật lõm ngực, ghép gan, ghép thận, cắt tử cung, cắt dạ dày, đại tràng…
Với kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống, tốc độ hồi phục của trẻ rất nhanh, trẻ có thể sớm trở về với hoạt động sinh hoạt bình thường, giảm đáng kể biến chứng phổi sau mổ. Ngoài ra kỹ thuật gây tê giảm đau khác như gây tê ngoài màng cứng vùng ngực cũng cho thấy hiệu quả tương tự.
Các biến chứng lõm ngực ở nam giới nếu không điều trị
Lõm ngực ở nam giới không chỉ khiến nhiều bạn bị mất tự tin về ngoại hình mà khi bệnh tiến triển nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng:
- Biến chứng ở tim: Khi vết lõm ở ngực nam giới quá sâu, sẽ gây chèn ép lên tim, phổi. Từ đó, làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, gây ra các triệu chứng khác như nhịp tim đập nhanh, khó thở, đau tức ngực,…
- Biến chứng ở phổi: Khoang lồng ngực lõm sẽ nhỏ nên phổi bị hạn chế co giãn ảnh hưởng đến thì hít vào và thở ra, tác động tiêu cực đến chức năng trao đổi khí của phổi.
- Về ngoại hình: Một số trẻ bị ngực lõm thường có dáng đứng hay khom người về phía trước, phần xương sườn và xương bả vai bị bè ra. Nếu là trẻ nhỏ sẽ không quá chú ý đến vấn đề ngoại hình, nhưng nếu trẻ đến tuổi vị thành niên thì sẽ bị tự tin, ngại mặc trang phục hở ngực, thường tránh các hoạt động thể chất có thể lộ khiếm khuyết trên cơ thể ra như bơi lội,…
- Về tâm lý: Lõm ngực ở những trẻ nhỏ hoặc trẻ đang chuẩn bị bước vào độ tuổi vị thành niên có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ mất tự tin, ngại giao tiếp, ngại chỗ đông người, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Lõm ngực ảnh hưởng đến hoạt động của nam giới như thế nào?
Nam giới luôn tự tin nhất là về phong độ, ngoại hình và thể hiện được sức mạnh của bản thân. Tuy nhiên, nếu lõm ngực ở thành niên sẽ khiến rất nhiều người giảm đi tự tin trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Vết lõm sâu vào bên trong xương ức khiến dáng đứng của phái mạnh không được thẳng, nhìn hơi cúi người về phía trước.
Không những vậy, các triệu chứng của bệnh lõm ngực còn ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất. Ví dụ nam giới ngại ngùng trong việc tham gia các môn thể thao mặc trang phục lộ ngực hoặc phải cởi trần. Nhiều người bị yếu sức khi vận động mạnh, dễ bị mệt, khó thở,…
Phòng ngừa lõm ngực ở nam như thế nào?
Bệnh ngực lõm là dị tật bẩm sinh khá phổ biến, xuất hiện từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Chính vì vậy, phương pháp phòng ngừa tốt nhất đó chính là tầm soát và quản lý thai kỳ chặt chẽ. Mẹ bầu cần đi khám thai theo định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện ra các bất thường của thai nhi, đặc biệt các bệnh liên quan đến đột biến gen thường gặp. Từ đó, sớm có biện pháp và chiến lược can thiệp kịp thời cho bé sau khi sinh.
Đối với các bé sau khi chào đời không có phát hiện lõm ngực, bố mẹ cũng nên thường xuyên đưa con đi kiểm tra, khám sức khỏe tổng thể để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh.
Tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về tim mạch, lồng ngực, mạch máu. Đồng thời, trang thiết bị, kỹ thuật, máy móc hiện đại, đầy đủ, giúp cho việc chẩn đoán chính xác và điều trị đem lại kết quả tốt hơn. Đặc biệt, với phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn tại bệnh viện, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Bệnh lõm ngực ở nam giới được điều trị càng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn. Nó giúp người bệnh tránh được các biến chứng ảnh hưởng đến tim, phổi cũng như khắc phục được khiếm khuyết về ngoại hình, tự tin hơn trong cuộc sống.