Khi cuộc phỏng vấn sắp kết thúc, nhà tuyển dụng thường hỏi: “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không”. Việc đặt câu hỏi có thể khó khăn, nhưng vẫn tốt hơn lời từ chối dù là lịch sự. Vậy, đâu là cách trả lời câu hỏi bạn có câu hỏi gì không?
Để tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng, các bạn ứng viên hãy cùng TopCV khám phá các mẹo trả lời câu hỏi “Bạn có câu hỏi gì không” nhé!
Nhà tuyển dụng muốn biết điều gì khi hỏi: “Bạn có câu hỏi gì không”?
Câu hỏi “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?” luôn xuất hiện trong bất cứ cuộc phỏng vấn xin việc nào. Lý do cho câu hỏi này rất đơn giản, nhà tuyển dụng muốn cho bạn cơ hội tìm hiểu thêm về công việc, doanh nghiệp, giúp bạn quyết định xem vài trò, công việc và môi trường làm việc có phù hợp với mong muốn của bạn hay không.
Ngoài ra, câu hỏi phổ biến này cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá xem liệu ứng viên của mình có chuẩn bị trước cho cuộc phỏng vấn hay không. Đồng thời, câu hỏi này cũng là câu hỏi báo hiệu cuộc phỏng vấn đã dần đi đến hồi kết.
Khám phá các công việc chất lượng đến từ hơn 200.000+ doanh nghiệp uy tín
Tìm việc ngay
Cách trả lời câu hỏi: "Bạn có câu hỏi gì không?"
Giống như tất cả các câu hỏi phỏng vấn khác, “Bạn có câu hỏi gì không?” mang đến cho các ứng viên cơ hội tạo dấu ấn trong mắt nhà tuyển dụng. Bằng cách hỏi những câu hỏi sâu sắc, bạn có thể kết thúc cuộc phỏng vấn đầy ấn tượng.
Ngoài ra, các cuộc phỏng vấn đều là sự tương tác hai chiều. Việc bạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng là một cách hay để xác định xem công ty và vai trò hiện tại có phù hợp với bạn hay không.
Sau đây là cách trả lời câu hỏi bạn có câu hỏi gì không mà bạn nên ghi nhớ:
Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng có thể đưa ra rất nhiều thông tin trong suốt cuộc phỏng vấn, và có thể “vô tình” trả lời những câu hỏi mà bạn định hỏi. Vì thế, hãy cân nhắc chuẩn bị tối đa 10 câu hỏi, viết ra sổ tay để mang theo khi đi phỏng vấn.
Khi phỏng vấn, hãy chọn 2-3 câu mà nhà tuyển dụng chưa đề cập đến trước đó để hỏi. Nên chọn những câu hỏi chứng tỏ bạn đã tham gia và lắng nghe kỹ lưỡng những điều nhà tuyển dụng chia sẻ.
Khám phá các mẫu CV chất lượng, gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng
Tạo CV ngay
Đặt các câu hỏi mở
Quan trọng nhất, cách trả lời câu hỏi bạn có câu hỏi gì không là: Luôn đặt những câu hỏi mở chứ không phải những câu có thể trả lời bằng “có” hoặc “không”.
Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi mang tính chất tìm hiểu thêm về mục tiêu của công ty và vai trò của vị trí ứng tuyển hiện tại. Tuy nhiên, hãy đảm bảo bỏ qua bất cứ câu hỏi nào mà các phương tiện truyền thông hay các tài liệu về doanh nghiệp đã cung cấp rõ. Bởi vì những câu hỏi như thế sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn chẳng chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn cả.
Sẵn sàng “biến tấu” trước những người phỏng vấn khác nhau
Các câu hỏi của bạn có thể thay đổi tùy thuộc vào người phỏng vấn. Ví dụ, nếu bạn phỏng vấn với bộ phận nhân sự, câu hỏi sẽ tập trung vào quá trình phỏng vấn hoặc về tổ chức công ty. Nếu bạn phỏng vấn với người quản lý bộ phận, bạn có thể đặt những câu hỏi cụ thể về vai trò dự định của bạn hoặc về quy trình tuyển dụng nhân viên mới.
Nghiên cứu kỹ về công ty
Hãy nghiên cứu trang web chính thức, các bài báo gần nhất viết về công ty đó để hiểu được giá trị, sứ mệnh của tổ chức mà bạn đang ứng tuyển. Sử dụng những thông tin thu thập được để tạo thành những câu hỏi sâu sắc hơn về lịch sử và lộ trình phát triển của công ty sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn về bạn.
Tránh các chủ đề nhạy cảm
Các chủ đề cần tránh khi đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn là các câu hỏi về cuộc sống cá nhân của người phỏng vấn, các hoạt động không liên quan đến công việc, thông tin có sẵn và các câu hỏi về lương thưởng, chế độ (trừ khi đó là cuộc phỏng vấn thứ hai hoặc thứ ba với cùng một công ty).
Tập dượt trước
Hãy nghĩ về cuộc phỏng vấn như cuộc trò chuyện thân thiện và gần gũi. Tập trả lời các câu hỏi từ ở nhà sẽ giúp bạn thoải mái và tự tin hơn trong ngày phỏng vấn. Đừng ngần ngại tập luyện trước gương, hay tập nói với bạn bè để được góp ý về ngôn ngữ cơ thể.
>>> Tìm hiểu thêm: Cách trả lời phỏng vấn xin việc thông minh được lòng nhà tuyển dụng
Những điều cần hỏi nhà tuyển dụng
Vậy, trước câu hỏi “Bạn có câu hỏi gì không”, các ứng viên nên hỏi về những vấn đề gì? Dưới đây là những chủ đề ứng viên nên hỏi nhà tuyển dụng khi phỏng vấn:
- Những chủ đề nên hỏi nhà tuyển dụng khi cuộc phỏng vấn gần kết thúc
- Vai trò cụ thể của bạn với vị trí đang ứng tuyển.
- Lộ trình thăng tiến của vị trí đó trong tương lai gần.
- Cơ hội phát triển chuyên môn, nghiệp vụ tại công ty đang ứng tuyển.
- Đội nhóm, đồng nghiệp, những người cùng phòng ban và hỗ trợ công việc cho bạn.
- Văn hóa công ty.
- Kinh nghiệm riêng của người phỏng vấn bạn (nếu là người quản lý trực tiếp của bạn).
- Quy trình phỏng vấn tiếp theo.
>>> Tìm hiểu thêm: Tuyển tập câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn và cách trả lời hay nhất!
Top những câu hỏi nhà tuyển dụng muốn nghe
Để giúp bạn tiết kiệm thời gian chuẩn bị cho buổi phỏng vấn gần nhất, TopCV đã liệt kê danh sách những câu hỏi chi tiết mà nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao:
Câu hỏi về công việc
Loại câu hỏi này giúp cho người phỏng vấn nhận thấy rằng bạn đang rất nghiêm túc với việc đảm nhận công việc ở công ty này. Đây có thể là những câu hỏi sâu sắc, ngoài việc gây ấn tượng với người phỏng vấn, còn mang lại cho bạn những thông tin có giá trị:
- Anh/chị có thể chia sẻ thêm về công việc hàng ngày của vị trí này không?
- Nếu tôi trúng tuyển vào vị trí này, anh/chị muốn tôi đạt được điều gì trong hai tháng thử việc đầu tiên?
- Có những cơ chế nào để đánh giá hiệu suất làm việc và khi nào tôi sẽ nhận được đánh giá chính thức đầu tiên của mình?
- Theo bạn, chỉ số quan trọng nhất để thành công ở vị trí này là gì?
- Vị trí này có thể phát triển như thế nào trong 6 tháng tới? Trách nhiệm của vị trí này có thể thay đổi không?
- Để làm tốt nhất công việc ở vị trí này, điểm mạnh quan trọng nhất là gì?
- Những thách thức lớn nhất mà vị trí này cần đối mặt là gì?
- Tôi sẽ làm việc với mức ngân sách như thế nào?
Câu hỏi về lộ trình thăng tiến
Loại câu hỏi này giúp bạn hiểu rõ hơn về sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nghề nghiệp.
- Những nhân viên trước đây làm vị trí này đã thăng tiến đến chức vụ nào?
- Công ty mình có hỗ trợ các chương trình đào tạo hoặc trợ cấp gì để phát triển kỹ năng chuyên môn và lộ trình thăng tiến ở vị trí này không?
- Công ty mình có chấp nhận việc thuyên chuyển vị trí giữa các bộ phận không?
Câu hỏi về văn hóa công ty
Khi nghe thấy loại câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ rất hài lòng vì thấy rằng bạn đã nghiêm túc muốn trở thành một phần của doanh nghiệp họ.
- Phong cách quản lý ở công ty mình như thế nào?
- Thách thức lớn nhất mà công ty đang phải đối mặt là gì?
- Mục tiêu lớn nhất của công ty trong năm tới là gì?
- Điều gì khiến cho nhân viên hạnh phúc khi đến công ty làm việc mỗi ngày?
- Anh/chị đã làm việc ở công ty bao lâu rồi? Anh chị mong muốn xây dựng một văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
Câu hỏi về bản thân bạn
Bạn có thể sử dụng loại câu hỏi này để biết nhà tuyển dụng nhìn nhận bạn là ứng viên như thế nào.
- Anh/chị cho rằng tôi còn thiếu bất kỳ bằng cấp nào để ứng tuyển thành công vào vị trí này không?
- Anh/chị đánh giá tôi cần cải thiện những kỹ năng hay chuyên môn nghiệp vụ gì để thực hiện tốt nhất công việc ở vị trí này?
- Anh/chị thấy điểm yếu nào của tôi là trở ngại lớn nhất với công việc này?
>>> Tìm hiểu thêm: Bí quyết giới thiệu bản thân ấn tượng cho buổi phỏng vấn xin việc
Câu hỏi về cuộc phỏng vấn tiếp theo
Cần hiểu rõ về các bước phỏng vấn tiếp theo để đặt kỳ vọng cho phù hợp. Hãy sử dụng những giây phút cuối cùng của buổi phỏng vấn để đặt những câu hỏi này.
- Các bước tiếp theo của cuộc phỏng vấn này là gì?
- Có bất cứ gì tôi có thể làm để thể hiện rõ sự hứng thú của tôi đối với vị trí này không?
- Có bất cứ điều gì khác mà anh/chị muốn biết về tôi không?
- Khi nào anh/chị sẽ thông báo về kết quả của buổi phỏng vấn?
>>> Tìm hiểu thêm: Các câu hỏi phỏng vấn và câu trả lời hay nhất cho mọi cấp độ, mọi ngành nghề
Những điều không nên hỏi nhà tuyển dụng
Trong cách trả lời câu hỏi bạn có câu hỏi gì không, điều tối kỵ là không đề cập đến các chủ đề nhạy cảm. Sau đây là những điều bạn tuyệt đối không nên hỏi nhà tuyển dụng:
- Các hoạt động ngoài giờ làm việc: Bạn có thể đặt câu hỏi về văn hóa doanh nghiệp nhưng hãy tránh xa các câu hỏi tập trung vào hoạt động ngoài công việc, như là giờ nghỉ giải lao, bữa trưa, thời gian nghỉ phép hoặc số giờ làm việc mỗi ngày. Những câu hỏi này khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn không quan tâm nhiều đến công việc mà chỉ muốn hưởng thụ.
- Cuộc sống cá nhân của người phỏng vấn: Không hỏi về gia đình, hoàn cảnh sống, tình trạng hôn nhân, đời sống tinh thần của người phỏng vấn vì họ sẽ đánh giá bạn là người thích nói chuyện phiếm, dễ tạo các tin đồn thất thiệt trong văn phòng.
- Những điều bạn có thể tự trả lời: Đây là những câu hỏi lãng phí thời gian và sẽ không được đánh giá cao, vì nhà tuyển dụng mong đợi bạn đã nghiên cứu kỹ thông tin công ty và đã nắm được những điều cơ bản.
- Lương và phúc lợi: Nếu đó là vòng phỏng vấn đầu tiên, hỏi về lương và phúc lợi chứng tỏ bạn không quan tâm đến công việc mà chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân.
- Câu hỏi phức tạp hoặc có quá nhiều vấn đề cần giải thích: Câu hỏi thế này có thể khiến người phỏng vấn choáng ngợp. Chỉ nên đặt một câu hỏi tại một thời điểm mà thôi.
Có thể thấy cách trả lời câu hỏi bạn có câu hỏi gì không không khó. Chỉ cần một chút mẹo nhỏ cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ có thể trở thành một ứng viên khéo léo và tinh tế trong mắt nhà tuyển dụng. Với những kiến thức được chia sẻ trên đây, hy vọng rằng bạn sẽ thành công vượt qua buổi phỏng vấn và có được công việc như ý.
Để tham khảo thêm các việc làm hấp dẫn khác hiện đang được tuyển dụng trên toàn quốc, bạn hãy truy cập vào chuyên trang tuyển dụng TopCV. Cùng với công cụ tạo CV chuyên nghiệp theo từng ngành nghề mà TopCV cung cấp, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ngay từ vòng hồ sơ!
Nguồn ảnh: Sưu tầm