1. Mụn cám là gì?
Mụn cám là tình trạng lỗ chân lông bị tắc, biểu hiện bằng những nốt nhỏ li ti thường xuất hiện ở các vùng da như mũi, cằm, má, khiến da trở nên sần sùi và thô ráp. Một số trường hợp mụn cám có thể mọc ở lưng, ngực, và vai. Loại mụn này có nhân màu trắng hoặc vàng đục, ngả về màu đen, không sưng, không viêm hay đau nhức. Cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì thường mọc mụn cám. Ngoài ra, phụ nữ mang thai thay đổi nội tiết tố cũng dễ nổi mụn cám.
Sự tắc nghẽn lỗ chân lông ban đầu gây ra mụn cám, nhưng nếu da không được chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác:
- Mụn đầu đen: Do lỗ chân lông giãn to và thông với môi trường bên ngoài nên nhân mụn bị oxy hóa thành màu đen, chứa đầy bã nhờn và bụi bẩn.
- Mụn mủ: Bụi bẩn bên trong lỗ chân lông có thể dẫn đến viêm nhiễm, nổi mẩn đỏ, sưng tấy và mưng mủ.
Việc chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng để ngăn ngừa và điều trị mụn cám, giúp da luôn khỏe mạnh và mịn màng.
2. Nguyên nhân gây ra mụn cám ở mũi?
Mụn cám là những hạt nhỏ li ti mọc trên da mặt, thường tập trung nhiều ở vùng mũi, có màu trắng hoặc đen, gây ra do tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông bởi dầu thừa, tế bào da chết và bụi bẩn. Nguyên nhân gây ra tình trạng mụn cám ở mũi rất đa dạng và có thể kể đến như:
Rối loạn nội tiết tố
Mụn cám ở mũi có thể phát triển do sự rối loạn nội tiết, đặc biệt là trong giai đoạn tuổi dậy thì khi hormone sinh dục tăng cao. Những sự thay đổi này ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến dầu nhờn trên da, kết hợp với bụi bẩn và tế bào chết sẽ hình thành mụn cám ở trên mũi.
Vệ sinh da không đúng cách
Mụn cám tương tự như mụn đầu đen, xuất hiện khi lỗ chân lông bị bít tắc. Khi lỗ chân lông chứa quá nhiều dầu nhờn và tế bào da chết, bụi bẩn, những tạp chất này có thể cứng lại và gây bít tắc lỗ chân lông. Khi đó, các tuyến dầu tiếp tục tạo dầu nhưng không thể thoát ra được, dẫn đến việc hình thành mụn cám.
Vì vậy, nếu bạn vệ sinh và chăm sóc da không đúng cách, đây cũng là một nguyên nhân gây ra mụn cám trên mũi. Ngoài ra, khi bạn không tẩy trang hoặc làm sạch da mỗi ngày bằng sữa rửa mặt có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn cám ở mũi cùng các vấn đề về da khác.
Thiếu ngủ và stress kéo dài
Sự thiếu ngủ và căng thẳng kéo dài có thể gây suy yếu hệ miễn dịch và rối loạn nội tiết, không chỉ dễ dàng gây ra mụn cám ở vùng mũi mà còn có thể dẫn đến kích ứng da và nhiễm trùng da. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực và hệ quả không tốt cho sức khỏe của bạn.