Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho con khi vừa mới chào đời. Đối với trẻ có nguồn sữa mẹ không đầy đủ mà phải bổ sung thêm bằng sữa công thức, cách pha sữa thực sự là một bài học cơ bản nhưng vô cùng quý giá mà các bậc cha mẹ cần phải “thuộc lòng”.
1. Pha sữa với nước gì thì tốt?
Từ trước đến giờ, mọi người thường pha sữa với nước sôi với suy nghĩ là nước sôi sẽ giúp “sữa chín”, dễ khuấy tan và tiêu diệt vi trùng. Thực tế không phải vậy. Nếu pha sữa với nước nóng, nhiệt độ quá cao của nước sẽ khiến cho các thành phần dinh dưỡng của sữa dễ dàng bị tiêu hủy, không còn đảm bảo cung cấp cho cơ thể. Điều này vô tình làm giảm chất lượng sữa một cách đáng tiếc.
Nếu pha sữa với nước lạnh thì sữa sẽ khó tan. Không chỉ như vậy, nhiệt độ lạnh sẽ khiến các men trong hệ tiêu hóa non nớt của trẻ không hoạt động tốt. Ngoài ra, do trẻ có các cữ bú sữa mẹ với nhiệt độ tương tự thân nhiệt trong khi nguồn sữa công thức lại có nhiệt độ thấp hơn, trẻ sẽ khó chịu, quấy khóc không chịu bú. Vậy nên, nhiệt độ của nước pha sữa cho bé là nước ấm.
Pha sữa với nước ấm từ 40 đến 50oC. Một số cha mẹ thường dùng một phần nước sôi pha với hai phần nước nguội để tạo thành nước ấm. Điều này trông có vẻ tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích.
Thay vào đó, nên dùng một ly nước đun sôi và đặt trong một thau nước lạnh để nguội dần dùng pha sữa cho bé ngay sau đó. Bởi lẽ nước dùng pha sữa không được để nguội trong nhiệt độ phòng quá hai giờ, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
2. Pha sữa bao nhiêu thì được?
Tùy theo thể tích mỗi cữ bú của trẻ, chỉ pha một lượng vừa đủ cho mỗi cữ. Nếu cữ bú trước bé bú ít, cữ bú sau có thể tăng hơn một chút và ngược lại. Trong trường hợp bé bú liên tục các cữ đều hết lượng sữa đã pha, ở các cữ sau mẹ có thể tùy chỉnh lượng tăng dần, tuy nhiên không có thái độ thúc ép trẻ.
Theo đó, lượng sữa cần pha phải tùy chỉnh vào độ tuổi, cân nặng của trẻ và chính bản thân của trẻ, không có công thức cố định cho tất cả các trường hợp. Hơn thế nữa, luôn phải ghi nhớ rằng, đối với bé trước sáu tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng vẫn là sữa mẹ. Việc bú quá nhiều sữa ngoài sẽ khiến cho bé không bú đủ sữa mẹ trong khi sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng được ưu tiên.
3. Làm gì với sữa thừa lại sau mỗi cữ bú?
Nhiều cha mẹ muốn tiện lợi nên chỉ pha một bình sữa và dùng cho trẻ bú suốt trong đêm mà quên mất rằng sữa đã pha để lâu trong môi trường sẽ trở thành nguồn nhiễm trùng cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Cần tính toán trước mỗi lần pha sữa để lượng sữa không thừa không thiếu. Nếu trẻ không bú hết, lượng sữa còn dư nên tiêu hủy. Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh và hâm nóng lại để cho trẻ bú tiếp. Lý do là vì nhiệt độ thay đổi sẽ khiến cho các thành phần dinh dưỡng của trẻ không còn được đảm bảo. Đồng thời, sữa thừa còn có nguy cơ ô nhiễm hay sữa sẽ bị vón cục, tách lớp dễ khiến bé gặp rối loạn tiêu hóa.
4. Pha sữa với nước trái cây được không?
Một số cha mẹ cho rằng nếu pha sữa với nước trái cây sẽ giúp có mùi vị thơm ngon, trẻ sẽ thích thú. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải như vậy. Loại nước dùng pha sữa cho trẻ được khuyến cáo duy nhất chỉ là nước lọc hoàn toàn. Mọi loại nước khác đều không phù hợp, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm.
Mặc dù trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, với trẻ dưới sáu tháng thì không có gì tốt hơn hết ngoài sữa. Đến khi trẻ lớn dần lên, mẹ có thể tập cho bé dùng thêm nước trái cây; tuy nhiên, cần cách xa các cữ bú. Lý do là vì trong trái cây có chứa nhiều vitamin C và một số axit hữu cơ, các chất này kết hợp với protein trong sữa làm sữa vón cục, trẻ sẽ khó tiêu, đầy bụng, dễ nôn ói và bị sặc khi nằm.
Ngoài ra, cũng không được dùng nước rau, nước canh, nước cháo, nước súp, nước luộc thịt, nước khoáng... để pha sữa cho trẻ. Những điều tốt có thể đem đến thì chưa chắc chắn trong khi lại tiềm ẩn nguy cơ rất cao làm tổn thương hệ tiêu hóa mong manh của trẻ, vốn hình thành chưa đầy đủ các enzyme để tiêu hóa tất cả nguồn thức ăn.
5. Đảm bảo vệ sinh mỗi lần pha sữa
Trước mỗi lần pha sữa cho trẻ, người chăm sóc cần đảm bảo có một đôi bàn tay đã được chà rửa với xà phòng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bàn tay người chăm sóc là tác nhân gây lây nhiễm cho trẻ khi vừa pha sữa, cho trẻ bú, vừa vệ sinh, thay tã cho trẻ.
Sau mỗi cữ bú, bình sữa, núm vú, ly chén, thìa khuấy, thìa gạt sữa cần được rửa kỹ lưỡng với xà phòng dưới vòi nước chảy. Loại xà phòng vệ sinh cần đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Chú ý dùng cọ chà rửa các mặt trong và ngoài, nhất là kẽ quanh miệng bình, nắp đậy. Sau đó nên để ráo hay phơi khô dưới ánh nắng, bảo quản trong hộp tránh bụi. Trước mỗi lần pha sữa, không quên tráng lại trong nước sôi. Đồng thời việc này cũng làm nóng bình, giúp tăng khả năng giữ nhiệt cho sữa sau pha.
Mặc dù hiện nay có rất nhiều lựa chọn để tiệt trùng bình sữa một cách an toàn, bao gồm đun sôi, dùng lò vi sóng, máy rửa chén, tuy nhiên việc sử dụng máy hâm và tiệt trùng bình sữa vẫn là giải pháp tiện lợi, dễ sử dụng và tiết kiệm thời gian nhất. Chính vì vậy, việc lựa chọn một thiết bị hâm và tiệt trùng phù hợp được nhiều người quan tâm. Máy hâm sữa, tiệt trùng và sấy khô Moaz Bébé MB - 005 được đánh giá là trợ thủ đắc lực cho các bà mẹ, với các tính năng nổi bật như:
- Thiết kế tinh tế và công nghệ hiện đại với khoang tiệt trùng rộng rãi, chứa được cùng lúc 5 - 6 bình sữa, núm ti. Máy được thiết kế vừa với tất cả bình cổ rộng và có thể tiệt trùng cả bát thìa ăn dặm của trẻ.
- Chức năng hâm sữa và tiệt trùng sấy khô hoạt động độc lập với nhau, có chuông báo kèm theo khi hoàn thành mỗi quy trình.
Tuy nhiên bố mẹ cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ đồ vật, vẩy qua nước cho ráo rồi mới cho vào máy tiệt trùng vì vi khuẩn dễ sinh sôi trong môi trường ẩm ướt nên khuyên bạn nên sấy khô trước khi tiệt trùng. Cha mẹ cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng dòng máy để việc khử khuẩn được an toàn và hiệu quả.
Pha sữa cho trẻ là việc tưởng dễ nhưng lại không đơn giản chút nào. Mọi thao tác, cách thức cũng đều cần học hỏi, tra cứu, nhất là đối với các bậc lần đầu làm cha mẹ. Chỉ khi làm được như vậy mới an tâm đem đến những điều tốt đẹp trọn vẹn cho con.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.