Chuối là loại quả thơm ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tất cả các bộ phận của cây chuối đều có những tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Nếu vẫn còn thắc mắc, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những lợi ích của cây chuối qua bài viết dưới đây nhé!
Lợi ích của quả chuối
Về mặt khoa học, chuối là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Một số tác dụng của quả chuối có thể kể đến là:
- Thúc đẩy quá trình sản xuất huyết sắc tố trong máu do hàm lượng sắt cao nên rất tốt cho người mắc bệnh thiếu máu.
- Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa bằng cách ổn định hoạt động của nhu động ruột, hạn chế tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy ở người bệnh.
- Bổ sung một lượng lớn kali cho cơ thể, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của não bộ và phòng tránh các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh như: Động kinh, Parkinson, Alzheimer, đau nửa đầu, u não,...
- Hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm, do trong chuối có chứa nhiều protein serotonin, sẽ làm tăng cảm giác hạnh phúc và thư giãn.
- Phụ nữ trong giai đoạn mang thai ăn nhiều chuối cũng có thể giải quyết được tình trạng buồn nôn, ốm nghén và trào ngược dạ dày.
- Hỗ trợ rất tốt cho người có cơn nghiện thuốc lá nhờ vào các loại vitamin A, B, B6, B12, C, kali và magie có trong quả chuối.
- Chất kali trong chuối có khả năng ổn định nhịp tim, cũng như cân bằng lượng lượng nước có trong cơ thể để phòng ngừa tình trạng rối loạn chất lỏng.
- Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng chuối là loại trái cây giàu carbohydrate, là một trong những chất quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Vì vậy, những người bị thừa cân, béo phì được khuyến khích nên ăn một trái chuối sau mỗi 2 - 3 giờ.
- Công thức mặt nạ với một quả chuối chín nghiền nhuyễn, sau đó đắp lên mặt rất tốt cho da, nhất là trong việc giữ ẩm, cung cấp dưỡng chất và nuôi dưỡng làn da mệt mỏi và khô.
Lợi ích của cây chuối
Ngay cả khi đã thu hoạch buồng chuối, thân cây chuối cũng có thể được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Thông thường, người ta sẽ bóc các lớp vỏ cứng bên ngoài đi và tận dụng phần thân bên trong. Dưới đây là những lợi ích của cây chuối đặc trưng:
- Đẩy nhanh hiệu quả của quá trình giảm cân: Bạn có thể chế biến thân cây chuối như một loại rau và ăn từ 25 - 40g mỗi ngày.
- Kiểm soát tình trạng huyết áp cao nhờ vào hàm lượng kali và vitamin B6 dồi dào, sẽ thúc đẩy cơ thể sản xuất insulin cũng như huyết sắc tố.
- Lợi tiểu và giải độc cho cơ thể.
Bên cạnh đó, thân cây chuối còn có tính dược liệu. Vì vậy, một trong những lợi ích của cây chuối là hỗ trợ điều trị hiệu quả tình trạng bệnh sỏi thận. Ngoài ra, nó còn được áp dụng trong quá trình hỗ trợ chữa trị các triệu chứng như:
- Ho khan;
- Ợ chua;
- Thiếu máu;
- Nhiễm trùng đường tiểu,...
Lợi ích của hoa chuối
Tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, hoa chuối là một loại rau được nhiều người vô cùng yêu thích. Hoa chuối thường mọc ở cuối buồng chuối, có hình bầu dục, nhọn ở hai đầu và lớp vỏ bên ngoài có màu đỏ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hoa chuối chứa một lượng lớn vitamin, flavonoid và protein.
Do đó, ngay từ thời xa xưa, các bài thuốc Nam đã sử dụng hoa chuối cho người bệnh viêm phế quản, táo bón và giảm viêm, tiêu sưng ở các vết loét. Các chiết xuất của hoa chuối có đặc tính chống oxy hóa mạnh, có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Từ đó, hạn chế các tổn thương ở tế bào và mô. Không những vậy, hoa chuối còn có thể làm giảm các cơn đau bụng kinh ở phụ nữ.
Lợi ích của lá chuối
Nhắc đến lá chuối, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến công dụng để gói, bọc thực phẩm khi nấu nướng. Trên thực tế, lá chuối cũng rất bổ dưỡng, cung cấp lượng vitamin C và kali dồi dào. Mặc dù không dùng để ăn nhưng khi hấp lên, các chất dinh dưỡng có trong lá chuối, đặc biệt là polyphenol cũng sẽ ngấm vào thức ăn. Từ đó, tạo ra mùi thơm đặc trưng và hương vị thơm ngon, hấp dẫn.
Theo tính toán, chuối đỏ thường có hàm lượng kali và vitamin C cao hơn gấp nhiều lần so với những loại chuối khác. Vỏ chuối càng đỏ thì hàm lượng dưỡng chất càng cao.
Cần lưu ý gì khi sử dụng chuối?
Chuối được đánh giá là rất lành tính và tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc bổ sung sai cách cũng có thể kéo theo những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bạn cần lưu ý kỹ những nguyên tắc sau:
- Không ăn chuối cùng dưa hấu, đặc biệt là những người mắc bệnh suy thận và viêm khớp.
- Không ăn chuối vào bữa sáng vì nó dễ gây buồn ngủ, kém tỉnh táo.
- Lượng đường trong chuối là rất lớn nên người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ loại thực phẩm này.
- Không ăn chuối cùng khoai lang và khoai sọ để tránh gây đau bụng, đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng.
- Người có tiền sử bị đau dạ dày chỉ nên ăn chuối chín và ăn chuối sau khi dùng bữa để trung hòa lượng axit có trong dạ dày.
- Chuối có rất nhiều kali nên sẽ gây áp lực lên thận, làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh suy thận.
- Nếu hỗ trợ chữa bệnh bằng thân cây chuối, bạn không nên dùng quá 300ml nước chiết xuất từ thân cây chuối/ngày để tránh bị đau dạ dày.
Cách chọn chuối thơm ngon, giàu dinh dưỡng
Những mẹo sau đây sẽ giúp bạn chọn được quả chuối thơm ngon và giàu dinh dưỡng:
- Quan sát phần cuống: Nải chuối chín tự nhiên sẽ có phần cuống và thân quả chín đồng thời với nhau. Trường hợp nải chuối cuống có màu xanh nhưng trái chuối đã chín ngả vàng đều thì phần nhiều là đã được ngâm hóa chất.
- Quan sát vỏ quả: Quả chuối chín tự nhiên sẽ có vỏ mang màu vàng sẫm, trên vỏ thường hiện diện những đốm nâu, đen thưa thớt và không đều nhau, bóp nhẹ quả sẽ cảm nhận được độ mềm mại của thịt.
- Quan sát ruột quả: Khi bóc vỏ chuối và ăn, phần thịt chuối chín ép sẽ có vị hơi chát và thậm chí một số quả sẽ hơi sượng như cơm sống. Chuối chín tự nhiên hoàn toàn không mang vị chát mà rất ngọt và ngon.
Trên đây là những lợi ích của cây chuối mà bạn có thể tận dụng để hỗ trợ điều trị bệnh nói riêng và nâng cao sức khỏe nói chung. Hãy bổ sung chuối thường xuyên trong các bữa ăn để tăng cường chất dinh dưỡng cho cơ thể, bạn nhé!
Xem thêm: Nhận biết thực phẩm giàu nitrat lành mạnh và không lành mạnh