Hầu hết các hiện tượng trong tự nhiên hay trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta gặp phải đều có thể giải thích dựa theo hiện tượng vật lý. Vậy hiện tượng vật lý là gì? Hãy cùng M5s News khám phá qua bài viết sau đây nhé!
1. Hiện tượng vật lý là gì? Cho ví dụ minh họa
Hiện tượng vật lý là hiện tượng thay đổi về tính chất vật lý, trạng thái vật chất (rắn, lỏng, khí), nhiệt độ, thể tích của một chất mà không làm thay đổi thành phần hóa học của nó và không sinh ra chất mới.
Ví dụ về hiện tượng vật lý:
- Cho nước vào ngăn đông tủ lạnh sẽ thu được nước đá. Lúc này nước chuyển từ thể lỏng sang thể rắn.
- Thủy ngân trong nhiệt kế nở ra do tiếp xúc với nhiệt độ cao.
- Hơi nước bốc lên bầu trời trở thành những đám mây.
Xem thêm bài viết liên quan: Nhà vật lí Hedwig Kohn: Nữ giáo sư tài ba ở thế kỷ 20
Hiện tượng vật lý được chia thành bao nhiêu nhóm?
Chúng ta có thể chia thành những nhóm sau đây:
- Cơ học: là hiện tượng các vật thể chuyển động tương đối với nhau như: lực hút của Trái Đất quanh Mặt trời, chuyển động của ô tô, chuyển động của máy bay,....
- Âm thanh: là sự lan truyền âm thanh trong một môi trường nào đó, như trong không khí hoặc nước. Ví dụ: âm thanh của máy bay trên bầu trời, radio phát âm thanh,...
- Hiện tượng nhiệt: xảy ra khi đốt nóng và làm lạnh các vật thể như đun sôi nước, băng tan, sương mù,...
- Hiện tượng quang học: là hiện tượng xảy ra trong quá trình truyền, khúc xạ và phản xạ ánh sáng như cầu vồng, hào quang mặt trời, cực quang,...
- Từ tính: là hiện tượng gắn liền với các tính chất của một vật dưới tác động của từ trường, ví dụ như nam châm hút kim loại sắt, mũi tên la bàn chỉ về hướng Bắc,...
- Hiện tượng: điện là hiện tượng xảy ra khi có sự tồn tại, chuyển động và tương tác của các điện tích: sấm sét kèm theo giông bão, kim loại nhiễm điện,...
>>Xem thêm kiến thức hữu ích: Thứ tự kim loại dẫn điện tốt nhất (giải thích chi tiết)
2. Các hiện tượng vật lý trong cuộc sống
2.1 Vì sao chúng ta không cảm nhận được Trái Đất đang quay?
Nếu bạn đã từng chơi đu quay, bạn sẽ biết rằng khi quay tròn, bạn sẽ có cảm giác như mình sắp văng ra xa, đây được gọi là lực hướng tâm. Tuy nhiên, Trái đất cũng đang tự quay với tốc độ khoảng 1.675 km/h (tức 465 mét/giây) và quay quanh Mặt trời với tốc độ khoảng 107.000 km/h. Vậy tại sao chúng ta không cảm nhận được trái đất đang chuyển động và tác động lên cơ thể chúng ta như khi chơi đu quay?
Câu trả lời đó là do tất cả chúng ta kể cả bầu khí quyển đều đang quay cùng tốc độ với Trái Đất. Bên cạnh đó, chúng ta bị lực hấp dẫn của Trái đất giữ lại, nên sẽ không bị văng ra ngoài vũ trụ cũng như không cảm nhận được sự chuyển động của Trái Đất.
Ví dụ, nếu bạn đang ở trong một chiếc xe khách di chuyển với tốc độ không đổi, bạn vẫn có thể đứng dậy và di chuyển xung quanh mà không cảm thấy chuyển động. Lý do rất đơn giản, do bạn, xe khách và mọi thứ bên trong xe đều đang di chuyển cùng tốc độ. Để cảm nhận sự chuyển động này, bạn phải nhìn cây cối, nhà cửa bên ngoài cửa sổ.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất ngừng quay hoặc đổi hướng đột ngột?
Tương tự như cú đạp phanh của xe khách khiến bạn sẽ bị mất thăng bằng, thì ở Trái Đất, trong khi bầu khí quyển sẽ tiếp tục chuyển động với tốc độ 465 m/s và quét sạch mọi thứ trên mặt đất kể cả con người.
2.2 Hiện tượng thủy triều đỏ
"Thủy triều đỏ" là hiện tượng tảo nở hoa có hại thường xuất hiện ở các vùng ven biển hoặc sông. Vậy ở ví dụ này, hiện tượng vật lý là gì?
Thủy triều đỏ xảy ra khi quần thể một số loại tảo được gọi là tảo hai roi bùng nổ số lượng, khi hàng triệu tảo siêu nhỏ này sinh sản và tụ lại ở một khu vực của đại dương, chúng có thể làm thay đổi màu nước, nó có thể có màu đỏ rỉ sét, hồng, nâu cam hoặc vàng.
Những loại vi tảo này có thể tạo ra chất độc giết chết các loài động vật sống dưới nước như cá, nghêu, ốc,.... Đối với con người khi tiếp xúc với thủy triều đỏ trong thời gian dài có thể gây suy nhược cơ thể hoặc nếu lỡ ăn phải sinh vật nhiễm độc sẽ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như ho, hắt hơi, tê liệt hệ thần kinh,...
2.3 Hiện tượng hoa sương giá
Hoa sương được hình thành khi những lớp băng mỏng được đùn ra từ thân cây vào mùa thu hoặc đầu mùa đông. Những lớp băng mỏng này thường tạo thành những hoa văn tinh xảo cuộn tròn thành bông hoa. Đây là hiện tượng vật lý khá hiếm gặp do sự đòi hỏi cao về điều kiện thời tiết.
Sự hình thành của hoa sương giá phụ thuộc vào nhiệt độ không khí đóng băng nhưng mặt đất vẫn đủ ấm để hệ thống rễ của cây hoạt động. Khi độ ẩm trong cây đóng băng, các tinh thể băng sẽ đẩy nhựa cây ra ngoài qua thân cây tạo thành các sợi mỏng giống như dải ruy băng và cuộn lại như những cánh hoa. Chúng ta chỉ có thể quan sát hiện tượng này trong đêm hoặc sáng sớm khi mặt trời chưa lên cao.
3. Hiện tượng hóa học là gì?
Hiện tượng hóa học là hiện tượng trong đó các vật chất xảy ra những biến đổi về thành phần hóa học, phản ứng với nhau để hình thành một chất mới được gọi là phản ứng hóa học.
Hiện tượng hóa học không chỉ có trong các phòng thí nghiệm mà nó còn xảy ra xung quanh chúng ta. Cơ thể con người tồn tại và phát triển đều nhờ các phản ứng hóa học. Ví dụ: quá trình hô hấp và tiêu hóa của con người, thức ăn để lâu bị ôi thiu, cây cối quang hợp,...
4. Sự khác nhau giữa hiện tượng vật lý và hóa học
Sự khác biệt chính giữa hiện tượng vật lý và hóa học đó là sự thay đổi thành phần hóa học của một vật, có sinh ra chất mới được xác định là hiện tượng hóa học. Trong khi đó, trường hợp không sinh ra chất mới mà chỉ làm thay đổi tính chất vật lý, trạng thái vật chất của một vật thì đây là hiện tượng vật lý.
Đôi khi chúng ta rất khó nhận biết sự khác biệt giữa hai hiện tượng này, đặc biệt là khi cả hai xảy ra cùng một lúc. Ví dụ: Khi bạn đốt cháy củi, sẽ xảy ra chuỗi phản ứng hóa học và vật lý phức tạp. Một mặt, đây là quá trình phản ứng với oxy hóa khử ở nhiệt độ cao giữa chất đốt và chất oxy hóa. Trong khi đó, quá trình này cũng có bức xạ điện từ nhiệt và ánh sáng mạnh xảy ra, đây là hiện tượng vật lý.
Vậy cách phân biệt hiện tượng hóa học và hiện tượng vật lý là gì?
Để xác định những thay đổi về trạng thái vật chất hay tính chất hóa học, bạn hãy tự đặt những câu hỏi sau:
(1) Vật thể có sự thay đổi về trạng thái vật chất (rắn, lỏng, khí) hay không?
(2) Vật chất có bị thay đổi về một số đặc tính vật lý nhất định như mật độ, hình dạng, nhiệt độ, khối lượng hay thể tích không?
(3) Tính chất hoá học của chất có thay đổi không?
(4) Có xảy ra phản ứng hóa học dẫn đến tạo ra chất mới không?
Nếu câu trả lời cho một trong hai câu hỏi (1) và (2) là Có và không có câu trả lời nào cho câu (3) và (4) thì rất có thể đây là hiện tượng vật lý. Ngược lại, nếu câu trả lời cho hai câu hỏi (3) và (4) là Có, trong khi hai câu hỏi đầu tiên là Không, thì đó chắc chắn là hiện tượng hóa học.
5. Bài tập liên quan đến hiện tượng vật lý
Để hiểu rõ hơn về hiện tượng vật lý là gì, các bạn có thể tham khảo một số dạng bài tập dưới đây:
Câu 1: Hiện tượng vật lý là gì?
A. Hiện tượng một chất biến đổi và tạo ra chất mới.
B. Hiện tượng một chất bị phân hủy.
C. Hiện tượng có xảy ra phản ứng hóa học.
D. Hiện tượng biến đổi thuộc tính vật lý mà vẫn giữ nguyên chất ban đầu.
Đáp án: D
Câu 2. Những trường hợp dưới đây, hiện tượng nào là hiện tượng vật lý:
a. Hiện tượng băng tan
b. Ngâm trứng còn nguyên vỏ vào giấm
c. Mặt trời mọc làm tan sương mù
d. Thủy tinh nóng chảy thành hình cầu
e. Đun đường ăn chuyển sang màu đen.
Đáp án:
a. Hiện tượng vật lý vì nước từ thể rắn sang lỏng
b. Hiện tượng hóa học vì phần đá vôi của vỏ trứng bị hòa tan chỉ còn lại lớp vỏ dai do canxicacbonat trong vỏbị axit của giấm hòa tan tạo thành muối canxi, nước và giải phóng CO2.
c. Hiện tượng vật lý vì sương là nước ở thể khí chuyển sang lỏng.
d. Hiện tượng vật lý vì khi thổi thủy tinh vẫn là thủy tinh, chỉ là bị nóng chảy mà thôi.
e. Hiện tượng hóa học vì đường đã bị biến đổi chất thành màu đen.
Câu 3. Sấm sét là hiện tượng vật lý hay hóa học? Giải thích.
Trả lời: Sấm sét có cả hiện tượng vật lý lẫn hóa học. Cụ thể như sau:
- Hiện tượng hóa học: Tia sét có màu xanh tím nguyên nhân xuất phát từ nguyên tử Nitơ và Hydro có trong hơi nước bị kích thích dẫn đến những màu này. Bên cạnh đó, lý do khiến cây cối tươi tốt hơn sau cơn mưa là vì Nitơ và Oxy trong không khí kết hợp với nhau, tạo thành oxit nitơ. Sau đó, oxit nitơ hòa tan trong nước mưa và tạo thành nitrat, đây là chất rất có lợi cho sự phát triển của thực vật.
- Hiện tượng vật lý: sấm sét là sự phóng điện gây ra bởi sự mất cân bằng điện tích dương và âm giữa các đám mây bão và mặt đất, hoặc trong các đám mây.
Câu 4. Ma trơi là hiện tượng vật lý hay hóa học? Giải thích.
Ông bà ta thường đồn nhau rằng thường có ma trơi xuất hiện vào ban đêm ở những khu mộ. Chúng thường có dạng những đốm sáng lập lòe màu trắng hoặc xanh neon. Tuy nhiên ma trơi là hiện tượng hóa học do phản ứng giữa Photphin (PH3) với khí oxi.
Cụ thể:
Trong môi trường hiếm khí sâu trong lòng đất, sau một thời gian khi răng và xương người bắt đầu phân hủy có chứa photpho. Sau đó photpho chuyển hóa thành photphin (PH3) và diphotphin (P2H4), hỗn hợp này rất dễ cháy trong không khí. Khi gặp mưa, chúng thoát ra khỏi mặt đất kết hợp với khí oxi tạo thành đám cháy với những đốm lửa lập lòe như ma trơi.
Trên đây M5s News vừa giải thích cho các bạn đọc về hiện tượng vật lý là gì cũng như một số ví dụ về hiện tượng vật lý. Hy vọng những thông tin chúng mình vừa cung cấp sẽ có ích với bạn. Còn hiện tượng vật lý thú vị nào trong cuộc sống mà bạn muốn chia sẻ không nhỉ? Nếu có hãy bình luận bên dưới cho mọi người cùng tham khảo nhé!