Tim thai được xem là một biểu hiện rõ ràng nhất của thai nhi đang lớn dần trong bụng mẹ. Nghe được tiếng tim thai của con chính là niềm hạnh phúc vô cùng lớn của cha mẹ. Tuy nhiên, có trường hợp thai nhi có tim thai rồi lại mất khiến các mẹ vô cùng lo lắng. Vậy tại sao có tim thai rồi lại mất?
Tim thai là gì?
Trước khi tìm hiểu vấn đề tại sao có tim thai rồi lại mất, bạn đọc cần nắm được tim thai là gì? Theo đó, tim thai là một bộ phận cơ thể được hình thành từ rất sớm, từ ngày thứ 16 của thai kỳ thì trong bào thai đã có hai mạch đập để thực hiện chức năng bơm máu sơ khai nhất. Sau đó, hai mạch máu này sẽ xoắn lại và phân chia dần rồi hình thành nên trái tim của thai nhi trong những tuần thai tiếp theo.
Đến tuần thứ 6 của thai kỳ, tim thai đã có thể đập được khoảng 80 nhịp/phút, đã có đủ 4 ngăn và tiếp tục được hoàn thiện. Khoảng 2 tuần tiếp theo, nhịp đập của tim thai sẽ tăng lên khoảng 150 nhịp/phút, cao gấp đôi so với nhịp tim của người mẹ.
Ở tuần thai thứ 9 - 10, nhịp đập của tim thai khoảng 170 lần/phút. Lúc này, mẹ hoàn toàn có thể nghe được tiếng tim thai của em bé dưới sự hỗ trợ của bác sĩ. Đến tuần thai thứ 20, mẹ bầu có thể nghe được tiếng tim thai thông qua các dụng cụ như ống nghe y tế hoặc ứng dụng nghe tim thai. Sau khi đạt đỉnh là 170 nhịp/phút, nhịp tim của thai nhi sẽ giảm dần cho tới khi bé chào đời.
Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, tim thai chính là một yếu tố vô cùng quan trọng để giúp bác sĩ xác định được tình trạng sức khỏe cũng như khả năng sống của thai nhi. Do đó, kiểm tra và xác định tim thai giai đoạn này là việc vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nghe thấy tim thai rồi lại mất. Tại sao có tim thai rồi lại mất và nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
Tại sao có tim thai rồi lại mất?
Hiện tượng có tim thai rồi lại mất khiến mẹ bầu hoảng sợ, bởi tim thai được biết đến là dấu hiệu sống và phát triển rõ rệt của thai nhi. Vậy tại sao có tim thai rồi lại mất? Lúc này sẽ có 3 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp thứ nhất: Do thiết bị máy móc gặp trục trặc hoặc thai nằm ở vị trí khó siêu âm nên cho kết quả không chính xác. Lúc này, mẹ bầu cần kiểm tra ở một số cơ sở y tế uy tín khác để đối chiếu. Nếu kết quả kiểm tra vẫn không thấy tim thai, mẹ bầu nên kiên nhẫn chờ thêm khoảng 1 tuần nữa để siêu âm lại. Sau đó, mẹ hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trường hợp thứ 2: Thai nhi bị rối loạn nhịp tim. Đây là trường hợp khá hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra trong một thời điểm nào đó của thai kỳ. Hiện tượng nhịp tim tăng nhanh, đập chậm lại hoặc ngừng đột ngột gọi là rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, hiện tượng này mang tính tạm thời và lành tính nhưng vẫn có một vài trường hợp thai tử vong.
- Trường hợp thứ 3: Thai nhi đã ngừng phát triển, đồng nghĩa với tình trạng sảy thai hoặc thai chết lưu. Đây là điều vô cũng đáng tiếc nhưng mẹ bầu cần bình tĩnh đón nhận và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ.
Dù có tim thai rồi lại mất trong trường hợp nào thì điều quan trọng nhất là mẹ cần giữ bình tĩnh, thăm khám lại nhiều lần để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Có nhiều trường hợp mẹ bầu đi khám thai được bác sĩ cho biết tim thai đã mất nhưng đi kiểm tra ở nơi khác hoặc sau vài ngày quay lại kiểm tra thì lại thấy được tim thai.
Mẹ bầu cần làm gì khi tim thai bị mất?
Chắc hẳn bạn đọc đã biết được tại sao có tim thai rồi lại mất. Vậy mẹ bầu cần làm gì khi gặp phải hiện tượng này? Khi được thông báo không nghe thấy tim thai, mẹ bầu cần:
- Mẹ cần phải thật bình tĩnh, không nên hoảng loạn bởi vẫn có thể tim thai bị mất là do thai bị rối loạn nhịp tim hoặc máy móc bị hỏng.
- Mẹ nên đến các cơ sở y tế khác để khám lại và đối chiếu kết quả nếu nghi ngờ thiết bị siêu âm không chính xác hoặc thai nhi nằm ở vị trí khó siêu âm khiến máy không thể phát hiện được tim thai.
- Mẹ nên tái khám lại sau 3 - 7 ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi có nhiều trường hợp mất tim thai là do thai nhi bị rối loạn nhịp tim.
- Trong trường hợp thai chết lưu, mẹ cần tuân theo chỉ định của bác sĩ là loại bỏ bào thai ra ngoài cơ thể, kết thúc quá trình thai nghén để bảo vệ sức khoẻ của mẹ. Mẹ nên tiến hành hút thai lưu tại các cơ sở y tế uy tín, do bác sĩ có chuyên môn thực hiện, thiết bị y tế đầy đủ và hiện đại để tránh những biến chứng về sau.
Mẹ cần làm gì để thai nhi luôn khỏe mạnh?
Để tránh xảy ra hiện tượng có tim thai rồi lại mất và đảm bảo quá trình phát triển toàn diện của thai nhi trong bụng mẹ, mẹ bầu cần lưu ý đến một số vấn đề sau trong suốt quá trình thai nghén, cụ thể là:
- Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất: Một chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người mẹ mà còn rất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, việc bổ sung đầy đủ axit folic trong thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh cho em bé.
- Nghỉ ngơi và làm việc hợp lý: Xây dựng một chế độ làm việc kết hợp với nghỉ ngơi phù hợp sẽ giúp mẹ bầu tránh được tình trạng căng thẳng, lo lắng và luôn giữ cho tinh thần vui vẻ, thư giãn để dưỡng thai tốt nhất.
- Tránh xa rượu bia và thuốc lá: Nếu mẹ sử dụng rượu bia thường xuyên trong thai kỳ sẽ khiến một lượng cồn tích tụ trong cơ thể của thai nhi, từ đó ngăn chặn em bé hấp thu dưỡng chất và lượng oxy cần thiết để hình thành các cơ quan trong cơ thể, gây ra các dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, việc hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá cũng tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của thai nhi.
- Không được tuỳ ý sử dụng thuốc nam, thuốc tây, thực phẩm chức năng… nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Mẹ bầu chỉ nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần thiết và bổ sung các loại thực phẩm tự nhiên lành mạnh như rau củ, hoa quả tươi…
- Khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ sẽ giúp mẹ theo dõi thai kỳ tốt hơn, sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường một cách nhanh chóng và chính xác. Từ đó đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Tóm lại, hiện tượng có tim thai rồi lại mất gây ra nhiều lo lắng cho thai phụ. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là do máy kiểm tra bị trục trặc, thai nằm ở vị trí không nghe được tim thai, rối loạn nhịp tim và tệ nhất là thai chết lưu. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc tại sao có tim thai rồi lại mất?
Xem thêm:
Thai mấy tuần thì có tim thai?
Siêu âm thai 5 tuần có tim thai chưa?