Không ít cái nhìn tiêu cực từ số đông dành cho “Boy Phố” nhưng phần nào đó, không thể phủ nhận rằng đây là từ khóa tiêu biểu trong những năm qua trên không gian mạng xã hội.
Nhu cầu thể hiện bản thân (Self-Actualization Needs) là một trong năm nhu cầu chính của con người và nằm trên đỉnh tháp nhu cầu Maslow. Khi đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, con người sẽ có nhu cầu thể hiện bản thân mình nhiều hơn. Một trong những con đường ngắn nhất để nâng cấp bản thân, đó chính là nâng cấp ngoại hình bằng thời trang.
Như những người trẻ muốn thể hiện màu sắc cá nhân qua ngoại hình, Boy Phố cũng vậy. Họ cũng chọn thời trang như cách để khiến bản thân trở nên bóng nhoáng, thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ từ người khác hay ít nhất là khiến họ cảm thấy đã trở nên trưởng thành hơn. Hãy cùng Street Vibe tìm hiểu con đường hình thành và phát triển của “sub-culture mới nổi” này nhé!
Trai phố cổ - Những “Boy Phố” đúng nghĩa
Quay về thế kỉ trước, “Boy Phố” với tên gọi thuần Bắc là “Giai phố cổ” với “Giai” vốn là đọc trại từ “con trai” theo cách của người Hà Nội. “Giai phố cổ” chỉ những chàng trai thanh niên có xuất thân từ khu phố cổ - những con phố bắt đầu với tên “Hàng…”. Những gia đình sống ở phố cổ hầu hết là thương gia, họ kinh doanh buôn bán, trao đổi hàng hoá nên dư giả đầu tư cho mình những bộ quần áo hay những món trang sức đẹp nhất từ thời Pháp thuộc. Người Pháp đến Việt Nam mang theo văn hoá phương Tây, con người Hà Nội năng động đã nhanh chóng tiếp thu những thứ tinh tuy ấy của người Tây kết hợp cùng nét đẹp văn hoá truyền thống, tạo nên sự đa dạng bản sắc-văn hoá.
Mang trong mình nét đặc trưng của người Hà thành kết hợp từ những nét đẹp văn hoá Pháp, những người con trai phố cổ nổi tiếng với sự lịch thiệp và tinh tế. Họ là những người có học thức, biết đủ các thứ tiếng Tây, Tàu… Họ hành xử như những quý ông thực thụ, biết văn thơ tán gái. Thời ấy khi xe máy xe máy còn là cái gì đó lạ lẫm đối với người Việt Nam, trai phố cổ tán gái dạo mượt mà bằng xe đạp (vật có giá trị cao thời bao cấp), cách tán gái ấy còn được gọi là “cưa đường”. Người Hà Nội sớm làm quen với các loại Âu phục làm toát lên sự hào hoa thanh lịch vốn có của con người phố cổ, các thanh niên bắt đầu mặc áo sơ mi - quần tây, veston sang trọng… kiểu tóc vuốt ngược cao ráo điển trai đủ để hạ gục bất cứ cô gái nào, dưới chân là dép sandal hay một đôi giày da bóng nhoáng… tạo nên một hình mẫu nam giới lý tưởng thời đó.
Boy Phố thời hiện đại
“Boy Phố” hiểu đơn giản là tên gọi chung một bộ phận giới trẻ, thanh thiếu niên với cách phong cách ăn mặc và lối sống đặc trưng. Boy Phố có lối năng động, nghịch ngợm và ham muốn thể hiện bản thân. Mặc dù từ “Phố” vốn để chỉ những người có xuất thân từ “phố cổ” hay “phố thị” nhưng thực tế ngày nay, những người tự xưng là “Boy Phố” lại thường có hộ khẩu ngoại thành.
Thời kỳ “Đôn-chề”
Từ những năm 2020 trở về trước khi thuật ngữ “Boy Phố” chưa xuất hiện, ở miền Bắc đã tồn tại khái niệm “phong cách Đôn-chề”. “Đôn-chề” ở đây là cách gọi phiên âm tiếng Việt từ thương hiệu thời trang cao cấp Dolce & Gabbana. Cách gọi này thực chất mang hàm ý mỉa mai những món đồ được làm nhái, làm giả lại từ các thương hiệu thời trang cao cấp chính hãng như Gucci, Louis Vuitton, Burberry… Tuy mỉa mai nhưng những items này lại là món đặc sản thời trang được không ít giới trẻ Việt Nam trước 2020 ưa chuộng và sử dụng phổ biến nhằm nâng giá trị bên ngoài của bản thân. Họ cảm thấy mình thời thượng và sành điệu khi theo đuổi “phong cách Đôn-chề”.
Lứa tuổi sử dụng đồ “Đôn-chề” hầu hết từ 18-25, đôi khi là những học sinh trung học. Những món thiết kế nhái thường có màu sắc nổi bật, in hoạ tiết hình các động vật hay hoa lá chất lượng kém. Đi ngược giá trị mà đồ chính hãng mang lại, những món đồ nhái được các Đôn-chề phối lại một cách khá dị, dẫn đến cái nhìn không mấy thiện cảm với những người yêu thời trang thuần tuý. Có ý kiến cho rằng cách mặc này hay ho - độc lạ, cũng có ý kiến cho rằng cách mặc như vậy là thảm họa. Đến hiện đại, đây vẫn còn là vấn đề tranh cãi nhưng có một điều chắc chắn rằng tư tưởng thời trang này sẽ không thể mang tính tích cực và tạo nên sự phát triển thời trang đường phố Việt Nam khi các items này đều là giả hoặc nhái.
Thời kỳ “Boy Phố”
Năm 2020 đánh dấu sự bùng nổ của TikTok. Nền tảng mạng xã hội mới mẻ này đã tác động, làm thay đổi tư duy thời trang của người trẻ nói chung và “Boy Phố” nói riêng tại Việt Nam. Nhìn chung, có thể hiểu Boy Phố như “bản update 2.0” của những người từng theo đuổi “phong cách Đôn-chề” bởi sự tương đồng về tính chất. Phát triển từ Đôn-chề nhưng thời trang của Boy Phố có sự thay đổi mang hơi hướng Street Style nhưng phần nhiều vẫn sử dụng “Luxury Fake” như thế hệ trước.
Khi các items thời trang trở “viral” trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… Boy Phố nhanh chóng chạy theo và bắt kịp xu hướng. Còn nhớ thời điểm 2020-2021 khi mà sneaker cũng như Local Brand đang đứng trên đỉnh cao thời trang đường phố, không chỉ những người trẻ yêu thời trang mà các Boy Phố cũng bắt đầu chạy theo xu hướng này. Các Boy Phố chuyển từ giày slip-on đính hình thêu ong, dép sandal Versace đầu rắn… sang những đôi giày thuộc hàng “hypebeast” như Jordan 1, Balenciaga Triple S, YZ350-700… hoặc ngay cả những đôi giày phổ thông của như Vans, adidas… Những chiếc áo thun oversized in logo các thương hiệu nổi tiếng được sử dụng tràn lan bão hòa thep những chiếc áo thun Local Brand “có cùng kiểu in big logo”.
Vào mùa đông, từng có thời kỳ mà những chiếc hoodie giả từ Fear of God ESSENTIALS hoặc Drew House là biểu tượng cho các Boy Phố. Nó phổ biến đến mức khi bước ra đường, tới trường, đi chợ, đi làm… ta có thể bắt gặp 8-10 người mặc những chiếc áo như này. Việc lạm dụng những món đồ giả làm ảnh hưởng tới những người mặc đồ chính hãng, khiến họ bị đánh đồng với những người mặc đồ giả vì sự đại trà. Điều đáng tiếc là thời trang của Boy Phố mang tính chất hình thức hơn là giá trị cốt lõi bên trong khi đa số những món đồ họ dùng có thiết kế nhái từ các thương hiệu nổi tiếng khác nhau, thể hiện sự sáng bóng giả tạo.
Boy Phố có tạo nên sức ảnh hưởng?
Trên các nền tảng xã hội ta có thể bắt gặp các Boy Phố có vẻ ngoài bảnh bao, bóng nhoáng… họ xây dựng hình tượng trưởng thành, chín chắn từ những món đồ nhái từ hãng thời trang nổi tiếng. Khi tiếp xúc những hình ảnh như vậy trên không gian mạng, nhiều người trẻ có vốn kiến thức thời trang ít sẽ bị thu hút bởi cách ăn mặc này, họ ngộ nhận rằng đó là cách ăn mặc của một người đàn ông trưởng thành. Một số còn coi đó là hình mẫu lý tưởng của mình, bắt chước, tìm hiểu thêm về cách ăn mặc và lối sống làm sao cho mình trở thành một “idol Boy Phố” trên mạng lẫn ngoài đời; từ đó, hệ tư tưởng Boy Phố với thời trang “Luxury Fake” trở nên lan rộng và phổ biến thêm.
Thêm vào đó, sự thổi phồng quá lố từ các người bán hay shop thời trang bán đồ giả khi họ nhiệt tình quảng cáo, áp đặt, đánh tráo khái niệm của đồ giả. Những bài viết bán hàng của họ thường có nội dung tung hô, định hướng kiểu cách ăn mặc của Boy Phố lên tầm cao và cho rằng ăn mặc như này là “lịch sự-trưởng thành” đúng với tâm lý của những thanh niên đang tìm kiếm chất liệu để thể hiện bản thân. Môi trường sống cũng là một phần ảnh hưởng tới kiểu ăn mặc này. Các Boy Phố thường tập trung thành một nhóm từ 6-20 người, họ chơi với nhau từ khá lâu, thường có quan hệ thanh niên đồng lứa. Những thanh niên này chia sẻ với nhau từ điếu Thăng Long mềm cháy dở hay cây pod đeo trước cổ tới cách sống, cách ăn mặc và có cả những thứ tiêu cực khác.
Từ cái nhìn của Boy Phố, họ thấy rằng thời trang chính là mặt hình thức của bản thân nên phải mặc sao cho sang-xịn. Điều đó cũng có phần đúng, nhưng có vẻ cái nhìn nhận đó đã đi lệch hướng khi mà vẻ ngoài của họ xây dựng từ những món đồ nhái, chỉ khiến bản thân trông giả tạo hơn.
Nhìn nhận
Ở một khía cạnh khác, chúng ta vội vàng thích thú những sub-culture mang tinh thần nổi loạn, nghịch ngợm của nước ngoài như Gopnik từ Nga, Skinhead từ Anh Quốc hay Yankii từ Nhật Bản. Thế nhưng, khi nhắc đến Boy Phố, đây cũng là một sub-culture mang tinh thần nghịch ngợm nhưng phần nhiều số đông sẽ cảm thấy lắc đầu ngao ngán.
Tuy không nhận được cái nhìn thiện cảm từ phần đông xã hội nhưng không thể phủ nhận rằng “hệ tư tưởng Boy Phố” cũng là một phần của văn hoá đường phố. Hệ tư tưởng này không hề chết đi mà nó thay đổi và phát triển thành nhiều hình thức khác nhau đi kèm là những món đồ nhái ngày càng tinh vi hơn. Mặc dù thời trang là phương tiện để khẳng định tính cách bản thân, nhưng hy vọng các bạn trẻ Boy Phố đừng vì chạy theo xu hướng nhanh dẫn tới bỏ quên giá trị đích thực mà những món đồ thời trang mang lại. Hãy sử dụng thời trang một cách khôn ngoan, trên hết có nhiều sự lựa chọn tốt hơn là Luxury Fake như Local Brand, Secondhand… vì một cộng đồng thời trang lành mạnh, phát triển.
Bài viết: Nam Đoàn