Phần lớn bướu máu ở trẻ em là lành tính, có thể tự biến mất khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, có khoảng 10 - 12% bướu máu ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ, cần được can thiệp sớm.
Bướu máu là gì?
Bướu máu (U máu - Hemangioma) là hiện tượng các tế bào nội mạch mạch máu ở da tăng trưởng quá mức. Bướu máu lành tính, không phải ung thư, không lây lan từ vùng này qua vùng khác của cơ thể cũng như không lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, chúng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như đầu, mặt, cổ, chân, tay, nội tạng,… Trong đó, bướu máu ở mặt, cổ là phổ biến nhất, chiếm 60% trường hợp. Bướu máu xuất hiện ở phần thân chiếm 25% và ở tay, chân là 15%. Theo thống kê, có khoảng 59% bướu máu xuất hiện khi mới sinh, 40% trong tháng đầu đời và 30% ở trẻ sinh non có cân nặng dưới 1.800gram. (1)
Sự phát triển của bướu máu được chia làm 4 giai đoạn, đặc trưng bởi sự tăng sinh và thoái triển: (2)
- Giai đoạn 1 - Giai đoạn tăng sinh: Ở trẻ sơ sinh, bướu máu xuất hiện khi trẻ mới chào đời hoặc trong vài tuần đầu sau sinh. Khoảng từ 2 - 3 tháng đầu đời là thời gian bướu máu tăng nhanh về kích thước.
- Giai đoạn 2 - Tốc độ tăng trưởng chậm lại: Trẻ được khoảng 3 tháng tuổi, bướu máu gần như đã đạt được 80% kích thước tối đa. Lúc này, tốc độ tăng trưởng của bướu máu sẽ chậm lại. Kích thước tối đa có thể đạt khi trẻ được 6 - 8 tháng tuổi.
- Giai đoạn 3 - Ngừng phát triển: Ở giai đoạn này, bướu máu gần như không có sự thay đổi về kích thước.
- Giai đoạn 4 - Bướu máu tự co lại, biến mất: Khi trẻ được khoảng 1 tuổi, bướu máu có xu hướng co lại, bắt đầu xẹp xuống và ít đỏ hơn. Một số trẻ được 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi, gần 50% bướu máu đã co lại, biết mất. Thông thường, trẻ được 10 tuổi, bướu máu đã biết mất hoặc rất khó để nhìn thấy chúng. Bướu máu sau khi biến mất có thể để lại sẹo hoặc mạch máu thừa trên da. Một số thủ thuật can thiệp có thể được thực hiện để loại bỏ sẹo cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ ở những khu vực có bướu máu.
Các loại bướu máu
Bướu máu ở trẻ em được chia làm 3 loại:
- Bướu máu ở trên bề mặt da: Bướu khi mới xuất hiện có bề mặt phẳng. Sau đó, chúng chuyển thành màu đỏ tươi và bề mặt nổi lên rõ ràng hơn, gồ ghề.
- Bướu máu ở dưới bề mặt da: Bề mặt bướu nhẵn. Tại vị trí bướu xuất hiện có màu xanh tím, có cảm giác như bị sưng lên nhưng không gây đau.
- Bướu máu ở cả trên và dưới bề mặt da: Bướu mang cả tính chất và đặc điểm của hai loại bướu trên.
Nguyên nhân trẻ bị bướu máu
Nguyên nhân gây bướu máu ở trẻ em vẫn chưa được xác định cụ thể và điều này không liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bướu máu thường bắt gặp ở trẻ sơ sinh, phổ biến ở bé gái hơn bé trai, nhất là ở trẻ em da trắng. Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân cũng có nguy cơ xuất hiện bướu máu cao. Ngoài ra, U máu có thể liên quan đến yếu tố di truyền, các vấn đề về hormone, rối loạn miễn dịch, bất thường về mạch máu, hoặc ảnh hưởng từ hóa chất. (3)
Dấu hiệu bướu máu trẻ em
Ở cấp độ nhẹ - giai đoạn đầu, bướu máu xuất hiện ở dạng một mảng da có màu sắc thay đổi, có màu đỏ, xanh phớt hoặc đỏ tím. Thông thường, lúc này bướu chưa tạo thành khối u rõ ràng hay nổi rõ trên bề mặt da mà chỉ bằng phẳng như một vết bớt nhỏ.
Khi trẻ lớn hơn, bướu máu cũng sẽ lớn nhanh về kích thước, tạo thành một khối u thực sự, nổi rõ trên da hoặc đội da lên, có hình dạng và kích thước rõ ràng. Màu sắc bướu máu không có sự thay đổi nhiều so với trước đó, thường là màu máu trong khối u.
Bướu máu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Hầu hết bướu máu ở trẻ em có thể tự biến mất khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, trẻ vẫn được theo dõi chặt chẽ và can thiệp y tế kịp thời để phòng ngừa biến chứng. Bướu máu tăng trưởng nhanh chóng, tăng nhanh về kích thước có thể gây chèn ép các cơ quan, nội tạng xung quanh, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan này, tác động xấu đến sức khỏe.
Biến chứng bướu máu trẻ nhỏ
Loét là biến chứng phổ biến nhất của bướu máu, gây đau đớn, có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, cần được hỗ trợ điều trị để giúp chúng lành lại. Ngoài ra, bướu máu có thể gây một số biến chứng khác, tùy thuộc vào vị trí của chúng:
- Bướu ở gần mắt, mí mắt, trán: Cản trở tầm nhìn, yếu thị lực, tăng nhãn áp, mù lòa.
- Bướu ở trong tai: Giảm thính lực.
- Bướu ở vùng miệng: Gây khó khăn khi cho ăn, ăn uống.
- Bướu ở vùng hầu họng, thanh quản, đường hô hấp: Gây khó thở, ho, khàn tiếng.
- Bướu ở vùng quấn tã: Cản trở sinh hoạt, dễ nhiễm trùng.
- Bướu ở nội tạng (tim, gan,…): Cản trở tuần hoàn máu, suy giảm chức năng gan, suy tim.
- Bướu ở cột sống: Yếu xương.
- Bướu ở mạch máu: Hội chứng Portwine stains (bớt rượu vang), hội chứng Sturge Weber (Hội chứng u mạch máu da mặt và não), hội chứng PHACE (u mạch máu lớn).
Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Khi chăm sóc trẻ, nếu bố mẹ thấy các dấu hiệu bất thường dưới đây, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám ngay lập tức:
- Tại vị trí bướu có vết loét hở.
- Bướu máu có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Bướu có kích thước lớn, ở các vị trí ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và tâm lý của trẻ.
- Bướu máu ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng của cơ thể như thị lực, thính giác, hô hấp, gây khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống, thay tã.
Cách điều trị bướu máu ở trẻ em
Khi phát hiện trẻ có bướu máu, tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp. Dựa vào kết quả chẩn đoán, kích thước, vị trí và mức độ ảnh hưởng của bướu máu đối với sức khỏe, tâm lý của trẻ, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất. Các phương pháp này có thể bao gồm:
1. Thuốc bôi
Hiện có ba nhóm thuốc bôi tại chỗ (bôi lên bề mặt bướu máu) được sử dụng trong điều trị bướu máu:
- Thuốc chẹn beta tại chỗ (timolol): Có tác dụng làm mờ bướu máu, ức chế, làm chậm sự phát triển của chúng. Thuốc mang lại hiệu quả tốt nhất ở các bướu máu nhỏ, bướu nổi trên bề mặt da.
- Thuốc kháng sinh tại chỗ: Thuốc được chỉ định khi tại vị trí bướu xuất hiện vết loét hở hay có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Thuốc corticosteroid: Thuốc có đáp ứng tốt ở ⅓ trường hợp, có khuynh hướng tốt hơn ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
2. Thuốc uống
Propranolol là loại thuốc uống thường được sử dụng trong điều trị bướu máu. Ngoài ra, prednison có thể được chỉ định sử dụng khi propranolol không mang lại hiệu quả.
Trẻ điều trị bướu máu bằng thuốc uống cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và loại thuốc, tuyệt đối không tự ý thay thế hay tăng/giảm, ngừng thuốc khi không có chỉ định. Trong quá trình điều trị bằng thuốc uống, bố mẹ theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ nhằm phát hiện, can thiệp sớm khi trẻ gặp phải tác dụng phụ.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ bướu máu là phương pháp điều trị được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Một số khác, phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ những gì còn sót lại của bướu máu.
4. Laser
Để đảm bảo tính thẩm mỹ, loại bỏ sẹo, mạch máu còn sót lại từ bướu máu, phương pháp laser có thể được chỉ định thực hiện.
Chăm sóc cho trẻ bị bướu máu
Chăm sóc trẻ bị bướu máu đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do bướu máu, đặc biệt là các biến chứng do viêm, loét, nhiễm trùng bướu máu. Vùng da ở bướu máu rất dễ bị trầy xước, chảy máu, vì vậy, bố mẹ nên cắt ngắn móng tay của trẻ, đảm bảo móng tay mịn, không gây tổn thương da trên bướu máu. Đồng thời, bố mẹ cũng nên khuyến cáo trẻ không gãy, chà sát hay đâm chọc vào bướu máu.
Nếu bướu máu bị trầy xước, cần xử lý theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ diễn tiến của nó. Trường hợp đã cầm máu theo hướng dẫn nhưng bướu vẫn không ngừng chảy máu (chảy máu kéo dài hơn 5 phút), phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.
Địa chỉ khám bướu máu trẻ em đáng tin cậy?
Thăm khám bướu máu cho trẻ em ở đâu? Bướu máu thường xuất hiện khá sớm, có thể khi mới chào đời, giai đoạn sơ sinh hoặc muộn hơn. Điều quan trọng là theo dõi sát sao sự phát triển của bướu máu, từ đó có can thiệp phù hợp, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ. Do vậy, lựa chọn chọn địa điểm, cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bướu máu cho trẻ được nhiều bố mẹ quan tâm.
Hiện nay, khoa Nhi thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những địa chỉ thăm khám, chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ được nhiều bố mẹ an tâm lựa chọn. Được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị tiện nghi, tân tiến chuyên dụng chi Nhi khoa, khoa Nhi - BVĐK Tâm Anh với đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực Nội nhi và Ngoại nhi luôn đặt mục tiêu giúp trẻ xóa tan bệnh tật, phát triển khỏe mạnh.
Tính đến nay, phòng khám Ngoại Nhi thuộc khoa Nhi - BVĐK Tâm Anh đã điều trị thành công nhiều ca bệnh ở trẻ, như:
- Bệnh lý vùng rốn, bệnh lý ống bẹn ở trẻ em, hẹp bao quy đầu ở trẻ, tinh hoàn ẩn, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn.
- Dư ngón, dính ngón, ngón tay cò súng (ngón tay bật), nang hoạt mạc ở khoeo tay, khoeo chân, cổ tay, chai mắt cá chân, móng quặp ở trẻ em.
- Nang nhầy môi dưới, rò vùng cổ - ngực bẩm sinh, nang giáp móng, hạch vùng nách, cổ, sau vai sau khi chích ngừa vaccine lao.
- Dính thắng lưỡi, dính thắng môi trên (hãm môi trên bám thấp), các u nhú - kén nhầy khoang miệng…
- Bệnh ngoại nhi tổng quát: thoát vị rốn, thoát vị thành bụng, bệnh lý lồng ngực (lõm ngực, thoát vị hoành bẩm sinh…).
- Bướu máu, bướu mạch bạch huyết kén mô mềm, các u vùng đầu mặt cổ kích thước nhỏ, áp xe quanh hậu môn, rò hậu môn… cũng như các bệnh Ngoại khoa khác ở trẻ em.
- Tư vấn trước - sau sinh và điều trị các bệnh lý dị tật bẩm sinh ở trẻ em.
Nói không với việc lạm dụng thuốc, khi đến thăm khám tại khoa Nhi - BVĐK Tâm Anh, từng bệnh nhi sẽ được chăm sóc, điều trị theo phác đồ riêng. Đặc biệt, là một bệnh viện đa khoa chuyên sâu, việc thăm khám và điều trị cho trẻ có thể sẽ có sự phối hợp chặt chẽ bởi các chuyên gia từ các chuyên khoa liên quan như chuyên khoa Tim mạch, Cơ Xương Khớp, Thần kinh, Tâm lý,… Điều này giúp cho các bệnh nhi tại BVĐK Tâm Anh được tiếp nhận điều trị nhanh chóng, đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Bướu máu tuy lành tính nhưng vẫn có nguy cơ gây nên những biến chứng nghiêm trọng. Do vậy, trẻ có bướu máu cần được thăm khám sớm, theo dõi và can thiệp phù hợp để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng, tổn thương đối với trẻ.