Rong nho là một loại thực phẩm có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và sắc đẹp của con người. Ở Việt Nam, rong nho thích hợp cho cả trẻ em lẫn người lớn sử dụng trong bữa cơm gia đình hằng ngày. Tuy nhiên, bạn cần phải biết cách chế biến đúng để giữ lại tối đa hàm lượng dinh dưỡng. Hãy theo dõi bài viết sau để hiểu thêm về loại thực phẩm tuyệt vời này nhé!
Rong nho là gì?
Rong nho là một loại tảo biển, có hình dạng giống như những chùm nho và giá trị dinh dưỡng rất cao. Thực phẩm này được ví như “trứng cá muối xanh” nhưng được ưa chuộng hơn vì giá thành thấp hơn nhiều. Vùng biển Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á là vùng phân bố chủ yếu của rong nho. Rong nho thu hoạch tại Việt Nam có kích thước nhỏ hơn. Do nhu cầu sử dụng ngày nhiều khiến rong nho tự nhiên dần ít đi nên hiện nay rong nho đã được trồng nhiều ở vùng biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và được làm thực phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản. Trên thị trường có 2 loại rong nho tươi và rong nho khô (áp dụng phương pháp tách nước để tăng thời gian bảo quản).
Rong nho có vị mặn kết hợp vị chua thanh nhẹ. Nguồn: Internet
Giá trị dinh dưỡng của rong nho?
Rong nho ngoài cung cấp lượng nước và chất xơ còn cung cấp cho cơ thể chúng ta hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhằm hỗ trợ cải thiện sức khỏe con người.
Giảm nguy cơ loãng xương
Trong rong nho chứa nhiều protein, canxi và nhóm omega 3 (DHA, EPA, ALA) giúp bạn kháng viêm và giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Để có một khung xương chắc khỏe, dẻo dai thì bạn nên ăn rong nho thường xuyên với định lượng hợp lý.
Tốt cho thị lực
Đối với những bạn có bệnh lý về mắt hoặc phải làm việc với máy tính, sách vở nhiều thì nên bổ sung loại tảo biển này vào thực đơn bữa hằng ngày. Với hàm lượng cao vitamin A, rong nho giúp bạn tăng cường chức năng thị lực và giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như khô mắt, quáng gà,…
Hạn chế nguy cơ tiểu đường
Rong nho là thực phẩm tuyệt vời dành cho bệnh nhân đái tháo đường. Vitamin C có tác dụng kiểm soát lượng đường và hoạt động của các gốc tự do, giảm sự tích tụ sorbitol nội bào và ức chế sự gắn kết của glucose với protein. Đây là nhóm nguyên nhân gây ra các biến chứng xấu đối với bệnh nhân tiểu đường.
Tốt cho tim mạch
Rong nho với nhóm các axit béo không bão hòa AA, LA, DHA, EPA và ALA có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, tăng tính co giãn của mạch máu, góp phần ngăn ngừa quá trình oxy hóa và duy trì cấu trúc collagen của động mạch. Từ đó giúp người sử dụng giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ và duy trì được một hệ tim mạch khỏe mạnh.
Phòng ngừa ung thư
Trong rong nho có chứa chất fucoidan với đặc tính chống ung thư hiệu quả. Ngoài ra, fucoidan có thể ngăn chặn sự tăng trưởng tế bào máu bằng cách hoạt động như chất chống oxy hóa giúp cân bằng lưu lượng máu đến được khối u và ngăn chặn ung thư di căn.
Hỗ trợ giảm cân
Vì rong nho cung cấp rất ít calo, đường và chất béo mà lại chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein thực vật, sắt, kẽm cần thiết cho cơ thể nên có thể thay thế nhiều loại thực phẩm khác trong bữa ăn của người béo phì, thừa cân, ăn kiêng. Sử dụng rong nho trong thực đơn bạn yên tâm cơ thể vẫn được cung cấp đủ năng lượng mà không tăng cân.
Cung cấp dưỡng chất cho da
Rong nho có khả năng sản xuất collagen và chất chống oxy hóa, hai chất được coi là “mỹ phẩm tự nhiên” giúp cải thiện da, tóc và làm chậm quá trình lão hóa rất tốt. Bên cạnh đó, hàm lượng nước và chất khoáng cao cũng giúp các tế bào phát triển tốt, đặc biệt là các tế bào biểu bì da, giúp da luôn căng bóng, mịn màng và khỏe mạnh.
Tránh bị táo bón
Sử dụng rong nho sẽ không gây ra tình trạng đầy bụng mà còn giúp các lợi khuẩn đường ruột dễ tiêu hóa, bài tiết chất thải nhanh chóng. Với hàm lượng chất xơ cao sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn và hạn chế tình trạng táo bón ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Rong nho có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Nguồn: Internet
Cách chế biến rong nho đúng cách
Cách sơ chế
Mỗi loại rong nho sẽ có cách sơ chế khác nhau. Đối với rong nho khô thì bạn ngâm vào tô nước sạch khoảng 3-5 phút để rong nở ra và tươi lại. Sau đó, vớt ra và ngâm trong nước đá khoảng 3 phút trước khi thưởng thức. Còn với rong nho tươi bạn rửa nhiều lần với nước sạch và ngâm với nước lạnh để giảm mùi tanh.
Lưu ý: Vì rong nho sau khi ngâm nước lạnh sẽ dễ bị teo lại nên bạn chỉ cần sơ chế vừa lượng cần để cảm nhận được độ giòn và tránh lãng phí.
Rong nho ngâm sơ qua nước lạnh sẽ giữ độ giòn. Nguồn: Internet
Cách bảo quản
Rong nho được bảo quản tốt nhất trong điều kiện thoáng mát của tủ lạnh, tránh ánh nắng trực tiếp. Đối với rong nho tươi thời gian sử dụng từ 4-6 ngày, nếu đã được cấp đông thì thời gian sẽ từ 2-3 tuần. Còn rong nho khô thì hạn sử dụng lâu hơn, khoảng 6-8 tháng.
Các món ăn ngon chế biến từ rong nho
Rong nho được thưởng thức trực tiếp như một loại rau xanh chấm kèm với tương ớt, nước tương, xốt mè rang,… để cảm nhận được mùi vị thơm ngon, tự nhiên. Ngoài ra, các món ăn chế biến từ rong nho đều rất hấp dẫn và đa dạng. Bổ sung chất dinh dưỡng cho cả trẻ em lẫn người già và phù hợp với người ăn chay, ăn kiêng. Thực đơn của bạn sẽ phong phú hơn với các món canh, gỏi, salad, nướng,… được làm từ rong nho. Ngoài ra, các bạn nữ cũng có thể thử qua các món nước ép, sinh tố, chè rong nho thơm ngon, bổ dưỡng.
Rong nho có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Nguồn: Internet
Quả thật, rong nho là một món quà dinh dưỡng đến từ thiên nhiên. Bạn hãy thử trổ tài một vài món ăn từ rong biết để làm mới thực đơn hàng ngày và đổi khẩu vị cho các thành viên trong gia đình. Theo dõi CET để cập nhật những thông tin hữu ích về các thực phẩm tốt cho sức khỏe nhé!