Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm tai giữa hay nhiễm trùng tai giữa là bệnh khá phổ biến xảy ra ở trẻ em. Trẻ từ 1-2 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều nhất. Bệnh hay xuất hiện nhiều vào mùa mưa, thời tiết thay đổi. Do chủ quan không được điều trị kịp thời nên đã có không ít trường hợp mắc bệnh viêm tai giữa gây điếc, có trường hợp tử vong bởi biến chứng viêm màng não hay xuất huyết não,...
1. Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm (nằm ở sau màng nhĩ). Bệnh thường tạo ra dịch trong hòm nhĩ, dịch này có thể nhiễm trùng hoặc vô trùng. Viêm tai giữa là một trong những bệnh thường gặp nhất, đứng hàng thứ hai sau viêm nhiễm đường hô hấp trên cấp ở trẻ em và có khả năng xảy ra đối với người lớn.
Nếu bị viêm tai giữa mà không có biện pháp chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Một khi bệnh phát nặng, dễ gây ra biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm nhất là khi biến chứng xảy ra trong sọ não như viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng,... dễ gây tử vong ở trẻ.
2. Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa
Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa là do viêm nhiễm vùng mũi họng bởi vi trùng hoặc siêu vi. Ngoài ra, tắc vòi nhĩ, thường gặp do sùi, u ở vòm họng, do viêm mũi xoang mủ cũng là nguyên nhân gây bệnh. Có trường hợp mắc bệnh do viêm nhiễm đường hô hấp, dị nguyên, bệnh lý trào ngược, do không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh cũng là những tác nhân gây viêm tai giữa hiện nay.
Khi bị viêm tai giữa, người bệnh sẽ những triệu chứng như:
- Khởi đầu là đau tai, sau đó chảy nước tai và sức nghe giảm.
- Ngoài ra có những dấu hiệu ít gặp khác như ù tai, chóng mặt (thường được phát hiện ở trẻ lớn), sốt, sưng sau tai, chán ăn và khó ngủ,...
Để phát hiện bệnh, người lớn và trẻ em cần được sự trợ giúp của bác sĩ trong chẩn đoán như dùng đèn soi tai có kính phóng đại (Otoscope); kính hiển vi soi tai và nội soi tai (Oto-Endoscope).
3. Cách điều trị bệnh viêm tai giữa
Có nhiều cách điều trị viêm tai giữa, trong đó, phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng nhiều nhất. Kháng sinh uống là thuốc được chọn hàng đầu và việc chọn lựa kháng sinh dựa trên kiến thức về vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa. Chính xác nhất là dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai.
Thời gian điều trị viêm tai giữa diễn ra tối thiểu trong 8 ngày. Nếu màng nhĩ không có dấu hiệu bị thủng thì sẽ dùng thuốc nhỏ tai, không nên bơm rửa. Nếu màng nhĩ thủng có thể nhỏ tai trong 3 - 4 ngày đầu (loại không độc cho tai) để ngăn chặn sự hình thành các bửng mủ làm bít dẫn lưu rồi sau đó rửa bằng nước muối sinh lý hoặc oxy già. Ngoài ra có thể thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ.
Một số trường hợp viêm tai nhưng trị kháng sinh không hiệu quả sẽ phải chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông nhĩ Diablo. Nếu viêm tai giữa kèm với dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn bởi viêm Amidan phì đại thì cần nạo viêm Amidan. Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các biến chứng nặng hơn và điều trị nội khoa không mang lại kết quả khả quan, có thể cần đến phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm.
Bệnh viêm tai giữa hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm và không gây biến chứng nguy hiểm nếu cha mẹ phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh và có phương án xử trí khoa học cũng như có sự theo dõi của bác sĩ.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.