Nguồn gốc, đặc điểm của cây Mơ
Cây Mơ có tên khoa học là Prunus mume, là loài thực vật thuộc chi Mận. Cây Mơ là loài cây có nguồn gốc từ miền Nam của Trung Quốc, sau này chúng được du nhập sang nhiều nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc rồi đến cả Việt Nam. Ở nước ta, cây Mơ xuất hiện nhiều nhất tại các tỉnh thành miền núi phía Bắc giáp với Trung Quốc. Chúng được trồng để lấy trái và hoa đẹp khi nở.
Cây Mơ là loài cây thân gỗ, chiều cao có thể lên đến 10m, cây có rất nhiều tán lá và cành xum xuê. Lá cây có dạng hình trứng hoặc oval, mép lá có răng cưa và có màu xanh nhạt. Mùa hoa Mơ thường bắt đầu nở rộ vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 khi mùa đông vừa mới hết. Hoa Mơ khi nở thường có màu trắng, bông hoa có 5 cánh với chiều dài cánh hoa chỉ từ 2-3cm.
Hình ảnh cây Mơ
Hoa Mơ sẽ tồn tại như vậy cho đến tháng 5 khi thời tiết bước sang mùa hè. Khi này hoa sẽ tàn, cây Mơ sẽ bắt đầu tạo quả. Quả Mơ khi chín có dạng hình cầu, đường kính chỉ khoảng 3-4cm, quả chín sẽ có màu vàng hơi đỏ, còn lúc chưa chín sẽ có màu xanh.
Các loại cây Mơ hiện nay
Hiện nay đang có 3 giống cây Mơ chính đang tồn tại, mỗi giống Mơ này mang đặc điểm hình thái phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực mà chúng được trồng.
1. Giống Mơ Việt Nam
Cây Mơ ở Việt Nam ta thường xuất hiện chủ yếu tại các tỉnh thành khu vực miền núi phía Bắc. Hoa khi nở sẽ có màu trắng, quả Mơ được chia thành nhiều loại khác nhau như quả Mơ bồ hóng, Mơ đào, Mơ Vân Nam,...
2. Giống Mơ Nhật Bản
Ở Nhật Bản, cây Mơ lại được chia thành 3 loại, đó là cây Mơ trồng để làm cảnh (yabai), cây Mơ trồng để phục vụ sản xuất (hibai) và cây Mơ kiểu lai bungo (một dạng lai giữa cây Mơ Nhật Bản với loại Mơ của châu Âu).
3. Giống Mơ Trung Quốc
Do Trung Quốc là nơi bắt nguồn ra cây Mơ, vậy nên tại đây có đến hơn 300 giống cây Mơ khác nhau. Mỗi loại lại có màu sắc riêng biệt đặc trưng cho từng vùng cũng như mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế khác nhau. Chính vì có nhiều giống Mơ như vậy mà người Trung Quốc cũng phân loại cây Mơ vô cùng chặt chẽ và theo nhiều tiêu chí.
Công dụng của cây Mơ trong đời sống
Cây Mơ là loài cây ăn quả rất được ưa chuộng hiện nay, chúng được thu hái theo mùa để mang đến những công dụng thú vị trong đời sống như sau:
1. Làm thực phẩm
Quả Mơ là loại quả có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng bên trong. Chúng được thu hái để làm thực phẩm ăn hàng ngày với công dụng giúp nhuận tràng, dễ tiêu,... Hiện nay có nhiều phương pháp chế biến quả Mơ được sử dụng như là làm ô mai, làm mứt, sấy khô, ngâm đường ăn dần,....
2. Làm nước hoa quả
Bên cạnh việc làm thực phẩm để ăn hàng ngày, quả Mơ cũng có thể được ngâm với đường để tạo thành nước Mơ vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng. Nhiều nước như Trung Quốc và Nhật Bản còn biến đổi thêm để khiến nước Mơ ngâm đường trở nên ngon hơn, tạo thành cả một văn hóa ẩm thực trong đó. Còn ở nước ta, nước Mơ ngâm đường được dùng làm thứ nước giải khát vô cùng hấp dẫn.
3. Làm thuốc
Theo như Đông y cũng như y học cổ truyền Việt Nam, quả Mơ từ trước đến nay đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh khác nhau. Quả Mơ có thể giúp chữa ho gà, ho khan, hen suyễn, táo bón, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày. Ngoài ra tinh dầu chiết xuất từ quả Mơ còn có thể được sử dụng để bào chế mỹ phẩm hoặc các loại thuốc phụ khoa cho chị em phụ nữ.
Quả Mơ có nhiều công dụng hữu ích như làm thực phẩm, ô mai, thuốc
Ý nghĩa của cây Mơ trong văn hóa
Cây Mơ là loài cây rất được ưa chuộng để trồng không chỉ Việt Nam mà còn cả ở Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Cây Mơ đã xuất hiện trong rất nhiều áng văn thơ nổi tiếng và được sử dụng để làm nguồn cảm hứng bất tận cho các câu chuyện, tiểu thuyết và cả các bài hát. Do đó mà loài cây Mơ mang lại giá trị ý nghĩa tinh thần, văn hóa vô cùng to lớn đối với đời sống con người.
Ngoài ra, cây Mơ tuy cao nhưng lại mảnh mai, mang lại mùi hương nhẹ nhàng, hấp dẫn. Hoa Mơ thường nở vào đầu mùa Xuân khi mùa Đông đã trôi qua. Điều này mang ý nghĩa cho sự khởi đầu mới, cùng với đó là sự tao nhã và thanh khiết mà vẻ đẹp của hoa Mơ mang lại cho cuộc sống của con người.
Cách trồng cây Mơ và chăm sóc đúng kỹ thuật
1. Thời điểm trồng cây
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu trồng cây Mơ nên từ tháng 11 hoặc tháng 12, cây Mơ có khả năng chịu lạnh tốt cho nên chúng sẽ có thể phát triển và ra hoa vào thời điểm tháng 5, tháng 6 sang năm.
2. Lựa chọn giống Mơ để trồng
Có 2 giống Mơ chính mà người ta thường trồng hiện nay:
- Giống Mơ lông: Giống Mơ có tốc độ sinh trưởng chậm, quả nhỏ, năng suất thấp. Giống Mơ này ít được trồng để thu hái do không mang lại hiệu quả về kinh tế.
- Giống Mơ trơn: Giống Mơ này có tốc độ sinh trưởng khỏe, nhanh, cho ra năng suất thu hoạch tốt. Quả Mơ khi chín có kích thước lớn, không có lông, vỏ trơn, có giá trị kinh tế cao.
3. Lựa chọn đất trồng
Cây Mơ phù hợp để trồng trên nhiều loại đất khác nhau, thế nhưng bạn nên lựa chọn loại đất có độ pH từ 6-7, giàu mùn và có độ dinh dưỡng cao nhằm kích thích cây có thể sinh trưởng tốt nhất.
Cây Mơ rất dễ trồng và chăm sóc trên nhiều điều kiện khác nhau
4. Kỹ thuật trồng
Trước khi bắt đầu trồng cây Mơ, bạn cần tiến hành đào hố đất với kích thước 50*50*50cm hoặc 70*70*70cm. Với mỗi hố đất, bạn nên bón lót trong đó từ 20-40kg phân hữu cơ. Công đoạn làm đất và bón lót phân này cần phải thực hiện xong trước thời điểm trồng cây khoảng 1 tháng.
Nếu trồng cây với số lượng lớn, mỗi cây Mơ nên được trồng cách nhau 4-5m, sau khi trồng xuống hố thì cần phải có cọc chống đỡ cho cây. Ngoài ra bạn nên ủ trên đất một chút cỏ khô hoặc rơm rạ.
5. Bón phân
Khi mới trồng, bạn chỉ cần bón lót phân hữu cơ vào hố đất trước khi trồng cây là đủ để cây có thể sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên khi cây Mơ bước vào giai đoạn ra hoa và tiến tới là sẽ cho ra quả, bạn cần tăng thêm lượng phân bón để đảm bảo năng suất thu hoạch tốt nhất. Bạn nên chia làm 3 lần bón trong 1 năm với lượng phân bón trung bình cho mỗi cây gồm 50kg phân hữu cơ + 1.2kg phân ure + 1kg phân lân + 0,8kg Kali Clorua.
- Lần thứ 1 bón phân vào tháng 4, 5 với 40% lượng phân bón đã chuẩn bị.
- Lần thứ 2 bón phân vào tháng 7, 8 với 30% lượng phân bón đã chuẩn bị.
- Lần thứ 3 bón phân vào tháng 9, 10 với 30% lượng phân bón còn lại.
6. Tưới nước
Duy trì tưới nước đều đặn hàng tuần nhằm dưỡng ẩm cho đất để tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho cây Mơ. Khi vào đến mùa Đông, có thể cắt giảm lượng nước tưới cho cây cho đến khi đến đầu mùa Xuân.
7. Phòng sâu bệnh
Cây Mơ chủ yếu dễ mắc phải các loại sâu đục thân, đục lá, rệp gây hại cho quá trình ra hoa và tạo quả của cây. Vậy nên bạn hãy thường xuyên quan sát để có thể thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời như cắt tỉa cành lá khô héo, phun thuốc diệt sâu bệnh...