Khi lúa đã đỏ đuôi và cúi đầu chuẩn bị vào kỳ chín rộ, cả cánh đồng chuyển màu xanh vàng, hương lúa thơm ngát dịu theo gió đi khắp không gian đồng ruộng, hương lúa như gọi mời, thúc giục lũ cào cào, châu chấu và muồm muỗm không biết từ đâu lũ lượt kéo về.
Mùa lúa sắp vào độ chín cũng là thời điểm của cào cào, châu chấu, muỗm… tìm đến những cánh đồng lúa để được ăn uống no nê, thoải mái và giao phối cho một mùa sinh sản mới. Khắp cánh đồng không biết cơ man nào là muỗm, là cào cào, châu chấu, chúng đậu trên lúa, trên những ruộng cỏ năn cỏ lác và cây cỏ bên đường.
Những con muỗm đầu nhọn, mình dài, cánh xanh béo nẫn chủ yếu đậu trên lúa. Vì muỗm màu xanh vàng lẫn vào màu của lá lúa nên rất khó phát hiện. Thân muỗm to, dài mà cánh mỏng, mềm, hai càng tuy dài nhưng không khỏe như càng cào cào, vì thế muỗm bật cất cánh không mạnh và bay không nhanh như cào cào, hai lớp cánh to, rộng, cánh muỗm có hai lớp, lớp ngoài xanh màu lá lúa, lớp trong mỏng và xanh màu nõn chuối. Vì thế nhìn muỗm bay là nhận biết được ngay.
Nhiều nhất vẫn là cào cào, những con cào cào thì đầu bằng, mình ngắn và màu vàng ươm, hai càng mập khỏe, hai lớp cánh màu xanh, đỏ. Cào cào bay nhảy linh hoạt hơn muỗm, đặc biệt những con cào cào cái mình to lớn hơn nhiều so với cào cào đực. Hơn nữa, cào đực lại rất nhanh, khó bắt nên đa phần người ta chỉ bắt cào cào cái.
Châu chấu gần giống với muỗm nhưng nhỏ và gầy hơn, ăn cũng không ngon nên ít ai để ý và bắt châu chấu.
Khi còn rất bé, cứ mỗi mùa gặt là bọn trẻ chúng tôi hay ngóng mẹ đi gặt về. Mỗi lần ở ngoài đồng về mẹ lại móc trong túi áo nâu, có gài cái kim băng, cho chúng tôi mấy con muỗm đã bị bẻ càng. Cào cào và muồm muỗm khi đã bị bẻ càng là không thể cất cánh bay được. Vì thế, lũ trẻ tha hồ chơi, khi thì lấy sợi chỉ buộc vào chiếc lá nhỏ cho muỗm kéo, lúc lại tung lên cho chúng bay rồi đuổi bắt, đã bị bẻ càng nên muỗm yếu không bay xa được. Chơi chán rồi lại đưa cho mẹ bỏ vào bếp đun rơm hoặc xiên vào cái que nhỏ để mẹ nướng. Mỡ của con muỗm béo nẫn sủi ra cháy xèo xèo thơm phức, khi muỗm chín mẹ vặt đầu, rút ruột muỗm bỏ đi rồi đưa cho chúng tôi ăn. Thịt muỗm chín thơm và béo ngậy, cái vị béo ngậy ấy khó diễn tả nhưng tôi không bao giờ quên được.
Khi đã lên 6-7 tuổi thì lũ chúng tôi thường rủ nhau đi bắt cào cào, muồm muỗm. Mỗi đứa thường mang theo một cái chai hoặc những cái que tre nhỏ, bắt được con nào là bẻ càng bỏ vào chai hoặc xiên vào que. Cũng có khi nhờ mẹ làm cho một cái vỉ ruồi để đập, dùng vỉ ruồi để bắt cào cào thì được nhiều lắm, có khi được cả cân. Cào cào bắt về, vặt cánh, vặt đầu rút bỏ cái dạ dày đen đen của nó, rồi rửa sạch rang với muối hoặc sang hơn thì chút nước mắm và mấy cái lá chanh xắt nhỏ (nhà quê thời ấy làm gì có liễn mỡ trong nhà như bây giờ). Cào cào rang mắm thơm và giòn giòn, bùi ngậy đưa cơm lắm (ở thành phố và nhiều nơi thường gọi món cào cào rang một cách ví von là tôm bay).
Chủ yếu vẫn là cào cào, muỗm thì chẳng bao giờ bắt được nhiều như cào cào, mà có bắt được thì đa phần chỉ nướng hoặc rang khan để ăn chơi. Thịt muỗm béo, ngon, thơm nên quý hơn cào cào nhiều, thịt muỗm như một món ăn thưởng thức hơn là một món ăn thực phẩm phổ biến như cào cào.
Ngày nay, hầu hết các cánh đồng lúa đã bị phun thuốc sâu rất nhiều. Khi gieo sạ cũng phun, lúa con gái phun, lúa làm đòng phun, lúa vào hạt phun. Rồi thì thuốc diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng, diệt chuột… Vì vậy mà cào cào, châu chấu, muồm muỗm càng ngày càng ít. Có lẽ lũ chúng đã tìm về những mùa lúa trên miền núi, nơi mà những cánh đồng, thửa ruộng không phun nhiều thuốc trừ sâu như ở đồng bằng.
Những cánh đồng lúa ngày càng ít hơn, phần thì thu hẹp do giãn dân, làm khu công nghiệp, chuyển đổi cây trồng và do cả bỏ hoang… Lũ trẻ nông thôn bây giờ cũng không phải chăn trâu cắt cỏ. Thời gian học hành, cuộc sống đầy đủ, những món ăn ngon dư chất, những thú vui chơi cũng hiện đại khác xưa. Vì thế mà chẳng còn hình ảnh từng đám trẻ chạy nhảy vui chơi, đuổi bắt cào cào, châu trâu trên cánh đồng trong những chiều nhạt nắng.
Nhưng, cho dù cào cào, châu chấu và những con muỗm xinh xinh có ít về, cho dù cánh đồng và cuộc sống có khác xưa thì ký ức về những ngày chạy nhảy đi bắt cào cào, châu chấu, muỗm trên cánh đồng và vị thơm ngậy của món ăn từ cào cào, muỗm thì luôn theo mãi những thế hệ đã từng trải qua.
Đinh Nam Nghị
(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 24, tháng 6/2022)