Bạn thường sử dụng mật mía để làm gì? Làm sao để chế biến được các món ăn giàu dinh dưỡng và thơm ngon từ mật mía? Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số cách tạo ra mật mía và các công dụng sức khỏe tuyệt vời của mật mía qua bài viết dưới đây nhé!
Mật mía là gì?
Mật mía hay còn gọi là một loại siro đặc, được mọi người sử dụng rộng rãi như một chất tạo ngọt. Đây là thành phẩm phụ sinh ra trong quá trình sản xuất đường, được tạo ra từ cây mía hoặc củ cải đường nghiền nát.
Công đoạn tạo ra mật mía có thể được tóm tắt như sau: Đầu tiên nghiền mía (hoặc củ cải đường) để ép lấy nước cốt, sau đó chưng cất lên để tạo thành các tinh thể đường tinh luyện. Mật mía đường là phần siro màu nâu đặc còn lại, sau khi đã loại bỏ các tinh thể đường.
Mật mía được nấu như thế nào?
Tùy vào tình trạng tính chất, màu sắc, độ đậm đặc của siro, hương vị và hàm lượng đường, sẽ có các loại mật mía khác nhau.
Mật đường nhẹ
- Mật đường nhẹ là loại siro được tạo thành từ lần đun sôi đầu tiên. Do ít bị biến đổi bởi nhiệt, đây là loại mật mía có màu sáng nhất và ngọt nhất.
- Mọi người thường sử dụng mật đường nhẹ khi nướng thức ăn.
Rỉ đường đen
- Đây là loại mật mía được tạo thành sau khi đun sôi lần hai. Do bị biến đổi một phần bởi nhiệt, nên mật có thể chất sánh hơn, sẫm màu hơn và độ ngọt giảm đi.
- Rỉ đường đen được sử dụng khi nướng bánh, làm cho bánh có màu sắc và hương vị rất đặc trưng.
Mật mía đen
- Mật mía đen là siro được tạo thành khi đã trải qua lần đun sôi thứ ba. Đây là loại mật có thể chất sóng sánh nhất, sẫm màu nhất và có vị đắng, do phần đường đã bị thay đổi cấu trúc.
- Không chỉ là dạng cô đặc nhất, mật mía đen còn là dạng chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhất trong thành phần.
Mật rỉ không chứa lưu huỳnh và chứa lưu huỳnh
- Bạn có thể quan sát thấy trên các chai mật rỉ được dán nhãn “đã được lưu huỳnh hóa”, do có thêm thành phần lưu huỳnh dioxide (SO2). Chất này hoạt động như một chất bảo quản, ngăn cản mật mía bị hỏng.
- Các sản phẩm mật rỉ được lưu huỳnh hóa thường ít ngọt hơn so với khi không được lưu huỳnh hóa.
Thành phần của mật mía
Không giống như đường tinh luyện chỉ chứa thành phần chủ yếu là saccharose, mật mía còn chứa thêm một số vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy một muỗng canh (khoảng 20g mật đường) chứa thành phần giá trị dinh dưỡng như sau:
- Mangan: 13%;
- Magie: 12%;
- Đồng: 11%;
- Vitamin B-6: 8%;
- Selen: 6%;
- Kali: 6%;
- Sắt: 5%;
- Canxi: 3%.
Một muỗng canh mật mía chứa khoảng 58 calo, chủ yếu đến từ lượng đường có trong đó.
Mặc dù chứa khá nhiều vitamin và khoáng chất, tuy vậy trong mật mía có hàm lượng đường rất cao. Nạp vào cơ thể quá nhiều đường rất có hại cho sức khỏe, là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như béo phì, đái tháo đường và bệnh tim mạch. Các chuyên gia dinh dưỡng y học không khuyến cáo mọi người chọn mật mía để bổ sung vitamin và khoáng chất, do lượng đường có trong thực phẩm này quá cao.
Công dụng của mật mía đối với sức khỏe
Sức khỏe của xương
Mật mía là nguồn cung cấp chất sắt, đồng và selen. Các nguyên tố này đều góp phần duy trì một hệ xương khớp khỏe mạnh. Siro mía đường cũng chứa canxi, là thành phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển xương và ngăn ngừa bệnh loãng xương.
Tuy vậy, bạn không nên dùng mía đường như là thực phẩm duy nhất bổ sung các vi chất thiết yếu này. Thay vì thế, một số nguồn thực phẩm lành mạnh khác bạn cũng nên tiêu thụ. Chúng bao gồm các loại hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa khác.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Mật đường là nguồn cung kali rất dồi dào cho cơ thể, từ đó giúp ổn định huyết áp và bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, bổ sung mật mía vào chế độ ăn hằng ngày có liên quan đến việc tăng nồng độ lipoprotein trọng lượng phân tử cao (HDL), có tác dụng làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
Nếu nồng độ HDL-cholesterol trong cơ thể cao, bạn sẽ ít có nguy cơ bị đột quỵ và các bệnh liên quan đến tim mạch hơn. Tuy vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh tác dụng của mật mía đối với HDL-Cholesterol trong cơ thể người.
Kiểm soát đường huyết
Những người cần kiểm soát lượng đường trong máu ở mức cho phép (ví dụ như bệnh nhân tiểu đường), nên hạn chế tiêu thụ đường dù ở bất kỳ dạng nào, kể cả mật mía. Tuy nhiên, đối với người có thể trạng khỏe mạnh, mật mía giúp ổn định đường huyết ở mức lý tưởng.
Một nghiên cứu đã kết luận rằng việc tiêu thụ mật mía cùng với chế độ ăn giàu tinh bột, giúp ổn định lượng đường trong máu và duy trì insulin ở mức thấp, so với khi không ăn mật mía.
Cung cấp nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong mật mía chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn cả mật ong hoặc các chất có vị ngọt tự nhiên khác, bao gồm siro từ cây phong và mật hoa cây thùa.
Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chứng minh được tác dụng của chất chống oxy hóa từ mật mía trong việc bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do và sự stress oxy hóa.
Cách sử dụng và lưu ý khi dùng mật mía
Việc sử dụng mật mía là an toàn đối với hầu hết mọi người, tuy vậy bạn chỉ nên tiêu thụ thực phẩm này với lượng vừa phải. Mật mía có thể là lựa chọn thay thế lý tưởng cho đường tinh luyện, nhưng không vì thế mà bạn bổ sung quá nhiều, do có thể gặp các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, mật mía đường có thể ảnh hưởng đến hoạt động hệ tiêu hóa của bạn. Ăn quá nhiều mật đường có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đi phân lỏng hay tiêu chảy. Thêm nữa, một số người bị hội chứng ruột kích thích hoặc các bệnh ở đường tiêu hóa thì nên tránh tiêu thụ siro mật mía.
Kết luận rằng, bạn có thể sử dụng mật mía mà không quá lo ngại về vấn đề sức khỏe, tuy nhiên chỉ nên dùng với lượng vừa phải. Một số đối tượng đặc biệt như bệnh nhân tiểu đường, hội chứng ruột kích thích, gặp các vấn đề tiêu hóa,... thì nên tránh dùng.
Vậy là bài viết đã cung cấp cho bạn các thông tin tổng quan về mật mía và một số công dụng sức khỏe của loại thực phẩm này. Mật mía chứa nhiều và đa dạng thành phần hơn so với đường tinh luyện. Mặc dù mật mía đường là một phiên bản tốt cho sức khỏe hơn so với đường tinh thông thường, tuy nhiên bạn đọc cũng cần tiêu thụ lượng vừa phải.