Các vấn đề và bệnh liên quan đến thần kinh khá phức tạp và gây ra nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Biết rõ những mối nguy có thể gây ra khi thần kinh bị tổn thương nhưng nhiều người vẫn chưa biết nên khám thần kinh ở đâu và nên khám khi nào? Để biết thêm những thông tin chi tiết về vấn đề này, bạn đọc hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Khám thần kinh là gì?
Khám thần kinh là một quá trình kiểm tra các vấn đề liên quan đến sự rối loạn của thần kinh trung ương. Cấu tạo của hệ thống thần kinh trung ương bao gồm tủy sống, não và các dây thần kinh xung quanh khu vực này. Nó có chức năng điều phối và kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể, bao gồm cả chức năng của các cơ quan, sự chuyển động của cơ bắp và thậm chí là những tư duy, suy nghĩ hay quá trình lập kế hoạch vô cùng phức tạp.
Trên cơ thể người có thể xảy ra hơn 600 loại rối loạn thần kinh trung ương. Trong đó, một vài loại rối loạn phổ biến nhất bao gồm:
- Bệnh đa xơ cứng;
- Động kinh;
- Bệnh Parkinson;
- Đột quỵ;
- Viêm màng não;
- Đau nửa đầu…
Khám thần kinh được ứng dụng để giúp bệnh nhân kiểm tra xem bản thân có gặp phải tình trạng rối loạn hệ thần kinh hay không. Việc chẩn đoán sớm có thể giúp nâng cao khả năng phát hiện và điều trị kịp thời, đồng thời làm giảm và hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Do đó, nhiều người thường thắc mắc nên khám thần kinh ở đâu?
Nên khám thần kinh khi nào?
Trước khi tìm hiểu vấn đề khám thần kinh ở đâu, bạn đọc cần biết khi nào thì nên đi khám thần kinh. Nếu bệnh nhân có xuất hiện những triệu chứng hoặc dấu hiệu liên quan đến rối loạn thần kinh thì việc khám thần kinh là điều cần thiết. Tùy thuộc vào vị trí gây ra rối loạn, các triệu chứng bệnh cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn có một hoặc nhiều triệu chứng sau thì nên đến bệnh viện để kiểm tra như:
- Đau nửa đầu;
- Đau đầu kéo dài và cơn đau mang tính chất dữ dội;
- Chóng mặt, choáng váng, mất khả năng thăng bằng;
- Tê bì tay chân, tê nửa mặt;
- Nhìn mờ;
- Có sự thay đổi về khứu giác và thính giác;
- Hành vi thay đổi;
- Hay quên, lú lẫn, mất trí nhớ;
- Nói lắp;
- Động kinh, co giật;
- Sốt;
- Cơ thể mệt mỏi;
- Bất tỉnh đột ngột;
- Thường xuyên căng thẳng;
- Nôn mửa không rõ nguyên nhân;
- Chân tay co rút…
Các bệnh về thần kinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như di truyền, lão hóa, áp lực, chấn thương, tai nạn, biến chứng của các bệnh mãn tính hoặc tự miễn như huyết áp, tiểu đường…
Quy trình khám thần kinh
Khám thần kinh là một quá trình kiểm tra hàng loạt. Các bài kiểm tra thần kinh bao gồm sức mạnh cơ bắp, sự cân bằng và các chức năng có liên quan khác của hệ thần kinh trung ương. Để chẩn đoán bệnh liên quan đến hệ thần kinh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành làm các bài kiểm tra thần kinh bao gồm:
- Kiểm tra rối loạn về thăng bằng và vận động.
- Kiểm tra rối loạn tâm thần: Khả năng kiểm soát cảm xúc, khả năng ghi nhớ…
- Kiểm tra khả năng phản xạ, rối loạn cảm giác: Tê, đau hoặc bị châm chích ở các khu vực cụ thể.
- Kiểm tra sự rối loạn của các giác quan: Khả năng nói, nghe, nhìn…
- Kiểm tra các rối loạn khác có liên quan: Nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, giấc ngủ, hệ tiêu hóa, tình dục…
Một vài bệnh thần kinh thường gặp
Nên khám thần kinh ở đâu? Khi nào khám thần kinh? Rối loạn thần kinh có nhiều dạng bệnh, do đó đi khám và kiểm tra sớm là điều kiện giúp chẩn đoán và phát hiện chính xác bệnh. Trong tổng số các rối loạn thần kinh, một số bệnh thần kinh phổ biến nhất bao gồm:
Đau dây thần kinh liên sườn
Dây thần kinh liên sườn bao gồm 12 cặp và xuất phát từ tủy sống ngực. Trong đó, nhánh sau chi phối vùng lưng, nhánh trước chi phối vùng bụng và ngực. Hệ dây thần kinh liên sườn trải rộng khắp và nằm nông ngay trên thành ngực, do đó chúng dễ gặp phải các tổn thương khi tủy sống, cột sống và xương sườn bị tác động.
Bệnh nhân nên khám thần kinh ngay khi có các triệu chứng như buốt, đau rát hoặc đau ở xung quanh ngực trên, xương sườn hay lưng trên, có cảm giác bị bóp nghẹt ngực trước ra sau, bị châm chích hoặc ngứa vùng lưng ngực… để xác định bệnh đau dây thần kinh liên sườn.
Tình trạng rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật là cả hai hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm gặp tình trạng bị mất cân bằng. Rối loạn thần kinh thực vật thường không gây ra nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó lại gây ra nhiều ảnh hưởng cho bệnh nhân như rối loạn giấc ngủ, cơ thể mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, căng thẳng…
Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ cần phối hợp điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với việc cải thiện chế độ sinh hoạt, ăn uống để cơ thể cân bằng trở lại. Tuy nhiên, nếu rối loạn thần kinh thực vật đã diễn ra lâu ngày và ở mức độ nặng, bệnh nhân có thêm những triệu chứng bệnh như loét dạ dày - tá tràng, đổ mồ hôi ở chân tay. Khi đó, việc điều trị bệnh thường khá phức tạp và gây nhiều khó khăn. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân khi khám thần kinh, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định điều trị phù hợp.
Đau đầu và đau nửa đầu
Đau nửa đầu là tình trạng bệnh đau âm ỉ hoặc đau nhức dữ dội ở một bên đầu và thường kéo dài. Bệnh nhân bị đau nửa đầu rất nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa.
Bệnh đau nửa đầu có thể xuất phát từ nguyên nhân thần kinh căng thẳng do thường xuyên gặp vấn đề áp lực, do sự thay đổi của hormone hoặc do môi thường thay đổi đột ngột. Tuy nhiên, để biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng nhức đầu và đau nửa đầu thì bệnh nhân nên khám thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán.
Để điều trị đau nửa đầu, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc. Ngoài ra, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh cũng giúp điều trị và phòng ngừa chứng đau nửa đầu.
Nên khám thần kinh ở đâu?
Khám thần kinh ở đâu là tốt nhất? Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn tham khảo những nơi uy tín để khám thần kinh:
Bệnh viện khám thần kinh ở Hà Nội
Những địa chỉ uy tín trong việc khám thần kinh có địa chỉ ở Hà Nội bao gồm:
- Chuyên khoa thần kinh của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Số 16 - 18 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Khoa thần kinh và bệnh Alzheimer của bệnh viện Lão khoa Trung ương: Số 1A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa thần kinh của bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Chuyên khoa thần kinh của bệnh viện 108: Số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bệnh viện khám thần kinh ở thành phố Hồ Chí Minh
Ở thành phố Hồ Chí Minh có những địa chỉ uy tín khám thần kinh bao gồm:
- Khoa thần kinh của bệnh viện Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 1): 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP HCM.
- Khoa nội thần kinh tổng quát của bệnh viện Nhân dân 115: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh.
- Khoa nội thần kinh - huyết học của bệnh viện Nhân dân Gia Định: Số 1 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP HCM.
- Khoa nội thần kinh của bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP HCM.
Các tình trạng rối loạn thần kinh gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, khám và điều trị thần kinh sớm giúp phòng ngừa và giảm thiểu các nguy cơ có thể xảy ra. Trên đây là những thông tin về chủ đề “Khám thần kinh ở đâu” mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ cho bạn. Nếu bạn đọc có thắc mắc, có thể gửi câu hỏi lên trang web của Nhà thuốc Long Châu để được giải đáp.
Xem thêm:
- Khám đau đầu ở bệnh viện nào tốt?
- Nên khám chóng mặt ở đâu uy tín?