Học trò Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa được team building trong 35 phút trong giờ lịch sử
H.T
Đó là cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Là ngôi trường có cả cấp THCS và THPT, cô Thảo giảng dạy lịch sử tại khối lớp 8, 9 và 11.
Học lịch sử theo cách mới
Mới đây, cô Huyền Thảo đã khiến đông đảo các học trò của mình đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi không thông báo trước mà giao nhiệm vụ để học trò thiết kế nội dung bài học với tất cả những dụng cụ, chất liệu hiện có. Sau khi học trò hoàn thiện tác phẩm, cô Huyền Thảo thu lại và ngày hôm sau lại bất ngờ mời đại diện từng đội lên thuyết trình về sản phẩm của nhóm mình. Cô Huyền Thảo sẽ chấm điểm cho từng học sinh trong đội vào cột điểm kiểm tra thường xuyên.
“Có những em lo lắng hỏi “cô ơi tụi em chưa kịp chuẩn bị, thì sao thuyết trình được. Nhưng ngay sau đó các em hội ý, bàn bạc và có phần thuyết trình lại rất ấn tượng”, cô Huyền Thảo nói.
Kể với PV Thanh Niên, cô Huyền Thảo cho biết đây là năm học đầu tiên cô dùng phương pháp cho học sinh team building, cả lớp chia thành các đội làm workshop và thuyết trình về ý tưởng của mình. Cô dạy lịch sử tất cả 17 lớp của Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa và áp dụng hoạt động này cho các lớp.
Những chủ đề mà các học sinh thiết kế trong bài làm của mình như châu Phi; châu Mỹ Latinh; châu Á; khu vực ASEAN; Thành tựu phát triển khoa học; Thành tựu văn hóa…
Một số sản phẩm của học sinh sau 35 phút team building
h.t
“Quan sát quá trình làm việc của các đội trong lớp, nhận những sản phẩm của các em, tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc. Mỗi tiết học dài 45 phút, nhưng 10 phút đầu tiên tôi dành để giao nhiệm vụ cho các đội. Các em chỉ còn 35 phút để từ bàn bạc, lên ý tưởng, phân chia nhiệm vụ, hoàn thiện sản phẩm. Tất cả các đội đều chưa được chuẩn bị từ trước, giấy thì giáo viên cung cấp còn lại dụng cụ, chất liệu khác đều dùng đồ có sẵn trong lớp. Nhưng các em làm những sản phẩm rất khoa học, bố cục, nội dung, màu sắc, ý tưởng đều rất sáng tạo, hấp dẫn”, cô Huyền Thảo cho biết.
Dạy học trò luôn thích ứng với hoàn cảnh
Cô Huyền Thảo cho biết năm ngoái bị ảnh hưởng dịch bệnh nên học sinh chủ yếu học trực tuyến, do đó các em chưa gắn kết nhiều với bạn bè. Vì vậy, cô Huyền Thảo mong muốn ngay trong lớp học, với 35 phút trong môn học lịch sử, các học trò có thể có một buổi team building thú vị.
Chân dung cô giáo trẻ với cách dạy lịch sử sáng tạo
THÚY HẰNG
Các học trò thuyết trình về sản phẩm của đội mình, đây cũng là yêu cầu bất ngờ của cô Thảo, để học trò luôn thích ứng với các tình huống bất ngờ
h.t
Đồng thời, trong không gian này các em được phát huy thế mạnh của mình, người giỏi về ý tưởng, người giỏi về sắp xếp bố cục, người có năng khiếu vẽ, người lại có ưu thế về viết chữ, người thuyết trình xuất sắc… Các học trò cũng học được tinh thần chung sức chung lòng, tất cả các bạn sẽ bổ trợ cho nhau, cùng làm cho đội của mình mạnh nhất, với sản phẩm hoàn hảo nhất và cùng được đóng góp cho tập thể.
“Quan điểm của tôi là không giao bài tập về nhà. Các em hoàn thành bài học của mình ngay trên lớp, lĩnh hội nhiều kiến thức và thêm yêu môn học của mình. Tại lớp, tôi cũng sẽ quan sát được sự tham gia của tất cả các thành viên. Chúng ta đều biết nhiều bài tập nhóm khi giao về nhà có hiện tượng một bạn “gánh team”, còn lại nhiều bạn không làm gì cả”, giáo viên lịch sử Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho hay.
Cô giáo lịch sử được các học trò yêu mến
h.t
Cô giáo tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho biết một trong những lý do quan trọng khác để cô đưa hình thức dạy team building này trong giờ lịch sử đó là mong học sinh tập thích ứng với những hoàn cảnh bất ngờ, có tinh thần vượt khó, vượt qua thử thách, khó khăn để có thể tự tin rằng trong hoàn cảnh như thế nào mình cũng có thể chiến thắng nỗi lo sợ của bản thân, hoàn thành mục tiêu, chạm tay tới đích. Học lịch sử không chỉ là học những con số, dữ liệu tháng năm, thành tựu mà từ môn học lịch sử, ta còn học được nhiều bài học quan trọng khác của cuộc sống. Đó cũng là thông điệp quan trọng cô giáo lịch sử ở TP.HCM luôn muốn nhắn nhủ với học trò của mình.