Giá ngô giảm mạnh gần 4%
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, hầu hết các mặt hàng nông sản đều đồng loạt suy yếu. Giá ngô đã sụt giảm gần 4%, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm và là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Triển vọng nguồn cung tích cực từ Mỹ và Brazil là yếu tố đã khiến giá ngô chịu áp lực vào hôm qua.
Tại Mỹ, các khu vực ngập lụt ở phía bắc Midwest dự kiến sẽ chỉ nhận được những cơn mưa rào nhẹ, thay vì những trận mưa lớn như dự báo trước đó. Các nhà khí tượng học cho biết, tàn dư của cơn bão Beryl, dự kiến di chuyển tới Vành đai ngô phía đông vào cuối tuần này, sẽ mang đến lợi ích cho cho các vùng của Illinois và Indiana, nơi lượng mưa chỉ ở mức hạn chế trong những tuần gần đây. Ở phía tây Vành đai ngô, thời tiết dự kiến sẽ khô hơn vào tuần tới, giảm bớt tình trạng ngập úng tại các khu vực bị lũ lụt trước đó. Tình hình vụ mùa có sự cải thiện khiến thị trường kỳ vọng nguồn cung cao hơn tại Mỹ, gây sức ép lên giá.
Bên cạnh đó, Brazil dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu kể từ tháng này nhờ việc thu hoạch ngô nhanh chóng. Công ty tư vấn AgRural cho biết, tính tới ngày 4/7, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 năm nay của Brazil hiện đã đạt 63% kế hoạch, tăng từ mức 49% được ghi nhận một tuần trước đó và cao hơn nhiều so với mức 26% cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khô ráo kèm nhiệt độ trên mức trung bình ở hầu hết các khu vực nông nghiệp đã thúc đẩy hoạt động thu hoạch.
Tương tự ngô, giá lúa mì cũng đã ghi nhận mức giảm mạnh hơn 3% vào hôm qua. Việc Nga đẩy mạnh thu hoạch đang tạo ra áp lực mùa vụ trên thị trường, khiến lúa mì suy yếu.
Công ty tư vấn SovEcon cho biết, tính đến ngày 28/6, nông dân Nga đã thu hoạch được 6,9 triệu tấn lúa mì trên diện tích 1,47 triệu héc-ta. Điều này vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái khi hoạt động mới chỉ bắt đầu ở một số khu vực. Thời tiết khô ráo trong năm nay đã hỗ trợ nông dân đẩy mạnh thu hoạch, giúp thị trường được bổ sung bởi lượng lúa mì mới.
Giá cà phê tăng mạnh đầu tuần
Giá hai mặt hàng cà phê tăng vọt ngay phiên giao dịch đầu tuần. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng 2,38%, lên 5.167,63 USD/tấn. Giá cà phê Robusta tăng 3,89% lên 4.348 USD/tấn, là phiên khởi sắc thứ ba liên tiếp. Thị trường tập trung vào lo ngại thiếu hụt nguồn cung cà phê tại Việt Nam.
Lượng cà phê vụ hiện tại dần cạn kiệt, kéo theo dữ liệu xuất khẩu hàng tháng đi xuống. Trong khi đó, nguồn cung cà phê vụ mới dự kiến giảm so với vụ hiện tại, về mức thấp nhất nhiều năm do ảnh hưởng từ khô hạn đầu năm.
Nguồn tin từ Reuters cho biết, sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024-2025 có thể giảm tới 16% so với vụ hiện tại do nắng nóng cực độ tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Như vậy, sản lượng vụ mới khả năng cao sẽ là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
Tổng cục Thống kê ước tính, xuất khẩu cà phê trong tháng 6 của Việt Nam chỉ ở mức 85.000 tấn, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ năm 2023 và là tháng đi xuống thứ 3 liên tiếp. Tính chung trong nửa đầu năm 2024, nước ta mới xuất đi 902.000 tấn cà phê, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước.
Giới thương nhân cho rằng, tình trạng xuất khẩu ảm đạm và khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay, khi vụ mới bắt đầu thu hoạch.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (9/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng mạnh, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 125.9000 - 127.100 đồng/kg.
Ở chiều ngược lại, giá cacao giảm 1,85% về mức 7.705 USD/tấn khi nguồn cung có dấu hiệu cải thiện. Nông dân trồng ca cao tại Bờ Biển Ngà cho biết, lượng mưa dưới mức trung bình trong tuần trước tại hầu hết các vùng trồng ca cao chính giúp đất đủ ẩm để hỗ trợ cho vụ chính kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 tới. Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi nguồn cung từ quốc gia sản xuất cacao lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, tình hình xuất khẩu hiện tại vẫn lẹt đẹt do sản lượng vụ 2023-2024 ở mức thấp. Các nhà xuất khẩu cacao tại Bờ Biển Ngà ước tính, tính đến ngày 7/7, lượng hàng cập cảng đạt 1,612 triệu tấn, giảm 27,5% so với cùng kỳ mùa trước.