Sau khi xâm lược và đặt ách đô hộ ở Việt Nam, thực dân Pháp đã biến Côn Đảo thành "địa ngục trần gian", là nơi giam cầm, tra tấn những người yêu nước. Theo Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt - Nhà tù Côn Đảo, ước tính có khoảng 20.000 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Côn Đảo, được chôn cất sơ sài tại khu vực Chuồng Bò, rồi Nghĩa trang hàng Keo. Từ năm 1934 và nhất là sau khủng bố trắng năm 1941, thực dân Pháp chôn cất những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương.
Đến cuối năm 1944, thực dân Pháp mở rộng nghĩa trang về phía Nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945-1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía Đông Nam, nơi có các phần mộ của Anh hùng Võ Thị Sáu, Anh hùng Cao Văn Ngọc, Anh hùng Lưu Chí Hiếu...
Từ năm 1992, Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương là nơi quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo từ các nghĩa trang khu Chuồng Bò, Hàng Keo về cùng an nghỉ với đồng đội.
Ngày nay, Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử Đảng sống động mà bất kỳ ai đến với Côn Đảo đến thăm viếng đều không khỏi xúc động, xen lẫn niềm khâm phục, tự hào về lớp lớp thế hệ yêu nước cha ông đi trước.