Việc tìm hiểu về vấn đề ung thư phổi nên ăn gì và kiêng gì sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Từ đó giúp bệnh nhân có thể duy trì sức khỏe, tăng sức đề kháng để chống lại nhiễm khuẩn, hạn chế tác dụng phụ và nâng cao hiệu quả điều trị.
Theo thống kê của GLOBOCAN (Cơ sở dữ liệu ung thư của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế), năm 2020 trên thế giới có khoảng 2.206.771 ca mới mắc và 1.796.144 ca tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 trong những loại ung thư thường gặp với 26.262 ca mắc mới, 23.797 ca tử vong mỗi năm và tỷ lệ mắc là 29,42/100.000 dân.
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi phải kể đến là việc hút thuốc lá trực tiếp (hút thuốc chủ động). Ngoài ra, nguy cơ mắc ung thư phổi cũng cao ở những người phải thường xuyên hít khói thuốc của người khác (hút thuốc thụ động), người làm nghề tiếp xúc trực tiếp với chất cách nhiệt thạch miên (amiante/asbestos), khí phóng xạ radon (môi trường hầm mỏ), các loại hydrocarbon vòng thơm, arsenic, kim loại nặng (nickel, chrome…), ô nhiễm không khí…
Tầm quan trọng của dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư
Đối với các bệnh nhân ung thư nói chung; khi biết bản thân mình mắc bệnh, về tâm lý các bệnh nhân thường buồn phiền và dẫn đến việc chán ăn. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ trải qua các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị; tất cả các phương thức trên đều cần bệnh nhân có một sức khỏe tốt để nâng cao sức đề kháng, giúp phục hồi tốt trong quá trình điều trị.
Chính vì vậy dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Liệu pháp dinh dưỡng nên được bắt đầu từ thời điểm phát hiện ung thư và theo dõi suốt quá trình điều trị bệnh. Hiện tại, không có một nghiên cứu nào chứng minh một loại thực phẩm hoặc chất bổ sung nào có thể giúp chữa khỏi và phòng ngừa bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, một chế độ ăn với nhiều rau, trái cây, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp bệnh nhân nâng cao sức khỏe. Khi tình trạng sức khỏe được cải thiện, bệnh nhân có thể dung nạp tốt với việc điều trị, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị để chống lại bệnh ung thư. (1)
Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi hoàn toàn khác nhau trên từng bệnh nhân, và được dựa trên các yếu tố sau: mức độ xâm lấn khối bướu, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, tiên lượng bệnh và các bệnh lý kết hợp. Mục tiêu chính của liệu pháp dinh dưỡng trong điều trị ung thư là duy trì thể trạng bệnh nhân, tăng cường hệ thống miễn dịch và chức năng của các cơ quan.
Liệu pháp dinh dưỡng được chỉ định qua các bước:
- Sàng lọc, đánh giá nguy cơ dinh dưỡng của bệnh nhân: sử dụng NRS 2002 (Nutrition Risk Screening: Sàng lọc nguy cơ dinh dưỡng) của Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng và chuyển hóa châu Âu áp dụng trong bệnh viện. Quy trình đánh giá được tiến hành hàng tuần hoặc mỗi 1-3 tháng. Các tiêu chí đánh giá gồm: tình trạng sụt cân, tình hình ăn uống thực tế, chỉ số khối cơ thể (BMI), các bệnh mạn tính kèm theo…
- Kiểm tra dinh dưỡng: Quy trình này được thực hiện sau sàng lọc dinh dưỡng. Kết quả cuối cùng cung cấp các thông tin về chuyển hóa, nhu cầu dinh dưỡng, các chức năng của cơ quan…
- Đánh giá cân bằng năng lượng và dinh dưỡng, bao gồm: đánh giá mức độ, nhu cầu của bệnh nhân về năng lượng và dinh dưỡng thực tế dung nạp vào cơ thể.
- Thăm khám lâm sàng, bao gồm: khai thác thông tin, những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng hoặc nhiễm độc.
- Xét nghiệm máu: thực hiện xét nghiệm đánh giá nồng độ Protein, Albumin, đường máu, điện giải, đánh giá chức năng gan…
- Tính toán nhu cầu năng lượng: tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân, giai đoạn bệnh, tình trạng tâm lý - tinh thần. Việc tính toán nhu cầu bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể dựa trên khối lượng cơ thể, khối lượng mong muốn, tình trạng cạn kiệt protein và những yếu tố stress chuyển hóa. Thông thường đối với trường hợp bệnh nhân thể trạng tốt, căng thẳng nhẹ, nhu cầu protein dao động 0,8-1g/kg. Với trường hợp bệnh nhân suy kiệt nhẹ, mức độ căng thẳng trung bình, nhu cầu dinh dưỡng cần tăng lên mức 1,5-2g/kg thể trọng.
- Lập kế hoạch dinh dưỡng, bao gồm: thiết lập định hướng, các loại thực phẩm, biện pháp bổ sung cần thiết. Ngoài ra kế hoạch dinh dưỡng cần linh hoạt với tình trạng của bệnh nhân ở từng thời điểm cụ thể.
Do đó, với những bệnh nhân ung thư, cần chú ý theo dõi cân nặng và chế độ ăn uống. Người thân có thể tham khảo thêm ý kiến, hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, bác sĩ dinh dưỡng để giúp bệnh nhân có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng tốt, bệnh nhân có thể duy trì sức khỏe, giữ cân nặng ổn định, tăng sức đề kháng để chống lại nhiễm khuẩn, hạn chế tác dụng phụ và nhanh hồi phục sau điều trị ung thư.
Các vấn đề dinh dưỡng thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi
Ung thư phổi thường gặp những vấn đề dinh dưỡng như sau:
- Suy dinh dưỡng và sụt cân: gây ảnh hưởng đến thể trạng, suy giảm chất lượng cuộc sống và giảm hiệu quả của các liệu pháp điều trị.
- Tiêu chảy, buồn nôn: trong quá trình hóa trị, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn. Nếu không được bổ sung dinh dưỡng và xử trí kịp thời, tình trạng có thể kéo dài gây mất nước, điện giải, suy kiệt.
- Cảm giác ăn không ngon miệng, chán ăn: có thể do tác dụng phụ của điều trị, do tâm lý lo lắng chán nản.
Ung thư phổi nên ăn gì?
Vậy người bị ung thư phổi nên ăn gì? Một số loại thực phẩm bệnh nhân ung thư phổi nên lựa chọn bổ sung bao gồm:
1. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và những loại thực phẩm từ sữa đều rất mềm và có mùi vị thơm ngon, dễ chịu, giúp dễ tiêu hóa và kích thích vị giác. Hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa rất cao, bao gồm protein, canxi, vitamin D, vitamin A, vitamin B12, vitamin B2, nioxin, phốt pho, kali và magie có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe nhanh chóng, đặc biệt đối với bệnh nhân ung thư phổi.
2. Trái cây và rau quả
Bệnh nhân ung thư phổi nên ăn gì? Người nhà nên bổ sung các loại trái câu và rau quả vào trong chế độ ăn. Trong các loại trái cây và rau củ quả thường có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm các triệu chứng bệnh và cung cấp vitamin, các khoáng chất cần thiết cho bệnh nhân ung thư phổi. Ngoài ra, trái cây và rau xanh còn chứa nhiều carbohydrate tốt giúp sản sinh năng lượng chính cho cơ thể. (2)
3. Các loại rau cải
Trong khẩu phần ăn của bệnh nhân ung thư phổi nên bổ sung đầy đủ các nhóm chất bao gồm vitamin, chất xơ và các khoáng chất cần thiết có trong rau xanh. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại rau củ quả cắt nhỏ rồi hấp chín, hoặc hấp chín rồi xay nhuyễn, nấu chung cùng cháo, cơm… để dễ nuốt. Các loại rau cải dành cho bệnh nhân ung thư phổi gồm: bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, cải brussels hay còn gọi là bắp cải tí hon chứa sulforaphane, một hợp chất giàu lưu huỳnh được cho là một trong những chất chống ung thư mạnh nhất được tìm thấy trong thực phẩm.
4. Rau có màu xanh lá
Một số loại rau có màu xanh lá tốt cho bệnh nhân ung thư phổi như rau bina, cải xoăn, rau diếp cá… Chúng có chứa nhiều folate, là một loại vitamin B thiết yếu đóng vai trò trong việc hình thành tế bào hồng cầu và giúp cho sự phát triển của tế bào khỏe mạnh thông qua việc tham gia vào quá trình tạo và sửa chữa DNA.
5. Trái cây có màu cam
Những loại trái cây có màu sắc nói chung và màu cam nói riêng thường có chứa nhiều sắc tố thực vật carotenoid tự nhiên (là nguồn cung cấp vitamin A cho cơ thể). Carotenoid mang lại những lợi ích cho sức khỏe, như tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa tổn thương DNA và các chất liệu di truyền khác… Một số loại trái cây có màu cam mà bệnh nhân ung thư phổi nên ăn như: cam, quýt, đu đủ, ớt chuông đỏ, cà rốt…
6. Quả mọng
Các quả mọng như việt quất xanh, việt quất đen, quả dâu tây, quả nho, mâm xôi, nam việt quất… chứa nhiều chất xơ, vitamin C và các chống oxy hóa (ví dụ: acid ellagic, anthocyanin và resveratrol được cho là có thể làm giảm nguy cơ ung thư).
7. Ngũ cốc nguyên hạt
Bệnh ung thư phổi nên ăn gì sẽ tốt? Tinh bột có trong ngũ cốc như gạo, lúa mì, bột yến mạch, khoai, sắn dây… rất tốt cho bệnh nhân ung thư phổi. Các loại thực phẩm này trung hòa dịch acid dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày và thực quản; ngoài ra còn cung cấp vitamin B và carbohydrate để kích thích bộ não sản sinh Serotonin (hormone giúp cơ thể giảm cảm giác chán ăn, lo âu, buồn bực). Có thể ăn ngũ cốc chung với sữa, yaourt… cho dễ nuốt.
8. Trà xanh
Theo một số trang thông tin về y tế của Hoa Kỳ đã ghi nhận trà xanh được chứng minh có vai trò trong việc phòng ngừa sự phát triển của bệnh ung thư phổi. Các hợp chất gồm theaflavin và epigallocatechin-3-gallate (EGCG) tìm thấy trong trà xanh có khả năng tăng cường tác dụng của thuốc hóa trị Cisplatin (loại thuốc thường được dùng để điều trị ung thư phổi). Tuy nhiên, trong trà xanh có chứa caffeine, do đó khi sử dụng cần chú ý nếu bệnh nhân có vấn đề về giấc ngủ hoặc nhạy cảm với chất này. (3)
9. Thực phẩm giàu protein
Triệu chứng ho ra máu có thể gặp ở bệnh nhân ung thư phổi, dẫn đến việc bệnh nhân có thể bị thiếu máu. Do đó trong chế độ ăn uống của bệnh nhân cần được bổ sung thêm thực phẩm nhiều đạm, ví dụ như các loại sữa ít béo, yến mạch, hạnh nhân, cá ngừ, trứng…
10. Uống nhiều nước
Bệnh nhân nên uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày nhằm giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Ngoài ra bệnh nhân có thể bổ sung các loại nước ép trái cây khác để làm đa dạng thêm chế độ dinh dưỡng.
Ung thư phổi nên kiêng ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên sử dụng, một số thực phẩm khác có thể mang nguy cơ tiềm ẩn và ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư phổi. Vậy ung thư phổi nên kiêng ăn gì? Các loại thực phẩm này bao gồm:
- Những đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa như đồ nướng, chiên xào rán, thịt xông khói, đồ đông lạnh, đóng hộp… Chất béo, đặc biệt là chất béo động vật khiến dạ dày khó tiêu hóa, cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.
- Đồ ngọt chứa nhiều đường, chẳng hạn như bánh ngọt tráng miệng, nước trái cây có đường, kẹo, đồ uống có đường.
- Các thực phẩm quá cứng, khô, khó nhai, khó nuốt và khó tiêu hóa.
- Tránh sử dụng những thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng, kiêng thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao.
- Tránh ăn các loại thức ăn cay và có tính acid, hoặc thức ăn chứa nhiều loại gia vị như ớt bột, hạt tiêu hoặc bột cà ri.
- Không sử dụng các đồ uống chứa nhiều caffein, đồ uống có gas, bia rượu, thuốc lá…
- Nếu bị dị ứng với sữa, bệnh nhân cần tránh sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa vì có thể gây buồn nôn và tiêu chảy.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi cần lưu ý gì?
Căn bệnh ung thư phổi và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị (hóa trị, xạ trị…) có thể gây ra các tình trạng thay đổi vị giác, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược… khiến bệnh nhân ăn uống kém, dẫn đến thiếu dinh dưỡng. Một số phương pháp có thể giúp bệnh nhân ăn uống hiệu quả trong quá trình điều trị bao gồm:
- Chia 3 bữa chính thành 6-8 bữa nhỏ một ngày, mỗi bữa ăn cách 2-3 giờ.
- Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn.
- Trong bữa ăn có thể uống thêm nước để làm mềm thức ăn, giúp việc nuốt dễ dàng hơn.
- Ăn từng miếng nhỏ, nuốt hoàn toàn từng miếng thức ăn trước khi thêm thức ăn vào miệng.
- Ăn bất kể thời gian nào trong ngày ngay khi cảm thấy đói và có thể ăn được.
- Ngồi thẳng lưng hoặc nghiêng 45 độ trong khi ăn và sau bữa ăn ít nhất 30 phút.
- Ăn nhiều thực phẩm yêu thích.
- Cố gắng đảm bảo đầy đủ các nhóm thực phẩm như đã nêu ở phần trên, chế biến theo nhiều cách khác nhau để kích thích cảm giác thèm ăn của bệnh nhân. Sử dụng các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ.
Bên cạnh chế độ ăn uống, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực cũng là một phương thức hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả.
Bí quyết chế biến món ăn giàu dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi
Các phương pháp điều trị ung thư phổi có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón,… Các triệu chứng này có thể được kiểm soát thông qua điều chỉnh chế độ ăn như sau: (4)
- Đối với triệu chứng buồn nôn và nôn: Ưu tiên ăn thực phẩm nhạt, ít gia vị và chia ra thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Đối với triệu chứng tiêu chảy: Ăn thực phẩm có chứa muối để bổ sung lượng natri bị mất; nên uống ít nhất một ly nước hoặc các loại nước bổ sung điện giải sau mỗi lần đi tiêu lỏng. Trong khẩu phần ăn nên tránh sữa, thức ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt.
- Đối với triệu chứng táo bón: Tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây tươi. Nên uống nhiều nước, tránh sử dụng phô mai, trứng…
- Đối với tình trạng ăn không ngon miệng: chia bữa ăn ra nhiều bữa nhỏ; tăng lượng thực phẩm giàu calories, giàu protein như bơ đậu phộng, thịt gà, trứng luộc, các loại hạt…
- Đối với tình trạng bị thay đổi về mùi vị: có thể chế biến món ăn theo một cách mới (thay vì chiên trứng thì có thể làm món trứng trần), tăng khả năng tiếp xúc mùi vị của bệnh nhân (có thể ngửi trước, sau đó nếm thử một chút lượng nhỏ rồi mới ăn).
- Đối với vết loét miệng: tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc giúp giảm triệu chứng đau do vết loét gây ra; nên ăn các loại thực phẩm mềm như bột yến mạch; hoặc có thể thử các loại thực phẩm đông lạnh như kem, sữa chua đông lạnh; hạn chế các loại thực phẩm cay, mặn, thực phẩm có tính acid như cam, chanh, cà chua…
Dinh dưỡng, thể thao và tinh thần lạc quan chống lại ung thư phổi
Bên cạnh có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bệnh nhân cần vận động điều độ, thực hiện những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe như tập thở, tập yoga, thái cực quyền, các bài tập giãn cơ,… sẽ giúp tăng cường oxy cho phổi, giúp cải thiện sức khỏe và triệu chứng khó thở của bệnh nhân.
Đa phần bệnh nhân ung thư rất dễ bị trầm cảm, suy sụp, thậm chí tuyệt vọng. Do đó, sự động viên tinh thần đến từ người thân và bạn bè xung quanh sẽ giúp bệnh nhân lạc quan hơn, thoải mái tinh thần hơn, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi đóng vai trò thiết yếu, ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân. Việc tìm hiểu và nắm rõ ung thư phổi nên ăn gì và kiêng ăn gì rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai; vậy nên bệnh nhân và gia đình cần chủ động trao đổi với bác sĩ để có được các hướng dẫn phù hợp, tối ưu hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Để thăm khám sàng lọc và điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin sau:
Chúng tôi hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết được câu hỏi Ung thư phổi nên ăn gì và kiêng gì. Kết hợp việc sinh hoạt lành mạnh, đúng cách sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tiếp nhận điều trị tốt hơn, mang lại các kết quả khả quan nhất.