Cách trung tâm TP Hà Giang khoảng hơn 20km về phía Tây Bắc, bản Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên) nằm ở độ cao gần 1.000m trên đỉnh một trong những ngọn núi của dãy Tây Côn Lĩnh.
Thôn Xà Phìn hiện có hơn 50 hộ dân sinh sống, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Bản làng nơi đây có tới hơn 90% các gia đình vẫn xây cất, sử dụng nhà sàn mái lá cọ truyền thống, trong đó có hàng chục căn "nhà rêu" - điểm khác biệt lớn nhất với các địa phương còn lại ở Hà Giang.
Nhà rêu - cách gọi về những ngôi nhà của một số dân tộc sinh sống ở vùng cao, nhà được phủ kín phần mái bằng lớp rêu xanh mướt, dày đặc. Một số địa phương cũng có nhà rêu tương tự nhưng số lượng nhà khá hạn chế như nhà sàn người Dao ở Khuổi My (Hà Giang), nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai)...
Với đặc trưng thời tiết quanh năm mát mẻ, bản Xà Phìn thường xuyên có mây mù, sương phủ kín, độ ẩm cao kèm theo mưa phùn...
Đây là điều kiện tốt để cây cối sinh sôi phát triển, đặc biệt với lớp rêu xanh trên nền mái lá cọ ẩm mục của những ngôi nhà sàn.
Cận cảnh lớp rong rêu phát triển, xanh mướt trên nền mái lá cọ ẩm mục những ngày đầu xuân.
Theo người dân địa phương, những mái nhà phủ kín rêu xanh có tuổi đời phải từ 20 đến 30 năm trở lên. Cần ít nhất khoảng 5 năm để bắt đầu chớm xuất hiện rêu mốc trên mái những căn nhà mới xây.
5 năm cũng là quãng để lớp mái lá cọ ngấm dần độ ẩm theo thời gian, mềm mục đi và nấm mốc phát triển sinh sôi, nảy nở rêu xanh.
Theo thời gian, lớp rêu xanh được bồi đắp càng ngày càng dày hơn, phần nào làm cho ngôi nhà được ấm hơn về mùa đông và mát hơn về mùa hè, giống như một tấm chăn phủ trên mái vậy.
Do vậy, nhìn từ trên cao hoặc quan sát kỹ, người dân và du khách có thể đoán được ngôi nhà xây dựng được bao nhiêu năm qua lớp rêu dày hay mỏng trên mái nhà.
Không chỉ đẹp vào mùa đổ nước, mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang, nơi đây còn trở lên sắc màu và rực rỡ hơn với sự tô điểm của hoa đào, hoa mơ nở trắng trên những mái nhà rêu xanh mướt vào mùa xuân.
Trong ảnh, một đôi vợ chồng người Dao đang gánh cuộn ống cao su từ dưới chân núi lên bản để dẫn nước dưới suối về nhà sử dụng trong sinh hoạt.
Ngoài các "đặc sản" du lịch như ruộng bậc thang, hoa đào hoa mơ và những ngôi nhà rêu xanh mướt, người dân nơi đây còn tự hào với hương vị thơm ngon nức tiếng của chè Shan tuyết được khai thác từ những cây chè cổ thụ trăm tuổi nằm cheo lên trên vách đá của dãy Tây Côn Lĩnh.
Với tiềm năng phát triển du lịch, vài năm gần đây một số hộ dân đã sửa sang lại nhà sàn thành homestay, đón và dẫn khách du lịch trong và ngoài nước tới địa phương, tiếp nhiều đoàn nhiếp ảnh về tham quan, sáng tác.