Khi được bác sĩ thông báo có một khối u trong vú, có thể bạn sẽ hoang mang và lo lắng không biết đó có phải ung thư hay không. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về cách phân loại, nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị u vú.
U vú là bệnh lý có thể gặp ở phụ nữ mọi lứa tuổi
U vú là những khối u cứng, chắc nằm trong hoặc xung quanh mô vú. Khối u xuất hiện ở một hoặc cả hai vú, có thể gây đau. Khối u ở vú có thể lành tính hoặc ác tính. Các khối u vú có thể sờ thấy hoặc không sờ thấy. Chúng khác nhau về kích thước, hình dạng và cảm giác như tròn, nhẵn và di chuyển được hoặc cứng, lởm chởm và cố định, dính vào cấu trúc xung quanh, dính da, núm vú.
U vú được chia làm 2 loại: u vú lành tính và u vú ác tính.
Có các loại u vú lành tính là:
- Bệnh lý sợi bọc tuyến vú: Bệnh lý sợi bọc tuyến vú hay thay đổi sợi bọc là tổn thương thường gặp nhất của tuyến vú. Đây là một chẩn đoán bệnh học, thường gặp ở phụ nữ 30 - 50 tuổi, ít khi gặp ở phụ nữ mãn kinh. Estrogen được cho là nguyên nhân gây ra rối loạn này. Các yếu tố làm tăng nguy cơ có thể là uống rượu bia.
- U sợi tuyến vú: Đây là bệnh lý u vú lành tính phổ biến ở phụ nữ trẻ, thường sau tuổi dậy thì, ít gặp ở phụ nữ mãn kinh. Tổn thương đa ổ chiếm 10-15% bệnh nhân.
- U diệp thể: U diệp thể là khối u giống u sợi tuyến, tuy nhiên có kèm theo thành phần tế bào mô đệm phát triển nhanh. Tổn thương này có thể lành tính hoặc ác tính.
- Viêm vú: Viêm vú thường được chia thành 2 nhóm: đang cho con bú và không cho con bú.
- Áp xe vú thường gặp ở người mới sinh con và cho con bú.
U vú có thể lành tính hoặc ác tính
U vú ác tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ tiếp tục phát triển, xâm lấn và phá hủy các mô lân cận, di căn sang các hạch bạch huyết xung quanh.
Các tế bào ung thư còn thông qua hệ thống bạch huyết và máu để đến các khu vực khác của cơ thể.
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết u vú là:
- Đau vú: là triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý: thay đổi sợi bọc tuyến vú, áp xe vú, nang vú bội nhiễm... Ung thư vú thường ít gây đau trừ khi có bội nhiễm kèm theo.
- Khối u tuyến vú: u sợi tuyến vú, ung thư vú, bướu diệp thể vú... U lành tính thường có mật độ chắc, giới hạn rõ, di động tốt, không có dấu hiệu xâm nhiễm da và núm vú. Đối với các khối u ác tính, thường có mật độ chắc hơn, giới hạn không rõ, có dấu hiệu xâm nhiễm da và núm vú nếu ở giai đoạn trễ.
- Tiết dịch núm vú: dịch đỏ hoặc dịch vàng trong. Dịch vàng trong thường gặp trong bệnh cảnh thay đổi sợi bọc tuyến vú, dịch màu đỏ thường gặp trong bệnh lý ác tính của tuyến vú.
- Khối hạch nách: thường gặp trong các trường hợp ung thư vú có di căn hạch nách. Hạch nách có thể đơn độc hoặc nhiều hạch, di động hoặc dính chùm…
- Thay đổi màu sắc da: dấu da cam trong ung thư vú xâm nhiễm da.
- Co rút núm vú, loét da trong trường hợp ung thư vú xâm lấn.
Bạn nên học cách tự làm quen với cảm nhận bộ ngực bình thường của bạn. Bạn sẽ dễ dàng phát hiện khi có sự thay đổi bằng cách tự kiểm tra tuyến vú định kỳ hàng tháng sau khi sạch kinh hoặc kiểm tra định kỳ hằng năm tại bác sĩ chuyên khoa.
Bạn nên tự kiểm tra vú định kỳ mỗi tháng
Khi phát hiện khối u hoặc một mảng bất thường tại vú, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và thủ thuật để đánh giá.
- Chụp nhũ ảnh: Là phim X-quang 2 tư thế giúp đánh giá những thay đổi của tuyến vú, giúp phát hiện các trường hợp ung thư giai đoạn sớm trước khi tổn thương có thể phát hiện trên lâm sàng.
- Siêu âm: Là phương tiện chẩn đoán quan trọng sau nhũ ảnh, được dùng để phát hiện các tổn thương vú khó xác định trên nhũ ảnh và có thể hướng dẫn sinh thiết, chọc hút dưới siêu âm. Bên cạnh đó có thể kết hợp với nhũ ảnh để đánh giá tổn thương vú sờ chạm cũng như không sờ chạm.
- MRI (cộng hưởng từ): MRI tuyến vú dành cho một số trường hợp lâm sàng đặc biệt như ung thư vú tiềm ẩn, đa ổ, di căn hạch nách không rõ nguyên phát trên siêu âm và nhũ ảnh.
- Chọc hút kim nhỏ (FNA): Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có hoặc không hướng dẫn siêu âm là một phương pháp thường dùng, đơn giản để chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú và hạch nách. Bằng cách sử dụng một cây kim nhỏ lấy các tế bào và chất dịch trong khối u hoặc vùng nghi ngờ.
- Sinh thiết kim lõi: Sử dụng một cây kim chuyên dụng lớn hơn để lấy các mẫu mô trong khối u hoặc vùng nghi ngờ.
- Sinh thiết hỗ trợ chân không (VABB): Một lựa chọn sinh thiết vú dưới hướng dẫn của bất kì phương tiện hình ảnh nào.
- Phẫu thuật mở sinh thiết: Sinh thiết một phần u, sinh thiết trọn u hoặc sinh thiết bấm da.
Tùy thuộc vào đặc tính u vú lành hay ác tính, kích thước, vị trí, mức độ,... mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị cho từng bệnh nhân.
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/khoi-u-vu-a34612.html