Gần như mọi thể loại văn viết học thuật, đặc biệt là IELTS, được thiết kế cụ thể cho việc trả lời một câu hỏi, giải quyết một vấn đề hay bàn luận về chủ gây tranh cãi. Mục đích này chỉ có thể đạt được qua việc lập luận chặt chẽ, rành mạch để chứng minh được cho sự hợp lí của câu trả lời cho câu hỏi của đề bài. Một thành phần thiết yếu của lập luận đó chính là luận điểm. Người học IELTS thường cho rằng trong đoạn thân bài đều cần phải có nhiều ý tưởng và những câu triển khai, nhưng vai trò của những điều này là gì? Chúng đang phục vụ mục đích gì? Nhằm mục đích làm rõ quy trình lập luận và triển khai ý, bài viết này sẽ giải thích khái niệm luận điểm, cũng như là vai trò trong văn viết học thuật nói chung và IELTS nói riêng.
Từ hai chữ “luận” và “điểm” trong “luận điểm”, người đọc có thể hiểu khái niệm này theo một cách đơn giản như sau:
“Luận” nghĩa là bài luận hoặc luận văn bàn về một vấn đề cụ thể có áp dụng phân tích lí lẽ.
“Điểm” ở đây có thể được hiểu tương đương với từ “point” ở trong tiếng Anh theo nghĩa “quan điểm”, ám chỉ nội dung, ý tưởng mà lập luận xoay quanh.
Sự kết hợp của hai chữ này, theo cách hiểu như trên, cho thấy rằng một luận điểm trong một đoạn văn hướng tới trả lời câu hỏi: “What’s the point?” - nếu có thể rút gọn lập luận về một điểm chính, trong một câu duy nhất, người đọc có thể rút ra được nội dung trọng tâm đang thể hiện một ý tưởng gì.
Đối với thuật ngữ “luận điểm”, ngoài một định nghĩa khẳng định - nói ra đó là gì, vừa được nêu ra ở trên, người đọc cần phải nắm thêm một định nghĩa phủ định của thuật ngữ này - nói ra nó không phải là gì, nhằm mục đích làm sáng tỏ tất cả các lầm hiểu về thuật ngữ này.
Lý do chính cho sự cần thiết của việc định nghĩa này là ngày nay đã xuất hiện rất nhiều khái niệm với các tên gọi khác nhau trong văn học thuật nói chung và IELTS nói riêng. Thêm vào đó là sự lạm dụng từ “luận điểm” khi muốn ám chỉ bất kỳ ý nào trong bài văn đã dẫn đến sự mất đi nghĩa đúng của khái niệm này.
Đề tài có nghĩa là phạm vi bàn luận của bài văn đang rơi vào một phạm trù cụ thể nào - hay nói cách khác là bài văn xoay quanh một mảng chủ đề nhất định nào, có thể là môi trường, kinh tế hoặc khoa học, …
Có thể nói: “Đề tài của bài luận là hiện tượng nóng lên toàn cầu”.
Tuy nhiên không thể nói: “Luận điểm của bài luận là hiện tượng nóng lên toàn cầu”.
Câu luận đề là một câu duy nhất khẳng định rõ ràng điều người viết muốn độc giả biết, tin và hiểu sau khi đọc xong bài văn. Thông thường nó sẽ xuất hiện trong mở bài của một bài luận luận văn để cung cấp cho độc giả một ý tưởng chủ trương sẽ bám theo xuyên suốt bài để định hình người viết đang lập luận hỗ trợ ý tưởng gì, như thế nào và có hợp lí, rành mạch khộng.
Luận điểm chỉ là một phần trong lập luận. Lập luận là quá trình đưa ra những luận điểm xác thực và liên kết với nhau, và đồng thời sáng tỏ chúng dựa trên những luận cứ có nền tảng thực tế, lí lẽ và khoa học.
Luận điểm là một phần của lập luận. Lập luận có cơ sở nằm trong tư duy logic. Logic hình thức (formal logic) cung cấp các cấu phần cho một lập luận - mỗi cấu phần đều phục vụ một chức năng. Nhìn chung, hệ thống hình thức này sử dụng một thứ gọi là Tạm đoạn luận logic (Logical Syllogism)
Mọi tam đoạn luận logic đều phải mang 2 tính chất sau:
Tính xác thực: Các tiền đề phải mang tính xác thực.
Tính hợp lý: Một kết luận có thể rút ra được từ các tiền đề để trả lời câu hỏi.
Ví dụ sau đây về tam đoạn luận logic có thể sẽ rất quen thuộc với người đọc:
Tiền đề chính: All men (A) are mortal (B) A=B
Tiền đề phụ: Socrates (C) is a man (A) C=A
Kết luận: Therefore, Socrates (C) is mortal (B) C=B
Và đúng thật như vậy, Socrates đã chết, điều này có nghĩa kết luận được rút ra là chính xác.
Về mặt logic, một kết luận xác thực sẽ theo sau những tiền đề xác thực. Bản thân một mình kết luận không phải là lập luận - mà là một phần của lập luận. Nó là một kết quả logic từ những suy luận được đúc kết từ những tiền đề. Sự kết hợp của tất cả những yếu tố này, trong một toàn thể, là một lập luận.
Bản chất của văn viết học thuật là việc áp dụng lập luận logic để làm rõ một luận điểm nên sẽ có những điểm tương đồng với tam đoạn luận logic. Người đọc có thể liên hệ những cấu phần của tạm đoạn luận logic với trình tự lập luận của một bài luận văn như sau:
Khái niệm tương đương của “tiền đề” trong tam đoạn luận chính là “luận cứ” trong bài luận văn.
Khái niệm tương đương của “kết luận” trong tam đoạn luận chính là “luận điểm” trong bài luận văn.
Một điểm khác biệt chính là trình tự. Nếu trong tam đoạn luận là kết luận theo sau tiền đề, thì trong văn viết học thuật, các bài luận áp dụng lý luận diễn dịch (deductive reasoning) sẽ thường có luận điểm đi trước và luận cứ theo sau. Ngoài ra trong những bài luận văn này sẽ thường có thêm một kết luận phụ - thông thường được thể hiện ở hình thức hệ quả/ hậu quả (effect) từ luận cứ - đóng vai trò chính là kết nối (link) lại với luận điểm để tạo sự rành mạch.
Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa những cấu phần trong lập luận vẫn như nhau: luận cứ phục vụ luận điểm trong quá trình lập luận, tất cả phục vụ luận đề. Có thể áp dụng tam đoạn luận logic vào trong một đoạn thân bài áp dụng lý luận diễn dịch như sau:
Luận điểm: Deforestation is the reason for global warming.
Bây giờ điều cần làm là chứng minh cho luận điểm này.
Luận cứ 1: Trees serve a vital role in alleviating climate change by helping absorb CO2.
Luận cứ 2: Increased concentration of CO2 in the atmosphere is the major cause of the greenhouse effect.
Effect: With a number of forests worldwide being cut down faster than they can grow back, the amount of CO2 in the air is bound to rise, contributing to more heat being trapped within the Earth.
Dựa trên lối giải thích đã đưa ra ở trên, cấu trúc lập luận của một đoạn văn như sau có thể được khái quát hóa như sau, xoay quanh chủ đề Crime:
Body Paragraph:
(1) Luận điểm: Prison is a much more viable measure against crime.
(2.1) Luận cứ 1: The primary purpose of prisons, with all the punitive labour and harsh conditions, is to punish all kinds of crime, from heinous ones, including vandalism, shoplifting to serious ones like murder.
(2.2) Luận cứ 2: This punishment in the name of justice is needed for society to function well, as its members will realize that they are accountable for their actions and must thus maintain a strong sense of moral responsibility.
(3) Link - Effect: Therefore, the prospect of being thrown into jail can strike fear into the hearts of potential law-offenders and greatly deter them from committing crimes.
Đọc tới đây, bạn đọc có thể cũng đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu cấu trúc tác giả đề xuất ở trên, với luận điểm xuất hiện đầu đoạn văn, có khác hoặc mâu thuẫn với cấu trúc phổ biến:
(1) Topic sentence -> (2) Supporting Ideas
Trên thực tế, đây là hai khái niệm, tuy có tên gọi khác nhau, nhưng lồng ghép nhau. Để hiểu rõ bản chất vấn đề, trước tiên, người đọc cần định nghĩa rõ câu chủ đề và chức năng của nó trong đoạn văn.
Câu chủ đề, như cái tên topic sentence của nó gợi ý, giới thiệu một ý tưởng tổng quát, chi phối xuyên suốt nội dung của đoạn văn đó. Những câu xuất hiện ngay sau câu chủ đề nhằm giải thích ý tưởng chính này được gọi là những câu triển khai (supporting sentences/ideas/details). Tất cả những ý tưởng riêng được thể hiện trong các câu triển khai đều phục vụ một ý tưởng chính đã được nêu ra ở câu chủ đề.
Nhìn chung, cấu trúc đoạn văn gồm câu chủ đề đầu tiên và theo sau là những câu triển khai về cốt lõi vẫn là lối lập luận diễn dịch. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là: Cấu trúc này khớp với trình tự luận điểm → luận cứ → link như thế nào?
Quay trở lại với khái niệm “luận điểm”, có thể hiểu đó là một ý tưởng hoặc một quan điểm, bày tỏ trong một khía cạnh nhất định của một chủ đề. Vì vậy, trong một đoạn thân bài, vẫn có thể có nhiều luận điểm ở những khía cạnh khác nhau của chủ đề mà nội dung chung vẫn xoay quanh chủ đề đó. Trong trường hợp này, những luận điểm này sẽ trở thành những supporting ideas mà đang phục vụ cho một chủ đề chung hơn, bao quát hơn. Chủ đề này sẽ xuất hiện trong topic sentence.
Như vậy, có một hệ thống lập luận chi tiết như sau:
Trong mô hình như trên, ta cần phải đảm bảo 3 điều sau:
Câu topic sentence cần phải bao hàm được hết những luận điểm về mặt nội dung. Điều này đồng nghĩa với việc topic sentence phải mang tính tổng quát (general).
Các luận điểm, tuy có thể ở các khía cạnh khác nhau, cần phải liên kết chặt chẽ với nhau.
Đối với mỗi luận điểm riêng, ta sẽ cần phải có những luận cứ theo sau phục vụ nó.
Tuy nhiên, đối với những đoạn thân bài chỉ có duy nhất 1 một ý tưởng thì lúc này luận điểm chính cho ý này sẽ đứng ở ngay đầu thân bài và cũng sẽ đồng thời đóng vai trò là topic sentence cho đoạn văn. Đối với trường hợp này, trong đoạn thân bài sẻ không xuất hiện thêm bất kì ý tưởng nào khác và sau câu luận điểm sẽ là những luận cứ chi tiết hơn, phục vụ duy nhất luận điểm đó.
Ví dụ:
Topic: A university should accept male and female students equally in every subject. To what extent do you agree or disagree with the statement above?
Body:
Admission to university should be based on capability and suitability as entrance criteria, rather than imposed equal opportunities for men and women. Universities are academic institutions that offer higher levels of education involving specialized knowledge to a great extent. Understandably so, their aim is to train competent individuals into resourceful and skilled citizens, which means that these institutions must take priority in choosing the most talented applicants, regardless of the gender. If there is a certain limit on the number of males and females to ensure equality, the chances are that some of the more talented ones will be lose their opportunity to a less competent counterpart. Therefore, no matter if men outnumber women or vice versa, only the most suitable and outstanding students should be accepted.
Mấu chốt ở đây nằm trong hướng triển khai ý.
Người viết có thể chọn triển khai ý theo chiều ngang hoặc theo chiều sâu:
Người viết triển khai ý theo chiều ngang bằng cách phân tích chủ đề trong nhiều khía cạnh khác nhau của nó. Hướng tiếp cận này sẽ cần nhiều hơn là một luận điểm. Mỗi luận điểm sẽ ứng với một khía cạnh.
Người viết triển khai theo chiều sâu bằng cách xác định cụ thể một khía cạnh duy nhất của chủ đề và sẽ tập trung đào sâu chi tiết nhất có thể khía cạnh đó. Hướng tiếp cận này chỉ có một luận điểm thể hiện 1 ý tưởng chủ trương.
Việc chọn hướng nào để tiếp cận bài viết phụ thuộc ít nhiều vào kiến thức, kĩ năng cũng như sự ưa chuộng cá nhân của người viết.
Ngoài ra, một yếu tố nữa ảnh hưởng đến việc này sẽ là yêu cầu đề bài.
Đối với những dạng đề thảo luận Advantages/Disadvantages hoặc Cause/Solution - Causes/Effects, hướng tiếp cận phù hợp và dễ hơn cho người viết sẽ là hướng triển khai theo chiều ngang. Lí do đơn giản là bởi vì cho những loại đề này, người viết thường có hai nhiệm vụ cần thực hiện và phải phân tích nhiều yếu tố khả thi, khách quan.
Ví dụ đối với loại đề mang thông điệp “Discuss the advantages and disadvantages of this trend”, phải dành một đoạn thân bài cho advantages và một đoạn còn lại cho disadvantages. Trong mỗi đoạn thân bài này, phải liệt kê ra từng advantage hoặc disadvantage là gì. Mỗi một advantage hoặc disadvantage riêng sẽ ứng với một luận điểm trong đoạn thân bài đó. Trường hợp cũng sẽ tương tự như vậy đối với dạng đề Cause/Solution.
Còn đối với những dạng đề Argumentation/Opinion, có thể tiếp cận theo chiều sâu. Khác với những dạng đề thảo luận ở trên, cho những dạng đề nghị luận này thì cấu trúc bài viết không phụ thuộc quá nhiều vào thông điệp đề bài. Người viết được yêu cầu trình bày quan điểm hoặc đánh giá những quan điểm khác và có thể chọn dành cả một đoạn thân bài cho một ý tưởng tâm đắc nhất để đào sâu chi tiết và làm sáng tỏ.
Việc hiểu luận điểm là gì và đóng một vai trò như thế nào trong lập luận sẽ giúp người viết dễ dàng trình bày rõ ràng quan điểm và sắp xếp ý tưởng theo một cách rành mạch trong một đoạn văn. Điều này không những có lợi cho người viết mà còn giúp độc giả, hoặc giám khảo, hiểu ý định của người viết và theo được mạch lập luận.
Đối với IELTS Writing, việc này sẽ giúp thí sinh cải thiện được về hai tiêu chí TR và CC. Vì vậy, để không chỉ viết được về một đề tài mà còn viết tốt về đề tài đó, thí sinh sẽ cần phải xác định rõ những luận điểm có đang phục vụ mục đích trả lời câu hỏi đặt ra ở đề bài hay không, cũng như sắp xếp các luận điểm ấy và hỗ trợ như thế nào cho hợp lí.
Nguyễn Văn Đăng Duy
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/the-nao-la-luan-diem-a35609.html