Những đỉnh núi cao nhất Việt Nam

Fansipan - 3.143m (Lào Cai)

Ngọn núi cao nhất Việt Nam, hay còn gọi là nóc nhà Đông Dương. Với độ cao 3.143m so với mực nước biển, Fansipan là điểm hẹn của rất nhiều nhà leo núi cả trong và ngoài nước.

Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 10km, ngọn núi này có nhiều tuyến đường chinh phục nhưng được lựa chọn nhiều nhất vẫn là tuyến Trạm Tôn (2 ngày 1 đêm), sau đó là Cát Cát (3 ngày 2 đêm).

Đặc biệt hơn, tuy là ngọn núi cao nhất nhưng Fansipan lại là ngọn núi thuộc top dễ khi chinh phục. Vì vậy, nếu là người mới bắt đầu trải nghiệm trekking thì du khách nên lựa chọn đỉnh cao này.

Đỉnh Fansipan

Đỉnh Fansipan

Pusilung - 3.083m (Lai Châu)

Ngọn núi cao thứ hai của Việt Nam, được mệnh danh là nóc nhà của biên giới với độ cao 3.083m, thuộc khu vực Mường Tè, Lai Châu. Đây là một trong những ngọn núi mà du khách sẽ phải dành nhiều thời gian nhất do quãng đường trekking rất dài, có thể nói là dài nhất trong các ngọn núi thuộc top 10.

Đỉnh cao này cũng nằm ở biên giới Việt - Trung và đường chinh phục có đi qua cột mốc 42, vì vậy trước khi chinh phục du khách cần được sự đồng ý của Đồn biên phòng Pa Vệ Sử quản lý biên giới tại nơi đây.

Đỉnh Pulisung

Đỉnh Pulisung

Putaleng - 3.049m (Lai Châu)

Ngọn núi cao thứ ba của Việt Nam có độ cao 3049m. Tuyến đường chinh phục thường được lựa chọn của ngọn núi này xuất phát từ xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường của thành phố Lai Châu và điểm kết thúc nằm ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Hành trình chinh phục đỉnh cao này đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng. Rêu và địa y phủ gần như kín các thân cây cổ thụ đến cả những tảng đá.Qua những đoạn suối trong vắt róc rách chảy, rừng trúc thâm u, những gốc cây đỗ quyên cao nghều thả xuống cả thảm hoa rực rỡ và êm ái. Qua những con dốc liên tiếp vắt kiệt sức người đi… và qua đủ mọi cung bậc cảm xúc suốt chặng hành trình.

Bạch Mộc Lương Tử - Ky Quan San - 3.046m

Ngọn núi cao thứ tư của Việt Nam ở độ cao 3046m, là ranh giới tự nhiên của 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Đây là ngọn núi mà tên bị nhầm với tên của một ngọn núi khác, nhưng do đã quá phổ biến nên việc đính chính lại tên của nó rất khó. Vì vậy cái tên Bạch Mộc Lương Tử đã được sử dụng như một tên chính thức cho đến tận thời điểm này.

Bạch Mộc Lương Tử - Ky Quan San

Bạch Mộc Lương Tử - Ky Quan San

Tên gọi chính xác của ngọn núi là Ky Quan San với điểm xuất từ bản Ky Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đỉnh cao này hiện trở thành một địa điểm “hot” không kém so với Fansipan, vì đây là một trong những điểm ngắm mây đẹp nhất trên những ngọn núi cao của miền bắc Việt Nam. Có thể nói “bình minh trên mây cao” đã trở thành thương hiệu của ngọn núi Bạch Mộc này.

Phàn Liên San - Khang Su Văn 3.012m (Lai Châu)

Ngọn núi cao thứ năm của Việt Nam với độ cao 3012m. Hành trình chinh phục nằm ở tuyến đường biên giới Việt - Trung và có đi qua cột mốc số 79, cũng là cột mốc cao nhất của Việt Nam (độ cao 2880m).

Đỉnh cao này thuộc địa phận Phong Thổ, Lai Châu và cũng là một trong những ngọn núi trở thành đề tài được tranh luận nhiều nhất do tên gọi của nó. Tên gọi được phổ biến đầu tiên là Khang Su Văn, sau đó được đính chính lại là Phàn Liên San, và cho đến thời điểm hiện tại thì tên chính thức vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên, đỉnh cao này hiện đã được đặt chóp inox với cái tên Khang Su Văn (của một nhóm leo núi) và có lẽ nó sẽ trở thành cái tên chính thức cho đỉnh núi cao này nếu như vẫn chưa có sự đính chính đến từ các chuyên gia trong cộng đồng leo núi.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/nhung-ngon-nui-cao-nhat-viet-nam-a37215.html