Môn giáo dục nghề phổ thông lớp 11 còn nhiều bất cập

Môn giáo dục nghề phổ thông lớp 11 còn nhiều bất cập
Ảnh minh họa Báo Lao Động

Theo Công văn số 8608 /BGDĐT-GDTrH ngày 16.8.2016 về việc thực hiện hoạt động giáo dục Nghề phổ thông lớp 11 (gọi tắt Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT). Trong quá trình tổ chức thực hiện Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT, nhiều trường THPT gặp phải những khó khăn rất khó khắc phục:

Ngoài giáo viên Tin học dạy môn nghề Tin học văn phòng, đội ngũ giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật chỉ đủ để dạy bộ môn Công nghệ; thế nên nhiều trường THPT thiếu giáo viên để dạy đủ 11 môn nghề cho học sinh theo Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT. Mặt khác, không ít địa phương không có Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp (KTTH- HN), không có cả Trung tâm dạy nghề (TTDN) cấp Huyện, nên trường THPT không thể thực hiện được yêu cầu: “Mỗi Trung tâm KTTH-HN phối hợp thực hiện giáo dục nghề phổ thông với một số trường THPT trên địa bàn (một số nghề phổ thông có thể giao cho các trường THPT có đủ giáo viên và cơ sở vật chất tự đảm nhận, một số nghề phổ thông có thể có sự phối hợp 2 bên, một số nghề phổ thông do Trung tâm KTTH-HN đảm nhận)” theo Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT.

Vì vậy, ở nhiều trường THPT tổ chức cho tất cả học sinh lớp 11 chỉ học một nghề duy nhất là: Tin học văn phòng; bởi nhà trường có ưu thế về phòng máy tính và đội ngũ giáo viên Tin học. Do đó, học sinh không được lựa chọn để học một nghề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, trong số 11 nghề, theo chương trình dạy nghề phổ thông của Bộ GD&ĐT, chưa kể một số nghề khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương cũng không thể thực hiện được.

Thực trạng còn cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng môn nghề phổ thông chưa đầy đủ ở một số hiệu trưởng và giáo viên kể cả giáo viên dạy nghề; do đó việc đánh giá kết quả học tập của học sinh thực hiện không đúng theo tinh thần Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT, cụ thể như: Nhiều hiệu trưởng và tổ chuyên môn “quên mất” môn học này, bởi trong kế hoạch chỉ đạo chuyên môn hoàn toàn không có nội dung hoạt động của môn nghề phổ thông như các môn học khác, dù giáo viên dạy nghề cũng tham dự sinh hoạt chuyên môn trong tổ.

Mặt khác hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn là giáo viên phổ thông không được bồi dưỡng về chuyên môn nghề nên tỏ ra “e ngại” khi kiểm tra hồ sơ sổ sách, dự giờ đánh giá tiết dạy giáo viên dạy nghề; do vậy việc đánh giá cho điểm, xếp loại học sinh thường khoán trắng cho giáo viên; hơn nữa theo Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT: “Kết quả học tập của học sinh được ghi vào sổ gọi tên, ghi điểm và học bạ” và “lấy làm tiêu chí khuyến khích khi xếp loại hạnh kiểm học kỳ, cả năm học” ở một số trường THPT không được thực hiện.

Hơn thế nữa, theo Hướng dẫn số 10945/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT, khi học môn Giáo dục nghề phổ thông lớp 11 (chương trình 105 tiết ); nếu đủ điều kiện, học sinh sẽ được dự thi cấp Giấy chứng nhận nghề phổ thông. Nhưng phần đông học sinh THPT cuối năm lớp 10 đăng ký học một trong các nghề Thêu tay, Điện dân dụng, Nấu ăn… ở Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp Huyện, để thi cấp Giấy chứng nhận nghề, trước khi học môn nghề phổ thông ở lớp 11, bởi các nghề này học dễ hơn và xếp loại kết quả thi cao hơn môn Tin học văn phòng. Thế nên, đã có sự lãng phí về thời gian học cho học sinh, lại vừa tốn kém tiền bạc cho phụ huynh học sinh( học phí học nghề ở Trung tâm GDTX).

Để khắc phục khó khăn trong hoạt động dạy và học môn nghề phổ thông lớp 11, thiết nghĩ lãnh đạo các trường THPT cần siết chặt quản lý chuyên môn nghề đúng theo tinh thần Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT; cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm quy chế chuyên môn dạy nghề như các môn văn hoá; đồng thời sớm hình thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp Huyện (theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV) hoặc bổ sung thêm chức năng KTTH- HN cho Trung tâm GDTX cấp Huyện chưa có Trung tâm KTTH - HN.

Khi đó với cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật được trang bị hoàn chỉnh và giáo viên dạy nghề đủ tiêu chuẩn, Trung tâm GDNN-GDTX sẽ phối hợp với các trường THPT dạy môn nghề phổ thông lớp 11 có hiệu quả hơn và thực hiện được mục đích của môn học, đó là: “Giáo dục cho học sinh hiểu được một số kiến thức cơ bản về công cụ, kỹ thuật, quy trình công nghệ và về an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với một nghề phổ thông đã học, biết đặc điểm và yêu cầu của nghề đó” (Công văn 8608 của Bộ GD&ĐT).

Mặt khác, qua tìm hiểu một số nghề ở môn Giáo dục hướng nghiệp bậc THPT, chắc chắn học sinh sẽ lựa chọn được một nghề phù hợp với bản thân, phù hợp với nhu cầu của địa phương để bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục vào học các trường nghề, trường đại học sau bậc học phổ thông.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/hoc-nghe-lop-11-a38344.html