Mang thai tuần 2: Thời điểm rụng trứng và những điều cần biết

Tuần thứ 2 của thai kỳ bạn vẫn chưa thực sự mang thai. Tuy nhiên, ở tuần này, bạn sẽ trải qua một hiện tượng cực kỳ quan trọng. Đó là sự rụng trứng.

Một người phụ nữ, khi mang thai sẽ trải qua 40 tuần mang thai. Đặc biệt, ngày đầu tiên của 40 tuần thai chính là ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt cuối cùng. Tức là ngày hành kinh đầu tiên, và đó là kỳ ra kinh cuối cùng. Ở những tháng sau bạn sẽ ko có dấu hiệu hành kinh nữa. Nếu bạn đã mang thai, thì chắc chắn rằng bạn đã bỏ qua ở những tuần đầu thai kỳ. Điều đó có nghĩa là bạn đã mang thai tối thiểu 4 tuần.

Nếu bạn có ý định mang thai. Hãy xem như ngày đầu tiên hành kinh mỗi tháng của bạn là ngày đầu tiên của 40 tuần thai. Trường hợp bạn đã mang thai, tuần thai được tính tiếp tục. Tuy nhiên nếu bạn chưa mang thai, bạn sẽ trải qua chu kì kinh nguyệt bình thường.

Điều gì xảy ra khi mang thai tuần 2?

Ở tuần thứ 2 của thai kỳ, sẽ giống như tuần thứ nhất, thai vẫn chưa được hình thành. Tuy nhiên, vào cuối tuần thứ 2 này, sẽ xảy ra một hiện tượng cực kỳ quan trọng - Đó là sự rụng trứng. Trứng sau khi rụng có thể tồn tại từ 12-24h trong cơ thể.

Thời điểm rụng trứng thường xảy ra ở cuối tuần này

Ở khoảng thời gian này, sẽ có nhiều sự thay đổi trong cơ thể của bạn. Đây cũng là cơ hội để bạn có thể mang thai dễ dàng bằng cách dành thời gian thân mật với bạn đời.

Trên thực tế, không phải ai cũng quan hệ đúng ngày rụng trứng. Một điều đặc biệt là sau khi quan hệ, tinh trùng có thể sống tới 5 ngày trong chất nhầy cổ tử cung. Vì thế, để mang thai dễ dàng hơn, bạn có thể quan hệ mỗi ngày trong tuần thứ 2. Hoặc trước ngày rụng trứng một đến hai ngày.

Khi quan hệ, hàng triệu tinh trùng bắt đầu cuộc hành trình tìm đến trứng. Qua nhiều thử thách, chỉ có một tinh trùng khỏe và mạnh nhất mới có thể tìm đến được trứng. Sau khi tinh trùng chạm vào trứng, sẽ tự tạo ra hàng rào bảo vệ để ngăn chặn các con tinh trùng khác. Thời điểm khi một tinh trùng và một trứng kết hợp với nhau, được gọi là sự thụ tinh.

Những sự thay đổi gì trong cơ thể khi mang thai tuần 2?

Ở trong giai đoạn này, bạn có thể không cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, nếu chú ý hơn, bạn sẽ thấy có một vài dấu hiệu thay đổi trong cơ thể bạn. Những dấu hiệu này báo rằng bạn sắp đến thời điểm rụng trứng.

Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn thường là 28 ngày hoặc ngắn hơn. Thông thường bạn sẽ rụng trứng vào cuối tuần này. Tuy nhiên, khi chu kỳ kinh nguyệt dài hơn so với 28 ngày. Thường sự rụng trứng sẽ trễ hơn vài ngày.

Các dấu hiệu bao gồm:

Thay đổi khí hư, huyết trắng

Vào thời điểm trụng trứng, cổ tử cung sẽ mềm hơn và mở ra một chút. Chất nhầy ở cổ tử cung bình thường dầy và đặc bắt đầu trở nên lỏng hơn. Người ta ví giống như lòng trắng trứng gà. Do dịch nhầy lỏng hơn tạo điều kiện để tinh trùng có thể sống và dễ dàng bơi tìm trứng.

Tăng cảm giác ham muốn

Trước và khi trứng rụng, có sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Điều này làm thúc đẩy cảm giác ham muốn. Đây cũng là thời điểm dễ thụ thai nhất của phụ nữ.

Hội chứng Mittelschmerz

Đây là tinh trạng đau bụng, đau âm ỉ hoặc đau nhói từng cơn ở một bên bụng dưới. Thường xảy ra ở giữa chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này không kéo dài và có liên quan đến thời điểm rụng trứng.

Tuy nhiên, đau bụng giữa chu kỳ kinh không xảy ra ở tất cả phụ nữ. Thậm chí, nếu có, cũng không biểu hiện thường xuyên ở mỗi tháng.

Cảm nhận khứu giác tốt hơn

Sự thay đổi nội tiết tố giúp tăng khả năng nhận diện các mùi hương khác nhau. Đây cũng là là lý do bạn cảm nhận sự hấp dẫn của bạn đời qua mùi hương cơ thể của họ.

Ngực trở nên căng hơn và đau

Đây là ảnh hưởng do nội tiết tố nữ tăng lên trong quá trình chuẩn bị rụng trứng.

Ngực trở nên căng hơn và đau
Ngực trở nên căng hơn và đau

Đốm đỏ ở quần lót

Bạn có thể có một chút dịch màu đỏ hoặc nâu đỏ trên đồ lót khi rụng trứng. Đốm này thường phổ biến, nhưng nó chỉ có một lượng chút ít. Nếu tình trạng này trở nên nhiều, nặng nề, bạn nên đến cơ sở Sản phụ khoa để thăm khám.

Dinh dưỡng như thế nào khi mang thai tuần 2?

Ăn uống tốt, tăng cường tập thể duc thường xuyên, ngủ đủ giác sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và phòng ngừa stress.

Nếu có thừa cân - béo phì, hãy nên có một chế độ giảm cân an toàn. Việc giảm cân ở những phụ nữ thừa cân - béo phì trước khi mang thai sẽ tránh các rủi ro trong quá trình mang thai và thúc đẩy một thai kỳ khỏe mạnh.

Bạn có thể bổ sung acid folic và những vitamin thiết yếu khác ngay từ lúc này. Cơ thể của bạn khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cho quá trình mang thai thuận lợi. Ngoài ra, giúp phòng ngừa vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và con sau này.

Sắt và Acid folic

Acid folic rất quan trọng đối với người mẹ mang thai. Nó giúp giảm thiểu nguy cơ sảy thai và ngộ độc thai. Các nhà nghiên phát hiện nếu thiếu acid folic sẽ gây thương tổn trung khu thần kinh và tủy sống của thai nhi. Đặc biệt trong 12 tuần đầu của thai kỳ có thể gây những nguy cơ mắc các khuyết tật trên mặt của thai nhi. Đây là một trong những góc độ trọng yếu của vấn đề dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai.

Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng. Tuy nhiên, trong khẩu phần thường không đủ, vì vậy người mẹ cần được bổ sung khi mang thai.

Liều lượng: Bạn nên uống ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai đến sau đẻ 1 tháng. Mỗi viên gồm 60 mg sắt và 400 mcg acid folic.

Trường hợp bạn có thiếu máu: Thường biểu hiện có vẻ mặt xanh xao, trắng bệt, thường xuyên chóng mặt, choáng váng khi đứng dậy. Bạn sẽ cần điều trị thiếu máu với liều lượng khác. Hãy tham vấn điều này cùng bác sĩ sản khoa.

Bổ sung vitamin D

Vitamin D Giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi, phospho vào cơ thể. Khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D dễ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ. Trẻ đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền. Những phụ nữ có thai nên dành thời gian tắm nắng khoảng 20- 30’/ngày. Ngoài ra, sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như phomát, cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D.

Checklist dễ nhớ cho mang thai tuần 2

Tỉ lệ mang thai thành công sau nỗ lực của cặp đôi

Một số cặp đôi có thể mang thai ở tháng đầu tuần tiên. Nhưng với nhiều người, nó có thể lâu hơn.

Trên thực tế, những cặp đôi dưới 35 tuổi sẽ có thai là 20% ở tháng đầu tiên chăn gối. Điều này có nghĩa là có tới 80% cặp đôi sẽ cần kiên nhẫn ở tháng sau.

Nếu như sau một năm, với sự nỗ lực cùng bạn đời nhưng vẫn chưa mang thai. Bạn và bạn đời nên đến cơ sở Sản phụ khoa để được tư vấn và tìm nguyên nhân. Ở những phụ nữ trên 35 tuổi, nên đến thăm khám sau 6 tháng nếu chưa có thai.

Tôi cần nên làm xét nghiệm gì khi mang thai tuần 2

Tại thời điểm này, bạn vẫn chưa thực sự tạo ra em bé. Đây chỉ là thời điểm rụng trứng, và nó xảy ra ở mỗi tháng trong độ tuổi sinh sản.

Để theo dõi khả năng mang thai, bạn có thể sử dụng que thử thai sau quan hệ 7 - 14 ngày.

Que thử thai

Việc mang thai là một hành trình dài. Thực tế, không phải phụ nữ nào cũng thành công có thai ở tháng đầu tiên ân ái. Tuy nhiên, bạn hãy luôn quan sát cơ thể mình để biết đâu là thời điểm phù hợp để dễ dàng thụ thai. Ngoài ra, bạn vẫn nên ăn uống đầy đủ, và bổ sung sắt và acid folic những lần hành kinh. Điều này sẽ giúp bạn có một cơ thể tốt, phòng ngừa thiếu máu và chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.

>> Mang thai tuần 3 là một trong những khoảng thời điểm đầu của thai kỳ. Chính vì thế, nó không khác gì nhiều so với mang thai tuần 1 và tuần 2. Tuy nhiên, thai phụ cũng cần chú ý một số điểm đặc trưng của khoảng thời gian này. Cần theo dõi và tuân thủ một số hướng dẫn của bác sĩ để thai nhi phát triển tốt. YouMed sẽ trình bày rõ hơn về thời điểm mang thai này qua bài viết sau đây.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/mang-thai-co-rung-trung-nua-khong-a39015.html