Tây Bắc chắc chắc chắn là cái tên quen thuộc đối với hầu hết người dân Việt Nam vì vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi đây đã đi vào rất nhiều những tác phẩm văn học nổi tiếng mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường hầu hết chúng ta đã được học qua. Thế nhưng để trả lời cho câu hỏi Tây Bắc ở đâu? Tây Bắc gồm những tỉnh nào thì không hẳn ai cũng có thể dễ dàng trả lời được.
Để giúp bạn có thêm thật nhiều những kiến thức bổ ích về quê hương Việt Nam nói chung và vùng đất Tây Bắc Việt Nam nói riêng thì Cattour.vn đã tổng hợp những thông tin về Tây Bắc và vẻ đẹp ấn tượng của vùng đất này cho bạn tìm hiểu và chiêm ngưỡng nhé!
Tây Bắc là vùng núi phía tây của miền Bắc Việt Nam, Các tỉnh thuộc Tây Bắc có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Tây Bắc là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam cùng với 2 tiểu vùng khác đó là Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng.
Không gian địa lý của vùng Tây Bắc hiện còn chưa được thống nhất hoàn toàn. Một số ý kiến cho rằng đây là vùng phía nam (hữu ngạn) sông Hồng. Một số ý kiến lại cho rằng đây là vùng phía nam của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Nhà địa lý học Lê Bá Thảo cho rằng vùng Tây Bắc được giới hạn ở phía đông bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn và ở phía tây là dãy núi Sông Mã. Tuy nhiên nhìn chung hiện nay người ta vẫn ngầm công nhận 6 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam thuộc vùng Tây Bắc.
Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Nhưng chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn cho du khách đến đây, đặc biệt là những ai yêu mến nét đẹp thiên nhiên nguyên sơ, chưa tác động quá nhiều bởi những dịch vụ du lịch. Đối với những phượt thủ thì địa hình Tây Bắc chính là một trong những điều mang lại những trải nghiệm và những cung bậc cảm xúc tuyệt vời khi ngắm nhìn vẻ đẹp Việt Nam trên những nẻo đường đồi núi khúc khuỷu.
Tây Bắc có dãy Hoàng Liên Sơn nổi tiếng với chiều dài tới 180 km, rộng 30 km, với một số đỉnh núi cao trên từ 2800 đến 3000 m. Ngoài ra nơi đây còn có dãy núi Sông Mã dài 500 km, có những đỉnh cao trên 1800 m. Giữa hai dãy núi này là vùng đồi núi thấp lưu vực sông Đà (còn gọi là địa máng sông Đà). Ngoài sông Đà là sông lớn, vùng Tây Bắc chỉ có sông nhỏ và suối gồm cả thượng lưu sông Mã. Trong địa máng sông Đà còn có một dãy cao nguyên đá vôi chạy suốt từ Phong Thổ đến Thanh Hóa, và có thể chia nhỏ thành các cao nguyên Tà Phình, Mộc Châu, Nà Sản. Cũng có các lòng chảo như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Mường Thanh.
Tây Bắc được hình thành cách đây khoảng 500 triệu năm và vẫn đang trong quá trình kiến tạo. Ban đầu Tây Bắc là vùng biển và chí có một số đỉnh ở dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã nổi lên trên mặt biển. Biển liên tục rút ra xa rồi lại lấn vào suốt hàng trăm triệu năm. Trong quá trình kiến tạo trái đất, sự sụt lún mạnh đã giúp hình thành các tầng đá phiến và đá vôi. Cách đây 300 triệu năm, dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã đã được nâng hẳn lên. Địa máng sông Đà lúc đó vẫn chìm dưới biển. Cách đây 150 triệu năm, chu kỳ tạo núi Indochina làm cho hai bờ địa máng từ từ tiến lại gần nhau, trầm tích trong địa máng uốn lên thành những nếp uốn khổng lồ đã làm cho tầng đá vôi có tuổi cổ hơn lại trồi lên trên tầng đá phiến, tạo thành những cao nguyên đá vôi ngày nay. Kết quả là, vùng Tây Bắc được nâng lên với một biên độ đến 1000 mét như hiện nay.
Câu hỏi Tây Bắc gồm những tỉnh nào được rất nhiều người đặt ra và đôi khi còn có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Tuy nhiên về mặt hành chính, Tây Bắc hiện nay gồm có 6 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Tổng diện tích của vùng Tây Bắc là khoảng 5,645 triệu ha chiếm 10,5 % so với tổng diện tích cả nước. Tây Bắc do địa hình đồi núi là chủ yếu nên số lượng dân cư ở Tây Bắc chỉ khoảng 4,5 triệu người.
Một số phần của Phú Thọ và 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái nằm ở hữu ngạn sông Hồng, tuy nhiên phạm vi hành chính của vùng Tây Bắc không bao gồm Phú Thọ, đôi khi 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũng được xếp vào Đông Bắc Bộ. Tuy nhiên, hiện nay trụ sở của Ban chỉ đạo Tây Bắc nằm ở thành phố Yên Bái, tỉnh lỵ của tỉnh Yên Bái nên Yên Bái vẫn thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam.
Khí hậu của Tây Bắc là yếu tố khiến du lịch Tây Bắc được nhiều du khách yêu thích. Dãy Hoàng Liên Sơn là yếu tố quyết định rất lớn đến điều kiện thời tiết khí hậu của vùng Tây Bắc. Dãy núi cao Hoàng Liên Sơn chạy dài liền một khối theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đóng vai trò của một bức tường thành ngăn không cho gió mùa đông vượt qua để vào lãnh thổ Tây Bắc mà không bị suy yếu nhiều. Vì vậy, trừ khi do ảnh hưởng của độ cao, nền khí hậụ Tây Bắc nói chung ấm hơn Đông Bắc, chênh lệch có thể đến 2-3 độ C.
Ở miền núi, hướng phơi của sườn đóng một vai trò quan trọng trong chế độ nhiệt - ẩm, sườn đón gió (sườn đông) tiếp nhận những lượng mưa lớn trong khi sườn tây tạo điều kiện cho gió "phơn" - gió lào được hình thành khi thổi xuống các thung lũng, rõ nhất là ở Tây Bắc. Điều thú vị đó là những địa điểm du lịch ở Tây Bắc lại thường mát mẻ quanh năm thậm chí có tuyết rơi như ở Sapa vào mùa Đông bởi địa hình cao hơn rất nhiều so với những khu vực khác của Tây Bắc. Khí hậu mát mẻ là điều kiện thuận lợi cho du lịch Tây Bắc chiếm được cảm tình của đông đảo khách du lịch đến đây tận hưởng kỳ nghỉ tuyệt vời, tránh cái nắng cái nóng oi ả ở thành phố hay trải nghiệm cái lạnh âm độ C.
Ngoài khung cảnh thiên nhiên mộng mơ, hùng vĩ với những ngọn núi cao, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi hay những con đèo quanh co thì Tây Bắc còn khiến du khách xao xuyến bởi nét đẹp văn hóa đa dạng và là cơ hội tốt để tìm hiểu về văn hóa con người các dân tộc anh em.
Hầu hết Tây Bắc là không gian văn hóa của dân tộc Thái, nổi tiếng với điệu múa xòe tiêu biểu là điệu múa xòe hoa rất nổi tiếng được nhiều người biết đến. Mường là dân tộc có dân số lớn nhất vùng. Ngoài ra, còn khoảng 20 dân tộc khác như H'Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng,... Ai đã từng qua Tây Bắc không thể quên được hình ảnh những cô gái Thái với những bộ váy áo thật rực rỡ đặc trưng cho Tây Bắc. Khách du lịch đến đây cũng thường tìm đến thăm quan những bản làng để có những trải nghiệm mới mẻ trong chuyến du lịch Tây Bắc của mình.
Ngoài được tìm hiểu về phong tục tập quán thì bạn còn có thể được thưởng thức những món ăn ngon đặc sản của Tây Bắc.
Tây bắc là vùng có sự phân bố dân cư theo độ cao rất rõ rệt: vùng rẻo cao, những khu đỉnh núi là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, Tạng Miến. Đồng bào dân tộc ở đây chủ yếu sinh sống bằng bằng nông nghiệp, phát nương làm rẫy và phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.
Vùng sườn núi là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, người dân lao động sản xuất chính là trồng lúa cạn, chăn nuôi gia súc và một số nghề thủ công. Ở vùng thung lũng, chân núi là nơi sinh sống của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Thái - Kadai,điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn để phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác. Mỗi vùng lại mang nét văn hóa độc đáo khác nhau nên bạn có thể cảm nhận được rõ rệt khi đặt chân đến từng khu khác nhau ở Tây Bắc nhé
Du lịch Tây Bắc càng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch ở mọi miền đất nước bởi vẻ đẹp thiên nhiên vùng núi Bắc Bộ Việt Nam rất ấn tượng hầu hết nguyên vẹn như những gì thiên nhiên ban tặng cộng thêm điều kiện thời tiết và văn hóa người dân địa phương cũng khiến du khách thích thú muốn đặt chân đến nơi đây. Không giống với những điểm đến với vô số những khu vui chơi, hàng quán tấp nập khác thì Tây Bắc mang dáng vẻ vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Hãy cùng khám phá những địa điểm du lịch ở Tây Bắc được yêu thích nhất nhé!
1. Sapa - Lào Cai
Sapa là điểm đến cực “hot” trên bản đồ du lịch Việt đối với cả du khách Việt và bạn bè quốc tế. Đây là một thị trấn nhỏ nằm ở độ cao 1600m so với mực nước biển ở huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Điều khiến Sapa được yêu thích phải kể đến thì rất nhiều. Sapa có rất nhiều những điểm đến hấp dẫn cho bạn thỏa sức khám phá trong chuyến đi của mình đó là:
Đỉnh Fansipan: Fansipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” là ngọn núi cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Trên cáp treo lên Fansipan bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của thung lũng Mường Hoa, những ngọn núi nhấp nhô và những làn mây dập dờn bên sườn núi. Đặt chân lên đỉnh Fansipan giống như “chốn bồng lai tiên cảnh” khiến du khách không thể nào quên, ngắm nhìn khung cảnh Sapa ở độ cao hơn 3000m và “check in” tại những vườn hoa, khu du lịch tâm linh Fansipan cũng là hoạt động mà rất nhiều du khách yêu thích.
Bản Cát Cát: Bản Cát Cát là ngôi làng cổ ở Sa Pa được hình thành từ giữa thế kỷ XIX, là nơi trú ngụ, sinh hoạt của những hộ gia đình người Mông sống quây quần canh tác bên sườn đồi và giúp đỡ ,bao bọc lẫn nhau. Đến đây, du khách có cơ hội tìm hiểu về phong tục tập quán của người Mông, những nghề thủ công truyền thống như trồng bông, dệt vải, chế tác trang sức.
Núi Hàm Rồng: Núi Hàm Rồng được mệnh danh là “Sapa thu nhỏ” hay “Đà Lạt tại Sa Pa” vì nơi đây quy tụ những nét đẹp đặc trưng của Sapa và là điểm đến được rất nhiều du khách yêu thích khi đi du lịch tại thị trấn sương mù.
2. Mù Cang Chải - Yên Bái
Mù Cang Chải là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu nét đẹp Tây Bắc nguyên vẹn với những thửa ruộng bậc thang như “nấc thang lên thiên đường”, những bản làng mang nét đẹp truyền thống không lẫn lộn. Những điểm đến hấp dẫn Yên Bái được du khách ghé thăm thường xuyên đó là:
Đèo Khau Phạ: Đèo Khau Phạ hay đèo Cao Phạ là đèo trên quốc lộ 32 ở vùng đất xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải bên ranh giới với huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đèo Khau Phạ là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30 km. Đối với những bạn trẻ yêu thích mạo hiểm và khám phá những điểm đến mới mẻ, ấn tượng thì chắc chắn Đèo Khau Phạ sẽ là địa điểm lý tưởng dành cho bạn.
Đồi Mâm Xôi: Ruộng bậc thang thì nhiều nơi có, nhưng chỉ Mù Cang Chải mới có “Mâm xôi”. Không. Khoảnh khắc đặc sắc nhất ở Mù Cang Chải đó là khung cảnh mênh mông lúa vàng và dịu dàng sương nắng. Cứ đến mùa lúa chín, dân tình lại nô nức kéo về Mù Cang Chải để ngắm những ruộng bậc thang vàng óng, cuộn mình nối tiếp nhau như những nấc thang lên thiên đường. “Đồi mâm xôi” là thửa ruộng bậc thang được xem là đẹp nhất tại Mù Cang Chải hiện nay.
Thửa ruộng “mâm xôi” nổi tiếng đến mức trở thành biểu tượng riêng của Mù Cang Chải, khiến ai đặt chân đến vùng cao này cũng hỏi đường lên thăm. Tuy nhiên để có những bức ảnh đẹp nhất thì bạn phải có những người bạn đồng hành “cùng chung chí hướng” và đến Mù Cang Chải vào mùa lúa chín vàng nhé!
3. Mộc Châu - Sơn La
Mộc Châu - Sơn La cũng là địa điểm du lịch ở khu vực Tây Bắc nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu thích của du khách. Nơi đây có rất nhiều những địa điểm du lịch hấp dẫn và thiên nhiên chiều lòng người. Đường đi Mộc Châu cũng không quá khó khăn như một số điểm đến khác của Tây Bắc. Điểm qua một vài địa điểm du lịch hấp dẫn ở Mộc Châu nhé!
Thác Dải Yếm: Thác Dải Yếm là thác nước nổi tiếng nhất ở Mộc Châu, thác được hình thành từ hợp lưu của suối Vặt và Bó Sập đổ xuống vùng núi đá vôi. Thời gian thích hợp để tham quan thác Dải Yếm từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, khi lượng nước đổ về nhiều tạo nên khung cảnh hùng vĩ. Vào mùa hè, dòng thác chảy mạnh khiến không gian xung quanh mát lạnh bởi gió và bụi nước. Đặt chân đến Thác Dải Yếm khiến tâm hồn du khách vô cùng khoan khoái dễ chịu bởi làn hơi nước làm dịu mát cả một khoảng không gian.
Mộc Châu Happy Land: Là một trong những điểm tham quan nổi tiếng khi đến với Mộc Châu bên cạnh Thác Dải Yến, Đồi chè trái tim… Mộc Châu Happy Land với khung cảnh bình yên đến lạ, cảnh sắc rất tuyệt đẹp, là nơi “check in” lý tưởng cho chuyến đi Mộc Châu đầy màu sắc. Giữa khí trời trong lành cùng hòa mình vào thiên nhiên với muôn hoa đua nở mới thấy cuộc sống bình yên hẳn. Ở đây có rất nhiều tiểu cảnh đẹp để các bạn tha hồ sống ảo như là Ngôi nhà hoa hồng, Khu chợ phiên, Cây ông tơ bà nguyệt, khu nuôi cừu, chim bồ câu...
Đồi chè Trái Tim: Đồi chè Mộc Châu là nơi tuyệt vời gồm các ngọn đồi chè xanh ngát. Các hàng quán ven đường vào với không gian đơn sơ mộc mạc chốn làng quê, ngồi xuống thưởng thức 1 chén chè nóng hòa cùng không khí trong lành xe lạnh, sự nhiệt tình và giản dị của con người nơi đây sẽ cho bạn cảm giác sự bình yên, dịu dàng. Không những thế đồi chè trái tim còn là nơi lý tưởng cho những tín đồ sống ảo cho ra đời những bức ảnh cực đẹp cho chuyến đi đến Mộc Châu - Tây Bắc.
4. Điện Biên Phủ - Điện Biên
Điện Biên Phủ chắc không còn xa lạ đối với người con Việt Nam, cái tên gắn với những trận chiến lịch sử và chiến thắng vang dội, hào hùng của dân tộc. Đến Điện Biên Phủ bạn không chỉ được ngắm nhìn thiên nhiên và còn có hành trình khám phá những điểm đến lịch sử, tìm hiểu công cuộc bảo vệ tổ quốc đẫm máu và nước mắt của cha ông ta. Một số điểm đến ở Điện Biên bạn không nên bỏ qua đó là:
Bảo tàng Chiến Thắng: Là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, là nơi trưng bày của hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh mô tả cụ thể diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm cho đến ngày tấn công cuối cùng vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Bảo tàng xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Vào những ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), nhiều người đến thăm Điện Biên để hồi tưởng lại những giây phút hào hùng của dân tộc Việt Nam, để cảm thấy chân quý những khoảnh khắc hoà bình.
Tượng đài Chiến Thắng: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, nhằm tôn vinh đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi nhận những hi sinh cống hiến của Quân và Dân cả nước, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Khẳng định ý nghĩa tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: Địa danh lịch sử được nhiều người biết đến và tham quan.ở đây còn lưu trữ nhiều tài liệu gắn liền với tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại khu nghĩa trang còn có mộ của các anh hùng như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, ...
5. Mai Châu - Hòa Bình
Mai Châu là điểm đến gần với thủ đô Hà Nội nhất trong các điểm đến ở Tây Bắc. Đường đến Mai Châu cũng không quá khó đi và chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng di chuyển bằng xe khách. Mai Châu mang nét đẹp dịu dàng của những bản làng, cánh đồng lúa yên bình, không khí trong lành, mát mẻ. Những điểm đến ở Mai Châu mà bạn không nên bỏ qua đó là:
Đèo Thung Khe: Đèo Thung Khe, còn gọi là đèo Đá Trắng, là đèo trên quốc lộ 6 ở vùng giáp ranh giữa xã Phú Cường huyện Tân Lạc với xã Thung Khe huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình, Việt Nam. Nơi này cũng giống như bao con đèo khác ở Việt Nam tuy nhiên sự khác biệt và thu hút được sự chú ý của mọi người đó là lớp sương mù dày đặc, đá trên đèo mang sắc trắng độc đáo. Đây là nơi quay sản phẩm âm nhạc nổi tiếng của Ca sĩ Bảo Anh được rất nhiều người yêu thích.
Động Thác Bờ: Động Thác Bờ giữa phong cảnh thiên nhiên mây nước hữu tình của hồ Hòa Bình. Từ trên cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn cảm nhận sự hùng vĩ và thơ mộng của núi rừng, khám phá vẻ đẹp của hang động huyền kỳ. Trong động được cấu tạo thành những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng cùng nhiều pho tượng phật đồ sộ.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Tây Bắc ở đâu, gồm những tỉnh nào và có gì hấp dẫn”. Chúc bạn có chuyến đi khám phá Tây Bắc nhiều niềm vui và ý nghĩa bên cạnh người thân yêu, bạn bè của mình nhé!
Thanh Tuyền / Cattour.vn - Ảnh: Internet
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/tay-bac-la-o-dau-a40198.html