Được sản xuất lần đầu từ năm 1997, năm nay dòng xe underbone thể thao Suzuki Satria đã tròn 20 tuổi. Vốn là phiên bản nâng cấp của chiếc RG 110 Sports 2 kỳ dành cho thị trường Indonesia, trong suốt 20 năm qua Suzuki Satria đã nhiều lần "lột xác", thay đổi để phù hợp với không chỉ các quy định về khí thải mà còn cả thị hiếu người dùng. Tuy nhiên, các thế hệ Suzuki Satria vẫn luôn giữ được nét đặc trưng của một mẫu xe underbone thể thao với phuộc sao monoshock và khung đôi (twin spar) vững chắc.
Suzuki Satria xứng đáng giữ "ngôi vua" của dòng xe underbone thể thao vì là một trong những mẫu xe tiên phong và lâu đời nhất. Dù chỉ được dành riêng cho thị trường Indonesia nhưng tên tuổi của Suzuki Satria đã nổi tiếng trên toàn Đông Nam Á, giành được nhiều tình cảm của những người hâm mộ. Tại Việt Nam, mẫu xe này cũng luôn chiếm vị trí đặc biệt trong giới chơi xe. Nếu xét theo các đợt cải tiến kiểu dáng lớn, tới nay Suzuki Satria đã trải qua tổng cộng 6 thế hệ.
Thế hệ đầu tiên (1997-2003)
Suzuki Satria 120S.Năm 1997, Suzuki Satria lần đầu tiên ra mắt với phiên bản Satria 120S. Về cơ bản, Satria 120S chính là chiếc RG Sports 110 dành cho thị trường Malaysia nhưng được nâng dung tích. Cụ thể hơn, thay vì piston đường kính 54mm và hành trình xi-lanh 48mm như RG Sports 110, Satria 120 S có piston cỡ 56mm và hành trình 48mm. Kết hợp với hộp số côn tự động 5 cấp số tròn, chiếc xe đạt công suất tối đa 13 mã lực ở vòng tua máy 7.500rpm. Xe được trang bị phanh đĩa trước, phanh đùm phía sau và sử dụng bánh căm. Phiên bản này được sản xuất tới năm 1999.
Suzuki Satria 120R phiên bản đầu tiên.1 năm sau khi ra mắt Satria 120S, Suzuki đã tiếp tục giới thiệu chiếc Satria 120R mới, sản xuất tới năm 2000. So với phiên bản trước đó, Satria R có thông số kỹ thuật y hệt, ngoại trừ thay đổi lớn nhất: hộp số côn tự động 6 cấp. Tại Việt Nam, Satria 120R đời đầu có số lượng rất ít, nhiều người chơi xe 2 kỳ có kinh nghiệm cũng không biết tới sự tồn tại của phiên bản này. Tới năm 2000, phiên bản Satria 120R "đỉnh cao" nhất đã ra mắt với các thay đổi đáng giá: hộp số móc côn tay 6 cấp, phanh đĩa cho bánh sau, mâm đúc 6 cây, các lựa chọn màu vỏ và tem thể thao hơn.
Suzuki Satria 120R đời 2000.Ở thế hệ đầu tiên, Suzuki Satria 120 thường được dân chơi xe Việt gọi chung là "đầu dẹt" hoặc "đĩa bay" do phần đầu có thiết kế góc cạnh, kéo dài về phía trước. Riêng phiên bản Satria 120R cuối cùng còn được gọi là Satria 2000. Để phân biệt giữa các phiên bản, dân chơi xe Việt còn sử dụng tên gọi "Su 1 càng" (côn tự động, không có tay côn hay "càng" thứ 2) và "Su 2 càng". Cách phân biệt "1 càng" và "2 càng" còn được sử dụng cho cả các phiên bản Su "xì-po" RG Sports hay RGV dành cho thị trường Malaysia.
Thế hệ thứ 2 (2003 - 2004)
Vào năm 2003, Suzuki Malaysia đã giới thiệu mẫu xe RGX 120 mới với thiết kế đẹp mắt, kiểu dáng khí động học hiện đại. Rất nhanh chóng, Suzuki Indonesia đã nhập khẩu phiên bản này dưới dạng CBU, thay đổi tem cùng màu sơn và yếm xe để bán dưới "danh nghĩa" Suzuki Satria 120R thế hệ mới. Dù có thiết kế bên ngoài hoàn toàn mới, nhưng về cơ bản, thế hệ thứ 2 của dòng xe này chia sẻ chung hoàn toàn hệ khung, động cơ, phuộc, phanh, mâm... với bản Satria 120R cuối cùng của thế hệ đầu. Động cơ của xe đạt công suất 16 mã lực, nhưng do những quy định mới về khí thải, dòng xe này đã bị khai tử khá sớm.
Dù ra mắt từ năm 2003 nhưng phải tới năm 2006, Satria thế hệ thứ 2 mới trở nên phổ biến tại Việt Nam với tên gọi "Satria 2006" được dân chơi xe Việt đặt cho để phân biệt các model.
Thế hệ thứ 3 (2004-2007)
Suzuki Satria F150 nhập CBU từ Thái Lan.Trước sức ép từ các tiêu chuẩn khí thải mới, Suzuki Indonesia đã tìm một mẫu xe mới để "kế vị" Satria, và lựa chọn của họ là chiếc Raider 150 được sản xuất tại Thái Lan. Khi nhập về Indonesia, dòng xe này có tên gọi Suzuki Satria F150. Thay cho kiểu dáng underbone truyền thống như 2 thế hệ trước, Satria F150 đã có thiết kế hoàn toàn mới kiểu naked underbone, với chảng ba đôi trên dưới và ghi-đông trần nối trực tiếp với cặp phuộc trước. Thiết kế của Satria F150 được Suzuki định nghĩa là "hyper underbone". Cho đến nay, cụm từ "hyper underbone" vẫn được dân chơi xe dùng để gọi chung tất cả các mẫu underbone với ghi-đông trần và chảng ba đôi trên dưới, chẳng hạn như Honda Sonic.
Suzuki Satria F150 lắp ráp CKD tại Indonesia. Thay vì sử dụng động cơ 2 kỳ, chiếc xe đã được trang bị khối động cơ 4 kỳ 147,3cc xi-lanh đơn DOHC 4 van, làm mát bằng chất lỏng và dầu hoàn toàn mới. Động cơ này có 6 cấp số côn tay, đạt công suất tương đương Satria 120 trước đây với 16 mã lực tại 9.500rpm và mô-men xoắn cực đại 12,7Nm tại 8.500rpm. Sau 2 năm nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái, tới năm 2006 Suzuki Indonesia đã chính thức lắp ráp Satria F150 dạng CKD và vẫn duy trì dây chuyền sản xuất này tới tận ngày nay.Thế hệ thứ 4 (2007 - 2013)
Vào đúng dịp Satria tròn 10 tuổi, Suzuki đã tiếp tục giới thiệu thế hệ mới của chiếc Satria F150. Vẫn dựa trên cơ sở Satria F150 đời thứ 3, nhưng mẫu xe mới đã được thiết kế lại hoàn toàn bộ vỏ, trong đó nổi bật nhất là bộ đèn pha trước lấy cảm hứng từ mẫu xe sportbike Suzuki GSX-R600. Kiểu đèn này đã khiến Satria F150 thế hệ thứ 4 được dân chơi Việt gọi là Satria "mắt phượng". Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Satria F150 được trang bị hệ thống chuyển chế độ lái Suzuki Drive Mode Switch/S-DMS. Về cơ bản, hệ thống này sẽ can thiệp vào mô-bin sườn của xe để giới hạn vòng tua máy tối đa, từ đó thay đổi giữa 2 chế độ lái là tiết kiệm nhiên liệu hoặc tối ưu công suất. Ngoài những điểm khác biệt trên, thế hệ Satria F150 thứ 4 không thay đổi về công suất hay thông số kỹ thuật so với thế hệ 3.
Thế hệ thứ 5 (2013 - 2015)
Vào năm 2013, một lần nữa Satria F150 lại được Suzuki áp dụng thiết kế mới trong khi vẫn giữ nguyên nền tảng khung sườn và hệ động lực. Với thế hệ này, chiếc xe đã có phần đầu với kiểu dáng góc cạnh hơn. Trước khi được lắp ráp tại Việt Nam dưới tên gọi Suzuki Raider 150, một số lượng nhỏ Suzuki Satria F150 thuộc thế hệ thứ 5 đã được Suzuki Việt Nam nhập về và bán để thăm dò thị trường. Đây cũng là thế hệ cuối cùng của Satria F150 sử dụng chế hòa khí.
Thế hệ thứ 6 (2015 - nay)
Do chính phủ Indonesia đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải tối thiểu Euro 3 và sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới, Suzuki đã tung ra chiếc Satria F150 FI thế hệ thứ 6 vào đầu năm 2015. Ngoại trừ bộ khung, mâm và một số chi tiết khác, Satria thế hệ thứ 6 đã được cải tiến mạnh mẽ về nhiều mặt. Đầu tiên, thiết kế của xe tiếp tục được làm mới theo hướng góc cạnh hơn. Satria F150 FI cũng được Suzuki chú trọng hơn tới sự tiện lợi khi bổ sung một hộc chứa đồ có nắp đậy ở lườn giữa xe. Ngoài ra, thế hệ này cũng được trang bị nhiều công nghệ mới hiện đại hơn như ổ khóa từ 2 nấc, công-tơ-mét full-LCD đơn sắc, đèn pha LED...
Mặc dù vẫn dựa trên động cơ của thế hệ trước, nhưng Satria F150 FI đã được Suzuki lần đầu tiên trang bị hệ thống phun nhiên liệu điện tử FI cùng một số cải tiến nhỏ khác. Hệ thống này không chỉ giúp chiếc xe đạt được tiêu chuẩn khí thải Euro 3 mà còn đẩy công suất tối đa của nó lên 18,3 mã lực tại 10.000rpm và mô-men xoắn cực đại 13,8Nm tại 8.500rpm, biến nó thành chiếc underbone mạnh nhất hiện nay. Vào nửa cuối năm 2016, Satria F150 FI cũng đã chính thức có mặt tại Việt Nam dưới tên gọi Raider 150 FI.Theo NgheNhinVietNam
Nguồn: https://nghenhinvietnam.vn/xe-doi-song/suzuki-satria-6-doi-vua-khong-ngai-dong-underbone-the-thao
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/satria-2003-a40242.html