Dùng nhà con trai để giao cấu với bé gái 13 tuổi suốt 2 năm
Theo bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Tứ Kỳ, khoảng trước tháng 10/2013 ông Nguyễn Xuân Lưu (SN 1942, ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã sang nhà cháu Phạm Thị Q. (SN 2000, ở cùng thôn với ông Lưu) chơi và cho kẹo, hoa quả để tạo tình cảm nhằm mục đích quan hệ tình dục với cháu Q.
Khoảng đầu tháng 10/2013 (không xác định được ngày) cháu Q. có sang nhà ông Lưu chơi, lúc đó chỉ có một mình ông Lưu ở nhà, Lưu đã dẫn cháu Q. sang nhà con trai ông gần đó (nhà không có người ở) để thực hiện hành vi đồi bại của của mình với cháu Q.
Ông Lưu đã thực hiện hành vi giao cấu nhiều lần (có tháng 2-3 lần, nhiều thì 5 lần) với cháu Q. như vậy tại địa điểm nói trên suốt 2 năm liền (từ khoảng đầu tháng 10/2013 đến khoảng tháng 7/2015). Sau mỗi lần giao cấu như vậy, ông Lưu thường cho cháu Q. tiền, ít nhất là 20.000 đồng, nhiều là 200.000 đồng. Tổng cộng ông Lưu đã cho cháu Q. số tiền khoảng 3.000.000 đồng.
Ngày 31/7/2015, cháu Q. nhận được thư đe dọa "không cho lấy chồng, nếu không tiếp tục quan hệ tình dục..." của ông Lưu nên đã kể hết sự tình với chị Nguyễn Thị G. (mẹ cháu Q.). Sau đó, chị G. đã gặp Lưu để hỏi chuyện và Lưu đã thừa nhận toàn bộ sự việc. Ngày 9 và 11/8/2015, ông Lưu đã cùng người thân sang nhà chị G. xin lỗi, viết bản kiểm điểm và bồi thường số tiền 100.000.000 đồng cho gia đình chị G.
Ngày 10/8/2015, chị Nguyễn Thị G. đã viết đơn tố cáo hành vi nêu trên của ông Nguyễn Xuân Lưu gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Tứ Kỳ. Ngày 4/2/2016 VKSND huyện Tứ Kỳ đã quyết định truy tố bị cáo, TAND huyện Tứ Kỳ tiến hành xét xử bị can Nguyễn Xuân Lưu về tội “Giao cấu với trẻ em” theo quy định tại Khoản 2, Điều 115 Bộ luật hình sự.
Tòa án “âm thầm” cho bị cáo không phải ngồi tù
Ngày 6/4/2016, TAND huyện Tứ Kỳ đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử về vụ án trên. Tham gia phiên tòa này có đầy đủ các bên liên quan và Tòa đã áp dụng tại Điểm a, Khoản 2, Điều 115 và các điểm b, m, p, s Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Lưu 30 tháng tù về tội “Giao cấu với trẻ em”.
Ngày 8/4/2016, bị cáo Nguyễn Xuân Lưu kháng cáo bản án sơ thẩm, xin được hưởng án treo.
Ngày 15/6/2016, TAND tỉnh Hải Dương mở phiên tòa phúc thẩm và quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân Lưu, sửa bản án sơ thẩm của TAND huyện Tứ Kỳ về phần hình phạt dành cho bị cáo Lưu. TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Lưu 30 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Giao cấu với trẻ em”; thời gian thử thách 60 tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 15/6/2016).
Có một điều rất lạ ở phiên tòa phúc thẩm nói trên là phía bị hại lại không hề biết và cho đến tận giữa tháng 7, gia đình bị hại vẫn chưa biết là TAND tỉnh Hải Dương đã xử vụ án này chưa.
“Đến ngày hôm nay (14/7), gia đình chúng tôi cũng chưa hề biết là TAND tỉnh Hải Dương đã xử vụ án của chúng tôi chưa. Chúng tôi cũng không nhận được thông báo hay giấy mời nào của TAND tỉnh. Nếu đúng là bị cáo được cho hưởng án treo thì gia đình tôi không đồng ý. Chúng tôi muốn thi hành đúng như bản án sơ thẩm của TAND huyện Tứ Kỳ. Gia đình tôi tiếp tục gửi đơn lên tòa án cấp cao hơn” - mẹ nạn nhân bức xúc cho biết.
Chiều 14/7, trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Thẩm phán của TAND tỉnh Hải Dương, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xác nhận việc đã "âm thầm" xử án, không báo phía bị hại.
"Chúng tôi xét xử phúc thẩm, xét kháng cáo của người kháng cáo và khi cần thiết chúng tôi mới triệu tập phía gia đình bị hại, còn nếu xét thấy không cần thiết thì chúng tôi không triệu tập. Phiên tòa vừa rồi gia đình bị hại không được dự tòa là chúng tôi không triệu tập họ. Còn vì sao không triệu tập gia đình bị hại là do họ không kháng cáo"- ông Cường nói.
Về việc chuyển án tù giam thành tù treo mà phía bị hại bức xúc, không tán thành, ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: "Tuyên 30 tháng tù cho hưởng án treo là việc của tòa, chúng tôi đã căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ để quyết định. Hơn nữa, tại bản án cấp sơ thẩm của TAND huyện Tứ Kỳ, người đại diện hợp pháp của người bị hại còn đề nghị với Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và gia đình họ không kháng cáo bản án đó".
Nói lại về chi tiết này, người đại diện cho bị hại cho biết, gia đình chỉ xin cho bị cáo được xem xét ở khung hình phạt thấp nhất có thể (30 tháng tù giam) chứ không phải xin cho bị cáo được hưởng án treo. Gia đình bị hại không kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Tứ Kỳ vì cấp toà này tuyên đúng mức án tù giam như quy định về hành vi phạm tội của bị cáo.
Gia đình bị hại bức xúc đặt vấn đề có sự khuất tất gì khi toà án tỉnh Hải Dương xử phúc thẩm mà không có mặt của bị hại, gia đình bị hại.
Liên quan đến vụ án nói trên, PV Dân trí đã trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ông Hướng phân tích, xét từ tính chất, mức độ rất nghiêm trọng của vụ án, việc TAND huyện Tứ Kỳ tuyên phạt người phạm tội 30 tháng tù là đã... rất nhẹ nhàng. Vậy mà cấp phúc thẩm lại sửa bản án sơ thẩm, cho bị cáo hưởng treo là bất hợp lý và có dấu hiệu không khách quan trong hoạt động xét xử.
Theo ông Hướng, bản án này cần được các cấp tòa phía trên xem xét kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm để xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt cho tương xứng với hành vi phạm tội.
Ngoài ra, về việc án phúc thẩm được "xử chui", luật sư Hướng cho rằng, TAND Tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm vụ án mà không thông báo, hoặc thông báo chưa hợp lệ đến gia đình bị hại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Điều 245 Bộ Luật hình sự hiện hành có quy định về việc có mặt của đương sự và người có liên quan đến kháng cáo. Đây là một vụ án rất nghiêm trọng, người phạm tội xâm hại đối tượng là trẻ em gái, chỉ mới 13 tuổi. Tại phiên tòa nếu không có bị hại, người liên quan thì đánh giá chứng cứ kiểu gì để kết án?
Nguyễn Dương
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/ong-va-chau-lam-chuyen-ay-a41501.html