Phôi ngày 2 đông lạnh 10 năm trước được tái sinh, nuôi lên ngày 6 bằng công nghệ nuôi phôi hiện đại, giúp chị Hồng Anh lần đầu làm mẹ ở tuổi 46 sau 12 năm hiếm muộn.
Lập gia đình ở tuổi 30, vợ chồng chị Hồng Anh mong sớm có con. Nhưng tìm đủ mọi cách, hai năm đầu thả tự nhiên, ba lần thụ tinh nhân tạo (IUI), một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đều bất thành. Bác sĩ chẩn đoán chị Hồng Anh vô sinh không rõ nguyên nhân.
Năm 2014, khi 36 tuổi, chị Hồng Anh làm IVF với mong muốn sớm có con. Kết quả kiểm tra của hai vợ chồng đều bình thường, thuận lợi điều trị và chuyển phôi. Chị tạo được 6 phôi, chuyển phôi lần đầu không thành công. Tuổi ngày càng lớn dần, cơ thể bắt đầu lão hóa, lượng estrogen ngày càng hao hụt. Những chu kỳ tiếp theo, chị Hồng Anh phải hủy kế hoạch chuyển phôi do niêm mạc mỏng.
Niêm mạc có độ dày lý tưởng để thụ thai khoảng 8-12 mm, nhưng ở chị Hồng Anh, chỉ số này chỉ 6mm. Niêm mạc mỏng gây khó khăn cho phôi làm tổ, giảm tỷ lệ chuyển phôi thành công hoặc phôi thai có nguy cơ bong khỏi lớp niêm mạc dẫn đến sảy thai, thai lưu. Tình trạng này cũng khiến phôi thai không nhận đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến chậm phát triển trong tử cung.
“IVF, IUI nhiều lần nhưng kết quả vẫn thất bại, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ. Khi đó, tôi thực sự tuyệt vọng”, chị Hồng Anh kể lại.
Sau nhiều lần tìm hiểu và cân nhắc, vợ chồng chị Hồng Anh tìm tới Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) để bắt đầu lại hành trình tìm con. Lúc này chị đã 42 tuổi. Sức khỏe bình thường nhưng trở ngại lớn nhất là ở độ tuổi này, không chỉ dự trữ buồng trứng suy giảm mà chất lượng nang noãn cũng kém.
Theo Phó giáo sư Lê Hoàng - Giám đốc IVF Tâm Anh, tuổi của người phụ nữ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị hiếm muộn. Với những người bệnh trên 40 tuổi như chị Hồng Anh, chất lượng nang noãn giảm, nguy cơ cao ảnh hưởng tới chất lượng phôi và tăng tỷ lệ dị tật thai nhi. Điều này còn khiến quá trình điều trị kéo dài hơn, gia tăng chi phí, kéo theo hệ lụy người mẹ mang thai khi lớn tuổi sẽ kèm nhiều nguy cơ trong thai kỳ.
Sau khi đánh giá các yếu tố, phó giáo sư Lê Hoàng tư vấn chị Hồng Anh tận dụng các phôi trữ đông tại bệnh viện cũ chuyển tới IVF Tâm Anh. Với công nghệ nuôi cấy phôi hiện đại, tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo có thể loại trừ phôi kém chất lượng, vợ chồng chị hy vọng IVF Tâm Anh có thể tận dụng cơ hội từ 5 phôi ngày 2 ít ỏi còn lại, giúp chị có con.
Theo PGS Lê Hoàng, IVF Tâm Anh hạn chế việc chuyển phôi ngoại viện do có nhiều trở ngại. Phôi là giao tử giữa trứng và tinh trùng, rất dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ảnh sáng, nồng độ và chất lượng không khí… Quá trình vận chuyển có thể khiến phôi phơi nhiễm với các yếu tố ngoại cảnh bất lợi, gây giảm chất lượng, kéo theo giảm tỷ lệ IVF thành công.
“Các phôi trước đây của chị Hồng Anh chỉ nuôi tới ngày 2, tỷ lệ chuyển phôi thành công thấp. Đứng trước mong mỏi của người bệnh, chúng tôi lên chi tiết kế hoạch đưa phôi về, rã đông 5 phôi còn lại và tiếp tục nuôi phôi lên ngày 3, ngày 5 để tăng cơ hội thành công”, phó giáo sư Lê Hoàng chia sẻ.
Cơ sở y tế trữ đông phôi cũng phải đáp ứng chuẩn các điều kiện khắt khe từ IVF Tâm Anh.
Để đảm bảo phôi không bị suy giảm chất lượng, IVF Tâm Anh sử dụng thiết bị vận chuyển với bình trữ đông chuyên dụng, dự trữ nitơ lỏng nhằm đảm bảo ổn định nhiệt độ trữ đông -196 độ C trong suốt quá trình vận chuyển. Ê kíp chuyên viên phôi học dày dặn kinh nghiệm được bố trí để kiểm soát quá trình vận chuyển, đảm bảo an toàn cho đến khi phôi nằm trong labo IVF Tâm Anh.
Phôi trữ được rã đông để chuẩn bị quá trình nuôi phôi lên ngày 5. Chuyên viên phôi học sử dụng tủ rã đông chuyên dụng, ổn định nhiệt độ ở mức nhiệt 37 độ C. Phôi sau rã đông được nuôi cấy bằng hệ thống tủ động học (Timelapse) ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Thiết bị tạo ra môi trường thuận lợi, cân bằng các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… để phôi phát triển.
Camera trong mỗi tủ nuôi cấy Timelapse ghi lại toàn bộ quá trình phát triển để các chuyên viên có thể giám sát toàn bộ quá trình phôi phân chia, phát hiện bất thường nếu có. Phần mềm phân tích phôi áp dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn các phôi tốt nhất cho khách hàng. Kết quả nuôi phôi thành công, từ 4 phôi ngày 2 nuôi được một phôi ngày 5 và hai phôi ngày 6, chất lượng tốt.
Khi nhận kết quả, hai vợ chồng chị Hồng Anh đều rất bất ngờ, vì các phôi trước đây chỉ ở mức khá, quá trình vận chuyển phôi xa, rã đông thường giảm chất lượng nhưng bệnh viện Tâm Anh nuôi thành công lên ngày 5,6 với chất lượng tốt ngoài mong đợi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Liên Hương - Trưởng LAB kiêm Phó giám đốc IVF Tâm Anh cho biết, nhiệt độ và các yếu tố môi trường thay đổi nhỏ cũng có thể tác động lớn tới phôi, đây là lý do nhiều phôi sau khi rã đông thì chất lượng bị suy giảm. Tuy nhiên, với ứng dụng công nghệ hiện đại và kinh nghiệm của chuyên viên phôi học có thể chuẩn bị các điều kiện lý tưởng, thuận lợi cho quá trình phát triển của phôi.
Chị Hồng Anh chuẩn bị niêm mạc thuận lợi, nhanh chóng chuyển một phôi ngày 5 và thành công ngay lần đầu, chị mang song thai, nhưng sinh non ở tuần 24, hai bé mất sau đó không lâu.
Vượt qua nỗi đau mất con, 3 năm sau, chị Hồng Anh tiếp tục quay lại IVF Tâm Anh chuẩn bị cho chu kỳ chuyển phôi tiếp theo. Phân vân vì thời gian trữ đông phôi đã gần 10 năm nhưng chị được phó giáo sư Lê Hoàng tư vấn tiếp tục sử dụng phôi ngày 6 vì chất lượng phôi đánh giá tốt và điều kiện trữ - rã đông tại IVF Tâm Anh được đảm bảo tối ưu, hạn chế tác động tới chất lượng phôi.
Tháng 8/2023, BS.CKII Cao Tuấn Anh chuyển một phôi ngày 6 chất lượng tốt, chị Hồng Anh một lần nữa đón tin vui. Quá trình mang thai thuận lợi, chị sinh một bé gái khỏe mạnh vào cuối tháng 4/2024 tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Trữ đông phôi giúp bảo tồn cơ hội làm cha mẹ cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhiều gia đình băn khoăn về việc đông lạnh phôi lâu sẽ làm giảm chất lượng phôi, ảnh hưởng tỷ lệ thành công khi điều trị vô sinh. Phó giáo sư Lê Hoàng chia sẻ về vấn đề này, tuy chưa có nghiên cứu thời gian tối đa trữ đông phôi nhưng thế giới đã từng ghi nhận kỷ lục cặp đôi song sinh tại Anh ra đời từ phôi trữ đông 30 năm.
Với công nghệ hiện đại, việc trữ - rã đông phôi có tỷ lệ thành công cao hơn, đảm bảo chất lượng phôi, nhờ đó tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công sau rã đông. Điều này mang đến cơ hội cho nhiều gia đình hiếm muốn trong quá trình điều trị, đặc biệt là các trường hợp vợ chồng lớn tuổi, suy buồng trứng, AMH thấp tạo được ít phôi.
Tại IVF Tâm Anh, nhiều gia đình đã thành công sinh con đã quay lại tiếp tục chuyển phôi sau 7 năm trữ đông. Tỷ lệ phôi sau rã đảm bảo chất lượng tốt tương đương phôi tươi, tỷ lệ thành công sau chuyển phôi trữ trung bình là 71,5%, lên tới 80% ở các trường hợp người mẹ dưới 28 tuổi.
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/ra-dong-phoi-bao-lau-thi-chuyen-a42018.html