8 lần tiêm tan mỡ, từ '1 cằm thành 3'
Chị N.T.N (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) mang "3 cằm" với khối áp xe 30 cm sau 8 lần tiêm tan mỡ nọng cằm tại chỗ người quen đến bệnh viện cầu cứu.
Khai thác bệnh sử, chị N. cho biết, 3 tháng trước, chị được mời chào tiêm tan mỡ nọng cằm với giá 2,5 triệu đồng cho một lần thực hiện. Vì tin tưởng người quen, chị đã tiêm 8 lần. Ở lần tiêm cuối cùng, chị có triệu chứng nóng rát, vùng cằm nổi cục lợn cợn.
Người tiêm cho chị giải thích là mỡ đang gom lại sau đó sẽ tan ra. Tuy nhiên, tình trạng của chị ngày càng nặng hơn, vùng cằm sưng đỏ thành những khối u lớn, đau nhức dữ dội. Đầu tháng 6, khi đến bệnh viện thăm khám, chị được biết mình đã bị áp xe nặng.
Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW cho biết, đây là một khối áp xe lớn đã lan tỏa rộng khắp vùng cổ, ăn sâu len lỏi vào các mô cơ, phải phẫu thuật nạo khẩn cấp vì càng để lâu càng nghiêm trọng.
Còn tại bệnh viện Da liễu TPHCM, mới đây liên tiếp nhận các ca tai biến vì tiêm tan mỡ, tiêm chất làm đầy để tạo hình cằm. Đa phần các trường hợp này chỉ vì thấy cằm đôi nhìn không thẩm mỹ, muốn xử lý để khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn.
Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân 34 tuổi (ngụ Đồng Nai) đến một spa ở TP Biên Hoà tiêm tan mỡ cằm đôi, nhưng chị không biết mình được tiêm chất gì vào mặt. Sau 2 ngày, chị bắt đầu thấy sưng đau, nóng rát. Đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, bác sĩ siêu âm thấy vùng cằm bệnh nhân có nhiều ổ dịch, chẩn đoán viêm áp xe sau tiêm tan mỡ, phải phẫu thuật để xử lý.
Trường hợp khác, thấy cằm mình không được đẹp, cô gái 23 tuổi (quê Cà Mau) đã quyết định tân trang bằng cách tiêm chất làm đầy. Cô này không đến cơ sở làm đẹp nào mà nhờ người tiêm tại nhà. Sau tiêm, bất ngờ bệnh nhân bị sưng đau vùng cằm, điều trị thuốc không giảm, phải nhập viện điều trị.
Không quá tin vào quảng cáo “có cánh”
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lư Huỳnh Thanh Thảo, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM nhận định: "Nguyên nhân dẫn đến các tai biến trên do bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở và spa không được cấp phép về y tế. Người tiêm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật nên tiêm không đúng, tiêm vào các vùng nguy hiểm hoặc không đảm bảo quy tắc vô khuẩn khi điều trị…".
Theo bác sĩ Thảo, cằm đôi là tình trạng vùng dưới cằm trở nên đầy hơn, xuất hiện một nếp gấp da giữa mặt và cổ, góc cổ mở rộng hơn, thường đi kèm mất đường viền của hàm dưới và góc hàm. Tình trạng này có thể xuất hiện với cả người trẻ tuổi do tình trạng khiếm khuyết xương cằm hoặc do sự tích tụ mỡ vùng dưới da, da chùng nhão, sa trễ ở người lớn tuổi…
Cả nam và nữ giới khi có cằm đôi thường thấy khó chịu, kém hấp dẫn. Chính vì vậy, họ đều có nhu cầu điều trị nhằm giảm hoặc biến mất vùng dư thừa này, giúp khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn.
"Điểm chung của các bệnh nhân là đều tin lầm vào những lời quảng cáo 'có cánh' của các cơ sở về hiệu quả của "thần dược" tiêm tan mỡ. Chẳng hạn như "thon gọn sau 1 liệu trình", "dáng chuẩn sau 1 lần tiêm", "tan mỡ không cần phẫu thuật"..." - bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, dù là phương pháp điều trị nào từ tiêm tan mỡ, tiêm chất làm đầy, phẫu thuật đến sử dụng các thiết bị phát năng lượng nhằm làm giảm mỡ, người dân cũng cần đến cơ sở y tế có bác sĩ được cấp phép, có tay nghề để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/tiem-tan-mo-nong-cam-a47455.html