Bác sĩ giải đáp: Thai IVF sinh thường có được không?

Câu hỏi “Thai IVF có sinh thường được không?” luôn là chủ đề được nhiều bố mẹ quan tâm khi mang thai thụ tinh ống nghiệm (IVF). Bởi lẽ, nhiều người lầm tưởng rằng IVF là “thai quý” nên phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Vậy thực tế như thế nào? Hãy cùng IVF Bưu điện tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

I.Thai IVF có sinh thường được không?

Đối với các bậc cha mẹ đã trải qua hành trình dài và gian nan để có được con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), việc lựa chọn phương pháp sinh nở an toàn và phù hợp nhất cho cả mẹ và bé luôn là một chủ đề được quan tâm hàng đầu.

Nhiều người băn khoăn “Thai IVF có sinh thường được không?” hay “Liệu sinh thường hay sinh mổ sẽ tốt hơn cho thai nhi IVF?”. Trên thực tế, không có phương pháp sinh nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, và quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

- Sức khỏe của mẹ: Các yếu tố như tuổi tác, tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe thai kỳ, kích thước khung xương chậu,… sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh thường của mẹ.

- Tình trạng thai nhi: Tư thế thai nhi, cân nặng, sức khỏe,… cũng là những yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn phương pháp sinh.

- Mong muốn của mẹ: Mẹ bầu hoàn toàn có quyền lựa chọn phương pháp sinh phù hợp với mong muốn và cảm giác thoải mái của bản thân.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ sinh mổ trên toàn cầu đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo thống kê, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam đã tăng gấp ba trong vòng 15 năm qua, đạt mức gần 37% vào năm 2022, cao hơn nhiều so với khuyến cáo 10-15% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đặc biệt đáng chú ý là tỷ lệ sinh mổ cao hơn ở các bệnh nhân IVF.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đối với mẹ mang thai IVF không phải trường hợp nào cũng được chỉ định mổ. Để trả lời câu hỏi của nhiều bố mẹ “Thai IVF có sinh thường được không?” thì câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Thai IVF hoàn toàn có thể sinh thường nếu sức khoẻ của mẹ và thai nhi đảm bảo.

Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản được thực hiện ngoài cơ thể (in vitro), bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp với nhau trong ống nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm tạo ra phôi, sau đó phôi được chuyển vào tử cung của phụ nữ để phát triển thành thai. Có thể thấy rằng, thai IVF chỉ khác biệt với mang thai thường ở quá trình thụ tinh, còn về quá trình phát triển, sức khỏe và di truyền đều giống nhau.

Mang thai thụ tinh trong ống nghiệm vẫn hoàn toàn có thể sinh thường nếu sức khỏe của mẹ và tình trạng thai nhi đảm bảo, không phải chỉ định bắt buộc phải mổ.

Các mẹ bầu mang thai IVF có thể sinh thường nếu đáp ứng những điều kiện sau:

- Tuổi không quá 40,

- Thai nhi có cân nặng và kích thước vòng đầu phù hợp với xương chậu của mẹ,

- Ngôi thai thuận lợi,

- Siêu âm và các kết quả theo dõi thai kỳ đều bình thường,

- Các xét nghiệm trước sinh không có vấn đề gì bất thường,

- Mẹ không bị thừa cân hay mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim mạch,…

Bạn hãy nhớ rằng luôn tuân thủ theo hướng dẫn của các bác sĩ để có thể “vượt cạn” thành công nhé.

II. Các trường hợp thai IVF được chỉ định sinh mổ

Việc lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé và an toàn của mẹ. Do đó, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố để đưa ra lựa chọn phương pháp sinh phù hợp nhất đối với các trường hợp mang thai IVF.

Quá trình lựa chọn phương pháp sinh khi mang thai IVF sẽ bao gồm:

- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe tổng thể của mẹ, bao gồm tiền sử thai sản, các bệnh lý nền (nếu có).

- Đánh giá sức khỏe thai nhi: Chất lượng nhau thai, nước ối được kiểm tra kỹ lưỡng qua siêu âm và xét nghiệm chuyên sâu.

- Theo dõi quá trình chuyển dạ: Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Nếu phát hiện bất thường ở mẹ hoặc thai nhi, hoặc quá trình chuyển dạ kéo dài, bác sĩ sẽ chỉ định phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Một số trường hợp mẹ mang thai IVF được chỉ định sinh mổ:

Đối với người mẹ

- Mang song thai: Quá trình sinh nở có thể gặp nhiều khó khăn do kích thước thai nhi lớn hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.

- Kích thước xương chậu không cân đối: Xương chậu hẹp hoặc nhỏ, có tiền sử vỡ nứt xương chậu có thể gây nguy hiểm trong quá trình sinh thường.

- Tình trạng sức khỏe: Mắc các bệnh như viêm vùng chậu, nhiễm độc thai nghén, u nang buồng trứng, u xơ tử cung… ảnh hưởng đến khả năng sinh thường.

- Số lần sinh mổ: Đã từng sinh mổ 2 lần trở lên, vết mổ cũ có dấu hiệu hở ra và bong tróc.

Đối với tình trạng thai:

- Kích thước thai nhi lớn: Lớn hơn so với kích thước xương chậu và tử cung của mẹ, có thể gây khó khăn cho quá trình sinh nở.

- Cân nặng thai quá lớn: Trên 4 kg có thể khiến mẹ kiệt sức và nguy hiểm đến tính mạng nếu rặn đẻ quá sức.

- Tình trạng thai nhi: Thai suy, nhau tiền đạo, vị trí nhau thai quá thấp hoặc ở trung tâm gây khó sinh.

- Thiếu nước ối hoặc vỡ ối: Ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và quá trình sinh nở.

Thai thụ tinh trong ống nghiệm được coi là một thai kỳ nguy cơ cao, vì vậy mẹ mang thai IVF được chăm sóc chặt chẽ, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mẹ bầu phải tuân thủ lịch khám thai định kỳ, thực hiện tầm soát dị tật và các xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, thai ít cử động, xuất huyết… thì cần đi khám ngay lập tức.

III. Cách tăng khả năng sinh thường cho mẹ bầu IVF

Thai nhi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được xếp vào nhóm thai kỳ nguy cơ cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các mẹ bầu mang thai IVF không thể sinh thường. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và theo dõi sát sao từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp, các mẹ hoàn toàn có thể “vượt cạn” thành công và chào đón bé yêu chào đời một cách khỏe mạnh.

Ths.Bs.Vương Vũ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện chia sẻ những lời khuyên hữu ích giúp mẹ mang thai có một thai kỳ khỏe mạnh và suôn sẻ:

- Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý: Đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng và tránh làm việc quá sức. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung các thực phẩm tốt cho thai nhi và hạn chế những thực phẩm cần kiêng khem.

- Khám thai định kỳ và theo dõi sức khỏe: Tuân thủ lịch khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu. Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tầm soát dị tật và xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như chảy máu, đau bụng, thai máy ít hoặc nhiều hơn bình thường, mẹ bầu cần đi khám ngay để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Đối với các cặp đôi hiếm muộn mong muốn thực hiện IVF, việc lựa chọn địa chỉ uy tín là vô cùng quan trọng. Tại IVF Bưu điện, các mẹ bầu sẽ được:

- Thăm khám kỹ lưỡng để xác định tình trạng sức khỏe trước khi tiến hành IVF.

- Được đồng hành cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện IVF và thai kỳ.

- Sử dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho cả quá trình IVF và sinh nở.

Với sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần lạc quan và sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp, các mẹ bầu IVF hoàn toàn có thể tự tin “vượt cạn” thành công và chào đón bé yêu chào đời một cách khỏe mạnh.

IVF Bưu điện luôn đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc viên mãn. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ chăm sóc tận tâm, chúng tôi cam kết mang đến cho quý khách hàng những trải nghiệm an toàn và hiệu quả.

IV. Giải đáp các câu hỏi về thai kỳ cho mẹ bầu IVF

“Thai IVF có thể sinh thường được không?” là một trong rất nhiều câu hỏi mà các bậc phụ huynh sẽ phải tìm hiểu khi bắt đầu thai kỳ. Dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, các gia đình cũng sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Vì vậy, dưới đây là phần giải đáp một số câu hỏi phổ biến về thai kỳ IVF từ ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện:

1.Thai IVF thường sinh ở tuần bao nhiêu?

Mang thai IVF có thể sinh thường được không? Câu trả lời là có. Và thời điểm sinh nở cho thai IVF không khác biệt so với thai tự nhiên, thường diễn ra vào tuần 38 - 40 của thai kỳ. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định sinh sớm hơn hoặc muộn hơn để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

2.Thai đôi IVF bao nhiêu tuần thì sinh?

Thai đôi IVF thường được sinh sớm hơn thai đơn IVF, khoảng từ tuần 36 đến tuần 38. Lý do là vì thai đôi có nguy cơ cao gặp các biến chứng thai kỳ như sinh non, suy thai,… Do đó, bác sĩ thường cân nhắc cho sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Thai IVF hoàn toàn có thể sinh thường nếu đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe. Việc lựa chọn phương pháp sinh nở nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi mẹ bầu, gia đình và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp giải đáp thắc mắc của các cặp vợ chồng về vấn đề thai IVF có sinh thường được không.

Nếu bạn có thắc mắc hay câu hỏi cần giải đáp, bạn hãy gọi đến số Hotline: 19001897 để được IVF Bưu điện tư vấn thêm nhé.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/thai-ivf-bao-nhieu-tuan-thi-mo-a48639.html