Các đặc trưng cơ bản của pháp luật

Pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra (hoặc thừa nhận) có tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức và tính bặt buộc chung thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

1. Pháp luật thể hiện tính quyền lực nhà nước

Pháp luật là công cụ của Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nên pháp luật phải do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, hay nói cách khác pháp luật được hình thành bởi con đường nhà nước. Nhà nước ban hành ra pháp luật để đảm bảo cho chức năng quản lý của Nhà nước được thực thi một cách triệt để.

Thông qua pháp luật, ý chí của giai cấp thống trị được đảm bảo thực hiện. Việc đảm bảo cho các quy định của pháp luật được thực thi có hiệu quả trên thực tiễn chính là việc đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực thi và tác động đến mọi chủ thể. Bởi vậy, pháp luật không thể tồn tại và phát huy hiệu quả các giá trị của nó nếu nó không gắn liền với nhà nước và thể hiện quyền lực Nhà nước.

2. Pháp luật mang tính ý chí

Xét về bản chất, ý chí trong pháp luật là ý chí của giai cấp, lực lượng cầm quyền. Ý chí đó thể hiện rõ ở mục đích xây dựng pháp luật, nội dung pháp luật.

Trên thực tế, lực lượng nắm giữ quyền lực nhà nước sẽ có khả năng thể hiện ý chí và lợi ích của mình một cách tối đa trong pháp luật. Khi ý chí và lợi ích đã được hợp pháp hóa bằng pháp luật thì nó được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Bởi vậy, quá trình xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật được diễn ra dưới những hình thức cụ thể, theo những nguyên tắc, trình tự và thủ tục chặt chẽ. Điều này thể hiện rõ sự khác biệt giữa pháp luật với hệ thống các quy phạm khác.

Hình minh họa. Các đặc trưng cơ bản của pháp luật

3. Pháp luật mang tính bắt buộc chung

Tính bắt buộc chung của pháp luật trước hết được thể hiện ở đặc tính do nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện thống nhất. Ngoài ra nó còn được thể hiện trong nhận thức và thực thi pháp luật trên thực tiễn thông qua việc pháp luật ghi nhận các giá trị xã hội, các phương thức ứng xử phù hợp để bất cứ chủ thể nào ở vào hoàn cảnh và điều kiện pháp luật đã dự liệu đều phải xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Như vậy, việc ứng xử đúng theo pháp luật một mặt là yêu cầu pháp lý đối với chủ thể, mặt khác là trách nhiệm của chính chủ thể đó trước các ứng xử đã được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Việc các chủ thể không tuân theo các quy định pháp luật khi đó sẽ tùy theo mức độ vi phạm của hành vi mà nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp tác động tương xứng để đảm bảo cho các quy định đó được thực thi trong thực tiễn của đời sống xã hội.

Như vậy, tính quyền lực nhà nước chính là yếu tố nền tảng cho pháp luật được tôn trọng, được thực hiện và mang tính bắt buộc chung.

4. Pháp luật mang tính quy phạm phổ biến

Pháp luật mang tính quy phạm phổ biến là đề cập đến tính khuôn mẫu, tính mực thước. Những khuôn mẫu, những mực thước đó được xác định cụ thể, nêu lên những giới hạn cần thiết mà nhà nước quy định để mọi chủ thể có thể xử sự trong khuôn khổ cho phép. Giới hạn đó được xác định ở nhiều khía cạnh khác nhau như cho phép, cấm đoán, bắt buộc… Nguyên tắc: “được làm tất cả mọi việc trừ những điều mà pháp luật nghiêm cấm”, “bình đẳng trước pháp luật”… được hình thành là dựa trên cơ sở của đặc trưng về tính quy phạm của pháp luật. Thuộc tính quy phạm phổ biến của pháp luật được thể hiện cụ thể là: “là khuôn mẫu chung cho nhiều người” và “được áp dụng nhiều lần trong không gian và thời gian rộng lớn”

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/mot-trong-cac-dac-trung-co-ban-cua-phap-luat-the-hien-o-a52131.html