Nhận diện, phân tích, phê phán một vài khuynh hướng giải thiêng trong văn học

Triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) đang là hướng nghiên cứu ưu trội được vận dụng, hưởng ứng mạnh mẽ trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Với quan niệm bất kỳ hiện tượng văn hóa nào cũng là sự hội tụ, kết tinh từ nhiều luồng văn hóa để hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng các khác biệt, do vậy nhận thức một vấn đề không chỉ từ cái nhìn dân tộc, đa chiều hơn, từ nhiều hướng khác nhau để tìm ra những giá trị phổ quát, nhân loại. Trên cơ sở đó, bài viết sẽ nhận diện, phân tích, phê phán một vài quan niệm chưa đúng, vội vã, lệch lạc hoặc cố tình hiểu sai (để phủ nhận) về văn học, góp phần đưa vấn đề về đúng vị trí vốn có. Trọng tâm là tập trung vào vấn đề “giải thiêng” biểu hiện ở nhiều cấp độ.

Khái niệm “giải thiêng” (désacraliser) có nghĩa là xóa bỏ tính thiêng liêng của một đối tượng vốn không xứng đáng như thế. Gắn liền với sự phân tích, đánh giá trên cơ sở những cứ liệu thuyết phục nên đó là khoa học, nhất là trong khoa học lịch sử. Trái với “giải thiêng” là “chiêu tuyết” tức rửa oan, giải oan cho một nhân vật nào đó. Thế kỷ XV vua Lê Thánh Tông “chiêu tuyết” cho Nguyễn Trãi là một ví dụ. Như vậy “giải thiêng” đích thực không có nghĩa tiêu cực, nhưng nếu vô tình hoặc lợi dụng, nhất là với những người có vị thế, uy tín thì dễ gây hiệu ứng không tốt trong xã hội.

Về quan niệm “văn học minh họa”

Trước hết, xin được khẳng định trong số những người đi theo khuynh hướng này, có không ít người tốt, tâm huyết với văn chương, đau đáu một tâm nguyện văn học cần phục vụ tốt hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa cho nhân dân, cho cách mạng. Tiêu biểu là nhà văn tài năng Nguyễn Minh Châu. Nhưng phát ngôn của họ, do thiếu một sự chặt chẽ, vội vã, nôn nóng nên bị lợi dụng, bị đẩy lên thành một “quan niệm” mang tính phủ nhận nền văn học cách mạng giai đoạn 1945 - 1975. Đây là bài học không chỉ cho các văn nghệ sỹ mà còn cho cả các cơ quan báo chí khi đăng tải cần sự biên tập kỹ càng, thấu đáo. Ngay tên bài viết của Nguyễn Minh Châu “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (Báo Văn nghệ số 49 & 50, ngày 5/12/1987) đã “sơ hở”. “Ai điếu” là đọc điếu văn buồn, tức muốn “chôn” vào quá khứ cả “một giai đoạn văn nghệ”, trong đó có cả tác phẩm của nhà văn. Hạt nhân hợp lý của bài viết là không thể phủ nhận nhưng rõ ràng cách dùng “tít” như thế gây ấn tượng về sự tiêu cực nhiều hơn. Hơn nữa đây lại là lời “kêu gọi” (Hãy) của một nhà văn có công lao bậc nhất thì hiệu ứng bất lợi càng lớn, thế là tạo ra cả một “khuynh hướng”. Cần nhìn nhận vấn đề thế nào?

Nhận diện, phân tích, phê phán một vài khuynh hướng giải thiêng trong văn học

Cần nhận diện, phân tích, và phê phán một số khuynh hướng giải thiêng trong văn học. Ảnh minh họa

1. Xin được nhắc lại một đặc trưng cơ bản mang tính nguyên lý, phổ biến của văn học là tiếng nói của tâm hồn, là tấm gương của cuộc sống, là hơi thở của thời đại. Văn học thời Trần (thế kỷ XIII) mang âm hưởng sử thi được kết từ muôn vạn tiếng thét “Sát Thát” quyết giết giặc Nguyên hung bạo để đất nước hòa bình. Văn học thời Lê (thế kỷ XV) tiêu biểu là “Cáo bình Ngô” hùng tráng của Nguyễn Trãi phản ánh khí thế quật khởi của cả dân tộc đứng lên dưới cờ đại nghĩa đuổi giặc thù…

Nhìn ra thế giới, ngược về lịch sử, các nền văn học Hy Lạp - La Mã, văn học Ấn Độ cổ đại đều mang giọng điệu sử thi chủ âm được vọng vào từ thực tế lịch sử các cuộc chiến tranh… Sau này, ở thời cận đại, văn học Pháp, văn học Mỹ đều mang dấu ấn sâu đậm hình ảnh, tính chất các cuộc cách mạng… Thế nên giai đoạn văn học cách mạng 1945 - 1975 của ta phản ánh trung thực các cuộc kháng chiến chính nghĩa thần thánh của dân tộc là hoàn toàn đúng với quy luật. Con thuyền văn học luôn trôi xuôi dòng chảy thời đại, bắt nó chảy ngược là sự phi lý, phản lịch sử. Không ai có thể bắt văn học nói tiếng nói khác với thời đại mà nó có nhiệm vụ phản ảnh, miêu tả.

Phải chống lại các siêu cường thực dân, đế quốc lớn nhất, giàu có nhất thế giới nên cả dân tộc ta phải đoàn kết muôn người như một mới có thể tạo nên sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Là một thành viên của đại gia đình văn hóa Việt Nam, văn học cũng phải “gồng mình” lên để cùng chiến đấu. Thế nên, hôm nay nhìn về văn học ngày ấy sẽ thấy các phạm trù mỹ học văn chương cũng tự phải phá vỡ các khung khái niệm thông thường để trở thành các “siêu nhân vật”, “siêu không gian”, “siêu kết cấu”, “siêu ngôn ngữ”, “siêu giọng điệu”… Ngôn ngữ thông thường không đủ diễn tả cái quá ác liệt, cái phi thường nên vươn tới ngôn ngữ của lương tri, của lý tưởng, chính nghĩa… Giọng điệu cá nhân không thể nói hết được cái hoành tráng, kỳ vỹ nên phải nhờ tới giọng điệu của thời đại... Chiến tranh là sự khủng khiếp, là mất mát, hy sinh. Nhưng cả dân tộc trọng danh dự này vẫn buộc phải cầm súng vì không chịu sống trong cảnh mất nước, không chịu làm nô lệ. Dễ hiểu vì sao giai đoạn văn học 1945 -1975 có sự đa dạng, giàu có nhất về giọng điệu, không thể có ở các thời trước đó, cũng rất khó gặp lại, có anh hùng ca, tráng ca, bi ca, tụng ca, hoan ca… Với tầm vóc lớn lao như vậy, một thái độ đúng đắn nhất là sự khẳng định mạnh mẽ hơn nữa giá trị văn hóa, ghi vào trang vàng lịch sử nước nhà nền văn học nhân đạo ấy. Sản sinh ra trong một thời kỳ đặc biệt nên văn học có những đặc điểm riêng, như vì dồn sức cho nhiệm vụ chính trị nên phải chạy theo sự kiện, coi trọng sự kiện, do vậy vấn đề con người chưa được chú ý đúng mức. Đây không phải là hạn chế, mà là một đặc trưng bởi hoàn cảnh cuộc sống kháng chiến cực kỳ ác liệt quy định. Chả lẽ vì một đặc trưng tất yếu mà phủ nhận cả một nền văn học sao?

2. Dưới góc nhìn liên văn hóa, các giai đoạn lịch sử không bao giờ đứng riêng rẽ mà luôn có sự tiếp nối, trao truyền. Như một dòng chảy, có khi phù sa văn hóa của thời trước chảy đến thời sau, gặp cơ hội mới lắng xuống, kết tinh tạo ra các sự kiện. Đúng như một nhà thơ nói, khi cả dân tộc đứng lên đuổi giặc Pháp và Mỹ thì còn có “cả bốn nghìn năm cùng ra trận”. Không hiện hữu, sức mạnh từ lịch sử nằm trong “vô thức cộng đồng” rồi truyền vào tinh thần thời đại. Ngày nay, triết học tâm linh (của thế giới) còn cho rằng linh khí tổ tiên, linh khí núi sông, đất trời cùng hội tụ với tinh thần cháu con làm việc nghĩa lớn. Nói theo cụ Nguyễn Trãi, thắng giặc còn là “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ” (Cáo bình Ngô).

Nhìn từ liên văn hóa thời gian, trong văn học 1945- 1975 có sự vọng về từ quá khứ âm hưởng hùng tráng của các cuộc vệ quốc vĩ đại. Nhìn từ liên văn hóa không gian, thời điểm ấy cả nhân loại tiến bộ ngước nhìn và trao gửi tới Việt Nam một niềm tin, niềm hy vọng chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa. Đó cũng là cách giúp đỡ, ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh. Với tư cách những ký hiệu văn hóa, các tác phẩm lớn luôn là mã nghệ thuật lưu giữ trong đó nhiều lớp ý nghĩa, không chỉ của thời này, mà còn của nhiều thời trước. Mở một trang sách quý sẽ thấy bóng dáng nhiều thời, nhiều nơi. Văn hay nói mãi không cùng là như vậy. Không ít tác phẩm văn học 1945 - 1975 của ta xứng đáng được như thế. Quy kết nó chỉ mang tính “minh họa”, cũng có nghĩa là “quy kết” cả lịch sử ư?

3. Vẫn theo liên văn hóa, các luồng tiếp biến, giao lưu văn hóa gặp gỡ, hội tụ sẽ kết tinh thành ba phạm trù mỹ học cơ bản là biểu tượng, nhân vật và ngôn ngữ. Một biểu tượng mang tính tỏa sáng, soi đường trong văn học 1945-1975 của ta làm nhiều nhà nghiên cứu phương Tây ngạc nhiên là biểu tượng ngày hội lên đường. Chỉ có thể là một dân tộc giàu có niềm tin, yêu hòa bình đến cháy bỏng, dũng cảm đến vô song mới biến ngày ra trận là ngày hội: “Xóm dưới làng trên, con gái con trai/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Đường ra mặt trận - Chính Hữu).

Hình tượng Bác Hồ được văn học miêu tả như là sự kết tinh của các phạm trù thiêng liêng của lịch sử, của cả tương lai: Vĩ đại, anh hùng, trí tuệ, tinh anh, giản dị… Không chỉ mang tầm thời đại, trong hình tượng anh bộ đội còn có cả bóng dáng của người anh hùng thời Trần, thời Lê, thời Quang Trung… Hình tượng “cô gái mở đường” (tên một bài hát của nhạc sỹ Xuân Giao) được vẽ bằng ngôn ngữ lãng mạn của thơ và giai điệu trong trẻo của nhạc: “Em đi lên rừng cây xanh mở lối/ Em đi lên núi núi ngả cúi đầu”. Hình tượng được đẩy vượt lên vươn tới tầm vóc vũ trụ: “rừng cây xanh mở lối”, “núi ngả cúi đầu”. Bởi có gì vẻ vang, thánh thiện hơn công việc đuổi giặc để đất nước tự do đâu? Ở đời có gì quý hơn thân thế mình đâu, thế mà khi cần, những người tuổi trẻ sẵn sàng đem cái quý giá nhất là thân thể mình cống hiến cho Tổ quốc. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tạc vào lịch sử hình tượng những người anh hùng ấy bằng thơ: “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom” (Khoảng trời hố bom). Nhờ những con người vĩ đại ấy mà đất nước mới nở hoa Độc Lập, kết trái Tự Do để nhân dân ta có cuộc sống hạnh phúc như ngày nay!

Có một biểu tượng không gian đặc biệt là hình ảnh con đường - một biểu trưng sinh động cho bản lĩnh, ý chí, niềm tin Việt Nam... Mở đường Trường Sơn đi đánh Mỹ cũng là mở đường đi tới tương lai: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Làm đường cho quân ta đi đuổi giặc tức là mở ra chân trời mới rực rỡ: “Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng/ Rực rỡ mặt đất bình minh” (Phạm Tiến Duật)…

Theo dòng thời gian, những lớp phù sa văn hóa lắng đọng sẽ kết thành biểu tượng. Nhờ được trồng vào mảnh đất lịch sử vẻ vang nhất nên rừng cây văn học 1945-1975 đã kết những trái cây biểu tượng tràn đầy sức sống, giàu có dinh dưỡng ý nghĩa văn hóa, mà trong lịch sử chưa bao giờ có được. Là thành tố cơ bản, biểu tượng quy định nội dung, tính chất của nền văn hóa. Nhìn từ biểu tượng cũng đủ khẳng định đây là một trong những giai đoạn văn hóa rực rỡ nhất của dân tộc. Văn học đã góp phần xứng đáng làm nên những giá trị ấy. Sao lại có thể hạ thấp nó?

Về khuynh hướng hạ bệ thần tượng; hạ thấp, xuyên tạc các giá trị văn hóa

Thần tượng là những danh nhân có thật trong lịch sử hoặc trong truyền thuyết đã được cộng đồng thừa nhận, khẳng định. Nhưng với ý đồ xấu mà có người “hạ bệ” họ bằng cách dung tục hóa, bôi nhọ, xuyên tạc. Lại có người cố tình dùng thủ đoạn đòi hạ thấp một giá trị văn hóa. Tạm khoanh nhóm này vào ba dạng:

Một là, bôi đen các nhân vật truyền thuyết với mục đích “giải thiêng” nguồn cội vẻ vang. Ví như có “tác giả” gốc Việt viết về bánh chưng nhưng với giọng dè bỉu gọi đó là món ăn tiểu nông chứng minh sự đói kém, vụng về, thô tục. Tức là mượn món ăn truyền thống cúng Tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền để “giải thiêng” một biểu tượng văn hóa, thâm hiểm hơn là “giải thiêng” các Vua Hùng - một biểu tượng thiêng về cội nguồn cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc. Cũng một “tác giả” ngoài nước gốc Việt lại cố tình hiểu thô tục chi tiết “Âu Cơ đem năm mươi người con lên núi, Lạc Long Quân đem năm mươi người con xuống biển” là “tạo ra truyền thống về sự ly dị”. Nhà văn nữ người Pháp Yveline Féray trong tiểu thuyết Vạn Xuân xuyên tạc hình tượng Nguyễn Trãi thành kẻ đầy bản năng tính dục làm tình với gái làng chơi…

Ở trong nước, qua tiểu thuyết “Giàn thiêu”, Võ Thị Hảo xuyên tạc huyền thoại Ỷ Lan cho xây chùa, khuyến khích đạo Phật là cách “hối lộ” Phật tổ để thoát tội giết Thái hậu Thượng Dương cùng bảy mươi sáu cung nữ; bôi đen huyền thoại thiền sư Từ Đạo Hạnh đầy bản năng dục vọng, ích kỉ nhỏ nhen... Một ý đồ xấu dễ thấy của họ là làm phân rã tính thiêng đạo Phật vốn ăn sâu vào tâm hồn, tính cách Việt, gieo rắc sự nghi ngờ dẫn tới phá hoại sự đoàn kết tôn giáo…

Nguyễn Quang Thân trong tác phẩm “Hội thề” lại đưa ra cái nhìn ngược khi miêu tả một vài tướng lĩnh quân Minh xâm lược hào hoa lịch lãm còn các vị tướng lĩnh Lam Sơn xuất thân ít học, thô lỗ, cuồng sát… Nguyễn Huy Thiệp từng miêu tả vua Quang Trung hám gái, tầm thường, Trần Vũ trong “Mùa mưa gai sắc” còn đi xa hơn khi mô tả có tính xuyên tạc cho rằng Nguyễn Huệ như “con mãnh thú” vô nhân tính. Theo hướng phân tâm học, Nguyễn Thúy Ái trong tập truyện ngắn “Tột đỉnh tình yêu” lại miêu tả Nguyễn Trãi theo nguyên tắc “bản năng gốc” thấp kém trong quan hệ tình ái với Thị Lộ…

Hai là, hạ bệ các danh nhân lịch sử có thật, tiêu biểu là sự tập trung điên cuồng xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phương diện tư tưởng và đạo đức bằng cách bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý tạo ra một con người Hồ Chí Minh khác hẳn, đối lập với con người Hồ Chí Minh lớn lao, trong sáng ở đời thường. Vì hình tượng là một cá nhân thực sự vĩ đại nên để tạo ra một hình tượng khác thì “tác giả” cũng phải có thủ đoạn tinh vi, đó là: Lê Hữu Mục, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, rồi Nguyễn Minh Cần, Thế Anh, Minh Võ….

Ba là, xuyên tạc về cuộc kháng chiến, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh hùng của dân tộc không phải là cuộc đấu tranh chống xâm lược mà chỉ là sự xung đột ý thức hệ giữa “cộng sản” và “tư bản”. Luận điệu này khó lừa bịp được ai vì vấn đề đã trở nên rõ ràng nhưng vì là phát ngôn của những “tên tuổi” (như Dương Thu Hương) nên gây ngộ nhận ở không ít độc giả nước ngoài, nhất là với người gốc Việt “bất đồng chính kiến”. Có nhà văn cho nhân vật nhại câu thơ nổi tiếng (Đường ra trận mùa này đẹp lắm!) để ngầm mỉa mai cả một thời anh hùng. Lại có kiểu “hạ bệ” một cách hồn nhiên của một vài “nghiên cứu”. Ví như có người “khẳng định” tư duy văn học cách mạng 1945-1975 là “tư duy cổ tích”...

Không bàn đến vấn đề động cơ, mục đích đã quá rõ ràng của những kẻ xấu, trên cơ sở khoa học, ở đây xin được vạch ra những sai lầm, ngụy biện, tư biện rất đáng chê trách.

Chủ nghĩa hậu hiện đại (post modernism) phương Tây đã có từ những năm 60 thế kỷ trước, ảnh hưởng vào nước ta đúng thời kỳ “mở cửa” nên một số người đã tiếp thu thiếu chọn lọc một vài đặc trưng “giải thiêng”, “phá phách”, “hỗn loạn”, “vô trật tự”… Lại thêm sự lợi dụng lý thuyết mô hình (một lý thuyết tiến bộ) với quan niệm nhà văn sáng tạo tác phẩm tức là kiến tạo nên một mô hình đời sống mới. Mô hình này thoát thai từ đời sống, chỉ thống nhất chứ không đồng nhất với đời sống. Cấu trúc mô hình (tác phẩm) này hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, sự liên tưởng, tưởng tượng, hư cấu của nhà văn. Có khi nó đồng dạng, có khi “lộn ngược” với đời sống. Hầu hết các “tác phẩm” thuộc khuynh hướng giải thiêng thuộc dạng mô hình “lộn ngược”, mà sai lầm lớn nhất là đi ngược chiều với quan niệm tích cực, tiến bộ. Các biểu tượng thiêng liêng (như kể ở trên) đã ổn định trong nhận thức của lịch sử văn hóa dân tộc, đã trở thành “mẫu gốc” (archetyp) cực kỳ bền vững, nhưng đến lượt họ lại đưa ra cái nhìn ngược lại. Tưởng như thế là độc đáo, mới lạ có thể gây chú ý nhưng thực tế thì, xét về khoa học là phản chân lý, phản sự thật; xét về đạo lý là xúc phạm cộng đồng. Mỹ học tiếp nhận hiện đại gọi đó là “nói ngược”, “phản tiếp nhận”... Chiêu trò này không mới, đã có từ rất xa xưa mà nhân loại đã đúc kết vào thành ngữ: “Kẻ đốt đền”. Muốn được nổi tiếng nên có kẻ khùng (Herostratos) đã phóng hỏa đốt đền thờ thần Artemis, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Thế là hắn “nổi tiếng” thật nhưng theo kiểu bị nhân loại đời đời nguyền rủa. Một số “tác giả” kể trên không biết có được “nổi tiếng” như “kẻ đốt đền” kia không nhưng dứt khoát bị độc giả lên án, tẩy chay.

Lợi dụng đặc trưng mơ hồ, đa nghĩa (ambiguity) vốn là một nét bản chất của nghệ thuật. Lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống, nhờ tài năng hư cấu, óc tưởng tượng, liên tưởng, nhà nghệ sỹ kiến tạo nên tác phẩm. Từ hiện thực khách quan, hình tượng nghệ thuật đi vào tác phẩm sẽ bị khúc xạ bởi lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, do vậy tất yếu luôn mang một độ “mờ” nhất định. Hình tượng được miêu tả càng xa hiện tại, độ “mờ” càng lớn. Thế nên hầu hết các “tác phẩm” đi theo lối “hạ bệ thần tượng” thường là truyện/tiểu thuyết lịch sử. Các “tác giả” trên đã làm cái việc ngược đời là trồng cây độc lên trên nền móng bằng vàng của lịch sử nên cây không thể sống được, nó tự héo úa, sớm muộn cũng bị độc giả dọn vứt đi. Một vài trong số họ “biện luận” rằng đã là văn cương thì phải hư cấu, nếu viết đúng như lịch sử thì không còn là văn chương nữa. Nhìn từ triết học liên hóa thì quá khứ là bệ phóng, là điểm tựa nên hiện tại phải tôn trọng, trân trọng lịch sử để rút ra bài học cho tương lai. Với văn chương, chỉ được phép hư cấu trên cái nền ổn định của lịch sử. Hiểu vậy thì nhà văn hoàn toàn có thể sáng tạo mới về Nguyễn Trãi, Quang Trung… theo hướng làm tôn lên những phẩm chất anh hùng cao cả, nhân văn. Còn viết ngược lại là phá vỡ cấu trúc một biểu tượng văn hóa tức phá hoại tài sản văn hóa dân tộc. Một thái độ khoa học, phục tùng chân lý, tôn trọng công lý là chỉ có thể “giải thiêng” những nhân vật lịch sử nào bị nhìn nhận sai lệch, bản chất xấu nhưng lại được đánh giá là tốt!

Vận dụng thô thiển “giải cấu trúc” (deconstructivism) vốn là lí thuyết chống lại sự tuyệt đối hóa của chủ nghĩa cấu trúc coi ngôn ngữ là hệ thống ổn định, bất biến. Giải cấu trúc kêu gọi khám phá mâu thuẫn của văn bản để tìm ra “nghĩa bỏ sót” còn bị đóng kín. Có người căn cứ vào một đặc điểm của văn học kháng chiến là phân cực địch/ta; tốt/xấu; dũng cảm/hèn hạ… rồi xếp văn học này vào loại hình tư duy cổ tích, tức đẩy nó về với thời xa xưa, lạc hậu. Chỉ lấy một đặc trưng, cố tình bỏ qua các đặc điểm khác để ép vấn đề vào một loại hình khác, dân gian mỉa mai cách làm này là “gọt chân cho vừa giày”. Sự quy chụp khiên cưỡng này không chỉ thể hiện sự thiếu tính khoa học, còn là thái độ thiếu tôn trọng lịch sử, thiếu trân trọng giá trị văn hóa dân tộc. Chỉ cần hỏi lại: một nét đặc trưng tư duy của thi pháp cổ tích là phi thời gian, phi không gian, trong văn học kháng chiến có như vậy không. “Nhà nghiên cứu” ấy sẽ không bao giờ chứng minh được!

Về khuynh hướng cổ vũ “diễn ngôn bên lề”, “diễn ngôn ngoại vi”.

Những năm giữa thế kỷ XX, ở phương Tây, do sự phát triển không đều giữa các khu vực, các trung tâm đô thị tập trung vốn tư bản ngày càng trở nên giàu có, các vùng ngoại vi vẫn nghèo nàn. Tác giả Immanuel Wallerstein (1930 - 2019) - nhà sử học (lịch sử kinh tế), nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ, đã khái quát thành lý thuyết trung tâm - ngoại vi (Core - Peripheral Theory), lấy đó làm công cụ tìm hiểu, khám phá những quan hệ kiến tạo nên hệ thống thế giới ngày nay (được nâng thành Lý thuyết hệ thống thế giới hiện đại Modern World-Systems Theory). Thuyết này khẳng định nếu “trung tâm của sự tích lũy” (centers of accumulation) ngày càng lớn sẽ làm sâu sắc thêm sự phát triển không đồng đều, do vậy phải chuyển hướng ra “ngoại vi”. Khái niệm “marginalism” (ngoại biên, ngoại vi, bên lề) ra đời ảnh hưởng đến nhiều ngành khoa học. Khái niệm “văn hóa ngoại biên” (marginal culture) xuất hiện để chỉ vùng trung gian gặp gỡ, tức các “đường biên” là nơi cộng sinh, pha tạp, chồng chéo nhau của nhiều dòng/luồng văn hóa, do vậy ở đây sức sống văn hóa mới mãnh liệt nhất.

Chưa hiểu thấu đáo lý thuyết này nhưng ở ta đã có không ít người vội vã vận dụng với quan niệm cái gì “ngoài lề” mới là giàu có “hàm lượng ý nghĩa” nhất nên muốn hiểu sâu “trung tâm” phải nghiên cứu “ngoài lề”. Tiêu biểu cho cách hiểu sai này là luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan có tên “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa” (2010). Không chỉ vậy, nó nhanh chóng tràn vào ngôn ngữ tạo ra những “hiệu ứng ngoại biên, bên lề” (edge effect) thiên về tiêu cực. Đây chính là hiện tượng “giải thiêng ngôn ngữ”, nếu ngôn ngữ trong văn học sử thi (trung tâm) thành kính, đạo mạo, khuôn mẫu nên đơn điệu, cứng nhắc thì phải dùng ngôn ngữ thông tục (ngoại biên, bên lề) cho suồng sã, gần gũi, tự nhiên, giàu sắc thái…

Theo đó, về nội dung, nếu tình yêu trong “trung tâm” là thánh thiện, trong sáng thì ra “ngoại vi” nó phải “trần tục” như vốn có. Nhưng cũng phải “tế nhị” đôi chút nên khoác cho cái vỏ ngôn từ “diễn ngôn tính dục”. Trong văn xuôi được miêu tả một cách cặn kẽ, chi tiết với những cảnh sex khêu gợi, xa lạ với thị hiếu, mỹ cảm truyền thống. Trong thơ, bệnh hoạn hơn, có những hình ảnh đầy chất “quái lạ”: “Ăn trái vú em săn chắc thõng vào mặt như hai quả chuông”. Một so sánh phản cảm mang tính “vật hóa” con người. Diễn ngôn này thường sử dụng phép so sánh để dễ “nổi loạn”, thể hiện cái gì “khác thường”: “Bầy tinh trùng như bầy đom đóm bay trong đêm”; “Mùi gạch non như mùi nách đàn bà”. Hay sử dụng lối ấn dụ “trực quan”: “Em đi đùi mọng, vú mọng”… Tả người chưa đủ, còn tả cảnh “làm tình” của con vật: “Hai con thạch sùng làm tình không đủ làm ô uế bàn thờ/ Cởi truồng trước ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ”…

“Diễn ngôn tính dục” tràn vào ngôn ngữ âm nhạc cổ vũ cho thứ tình yêu tay ba, tay bốn: “Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người…/ Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa…”. Lại có “ca từ” quái gở: “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ.../ Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi.../ Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi...”.

Khoác cái áo “diễn ngôn thế tục”, với quan niệm ngoài đời có ngôn ngữ gì thì trong văn học cũng cần có ngôn ngữ ấy, nên nhiều “tác phẩm” vô tư sử dụng những ngôn từ, mà người bình thường đọc lên đã thấy xấu hổ. Có “ca từ” của một bài hát kêu rống lên: Bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, nọn nường ơi... Có “nhà thơ” trẻ “cách tân” đưa “lông” vào thơ: “Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?”. Cũng “tác giả” này từng “thảng thốt” “nhắc nhờ”: “Em ơi hở sịp rồi kìa…”. Những bài gọi là “thơ” dùng “thi liệu” “quái đản” như thế đọc qua đã thấy lợm cả họng, vậy nhưng không hiểu sao vẫn có người có thể viết ra được.

Nguyên nhân và những giải pháp khắc phục những hạn chế, tiêu cực trên

Tự thân các đơn vị nội dung trình bày ở trên đã phần nào cho thấy nguyên nhân những hạn chế, tiêu cực, có cả chủ quan, khách quan. Dưới đây xin khái quát một vài nét cơ bản.

1. Triết học liên văn hóa quan niệm cây xanh nghệ sỹ cần cắm sâu các chùm rễ khỏe khoắn vào ba mảnh đất: truyền thống dân tộc (cơ bản, quan trọng nhất), văn hóa nhân loại và cuộc sống đương đại để hút dưỡng chất văn hóa rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng lý tưởng của thời đại mà kết những trái cây tác phẩm hàm chứa những giá trị tinh hoa mang hương vị tư tưởng truyền thống và hiện đại, cá nhân và phổ quát. Chiểu theo quan niệm này thì một nguyên nhân lâu nay chúng ta coi nhẹ, thậm chí bỏ qua là tính nhân dân - một khái niệm lý luận nghệ thuật quan trọng bậc nhất. Trong các giáo trình đại học, hình như các bậc học giả do bị “hấp dẫn” bởi các “hậu hiện đại”, “hậu thực dân”, “trung tâm - ngoại vi”, “giới tính”,… (trong đó có cái đã lạc hậu) mà thiếu sự quan tâm khái niệm này. Trong khi đó đường lối đúng đắn của Đảng là tất cả đều vì dân. Xét riêng trong nghệ thuật thì nhân dân vừa sáng tạo ra của cải vật chất vừa sáng tạo ra những giá trị tinh thần. Vô luận trong trường hợp nào, tác phẩm nghệ thuật đều phải phản ánh những sự kiện, những vấn đề của đời sống có ý nghĩa đối với vận mệnh, hạnh phúc của nhân dân. Không chỉ là cội nguồn, là động lực, là mục tiêu của sáng tạo nghệ thuật, còn là người tiếp nhận, phổ biến, trao truyền, do vậy nhân dân cũng là người điều chỉnh nghệ thuật đi đúng với quỹ đạo tiến bộ. Vì thế mọi sự “chấn hưng”, “đổi mới” đều phải căn cứ vào vấn đề gốc là nhân dân. Phải hướng về nhân dân, viết về họ với những quan niệm, suy nghĩ, ước mơ, những khát khao, những nỗi buồn… Phải dùng ngôn ngữ, nếp nghĩ, nếp cảm của nhân dân để sáng tạo. Nghệ thuật cần “cái khác” nhưng “mỹ học cái khác” phải phù hợp, phải nằm trong nền mỹ học dân tộc - một nền mỹ học của nhân dân.

2. Trong nghệ thuật, tư tưởng quan niệm là vấn đề nền tảng nên phải thật quan tâm chú ý đến việc giáo dục tư tưởng chính trị và cập nhật tri thức cho văn nghệ sỹ một cách thực chất, hiệu quả. Thực tế vừa qua cho thấy, vì gốc không vững nên có “cây” nghệ sỹ ngả theo xu hướng ngoại lai đã lạc hậu với thiên hạ, xa lạ với văn hóa Việt lại đem về “lai ghép” thành ra hỗn độn, tối tăm. Đây không chỉ là quan niệm, còn là vấn đề nhận thức và tri thức về văn hóa, văn minh thời đại. Vì không hiểu lịch sử, trường phái, ý thức, không phân biệt tích cực, tiêu cực, những cái không phù hợp… của “hậu hiện đại” mà có người “bứng” cả cái cũ, cái lạ (không phải mới) về Việt Nam rồi “sáng tác”… Ngoài sự thiếu tỉnh táo, cảm tính còn cho thấy sự đọc chưa rộng về cái hay dở, cũ mới của thế giới.

3. Phải có chiến lược xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật của riêng Việt Nam với quan điểm bên cạnh việc học tập tinh hoa lý luận văn nghệ nước ngoài, cơ bản và chủ yếu là nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận văn nghệ truyền thống dân tộc. Vấn đề này Bác Hồ đã nhắc nhở mấy chục năm trước: “Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây… phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc”[1]. Bất kỳ lý thuyết nào cũng ra đời trên một cơ sở xã hội riêng, do vậy lý thuyết nước ngoài nào vào Việt Nam bao giờ cũng có “độ vênh” nhất định. Nếu không có sự điều chỉnh, khắc phục, “độ vênh” ấy sẽ tạo ra những hệ lụy tất yếu. Trong khi đó mỹ học của cả một nền văn học nghệ thuật truyền thống của ta là cả một kho vàng tư tưởng còn chìm trong các sáng tác văn chương chưa được khám phá, khai thác.

4. Cần thiết tổ chức cho văn nghệ sĩ các chuyến thâm nhập thực tế dài ngày. Nghệ sỹ chỉ có thể kiến trúc mô hình tác phẩm vững vàng, chắc chắn từ chất liệu phong phú, sinh động ngoài cuộc sống thực. Phải sống sâu sắc, nhập thân vào đời mới thấu hiểu đời, thấu cảm người, mới đủ cách thức, tập quán, ngôn ngữ, quan niệm, suy nghĩ… để mã hóa vào tác phẩm rồi truyền cảm vào thế giới tinh thần bạn đọc.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

* Tài liệu tham khảo

(1). Davidovich, V.E. (2002). Dưới lăng kính triết học, Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

(2). Mịch Quang (2004). Khơi nguồn mĩ học dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội

(3). Ngô Đức Thịnh (2004). Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, Nxb. Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh.

(4). Stephen Norris (2004) - Thomas Kuhn’s Impact on Science Education: What lessons can be learned? Science Education Volumn88, Issuel January.

(5). J.A. Cuddon (1999). Literary Terms and Literary Theory, Fourth Edition, Penguin books. London.

(6). Thomas Kuhn (2008) - Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học. Nxb Tri thức. Chu Lan Đình dịch.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/noi-dung-nao-sau-day-la-mot-trong-nhung-tieu-chuan-co-ban-de-nhan-dien-van-minh-a58103.html