Cá thể hóa điều trị cho cô gái 10 năm nổi mụn mủ

Chỉ cần dùng thuốc và chăm sóc da theo đúng hướng dẫn của bác sĩ da liễu, chị L.T.T.L. (22 tuổi, Lâm Đồng) thoát khỏi nỗi ám ảnh mụn trứng cá, viêm da sau gần 10 năm chật vật tự điều trị.

cô gái 10 năm nổi mụn mủ

Lên phương án tiết kiệm chi phí

L. nổi mụn trứng cá từ khi dậy thì. Thời điểm đó, L. dùng chung sữa rửa mặt, rượu thuốc chấm mụn của mẹ và chị gái. Hai giai đoạn mụn bùng phát nặng nhất là khi chuẩn bị thi vào lớp 10 và đại học khiến cô luôn đeo khẩu trang, trùm mũ chống nắng để giấu mụn.

“Có bệnh thì vái tứ phương” nên ai chỉ gì L. cũng thử. Cô đã chữa mụn ở các cơ sở y tế; đi spa nặn mụn, bôi thuốc, peel da; hay thử hàng chục sản phẩm trị mụn các loại như thuốc, kem, rượu thuốc handmade… nhưng không cải thiện nhiều.

Gần đây, sau 3 tuần dùng kem trị mụn dạng gel mua trên mạng, L. bị nổi mụn mủ, mụn viêm khắp mặt và lưng, da đỏ, căng đau, bong tróc, chảy dịch…

bác sĩ đang soi da phân tích cho khách hàng
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung soi da để phân tích, chẩn đoán tình trạng da, mức độ mụn cho người bệnh. Ảnh minh hoạ: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết ngoài tình trạng nhiễm trùng, viêm da, nền da người bệnh rất yếu, nhiều nhân mụn, tăng sắc tố sau viêm, lỗ chân lông to, bít tắc, dầu thừa và nhiều sẹo lõm. Đây là biến chứng của chăm sóc da và điều trị mụn không đúng cách.

Có nhiều cách điều trị mụn trứng cá, trong đó cổ điển nhất là dùng thuốc uống, thuốc thoa song cần trung bình 3 tháng để sạch mụn. Để đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả điều trị mụn nhanh hơn 30%-50% so với dùng thuốc, có thể phối hợp với trị liệu công nghệ cao như peel da, điện di, chiếu laser, liệu pháp ánh sáng (IPL, đèn LED sinh học)…

Chị L. chọn phương án điều trị bằng thuốc để tiết kiệm chi phí nên bác sĩ Dung kê những loại thuốc và sản phẩm ở mức giá trung bình, tối ưu chi phí nhất cho người bệnh.

Ban đầu, chị L. uống thuốc kháng sinh nhằm ức chế, tiêu diệt vi khuẩn ở nang lông, dùng các chất kháng viêm, thuốc thoa giúp mụn nhanh chóng giảm sưng đỏ, khô cồi, giảm biến chứng sau viêm; dẫn xuất vitamin A để kiềm dầu, giảm sừng hóa nang lông, hỗ trợ làm sạch và se khít lỗ chân lông. Tuỳ theo đáp ứng điều trị mỗi giai đoạn, bác sĩ Dung sẽ điều chỉnh thuốc uống và loại sản phẩm phù hợp cho da.

Đồng thời, chị L. được hướng dẫn đơn giản hóa quá trình chăm sóc da với các sản phẩm dành riêng cho da mụn, gồm làm sạch da 2 lần mỗi ngày với sữa rửa mặt dành riêng cho da dầu, da mụn; chọn lại loại kem chống nắng cho da mụn không chứa dầu và có kết cấu mỏng nhẹ hơn, với chỉ số SPF khoảng 30. Người bệnh vẫn cần thoa dưỡng ẩm da; tẩy trang theo hướng dẫn, chỉ dùng kem chống nắng khi ra nắng. Hạn chế tối đa việc trang điểm để tránh kích ứng, tắc nghẽn lỗ chân lông.

tình trạng da sau điều trị 2 tháng
Làn da chị L. trước (bên trái), sau điều trị 2 tuần (giữa) và sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Sau 2 tuần tình trạng nổi mụn viêm mới được kiểm soát và da sạch mụn sau 2 tháng. Hiện da mặt chị L. chỉ còn một số sẹo lõm và thâm nhẹ - hậu quả của những đợt mụn viêm trước đó. Những sẹo xấu này có thể điều trị tiếp bằng các liệu trình thẩm mỹ như tách đáy sẹo, chấm TCA, chiếu laser Fractional CO2 hoặc Er:YAG để làm đầy sẹo lõm và thu nhỏ lỗ chân lông.

“Lần đầu tiên sau gần 10 năm tôi mới có được làn da khỏe mạnh, sạch mụn, đều màu. Cuối cùng cũng trút được nỗi hồi hộp, lo lắng sợ bùng mụn trở lại”, chị L. nói.

Cá nhân hoá liệu trình trị mụn

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung, việc thoát khỏi mụn trứng cá không quá khó khăn; tuy nhiên không biết cách điều trị có thể khiến mụn trở thành mạn tính hoặc để lại nhiều biến chứng như nhiễm trùng nặng, sẹo xấu, da không đều màu, gây ra mặc cảm, tự ti cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các bác sĩ điều trị mụn trứng cá theo phương châm cá nhân hoá. Người bệnh được chụp hình và soi da theo dõi trước và trong suốt quá trình điều trị. Tùy theo cơ địa, nguyên nhân gây mụn, loại da và điều kiện sinh hoạt của từng người, các bác sĩ đánh giá mức độ của mụn, lên phác đồ và hướng dẫn cách dùng các sản phẩm chăm sóc da tại nhà phù hợp. Mức độ đáp ứng của mỗi người bệnh cũng khác nhau.

hình ảnh khách hàng tại bvđk tâm anh
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung điều trị mụn trứng cá bằng xung ánh sáng cường độ cao (IPL) cho người bệnh. Ảnh minh hoạ: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Thông thường có ba giai đoạn trong một liệu trình trị mụn. Đầu tiên ở giai đoạn cấp, mụn bùng phát ồ ạt sẽ điều trị tấn công, tập trung vào mục đích giảm mức độ viêm của mụn đang có, ngăn xuất hiện mụn viêm mới, cải thiện chất lượng da cho người bệnh. Khi đã sạch mụn là giai đoạn điều trị duy trì làm giảm thiểu khả năng tái phát. Ba là điều trị các biến chứng của mụn như sẹo và tăng sắc tố sau viêm.

Thời gian điều trị mụn mức độ trung bình và nặng thường từ 2-3 tháng ở giai đoạn tấn công; 6-12 tháng dùng liều duy trì. Bác sĩ cũng lưu ý người bệnh không nên điều trị cùng lúc ở nhiều cơ sở, với các liệu trình khác nhau vì sẽ rất khó để bác sĩ theo dõi đánh giá tình trạng da kịp thời, cũng như tăng nguy cơ kích ứng và xuất hiện biến chứng cho da. Thực tế, nhiều người cứ thấy giảm hoặc hết mụn là ngừng thuốc hoặc không tuân thủ tái khám dẫn đến mụn tái đi tái lại, khó điều trị…

“Điểm mấu chốt trong điều trị mụn trứng cá là người bệnh cần kiên nhẫn và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Dung nói.

Chuyên gia cũng khuyến cáo không có toa thuốc trị mụn nào phù hợp cho tất cả người bệnh. Do đó, khi bị mụn trứng cá, không nên tự nặn mụn, dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần mà nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da để được khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, để hạn chế nổi mụn trứng cá, nên ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng, uống 2 lít nước mỗi ngày, hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường cũng như các chế phẩm từ sữa. Vệ sinh cơ thể hàng ngày, thường xuyên giặt vỏ gối, ga trải giường, chăn mền… để loại bỏ tế bào da chết, vi khuẩn, bụi bẩn dễ gây bít tắc lỗ chân lông.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/de-l-a60682.html