Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chia sẻ trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024, diễn ra ngày 23/2 tại tỉnh Bạc Liêu.
Kỳ vọng hơn 4 tỷ USD xuất khẩu tôm trong năm 2024
Ông Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023 rất khó khăn, việc xuất khẩu nông sản nói chung, ngành tôm nói riêng có sụt giảm (khoảng 21%).
Bước sang năm 2024, hết tháng 1, chúng ta xuất khẩu 5,14 tỷ USD nông sản, tăng 79,2%, trong đó tôm tăng gần 65%. Đây là dấu hiệu tích cực cho năm nay.
"Với diện tích khoảng 740.000ha nuôi tôm, sản lượng hơn 1,12 triệu tấn, chúng ta hy vọng có sản lượng tăng, giá trị xuất khẩu cũng cao hơn", Thứ trưởng Tiến kỳ vọng.
Về xúc tiến thương mại, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chúng ta có các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
"Vừa rồi chúng tôi chỉ đạo xuất sản phẩm tôm cho thị trường Hà Lan. Mình phải tính doanh nghiệp nào đi tiên phong được. Nhìn một đĩa tôm xuất hiện trên bàn tiệc ở khách sạn các nước sang trọng lắm", ông Tiến chia sẻ.
Theo thống kê của Cục Thủy sản, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến đạt 4-4,3 tỷ USD trong năm 2024.
"Dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu tiếp tục tăng khoảng 4,8% trong năm 2024. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành tôm Việt Nam, chúng ta cần tận dụng và có giải pháp phù hợp", Cục Thủy sản thông tin.
Không nhân nhượng với giống tôm trôi nổi
Theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh, trong đó có sản phẩm tôm nước lợ; hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra từ các tháng đầu năm 2024 gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và khó khăn cho sản xuất;…
Theo Cục Thủy sản, ở nước ta giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).
Cụ thể, tôm chân trắng loại 50 con/kg Việt Nam nuôi tối thiểu đến 90.000 đồng. Trong khi đó, giá tôm cùng loại của Ấn Độ chỉ khoảng 25.000 đồng và Ecuador là 33.000 đồng.
Một trong những vấn đề mà các địa phương quan tâm đó là tôm giống. Theo Cục Thủy sản, hiện tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Các cơ sở trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.
Nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.
"Con giống chất lượng và sạch bệnh có tính chất quyết định rất lớn đến ngành tôm nhưng khó kiểm soát và gần như các tỉnh đều nhập giống về nuôi", ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, giống quyết định năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, thời gian qua còn tình trạng thiếu giống, chất lượng không cao, nuôi chết nhiều,…
"Làm sao để người dân chuẩn bị ao xong lại thả giống trôi nổi nuôi chết đi, chưa kể lây lan,… Do đó, cần thanh, kiểm tra cơ sở nào không đủ điều kiện thì cho thôi hoạt động, không nhân nhượng", Thứ trưởng Tiến yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống tôm.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm còn xảy ra, đặc biệt là kháng sinh. Ông cho rằng nếu cứ để như thế thì khó duy trì chất lượng con tôm.
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/dia-tom-a65868.html