Nằm tại Thủ đô Hà Nội, đây là một công trình có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, kiến trúc, văn hóa mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng nên một lần ghé thăm.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có địa chỉ tại số 2 Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Để đến Lăng Bác Hồ, du khách có thể sử dụng phương tiện cá nhân, thuê xe máy ở Hà Nội hoặc xe khách, xe buýt công cộng đều rất tiện lợi và dễ dàng.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công vào ngày 2/9/1973 và hoàn thành vào ngày 29/8/1975. Nơi đây nổi tiếng chính là nơi lưu giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc.
Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm có: Lăng Bác Hồ; Phủ Chủ tịch; Nhà sàn Bác Hồ; Bảo tàng Hồ Chí Minh và chùa Một Cột.
Cảnh quan thiên nhiên xung quanh Lăng Bác Hồ xanh mát, hài hòa với hơn 250 loài thực vật. Mỗi cây, mỗi hoa được trồng ở đây đều mang ý nghĩa rất đặc biệt.
Phủ Chủ tịch là một phần quần thể lăng, được xây dựng theo kiến trúc cổ điển Pháp, ban đầu là một công trình dành cho Tổng đốc Đông Dương. Khi thực dân Pháp rời khỏi Việt Nam, Bác đã đến nơi này làm việc từ năm 1954 cho đến khi Người ra đi vào năm 1969.
Hiện nay, Phủ Chủ tịch đã trở thành nơi đón tiếp quan chức và tổ chức các sự kiện quan trọng cấp nhà nước. Khuôn viên Phủ Chủ tịch trồng rất nhiều cây xanh, đặc biệt còn giữ lại nhiều cây cổ thụ lớn, tạo nên không gian trong lành, thư thái.
Cách Phủ Chủ tịch không xa, nhà sàn Bác Hồ hiện nay vẫn giữ nguyên những hiện vật lúc sinh thời của Người. Nhàn sàn xây dựng bằng gỗ theo kiến trúc của nhà sàn dân tộc Tày - Thái ở Việt Bắc.
Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng dưới nguyện vọng của Bác, dựa trên cuộc trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh.
Ở ngay trước nhà sàn là ao cá, nơi Bác thường dành thời gian để thư giãn.
Bảo tàng Hồ Chí Minh chính là địa điểm tiếp theo để có được những hiện vật, tư liệu vô cùng sống động như một cuốn lịch sử được thu nhỏ về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với diện tích sử dụng lên đến 18.000m2, bảo tàng Hồ Chí Minh trở thành ngôi bảo tàng lớn nhất và hiện đại nhất cả nước.
Ngay sát cửa vào Bảo tàng là Chùa Một Cột có nguồn gốc từ thời Lý. Kiến trúc đặc biệt của chùa Một Cột nằm ở sự mô phỏng hình dáng của đóa sen, biểu tượng của sự thanh khiết, vững chãi.
Chùa Một Cột ngày nay đã trở thành điểm đến đầy ý nghĩa cho du khách muốn khám phá vẻ đẹp văn hóa và tâm linh của Hà Nội. Chùa Một Cột cũng được coi là một trong những biểu tượng và được mệnh danh là đóa sen nghìn tuổi của Thủ đô Hà Nội.
Giờ mở cửa: Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức vào các buổi sáng: thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy, Chủ nhật. Thứ Hai và thứ Sáu không tổ chức lễ viếng.
Thời gian mùa nóng (từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10) từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút, riêng thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ.
Mùa lạnh (từ ngày 1 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau) từ 8 giờ đến 11 giờ, riêng thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút. Ngày 19/5, 2/9 và mùng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời gian tu bổ định kỳ hàng năm tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ năm 2018, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tạm ngừng tổ chức Lễ viếng, Lễ tưởng niệm để thực hiện công tác bảo dưỡng, tu bổ định kỳ bắt đầu từ ngày 15/6 đến ngày 15/8 hàng năm. Trong thời gian thực hiện tu bổ, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không tổ chức lễ viếng nhưng đồng bào và khách quốc tế vẫn có thể đến tham quan tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Khách đến tham quan khu vực phải thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định.
Chi phí vào Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lăng Bác không thu phí tham quan, Nhân dân và khách quốc tế không phải trả bất cứ khoản phí nào khi vào Lăng viếng Bác, tham quan khu vực Lăng, quảng trường Ba Đình.
Điểm tập kết vào Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hiện nay, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức đón tiếp đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác tại hai địa điểm.
Cụ thể, tại số 17 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội dành cho tất cả tập thể và cá nhân đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại số 8 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội dành cho các đoàn đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh có vòng hoa, đăng ký nghe giới thiệu, xem phim tư liệu về Bác và Công trình Lăng, các đoàn đến tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa tại khu vực Lăng.
Quý khách muốn đăng ký trước xin mời đến gặp Ban Tổ chức tại số 17 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội (điện thoại 024 38455128) hoặc Ban Đón tiếp tại số 1 Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội (điện thoại 024 38455168; 024 37345484). Người đại diện đến đăng ký cần cung cấp đầy đủ thông tin thành phần đoàn, các yêu cầu của đoàn. Ban Tổ chức, Ban Đón tiếp sẽ hướng dẫn và cấp giấy hẹn cho đoàn.
9 điểm trông giữ xe phục vụ người dân vào Lăng Bác: Khuôn viên bãi đỗ xe Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19A, 19B phố Ngọc Hà). Điểm trông giữ xe công cộng Ngọc Hà (đoạn đầu dốc Ngọc Hà, cạnh công viên Bách Thảo); Phố Ngọc Hà (đoạn từ Lê Hồng Phong đến 19C Ngọc Hà, bên dãy số lẻ); Phố Hoàng Diệu (đoạn từ lòng đường mở rộng thiết kế bãi đỗ xe đối diện tượng đài Bắc Sơn đến Phan Đình Phùng); Phố Lê Hồng Phong (đoạn có dải phân cách từ Ông Ích Khiêm đến Ngọc Hà); Đường Hùng Vương (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Trần Phú) ưu tiên xe 45 chỗ để tại đây; Trong khuôn viên sân của nhà thi đấu thể thao Quần Ngựa; Bãi đỗ xe ô tô ở Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội (số 19C Hoàng Diệu); Hai bên đường trục Văn Cao (đoạn từ Liễu Giai đến Trích Sài).
Khi vào bên trong khuôn viên Lăng Bác, du khách nên chú ý không được chụp hình và không gây ồn ào và điện thoại ở chế độ im lặng. Sau khi đã vào trong viếng Lăng Bác, du khách sẽ theo đường ra để đến với khu Phủ Chủ tịch và nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh và chùa Một Cột. Đến các điểm đó, du khách cũng nên xếp hàng theo thứ tự và không được sờ vào hiện vật.
Đi vào Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc gì? Mọi khách viếng lăng cần có thái độ nghiêm túc, trang phục chỉnh tề, sạch sẽ và gọn gàng.
Kiểm tra an ninh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trước khi nhập cổng viếng lăng, mọi người cần gửi hành lý để kiểm tra an ninh. Chỉ được mang theo ví xách tay để đựng tiền, kim loại quý, điện thoại và máy ảnh nhỏ đã tắt nguồn. Máy ảnh chuyên dụng và camera không được phép mang vào.
Tuân theo hướng dẫn tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trên đường vào viếng, mọi khách cần tuân thủ hướng dẫn của ban tổ chức, tránh chen lấn và xô đẩy, tạo điều kiện cho mọi người tham gia một cách an toàn và trật tự.
Tôn trọng khi đến trước cửa Lăng: Khi đến trước cửa Lăng, mọi người nên cầm mũ hoặc nón bên tay phải và hướng phần lòng mũ, nón ra ngoài, thể hiện lòng kính trọng và tôn nghiêm.
Giữ trật tự và yên lặng trong Lăng: Trong quá trình bước vào Lăng, mọi người cần giữ yên lặng, không gây ồn ào, không chỉ trỏ hay sờ tay vào tường, không đặt tay vào túi quần, túi áo. Hút thuốc lá cũng không được phép.
Những đồ không được mang vào Lăng Bác: Cấm quay phim, chụp ảnh hoặc vẽ bất kỳ hình ảnh nào trong phòng đặt thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cấm đưa những hình ảnh này lên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này giúp bảo vệ tính tôn nghiêm của khu vực.
Tham gia lễ thượng cờ và hạ cờ ở quảng trường Ba Đình: Mỗi ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 21 giờ tại quảng trường Ba Đình sẽ diễn ra nghi lễ Thượng cờ Lăng Bác và Hạ cờ Lăng Bác. Đây là khoảnh khắc vô cùng trang nghiêm mà bất cứ du khách nào cũng muốn chứng kiến nếu có dịp ghé thăm nơi này. Đội tiêu binh gồm 34 người sẽ thực hiện một loạt những nghi thức trong tiếng nhạc Quốc ca hào hùng và lá cờ Tổ quốc tung bay. Sau khi Quốc kỳ được kéo lên cũng là lúc Lăng Bác bắt đầu mở cửa.
Gần Lăng Bác có gì ăn ngon? Du khách có thể thử ăn phở bò, bún chả, bánh cuốn, chả cá lã vọng, uống cà phê… tại các phố Đội Cấn, Lê Hồng Phong, Ông Ích Khiêm, Ngọc Hà…
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/tranh-ve-lang-bac-a66705.html