Một số phụ huynh có con hiện đang học tại Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TPHCM đã liên hệ với tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam để phản ánh về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp trên tinh thần tự nguyện nhưng thực chất là ép phụ huynh phải đóng một số khoản không hợp lý.
Phụ huynh choáng với các khoản dự kiến thu của nhà trường
Phụ huynh các khối lớp 10, 11 và 12 đều nhận được thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh gửi vào nhóm lớp về các khoản sẽ nộp trong năm học 2023-2024 như sau:
“Xin thông tin lại các khoản thu để phục vụ khen thưởng học sinh, tổ chức các phong trào cho học sinh, sửa chữa vệ sinh trang thiết bị, tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trang bị màn hình tương tác cộng bảng trượt như sau:
Tin nhắn của Chi hội trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Khối 10: 600.000 đồng (xã hội hóa 3 năm học); khuyến học 500.000 đồng( trên 1 năm học); Cha mẹ học sinh: 700.000 đồng (1 năm học); bảng trượt, màn hình tương tác 915.000 đồng (trên 1 năm học); hộc tủ cá nhân: 390.000 đồng( trên 3 năm học). Tổng cộng là 3.105.000 đồng.
Khối 11: khuyến học 500.000 (trên 1năm học); Cha mẹ học sinh 700.000 đồng (trên 1 năm học); bảng trượt, màn hình tương tác 610.000 đồng (trên 1năm học). Tổng cộng 1.810.000 đồng.
Khối 12: khuyến học 500.000(trên 1năm học); Cha mẹ học sinh 700.000 đồng (trên 1 năm học); bảng trượt, màn hình tương tác 610.000 đồng (trên 1năm học). Tổng cộng 1.810.000 đồng.
Màn hình tương tác và bảng trượt còn dùng được sao phải thay cái mới?
Có phụ huynh cho rằng, màn hình tương tác và bảng trước trong lớp vẫn còn dùng tốt. Học sinh lớp 12 cũng chỉ còn học mấy tháng nữa là ra trường nên cũng cần phải mua sắm cái mới.
Tuy nhiên, Ban đại diện cha mẹ học sinh lại kêu gọi phụ huynh nộp tiền để mua cái mới cho đồng bộ giữa các lớp trong trường. “Nhà trường đang muốn trang bị hết 25 cái cho 25 lớp nên kêu gọi các Mạnh Thường Quân và sự chung tay tất cả các phụ huynh trên tinh thần tự nguyện”.
Chị H. phụ huynh có con học khối lớp 12 bức xúc chia sẻ: “Tôi thấy ở các trường sẽ đưa phiếu đồng thuận cho khối đầu cấp để mua bảng và dùng trong 3 năm. Còn trường mình, không hề có sự đồng thuận của lớp vẫn cố ép phụ huynh mua theo ý của trường. Em thật sự không hiểu vấn đề này như thế nào. Vì rõ ràng, đồ dùng trong lớp vẫn đang dùng được. Đầu năm đến giờ vẫn không có giấy tờ hỏi xem phụ huynh có đồng thuận hay không? Tiền đóng thì đóng cả ba năm chứ không phải một năm. Ai mới là người thật sự có nhu cầu ở đây?”.
Nhiều phụ huynh phản đối việc thu tiền trong nhóm lớp (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Một phụ huynh khác cũng có ý kiến: “Em không đồng ý đóng phần này và đây là quyền tự do của học sinh phụ huynh trong lớp không thể ép theo ý của nhà trường được”.
Một phụ huynh khác thắc mắc: “ Hỏi ý phụ huynh xong trường tự quyết ngộ ghê vậy hỏi làm gì? Năm sau thanh lý hàng còn mới 99%”.
“Ngay từ đầu, lớp chúng ta biểu quyết và ghi vào biên bản họp phụ huynh đầu năm là không dùng bảng tương tác này và thêm vào đó phần ghi xã hội hóa đã đóng năm trước dùng để bảo trì các kiểu cho ba năm học là chuẩn”, một phụ huynh lớp 10 chia sẻ.
Trước sự phản đối quyết liệt của nhiều phụ huynh, có lớp, giáo viên chủ nhiệm đã phải đưa ra bảng bình chọn để phụ huynh biểu quyết. Tuy nhiên, đại đa số phụ huynh đều chọn vào ô “không đồng ý” nhưng xem ra cũng chẳng thay đổi được gì.
Nộp chậm trễ, phụ huynh nhận được tin nhắn của giáo viên (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Ngoài ra, một số phụ huynh có con vào học lớp 10 khi yêu cầu phải đóng số tiền hộc tủ cá nhân 390 ngàn đồng, chia sẻ: “Lớp 10 phần tủ là do mới vào nên buộc đóng chứ thật ra các con cũng không dùng.
Năm nay, đèn chiếu họp phụ huynh nói và phụ huynh đồng quyết không dùng nên thiết nghĩ nhà trường nên tôn trọng ý kiến phụ huynh. Những phí cần hỗ trợ và thấy hợp lý, phụ huynh học sinh đã đóng rồi nên phần này ngay từ đầu không đồng ý đâu”.
Quỹ khuyến học, xã hội hóa là những khoản được ủng hộ theo nguyên tắc tự nguyện, sao lại thu kiểu cào bằng?
Ngoài những khoản trên, nhiều phụ huynh cho biết việc yêu cầu học sinh nộp một số khoản tiền theo kiểu cào bằng là vi phạm quy định theo Thông tư 55/2011; Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho giáo dục. Đã thế, có khoản xã hội hóa còn yêu cầu nộp cho 3 năm.
Cụ thể: số tiền xã hội hóa yêu cầu nộp cho 3 năm là 600000 đồng (xã hội hóa 3 năm học); quỹ khuyến học 500.000 đồng( trên 1 năm học); tiền cha mẹ học sinh: 700000 đồng (1 năm học);
Một số phụ huynh chưa hiểu rõ về những khoản tiền như khuyến học, tiền cha mẹ học sinh, xã hội hóa. Ý kiến thắc mắc xoay quanh việc, những khoản tiền này chi vào những việc gì? Tại sao lại thu nhiều như vậy?
Tin nhắn của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đã giải thích: “Quỹ khuyến học 500.000 đồng học sinh/năm, quỹ này dùng để chi cho công việc khen thưởng các đội tuyển tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, Olympic thành phố, khen thưởng học sinh giỏi trong năm học.
Bên cạnh đó, các lớp khi đi vào hoạt động thì cũng cần phải có các khoản chi cho hoạt động của lớp. Quà tặng thầy cô trong các dịp lễ Tết, liên hoan và các hoạt động sinh hoạt giúp kết nối giữa giáo viên và các cháu, giữa các cháu với nhau và cũng có thể là kết nối giữa cha mẹ học sinh với lớp.
Vì vậy, đại diện cha mẹ học sinh lớp tôi kiến nghị mỗi phụ huynh học sinh sẽ đóng quỹ lớp trước mắt cho học kỳ 1 là 800.000 đồng/học sinh. Học kỳ 2 sẽ tính sau (dựa trên số thu và chi của học kì 1)".
Thông báo còn lưu ý, những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả có thể đóng nhiều hơn.
Các khoản thu đều hoàn toàn tự nguyện
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Tú - Quyền Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, đúng là trường có tồn tại các khoản thu: Quỹ trường 700.000 đồng, Quỹ khuyến học 500.000 đồng, Quỹ lớp 500.000 đồng.
Ngoài ra, học sinh lớp 10 của trường còn đóng thêm 600.000 đồng, gọi là tiền xã hội hóa, dùng cho suốt 3 năm từ lớp 10 đến 12.
Cô Nguyễn Thị Tú nói rằng, dùng từ quỹ là từ hay gọi truyền thống, nhưng thực chất đó là sự đóng góp của cha mẹ học sinh, hoàn toàn tự nguyện, không cào bằng.
Vào đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp lên dự toán kinh phí cần có bao nhiêu tiền trong học kỳ để duy trì các hoạt động của học sinh, rồi chia cho số học sinh của lớp nên mới ra số tiền này. để tham khảo.
Quỹ xã hội hóa là dùng để bảo trì, bảo dưỡng các công trình của cha mẹ học sinh chứ không phải công trình của trường.
Riêng đối với khoản tiền 600.000 đồng để mua bảng trượt tương tác, màn hình dùng cho học sinh lớp 10, cô Nguyễn Thị Tú nhấn mạnh rằng, đây sẽ là khoản tiền dùng cho suốt 3 năm học của học sinh trung học phổ thông,
Việc vận động tài trợ này hoàn toàn tự nguyện, đúng theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT năm 2018, do ban đại diện cha mẹ học sinh vận động,
Nếu năm học này vận động không đủ số tiền cần có, thì sẽ không được thực hiện trong năm học này nữa.
Quỹ lớp thì dùng vào các mục đích photo tài liệu cho học sinh, ăn uống liên hoan của học sinh, các mục đích sinh hoạt khác của học sinh trong lớp, tuyệt đối không dùng bất cứ khoản nào cho giáo viên.
Việc vận động, thu tiền này nhà trường cũng đã làm kế hoạch vận động, có sự đồng ý của ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp.
Đồng thời, trường cũng đã xin phép, báo cáo cơ quan chủ quản là Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 14/10, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có liên hệ với Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về các khoản thu của Trường trung học thực hành.
Tuy nhiên, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nói thầy đang đi công tác nước ngoài, có đề nghị phóng viên gửi thư điện tử.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã gửi câu hỏi cho thầy Sơn qua thư điện tử. Dù vậy, đã 3 ngày trôi qua, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn vẫn chưa có phản hồi lại.
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/truong-thuc-hanh-su-pham-hoc-phi-a73517.html