Thành phố miền Trung có tên dài nhất Việt Nam: Tên gọi bắt nguồn từ vương quốc cổ, là nơi có khí hậu khô hạn nhất cả nước

Đối với những người ở miền Bắc và miền Nam thì thật khó đưa ra câu trả lời cho câu hỏi thành phố nào có tên gọi dài nhất Việt Nam bởi thành phố này ở miền Trung nước ta. Theo đó, trong 87 thành phố thì TP Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố có cái tên dài nhất Việt Nam khi có 4 chữ và 16 chữ cái.

Công viên 16 Tháng 4 tại TP Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Báo Thanh Niên

Công viên 16 Tháng 4 tại TP Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Báo Thanh Niên

Trước năm 1948, chính quyền cách mạng chia Ninh Thuận thành 5 vùng hành chính để điều hành chống Pháp. Tháng 8/1948, vùng 5 được đổi tên thành Phan Rang - Tháp Chàm, cũng là lần đầu tiên cái tên ghép này xuất hiện. Từ 1976 đến 1991, khi tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải thì Phan Rang - Tháp Chàm trở thành thị xã thứ hai thuộc tỉnh Thuận Hải, sau thị xã Phan Thiết. Giai đoạn này có 4 năm (1977-1981) Phan Rang và Tháp Chàm tách thành hai thị trấn.

Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm trở thành tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận. Đến năm 2007, trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số và các đơn vị hành chính của thị xã, Chính phủ quyết định thành lập TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Về ý nghĩa tên gọi, Phan Rang - Tháp Chàm được ghép từ 2 đơn vị hành chính riêng biệt. Phan Rang là phiên âm Việt hóa của Panduranga - kinh đô vương quốc Champa cổ, còn Tháp Chàm lại được đặt tên theo cụm tháp Po Klong Garai.

Khí hậu Phan Rang rất khô và có lẽ là vùng khô hạn bậc nhất Việt Nam

Khí hậu Phan Rang rất khô và có lẽ là vùng khô hạn bậc nhất Việt Nam

Lượng mưa hàng năm ở đây rất ít, độ ẩm trung bình cũng chỉ chừng 80%. Vào các tháng khô hạn nhất (thường là từ tháng 1-3 dương lịch), gió thổi rất mạnh. Chính vì đặc điểm này mà dân địa phương thường ví von câu "gió như Phang, nắng như Rang".

Hiện nay, TP Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của Ninh Thuận. Tỉnh này được biết đến với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, đẹp như đồi cát Nam Cương, đồng cừu An Hòa, vịnh Vĩnh Hy…

Vịnh Vĩnh Hy - “Maldives Việt Nam”

Vịnh Vĩnh Hy được ví như “Maldives Việt Nam”

Vịnh Vĩnh Hy được ví như “Maldives Việt Nam”

Vĩnh Hy - một trong bốn vịnh biển hoang sơ và đẹp nhất Việt Nam, là điểm đến hoàn hảo cho những ai yêu thiên nhiên. Với sự hòa quyện giữa biển xanh, núi rừng hùng vĩ và bầu không khí trong lành, Vĩnh Hy mở ra trải nghiệm yên bình đích thực.

Tại đây, du khách có thể ngắm nhìn rạn san hô đa sắc và check-in cùng với biển cả cực kỳ hấp dẫn, tạo nên một chuyến đi đáng nhớ với vẻ đẹp tự nhiên huyền ảo.

Tháp Po Klong Garai

Một biểu tượng của Phan Rang - Tháp Chàm không thể không kể đến tháp Po Klong Garai. Đây thực chất là một cụm tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, phụng thờ vua Po Klong Garai.

Tháp nằm trọn vẹn trên ngọn đồi Trầu cao gần 70m, thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Có ý kiến lý giải rằng theo truyền thuyết, vua Po Klong Garai thời trẻ đi buôn trầu từng nghỉ chân tại ngọn đồi này, nên người ta gọi nơi đây là đồi Trầu.

Tổng thể công trình gồm 3 tháp: tháp chính, tháp lửa và tháp cổng. Công trình này được xây dựng từ thế kỷ XIII, XIV đạt đến đỉnh cao của kiến trúc nghệ thuật điêu khắc. Đây là một trong những điểm check-in nổi tiếng nhất mảnh đất Ninh Thuận nắng gió. Đứng tại tháp Po Klong Garai, du khách có thể quan sát toàn cảnh thành phố với tầm nhìn tuyệt đẹp, nhất là thời điểm hoàng hôn buông xuống.

Vườn quốc gia Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, tổng diện tích gần 30.000ha

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, tổng diện tích gần 30.000ha

Vườn quốc gia Núi Chúa có 330 loài động vật có xương sống trên cạn với 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát - lưỡng cư... Nơi đây còn có hơn 1.500 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 5 ngành thực vật khác nhau, nhiều loài động thực vật có trong sách đỏ quốc gia và thế giới.

Vườn quốc gia còn có hàng trăm loài san hô, quần thể rùa biển... Ninh Thuận phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Núi Chúa, với hoạt động leo núi, cắm trại, số lượng người giới hạn và phải đăng ký trước.

>> Bên trong khu dự trữ sinh quyển rộng hơn 100.000ha duy nhất Việt Nam có cả rừng, biển và bán sa mạc, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Hang Rái

Cách TP Phan Rang chừng 35km, hang Rái thuộc vườn quốc gia Núi Chúa, không chỉ có địa thế núi chắn sóng, chồng lên nhau tạo nên những hang động đẹp mắt mà còn là khu vực sinh sống của loài rái cá, cũng chính là cội nguồn tên gọi. Đây còn là nơi có bãi san hô đẹp nhất vùng, kéo dài cả cây số, nhiều loài và nhiều sắc tạo nên bức tranh muôn màu.

Cung đường biển

Phan Rang - Vĩnh Hy - Cam Ranh và Phan Rang - Bình Thuận là hai cung đường biển có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Từ TP Phan Rang chạy theo đường ven biển hướng về phía bắc và nam, du khách đều sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh của những bãi biển xanh ngắt, các cánh đồng muối trắng, những bãi chăn thả cừu, vườn nho... Một phần của khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa mới được UNESCO công nhận cũng nằm trên cung đường này.

Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á

Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại đến bây giờ. Làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đất nung, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Đây là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách của Ninh Thuận trong những năm gần đây.

Bàu Trúc toạ lạc ngay trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bàu Trúc theo tiếng Chăm cổ gọi là Paley Hamu Trok, có nghĩa là làng trũng, nhô ra cuối triền sông.

Theo dân gian truyền tụng, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po Klong Chank - một người bạn thân, cũng là quan cận thần của vua Po Klong Giarai (1151-1205). Tương truyền, gần một nghìn năm trước Po Klong Chank đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành vật gia dụng. Nghề làm gốm ở đây, trước kia chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm, gánh gốm hoặc chở đi bán.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/thanh-pho-ten-dai-nhat-viet-nam-a74113.html