Theo “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang, vào năm 359, bến Ôn Công, mũi Choumay (Chân Mây) là ranh giới giữa Nhật Nam với Lâm Ấp thuộc Vương quốc Champa. Sau đó, do nhiều cuộc chiến tranh liên miên, đến thời nhà Đường, ranh giới Lâm Ấp được điều chỉnh mở rộng đến tận Hoành Sơn. Năm 1306, sau khi vua Trần Anh Tông thuận tình gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân (vua Chăm) để nhận sính lễ là hai châu Ô - Lý thì phần đất từ bờ Nam sông Thạch Hãn đến bờ Bắc sông Thu Bồn (Đà Nẵng) thuộc về Đại Việt. Lúc bấy giờ, Vịnh Chân Mây nằm trong địa phận châu Lý và sau khi về với Đại Việt, châu Lý được đổi tên thành châu Hóa, lỵ sở đóng tại thành Hóa Châu, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Vịnh Chân Mây nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet).
Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh các chúa Nguyễn mỗi năm đều có đi tuần hành vùng biển Tư Hiền - Chân Mây một vài lần để “xem xét về sự phòng ngự hoặc vận tải ngoài biển, nên có cất phủ để cho các chúa trú tất”, đến thời Duy Tân vẫn còn di chỉ. Vào năm 1679, được biết một tập đoàn người Minh (Trung Quốc) hơn 3000 người do Dương Ngạc Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên đứng đầu, không phục nhà Thanh đã di dân xuống phương Nam bằng 50 chiến thuyền. Họ tràn vào bờ biển từ cửa Eo vào đến cửa Đà Nẵng xin làm tôi tớ chúa Hiền (Hiền Vương). Nhiều chiến thuyền người Minh thả neo ở cửa Tư Dung (Tư Hiền) và vịnh Chân Mây. Chúa Hiền chấp nhận cho họ làm dân Việt và giao họ vào khai phá lập nên các vùng kinh tế trù phú Mỹ Tho, Đồng Nai tồn tại cho đến ngày nay.
Khu vực vịnh Chân Mây là một vùng chiến lược phía Đông Nam thủ phủ xứ Đàng Trong (Huế), cho nên trong những năm làm vua ở Phú Xuân (1788-1792), hoàng đế Quang Trung đã nhiều lần về đây thị sát để lập đồn thú. Sử sách ghi chép những sự kiện này đều đã bị thiêu hủy khi Nguyễn Vương trở lại cầm quyền ở Phú Xuân. Nhưng may thay, Ngô Thì Nhậm - một trọng thần của Quang Trung, đã thu giấu được một số thông tin có liên quan đến sự kiện này ở lời nguyên dẫn bài thơ Phụng Ứng Chế Tư Dung Hải Môn Tức Cảnh trong tập di cảo Thu Cận Dương Ngôn như sau: “Thuyền ngự đến cửa biển Tư Dung dừng lại, sai quan lên các núi ở cửa biển thị sát trận địa để đặt đồn thú. Từ thần (tức Ngô Thì Nhậm) theo hầu thuyền ngự, vua sai làm thơ tức cảnh, một bài quốc âm dâng vua xem”.
Sau khi thị sát vùng chung quanh vịnh, vua Quang Trung đã cho lập một cứ điểm quân sự trên núi Rùa (Qui Sơn). Cứ điểm núi Rùa sau này đã chế ngự rất hiệu quả quân Đồng Nai của Nguyễn Vương trong cố gắng lấy lại Kinh thành Phú Xuân vào mùa hè năm 1801. Vì tính chiến lược của Chân Mây, cho nên trong chiến dịch giành lại Phú Xuân này, Nguyễn Vương sau khi hội quân ở Đà Nẵng đã “sai Nguyễn Văn Trương và Phạm Văn Nhân đem binh thuyền tiến ra cửa Eo, Hoàng Văn Tự cùng Bạch Văn Đoài đem binh và voi tiến theo đường bộ Cu-đê vượt đèo Hải Vân ra Huế. Đích thân Nguyễn Vương đi chiến thuyền Thụy Long “tiến đóng ở vịnh Chu Mãi” trực tiếp chỉ huy cánh quân do Lê Văn Duyệt và Lê Chất điều khiển tiến vào cửa Tư Dung (Tư Hiền) dưới chân núi Qui Sơn (tức Linh Thái ngày nay). Quân Tây Sơn trên núi bắn đại bác xuống làm cho quân Nguyễn nhiều người chết và bị thương. Quân Nguyễn đánh suốt ngày vẫn không vượt được. Đến đêm họ bèn ngầm đội mấy chục chiếc thuyền chiến đạp qua bãi cát vào phá Hà Trung phía sau quân Tây Sơn, lúc ấy mới vào được Phú Xuân.
Không chỉ là một cứ điểm chính trị - quân sự - kinh tế quan trọng, vịnh Chân Mây còn là một vùng nghỉ mát lý tưởng. Thời các chúa có dựng hành cung ở vùng cửa Tư Hiền - Vịnh Chân Mây. Cho đến thời Bảo Đại cũng có nhà nghỉ mát ở Cảnh Dương trên bờ vịnh. Nhưng rất tiếc, tất cả những thứ này không còn một chút dấu tích nào ngoài phế tích chùa Bồng Lai của các chúa dưới chân núi Cù Dù (Chân Mây tây). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm được 20 trang ngự bút của vua Khải Định, khi ông về Chân Mây, dựng ở đây một hành cung lấy tên là Hành Cung Tĩnh Viêm. Ông đã thảo một văn bia cho hành cung này rất tuyệt vời. Cho đến nay chưa có một nhà văn, nhà thơ Việt Nam nào viết về khu nghỉ mát Chân Mây thú vị như sau: “… nơi này đất nhô núi rậm, đảo cát giăng ngang, nước tiếp biển cả, sông ngòi bao quanh, dãy núi ngất trời ôm phía sau, khe lớn không cùng ấp phía trước, năm giáp Vân quan, bắc liền Dương khẩu, thôn xóm vắng, nơi cây biếc ráng hồng, vũng hạt bến thuần, lúc lúc chèo ngư gió củi. Xem lên núi thì mây lạ tuôn ra từ hàng hẻm như quần tiên nhẹ múa non Bồng, nhìn xuống nước thì gió thanh gợn sống trông rập rình như muôn ngựa xô nhau vượt biển. Bấy giờ mới dừng xe nhìn ra tít tắp: nào khí lành, nào gió dịu, nào cảnh xinh, nào vật tốt… Đăm đắm một lúc lâu, bất giác cả người mát rượi, oi bức bặt tăm, nhẹ nhõm hẳn ra, đắm cảnh rộn lòng…”
Những tư liệu trên chứng tỏ trong suốt lịch sử vùng vịnh Chân Mây đã từng được sử dụng làm một cửa biển. Có lẽ tiềm năng để phát triển thành cảng đã được các nhà hàng hải quốc tế quan tâm nên cuối thế kỷ XIX, nhà văn Pháp Marcel Monnier đi du lịch Huế trong vài tuần lễ mà đã biết được những ưu điểm của vùng biển nước sâu này. Trong cuốn ký sự Le Tour D’Aisie (Paris 1899), Marcel Monnier viết: “Kinh đô ngày hôm nay (1898) cũng như trước kia, khó đến dù bằng đường bộ hay đường thủy. Cảng Thuận An không thể qua được ngay khi chỉ có sóng nhỏ và thật ít hy vọng đạt được kết quả sau khi đào một con kênh có tính quyết định trong khu vực cát lầy ấy. Còn về cái vịnh Chou-May có vị trí hơi xuống phía nam một chút được ẩn vào trong một cái mũi cùng tên Chou-May và người ta đã có thể đi đến vịnh này bất cứ thời tiết nào. Vùng vịnh này bị chắn bởi một dải đá vì thế chỉ có những thuyền trọng tải nhỏ mới băng qua được. Chỉ cần làm nổ tung một phần dải đá này bằng thuốc nổ thì có thể cho các xà-lan nhẹ đi thông qua bất cứ lúc nào…”
Ngày 19/01/1947, tàu chiến Pháp đổ bộ ở bờ biển Cảnh Dương. Dưới sự yểm trợ của trọng pháo từ tàu chiến ngoài khơi, một cánh quân trên 5.000 lính Pháp đủ các quân chủng đã ào ạt tiến vào xã Đại Hải. Toàn bộ khu vực đã chịu cảnh tàn phá vô cùng tàn khốc. Nhưng, cũng tại đây, lịch sử đã ghi lại những chiến công vang dội của các chiến sĩ tự vệ cùng phối hợp với các đại đội của tiểu đoàn 18 (Trung đoàn Trần Cao Vân) anh dũng ngăn cản bước tiến của hành binh Pháp.
Những năm tháng dưới chế độ Mỹ - Ngụy, trên vùng đất này đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt. Năm 1966, tàu chiến, thủy quân lục chiến và xe tăng Mỹ đã đổ bộ vào vịnh Chân Mây.
Năm 1973, thực hiện chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh, quân đội Sài Gòn dự định khai thác vùng vịnh nước sâu Chân Mây, đã đắp con đường từ thôn Lập Yên dưới chân đèo Phú Gia chạy thẳng xuống thôn Bình An trên bờ vịnh Chân Mây. Công việc chưa thành thì những ông chủ công trình đã rút chạy trước sự kiện giải phóng Huế tháng 3-1975. Chính địa hình tàu thuyền neo đậu an toàn này là nơi thuận lợi cho tàu chiến đổ bộ nên tại đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu chống đổ bộ, chống càn, chia cắt giao thông của lực lượng vũ trang trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây cũng như những năm tháng chống đế quốc Mỹ. Bộ đội và dân quân du kích lợi dụng địa hình quen thuộc tổ chức nhiều trận đánh, gây nhiều tổn thất cho địch, lập nhiều chiến công vang dội.
Suốt chiều dài lịch sử, các triều đại Việt Nam và các thế lực ngoại bang luôn xem vịnh Chân Mây là vùng chiến lược. Năm tháng đã qua đi, chiến tranh đã lùi về quá khứ; cùng với đất nước, lịch sử của vịnh Chân Mây đã sang trang mới. Hiện nay, Vịnh Chân Mây đang được tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện Phú Lộc và sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương quan tâm, định hướng phát triển thành thương cảng lớn và trọng yếu ở Huế; vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở, bước qua thời kỳ non trẻ để sẵn sàng, tự tin hòa mình vào thị trường dịch vụ cảng biển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng như Khu kinh tế trọng điểm miền Trung.
An Nhiên (Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Đắc Xuân, Nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa, Nxb Thuận Hóa, tr.139 - tr.145.
Nguyễn Hữu Thọ, Cảng Chân Mây - 10 năm xây dựng và phát triển, http://www.tediportvn.com.vn(truy cập ngày 15/11/2015).
Link nội dung: https://khangdienreal.vn/chan-may-la-gi-a76092.html