Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu? - Tạp Chí Thang Máy

Theo Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Năm 2022, mỗi lao động Việt tạo ra 188 triệu đồng/người/năm; chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia.

So với một số nền kinh tế quy mô lớn, NSLĐ của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 24,7% của Hàn Quốc và 59% của Trung Quốc.

Dù tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng thực tế NSLĐ vẫn thấp, liệu có lý giải nào cho vấn đề này?

Việt Nam - “ngôi sao kinh tế toàn cầu”

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn 1990 đến 2020 trung bình hằng năm đạt 5,3%, thuộc nhóm cao nhất khu vực, chỉ sau Trung Quốc. Tốc độ này đặc biệt ấn tượng trong giai đoạn 2010-2020, đạt 64%.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đánh giá Việt Nam là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua.

Thành tích này có được dựa trên 3 yếu tố chính và cũng là lợi thế của nền kinh tế Việt Nam: tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao.

Tuy nhiên, tốc độ tăng nhanh không có nghĩa là NSLĐ của Việt Nam cao. Mức tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Trong thực tế, NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Thống kê năng suất lao động của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực

Nguyên nhân do đâu?

Lý giải về thực tế này, tại tham luận Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 nguyên nhân chính. Cụ thể:

- Cơ cấu lao động theo ngành chưa hợp lý: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lao động chiếm tổng số lao động lớn nhưng năng suất thấp, vì đa số là lao động giản đơn, công việc thời vụ, không ổn định.

Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năng suất thấp và số lượng doanh nghiệp ít thì lao động chiếm tổng số lao động lớn

- Vai trò của năng suất lao động từng ngành còn hạn chế: Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào mở rộng quy mô các ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp.

- Năng suất lao động khu vực doanh nghiệp thấp: Doanh nghiệp nhà nước có mức năng suất lao động cao nhất do cổ phần hóa và tận dụng lợi thế từ các nguồn lực của đất nước (vốn, chính sách thuế, tài nguyên thiên nhiên,…). Doanh nghiệp ngoài nhà nước có năng suất lao động thấp nhất.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp tư nhân trong nước là siêu nhỏ, nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực có năng suất tương đối thấp (chẳng hạn bán lẻ, nhà hàng nhỏ) và các hoạt động sản xuất đơn giản nhắm vào thị trường nội địa, thay vì xuất khẩu.

Về giá trị gia tăng trên mỗi lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có năng suất gấp gần 5 lần và lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước.

- Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu: Khả năng hội nhập của lao động Việt chưa cao, trình độ tay nghề thấp. Lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng.

Theo khảo sát doanh nghiệp về chỉ số năng lực cạnh tranh của WB, 27% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ thuật viên và quản lý. 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát khởi nghiệp đổi mới cho biết có những thách thức trong việc tiếp cận lao động có trình độ và tay nghề cao.

WB cũng cho rằng các vị trí điều hành cấp cao như giám đốc tài chính, giám đốc công nghệ,… khó tuyển dụng tại Việt Nam, do đó, những vị trí này thường được các chuyên gia nước ngoài đảm nhận.

Vậy là, trong khi các doanh nghiệp Việt vẫn cần phải cạnh tranh về lương để thu hút và giữ chân các nhân sự cấp cao thì tại các quốc gia có nền công nghiệp đang phát triển và thu hút FDI tương tự như Việt Nam lại dễ dàng tuyển dụng các vị trí này hơn.

Nhân lực là vấn đề then chốt

Ngay từ mặt khái niệm “năng suất lao động” ta đã thấy người lao động chính là trung tâm của vấn đề.

Theo nhận định từ các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến NSLĐ bình quân của Việt Nam thấp là chất lượng nguồn lao động thấp, thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Sinh viên, học viên ra trường vẫn còn thiếu các kỹ năng, chuyên môn cần thiết đáp ứng yêu cầu lao động thực tiễn.

Cụ thể, việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp, các hình thức đào tạo dưới 3 tháng chiếm 75,3%, còn lại là cao đẳng và trung cấp khoảng 24,7%.

Tỉ lệ người lao động trình độ sơ cấp vẫn chiếm phần nhiều trong cơ cấu lao động

Kỹ năng lao động của Việt Nam cũng chỉ đạt 46/100 điểm, xếp thứ 103 toàn cầu. Chưa kể, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng già hóa lao động.

Trong khi đó, mục tiêu đề ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu này, trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu nhấn mạnh đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng lao động; nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động và nâng cao năng lực, tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật; gắn trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội…

Có thể thấy nâng cao NSLĐ là vấn đề then chốt và cần tiếp cận ngay từ vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực, đồng thời việc quản lý định mức nhân công hướng đến việc tối ưu năng suất lao động là vấn đề cốt lõi.

Chương trình đào tạo theo mô hình hợp tác 3 bên: Hiệp hội Thang máy Việt Nam - Doanh nghiệp (Gama Service) và Nhà trường (Trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội)

Nhưng nếu để người lao động tự “bơi” thì chúng ta khó đạt được những mục tiêu vĩ mô. Do đó, công tác đào tạo và quản lý cần thắt chặt theo chiều dọc của từng ngành.

Một trong các giải pháp được đánh giá mang đến hiệu quả nhanh và thiết thực nhất là quy định định mức lao động trong từng ngành. Khi đó, có hai nhiệm vụ mà định mức lao động có thể giải quyết là:

1. Yêu cầu trình độ kỹ năng nghề

2. Quy định lượng lao động hao phí để hoàn thành một đơn vị sản phẩm hoặc một khối lượng công việc đúng tiêu chuẩn chất lượng

Từ đó, người lao động xác định được khung năng lực bản thân cần được trang bị để có thể đảm nhiệm các công việc. Đồng thời, doanh nghiệp xác định được nhân lực phù hợp với công việc và có các thỏa thuận về yêu cầu thực hiện công việc, chi phí lương,… đối với người lao động.

Nhận thức được tầm quan trọng của định mức lao động, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã giao cho Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy xây dựng bộ Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy, trong đó có nội dung về Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy. Đồng thời, Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, doanh nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo ngắn và dài hạn.

Link nội dung: https://khangdienreal.vn/nang-suat-lao-dong-xa-hoi-cua-nuoc-ta-con-thap-chu-yeu-la-do-a78331.html