Cà na là loại trái cây có theo mùa vụ, nở rộ nhất là tháng 8, 9. Thời điểm này nước lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu dâng cao. Các loại cây trái khác khó qua khỏi nhưng cây cà na vẫn ra trái sum xuê. Mọi người biết đến trái cà na với những món ăn như: Cà na ngào đường, cà na ngâm muối ớt, cà na kho thịt, cà na kho cá,... Tuy nhiên cà na cũng có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe vì có nhiều dinh dưỡng.
Đặc điểm của cà na
Cà na có tên khoa học là Elaeocarpus hygrophilus Kurz thuộc họ Côm (Elaeocarpaceae). Cây cà na được trồng nhiều ở Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Ở Việt Nam cây cà na được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây: Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An,...
Cây cà na là một loại cây thân gỗ, có chiều cao khoảng 10 - 25 m. Cây có cành cây nhỏ màu nâu nhạt, trên phủ nhiều lông mềm. Lá cây là lá kép lông chim, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới có nhiều lông màu ánh bạc.
Hoa cà na mọc theo cụm thành chùm kép. Quả cà na là loại quả hạch, hình trứng, dài và nhọn ở đầu, thịt quả dày, khi quả chín có màu vàng nhạt.
Công dụng của cà na
Trong trái cà na có chứa khoảng 12% protein, lipid 1.09%, carbohydrate 12%, Canxi 0.024%,… Ngoài ra cà na còn chứa hàm lượng sắt, phospho, vitamin C,... cần thiết cho hoạt động của tế bào. Trong hạt cà na có chứa các acid béo như: Hexanoic, caproic, octanic, decanoic, plamatic, linoleic,…
Đặc biệt trong cà na có chứa các hợp chất có tác dụng bảo vệ gan như: Triterpene, brevifolin, hyperin acid ellargic,… Trong nhựa cà na có chứa 45% sabinen, 16.7% tecpinen, 9% pinen,…
Như vậy nhờ các thành phần hoạt chất trong cà na mà công dụng của cà na như sau:
- Tác dụng bảo vệ sức khỏe gan: Các thí nghiệm trên chuột cho thấy cà na có tác dụng bảo vệ gan. Bởi vì trong thành phần có chứa Triterpenoid.
- Giúp ăn ngon miệng: Cà na có thể tăng tiết nước bọt, làm tăng tiết dịch vị tiêu hóa giúp ăn ngon hơn, dễ tiêu hóa thức ăn hơn.
- Hỗ trợ cân bằng cholesterol trong cơ thể: Do có chứa các acid béo nên trái cà na tốt cho những người mắc bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu. Ngoài ra các acid béo này cũng hỗ trợ giảm cân do có tác dụng làm no lâu.
- Hỗ trợ giảm táo bón: Do có hàm lượng chất xơ cao nên ăn cà na có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng táo bón, kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa bệnh trĩ.
Một số bài thuốc từ trái cà na
Theo y học cổ truyền, cà na có vị chua ngọt, tính ôn, quy kinh phế và vị. Một số bài thuốc dân gian từ trái cà na mà bạn có thể tham khảo dưới đây. Lưu ý là nên bỏ cuống, rửa sạch cà na trước khi sử dụng.
Trị ho, cảm lạnh
Chuẩn bị 6g cà na (khoảng 4 trái) đem hấp với đường phèn. Sau đó lấy nước cốt từ cà na uống để trị ho, cảm lạnh.
Trị đau họng, khàn tiếng
Lấy khoảng 4 trái cà na đem đập giập. Sau đó cho vào nồi nước cùng với khoảng 10g huyền sâm thái lát. Nấu chín hỗn hợp này rồi lấy nước uống. Đây là bài thuốc có tác dụng tiêu thũng, tư âm, giáng hỏa. Huyền sâm cũng có tác dụng hỗ trợ nâng cao thể trạng giúp cơ thể nhanh hồi phục.
Trị kiết lỵ
Chuẩn bị 1 lượng cà na và ô mai bằng nhau. Đốt thành tro. Bảo quản tro thu được trong hũ kín. Mỗi ngày dùng khoảng 9g tro này pha với nước cơm để uống.
Tuy nhiên trường hợp tiêu chảy nhiều, mất nước cần tích cực bổ sung điện giải. Lưu ý khi pha các gói oresol phải đúng theo thông tin hãng hướng dẫn và dùng hết trong ngày. Trường hợp đã dùng các biện pháp khắc phục nhưng triệu chứng nặng hơn cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Thanh nhiệt, giải độc
Chuẩn bị khoảng 20g cà na tươi, 4 chùm rễ lau tươi. Nấu với khoảng 0.5 lít nước. Có thể cho thêm đường phèn cho dễ uống.
Trong bài thuốc này, rễ lau có tác dụng thanh can nhiệt, vị nhiệt. Để có tác dụng thanh nhiệt giải độc cơ thể tốt nhất bạn nên uống lúc còn ấm nóng.
Trị mất ngủ, ho khan
Cà na tươi cần khoảng 30 trái, bỏ hạt, đập giập. Nấu cà na cùng với gừng, đường phèn hoặc mật ong để dễ uống hơn nhé.
Thuốc dùng ngoài da
Cà na đem đốt thành tro rồi trộn với dầu vừng. Bảo quản hỗn hợp này trong hũ kín. Khi bạn có thể bôi hỗn hợp này lên da để làm lành các vết nứt nẻ tay chân, nứt môi, nứt đầu vú gây sưng đau.
Ăn vặt ngon cùng trái cà na
Món ăn vặt phổ biến, kích thích vị giác nhất là cà na muối đường. Món ăn ngon, cách làm đơn giản, bạn có thể dễ dàng tự làm món này tại nhà theo hướng dẫn sau đây:
- Cà na mua về cần rửa sạch với nước muối loãng, sau đó để ráo.
- Đập giập cà na rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch để bớt vị chát. Bạn có thể thử một ít cà na để kiểm tra còn vị chát hay không.
- Ngâm cà na trong nước muối loãng khoảng 1 tiếng.
- Vớt cà na ra và rửa lại với nước sạch.
- Trộn cà na với 150g đường. Cho hỗn hợp vào chảo, thêm khoảng nửa chén nước rồi sên tới khi đường tan hoàn toàn và hơi sệt lại.
- Chuẩn bị muối ớt với công thức như sau: 2 muỗng canh muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt, ớt cho vào với lượng tùy khẩu vị. Giã nhuyễn muối ớt.
- Trộn muối ớt với cà na vừa sên xong. Để khoảng 20 phút cho thấm đều vị là dùng được.
Cà na có vị chua ngọt sẽ hòa quyện với vị cay mặn của muối ớt ngon khó cưỡng lại được. Lớp màu xanh óng ánh bắt mắt của cà na cùng với một chút màu đỏ của ớt sẽ làm món ăn thêm phần ngon miệng, đẹp mắt. Tuy chỉ là món ăn vặt nhưng bạn cũng nên lưu ý là không phù hợp với người có mắc bệnh tăng huyết áp. Bởi hàm lượng muối cao sẽ làm cho huyết áp không kiểm soát được.
Như vậy qua bài viết trên bạn đã biết các thông tin về trái cà na và những công dụng hữu ích. Các bài thuốc dân gian từ trái cà na có thể áp dụng dễ dàng tại nhà. Tuy nhiên bạn nên lưu ý là nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào khi chưa xác định được bệnh. Các bài thuốc với cà na tại nhà chỉ có công dụng hỗ trợ điều trị để nhanh khỏi bệnh.
Xem thêm:
- Nước ngò gai có tác dụng gì đối với sức khỏe?
- Quả xay và công dụng từ quả xay mà bạn nên biết