Chích ngừa chó cắn có ảnh hưởng gì không? Nhiều người vẫn còn trì hoãn tiêm vắc xin phòng dại vì những tin đồn vô căn cứ như làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh… điều này khiến nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc vì bệnh dại.
Những điều cần biết về bệnh dại và vắc xin dại
Bệnh dại
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, có khả năng lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu do vết cắn từ động vật mang mầm bệnh. Bệnh dại thường lưu hành nhiều tại các nước Châu Á, Châu Phi. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có khoảng 76 người dân tử vong do bệnh dại. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2022, bệnh dại tăng cao đột biến tại nhiều khu vực; trong đó Bến Tre ghi nhận 12 ca tử vong do dại, Kiên Giang 5 ca, Gia Lai 4 ca. (1)
Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Các biểu hiện lâm sàng của người mắc bệnh dại là sợ gió, sợ nước, co giật và liệt dẫn đến tử vong. Khi người và động vật lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy nhiên, bệnh dại có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Vắc xin dại
Nếu không may bị động vật cào/ cắn hoặc liếm lên vết thương hở, bạn cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường rồi đến ngay trung tâm tiêm chủng gần nhất để được tiêm phòng vắc xin dại. Nếu vết thương nặng ở vị trí đầu, mặt, cổ thì cần tiêm sớm nhất có thể. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus dại sẽ nhanh chóng nhân lên và di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng đến não người bệnh với tốc độ 12-24mm mỗi ngày.
Ngoài việc tiêm phòng vắc xin dại sau khi bị động vật cắn, bạn cũng có thể tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm, khi chưa bị cắn. Đây là biện pháp phòng bệnh chủ động, nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ an toàn tính mạng cho những người thường xuyên tiếp xúc với động vật, có nguy cơ cao tiếp xúc với virus dại, như: Bác sĩ thú y, người nuôi chó mèo, người làm nghề giết mổ, người thường xuyên du lịch hoặc người trú ngụ tại những quốc gia lưu hành dịch…
Tiêm vắc xin dại vào thời điểm nào?
Cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, ngay sau khi động vật hoang dã hoặc thú cưng cắn, ngay cả khi chưa biết chúng có bị dại hay không. Vì một khi virus dại đến não sẽ gây ra những triệu chứng về thần kinh như lú lẫn, ảo giác, động kinh, dẫn đến hôn mê và cuối cùng là tử vong.
Tiêm phòng dại sau khi bị động vật cắn giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể chống lại virus dại. Vắc xin phòng dại có thể chống lại virus khi được tiêm càng sớm càng tốt, Lý tưởng là 1-2 ngày sau khi tiếp xúc hoặc có nguy cơ tiếp xúc virus dại.
Phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người chưa tiêm phòng dại
Tiêm vắc xin phòng dại
Người chưa tiêm dự phòng:
- Tiêm 4 mũi: N0 - N3 - N7 - N28
- Tiêm 5 mũi: N0 - N3 - N7- N14 - N28
- Tiêm 4 hoặc 5 mũi tùy thuộc vào con vật sau 10 ngày theo dõi có chết, bệnh hay không theo dõi được hay không.
Người đã được tiêm dự phòng trước phơi nhiễm, hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vắc xin dại: Tiêm 2 mũi vào các ngày 0-3.
Xem thêm: Lịch tiêm phòng dại
Chích ngừa chó cắn có ảnh hưởng gì không?
Tiêm vắc xin dại có ảnh hưởng gì không? Độ an toàn của vắc xin
Quay trở lại với câu hỏi tiêm phòng chó dại cắn có ảnh hưởng gì không, các chuyên gia y tế đều khẳng định là không, THẬM CHÍ RẤT AN TOÀN. Theo các chuyên gia, vắc xin phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm. Hiệu giá kháng thể sau tiêm cao gấp 10 lần so với vắc xin dại thế hệ cũ. Tuyệt đối vắc xin phòng dại thế hệ mới không gây ra các biến chứng thần kinh và không suy giảm trí nhớ như lời đồn. (2)
Vắc xin phòng dại thế hệ mới dùng kỹ thuật ly tâm phân đoạn, tạp chất được đảm bảo ở mức thấp nhất và tuân thủ theo các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số loại vắc xin không sử dụng chất bảo quản thủy ngân, do đó vắc xin phòng dại thế hệ mới cũng giảm tối đa tác dụng phụ tại chỗ tiêm so với vắc xin phòng dại thế hệ cũ đã ngừng sử dụng.
Các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin phòng dại
Tương tự như các loại vắc xin phòng bệnh khác, tiêm vắc xin phòng dại có thể gây một số tác dụng phụ như sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm. Đây là những phản ứng thường gặp sau tiêm, thường nhẹ và biến mất trong vòng vài ngày. Các triệu chứng có thể giảm nếu được xử trí đúng cách.
Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp, người được tiêm vắc xin có thể dị ứng với một số thành phần có trong vắc xin, dẫn đến tình trạng phản ứng phản vệ và cần được cấp cứu. Trong trường hợp đó, người tiêm vắc xin cần được đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu gặp phải các phản ứng dị ứng như khó thở, phát ban, sưng mặt, khó nuốt. Người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc đang mắc các bệnh nào đó vẫn nên tiêm vắc xin phòng dại.
Vắc xin dại không có tác dụng bảo vệ bạn suốt đời. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm tùy thuộc vào số liều tiêm. Nếu đã tiêm đủ 4 liều vắc xin sau khi tiếp xúc với virus vẫn cần tiêm lại nếu tiếp xúc với virus dại lần nữa.
Chích ngừa chó cắn có ảnh hưởng gì không? Câu trả lời là KHÔNG, thậm chí vắc xin rất an toàn. Nguy cơ tiêm vắc xin dại duy nhất chỉ là các phản ứng sau tiêm được đánh giá rất bình thường và diễn biến nhẹ nhàng nhưng rủi ro nếu không tiêm vắc xin dại có thể khiến người bệnh đánh đổi bằng tính mạng. Chích ngừa vắc xin dại là phương pháp bảo vệ tối ưu trước nguy cơ tử vong gần 100% của bệnh dại. Chích ngừa vắc xin được khuyến cáo cho những đối tượng trước phơi nhiễm và cả sau phơi nhiễm. Liên hệ hotline 028 7102 6595 hoặc fanpage https://www.facebook.com/trungtamtiemchungvnvc để được tư vấn và đặt lịch tiêm vắc xin.