Cô Hạnh Dung kính mến,
Mẹ cháu là một phụ nữ bất hạnh. Bố cháu là người nghiện rượu, vũ phu và trăng hoa. Mẹ chịu đựng bố cháu đến gần 20 năm mới chịu mạnh dạn ly hôn. Khi đó mẹ cháu vẫn còn trẻ và đẹp.
8 năm trời mẹ cháu sống một mình, và mặc dù cháu biết bà vẫn khao khát yêu thương, nhưng mãi chẳng gặp ai ra hồn. Người thì thất học, thô lỗ, người thì chỉ muốn lợi dụng tiền bạc, người thì vẫn còn hôn nhân...
Mãi gần đây, mẹ cháu quen một người đàn ông đàng hoàng, nhưng chú ấy lại quá già (hơn mẹ cháu đến 15 tuổi), lại nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, chú ấy là người hiền và đối xử với mẹ rất tốt.
Thế nhưng nhiều khi cháu cũng không biết có phải người ấy ngọt ngào với mẹ cháu chỉ vì cần sự chăm sóc của mẹ cháu hay không. Vì từ lúc bỏ nhà đến ở với chú đó, cháu thấy mẹ như osin của chú ấy. Cơm nước, lau dọn, chăm chú ấy như trẻ con. Còn chú ấy thì chẳng làm gì hết.
Tuy vậy, cháu thấy mẹ cháu rất vui vẻ. Dường như bà tìm được một tình cảm để nương tựa, một người thật sự cần đến sự chăm sóc yêu thương của bà. Nhưng vì người ấy quá lớn tuổi và nhìn đã khá nhếch nhác kiểu của người già, mẹ cháu cũng ngại, không dám giới thiệu với bạn bè, họ hàng. Cứ giấu giấu lén lút rất tội.
Cháu không biết làm sao để khuyên mẹ rời bỏ người đó. Thà sống thanh thản, vui vẻ, tha hồ đi chơi với bạn bè hay con cái, còn hơn cứ phải hầu hạ, phục vụ, mà còn không được công khai gì. Với tuổi tác và sức khỏe của người đó, cháu còn không biết được bao lâu?
Xin cô chỉ dẫn cháu cách để mang mẹ cháu trở về nhà và chăm lo cho mẹ, thay vì để mẹ biến thành kẻ hầu của một người đàn ông già yếu bệnh tật.
Thúy Quỳnh
Ảnh minh họaCháu Thúy Quỳnh thân mến,
Đọc thư của cháu, cô tự dưng liên tưởng tới tình huống thông thường diễn ra từ xưa tới nay: là khi cha mẹ phán xét, cấm cản mối quan hệ tình cảm của con cái, họ cũng bất chấp lý của trái tim, chỉ xét đoán mọi việc theo lý lẽ, logic, tư duy hơn - thiệt, mà buộc con cái phải làm theo ý họ.
Cháu năm nay bao nhiêu tuổi, và đã từng gặp chuyện đó hay chưa, ở bạn bè, trong phim ảnh hay với chính mình? Khi gặp điều đó theo hướng thuận hơn, là người lớn với người nhỏ đó, cháu có thấy bất bình, bực tức, không thể cảm thông hay không?
Thế thì, chuyện một người con, một người trẻ, có nên phê phán, chê bai, trách móc tình cảm của mẹ mình? Bà là người đã đi qua cả một đoạn đời dài, gặp nhiều bất công, thiệt thòi, giờ đây mới có được chút niềm vui, niềm an ủi tuổi xế chiều, lại bị con mình ngăn cản, chê bai, dè bỉu, thì có vô lý lắm không hả cháu?
Người ta bảo "con tim có lý lẽ riêng của nó". Ở tuổi của mẹ cháu, có lẽ bà cũng đã hiểu hơn ai hết mình cần điều gì, điều gì có thể an ủi được trái tim của mình. Được chăm sóc ai đó, cần thiết cho một ai đó, với bà, có lẽ đã là hạnh phúc.
Hơn thế nữa, theo cháu cũng thấy, ông ấy cũng là người biết nói lời tử tế với sự chăm sóc lo lắng của mẹ cháu. Chẳng phải như thế cũng là đủ hay sao cháu?
Một ngày sống là một ngày phải vui cháu à. Huống hồ, chuyện của mẹ cháu với chú ấy cũng chỉ hai người hiểu và cảm được với nhau. Mẹ cháu vui bằng niềm vui mà chỉ có mẹ cháu hiểu được, sao cháu lại muốn thay đổi niềm vui của bà, áp đặt cuộc sống mình mong muốn lên bà, và hy vọng như thế bà sẽ vui, thanh thản?
Hãy lặng yên quan sát mẹ, tạo cho mẹ những niềm vui từ một đứa con gái ngoan, thấu hiểu, thông cảm với mẹ, cũng như trước kia, mẹ đã từng như vậy với ta. Hãy để mẹ cảm nhận rằng bất cứ lúc nào, nếu mệt mỏi, thất vọng, hay chán nản, chỉ cần mẹ quay lại là sẽ có con ở đằng sau, ôm lấy mẹ, chăm sóc lo lắng cho mẹ. Mẹ chỉ cần như thế ở cháu thôi, cháu ạ.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn