Khi đang ở trong thời kỳ ôn thi, học tập căng thẳng, việc tập trung sẽ mang lại hiệu quả, rút ngắn thời gian rất nhiều. Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta luôn tập trung ở mức cao nhất không phải điều dễ dàng. Để có thể làm được điều đó, bạn cần hiểu cơ chế hoạt động của não bộ, từ đó áp dụng cách tập trung học một cách phù hợp.
Cơ chế hình thành sự tập trung của não bộ
Trí nhớ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng và thú vị của não bộ. Nó liên quan đến một chuỗi quá trình, bao gồm tiếp nhận và xử lý thông tin, đưa thông tin lên vỏ não và lưu lại, cuối cùng là hình dung lại thông tin đó.
Theo nhiều nghiên cứu, quá trình ghi nhớ phụ thuộc phần lớn vào cấu tạo não bộ. Mỗi người có mật độ chất xám khác nhau, quá trình ghi nhớ cũng khác nhau, từ đó mà trí nhớ không giống nhau. Đó là lý do tại sao có người nhớ nhanh và lâu, có người mau quên, có người nhớ nhanh nhưng lại mau quên. Ngoài ra còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình ghi nhớ như sức khỏe tinh thần, dinh dưỡng, nội dung vấn đề cần ghi nhớ, tác động của những yếu tố xung quanh,…
Một yếu tố khác cũng cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến trí nhớ đó là sự rèn luyện tập trung của mỗi người. Mỗi lần ghi nhớ đều tạo ra sự kết nối giữa các tế bào não. Nếu các lần này được lặp đi lặp lại thì kết nối càng được củng cố, ngược lại kết nối lâu dài sẽ bị mất nếu việc ghi nhớ không thường xuyên. Do đó, nếu bạn muốn ghi nhớ điều gì thật lâu, bạn cần rèn luyện sự tập trung cho não bộ và lắp lại nhiều lần chu trình đó.
5 cách tập trung học cực kỳ hiệu quả
Để quá trình tiếp thu, ghi nhớ hiệu quả hơn, bạn cần thường xuyên rèn luyện sự tập trung. Dưới đây là 5 cách tập trung học mà bạn có thể tham khảo.
Loại bỏ các yếu tố gây phân tâm
Đây là giải pháp khá hiệu quả giúp tăng cường sự tập trung mà bạn nên áp dụng. Khi đã chú tâm vào việc học, bạn cần tìm cách hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop hay mạng xã hội. Bạn sẽ không thể tập trung được khi cứ vài phút lại lướt Facebook hay kiểm tra tin nhắn trong điện thoại. Điều này không chỉ làm giảm hiệu suất học tập mà còn tốn thời gian của bạn. Vì thế, hãy loại bỏ các yếu tố này, đó là cách tập trung cao độ khi học bài khá hữu hiệu.
Bên cạnh đó, địa điểm học cũng là một yếu tố mà bạn cần đặc biệt quan tâm. Tốt nhất, bạn nên tránh xa những nơi ồn ào, đông đúc như quán cà phê, trà sữa, thay vào đó hãy chọn những nơi yên tĩnh như thư viện, phòng học,… Nếu bạn học ở nhà, hãy chú ý dọn dẹp phòng của mình sao cho thoải mái và dễ chịu nhất, từ đó tăng năng suất hơn. Thực tế, với một số người có thể sử dụng âm thanh để tập trung, tuy nhiên nó không phản ánh cho số đông. Với não bộ của con người, một môi trường yên tĩnh sẽ giúp sự tập trung tăng lên rất nhiều.
Ngủ đủ giấc
Có một cách tập trung học khá dễ đó là hãy ngủ đủ giấc. Bạn nên có ý thức chăm sóc giấc ngủ, cân đối giờ ngủ hợp lý để đảm bảo sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Khoa học đã có nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích của giấc ngủ đối với não bộ.
Ngoài việc ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm, bạn hãy đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày để đảm bảo đồng hồ sinh học ổn định. Vào buổi trưa, bạn cần có một giấc ngủ ngắn từ 30 - 45 phút để tái tạo năng lượng. Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ khá bất ngờ với khả năng tập trung của cơ thể, giúp giảm căng thẳng, tăng trí nhớ cực kỳ hiệu quả.
Sử dụng sơ đồ tư duy
Nếu lượng kiến thức khá lớn, bạn rất dễ bị mệt mỏi và phân tâm. Vậy bạn hãy thử áp dụng sơ đồ tư duy để sắp xếp lại trật tự nhằm ghi nhớ tốt hơn. Trước hết, bạn bắt đầu với các mục lớn có dấu đầu dòng, sau đó bạn sắp xếp lại các ý nhỏ hơn, giống như sự phát triển của một cái cây. Khi vẽ xong sơ đồ tư duy lên bảng hoặc cuốn vở, bạn không chỉ tiếp thu kiến thức một lần mà bạn còn có một bức tranh tổng thể trực quan và sinh động để dễ dàng in hằn vào não, từ đó ghi nhớ tốt hơn.
Nghỉ giải lao hợp lý là cách tập trung học hiệu quả
Nếu học trong một khoảng thời gian dài, bạn cần có khoảng thời gian nghỉ để não không bị làm việc quá sức. Không phải cứ học tập liên tục không ngừng nghỉ là bạn sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn. Cơ thể và sức người luôn có ngưỡng giới hạn. Vì thế, khi bắt đầu thấy uể oải, mệt mỏi, bạn hãy dừng lại và nghỉ ngơi, uống một cốc nước và thư giãn, sau đó mới tiếp tục học.
Bên cạnh khoảng nghỉ ngơi ngắn, bạn cũng có thể cân đối để có những thời gian nghỉ dài hơn để gặp gỡ bạn bè, xem phim, nghe nhạc, chơi game, đọc sách, chơi thể thao,... miễn sao bạn kiểm soát được những hoạt động đó và vẫn tập trung vào mục tiêu chính là học tập.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học
Một yếu tố cực kỳ quan trọng khác mà bạn cần lưu ý đó là chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Để có thể chất tốt nhất và não hoạt động hiệu quả, bạn cần có nguyên tắc ăn uống khoa học, ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày và bổ sung các bữa phụ khác. Trong thực đơn, bạn nên ăn nhiều loại carbohydrate, thịt, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, tăng cường loại rau và trái cây lành mạnh.
Ngoài ra, việc tập luyện thể thao thường xuyên cũng giúp tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật, tăng cường năng lượng. Do đó, bạn hãy dành thời gian tham gia các hoạt động thể dục, thể thao như chạy bộ, đá bóng, cầu lông,… với tần suất vừa đủ để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp bạn tập trung vào công việc và học tập hiệu quả hơn nhé!
Như vậy, với những gợi ý trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế hình thành sự tập trung của não bộ và các cách tập trung học hiệu quả. Hãy thử áp dụng một hoặc đồng thời nhiều giải pháp trên đây, bạn sẽ bất ngờ với lợi ích mà nó mang lại đấy! Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ dung thêm các loại thuốc bổ não tăng cường trí nhớ phù hợp nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: vinmec.com