Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, có khoảng 23% người trưởng thành ở Mỹ bị giãn tĩnh mạch. Các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Vậy đâu là tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch giúp giảm đau và có được giấc ngủ ngon?
Tại sao người bị giãn tĩnh mạch lại khó đi vào giấc ngủ?
Giãn tĩnh mạch là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch chân bị ứ lại, không đi lên để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng mạch khiến tĩnh mạch giãn ra.
Giãn tĩnh mạch không chỉ khiến nhiều người mất tự tin vì tính thẩm mỹ, bệnh còn gây đau nhức âm ỉ, tê dị cảm, chuột rút, nhức mỏi chân vào ban đêm, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ. Nguyên nhân là do ban ngày, tư thế làm việc đa phần ngồi hoặc đứng, tạo một áp lực lớn lên hệ tĩnh mạch chân, nhưng người bệnh không cảm nhận được do tập trung làm việc.
Khi ngủ, người bệnh sẽ ít phân tâm hơn và có thể cảm nhận rõ được về áp lực hoặc cơn đau nhức do bị dồn nén cả ngày. Với những người có thời gian vận động nhiều trong ngày, thì triệu chứng của tĩnh mạch sẽ ít hơn do hệ cơ của chân đã hỗ trợ lưu thông máu tĩnh mạch dễ dàng.
Khi nằm ngủ vào ban đêm, các triệu chứng bệnh trở nên rõ rệt hơn khiến người bệnh khó chịu, đau nhức không thể ngủ ngon. Ngoài ra, nếu người bệnh mắc thêm hội chứng chân không yên, có thể cảm thấy ngứa, khó chịu ở chân và luôn muốn cử động chân để giảm cảm giác khó chịu. (1)
Ý nghĩa của việc ngủ đúng tư thế đối với bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch
Những triệu chứng của giãn tĩnh mạch làm giảm chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Khi người bệnh không ngủ ngon về đêm, sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và sức khỏe vào ngày hôm sau. Đặc biệt khi tình trạng giấc ngủ không hiệu quả kéo dài, có thể ảnh hưởng đến tâm lý gây rối loạn tâm lý, nhận thức, cảm xúc, hành vi… Người bệnh có thể cảm thấy buồn ngủ, không tỉnh táo, mất tập trung vào ngày hôm sau, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Do đó, việc áp dụng đúng tư thế khi nằm ngủ về đêm là rất quan trọng đối với người bệnh bị giãn tĩnh mạch.
Người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch khi nằm ngủ đúng tư thế có thể giúp máu lưu thông tốt hơn, không gây chèn ép phần tĩnh mạch quá lâu. Đồng thời, ngủ đúng tư thế cũng tạo trợ lực cho tĩnh mạch hỗ trợ đưa máu về tim tốt hơn. Nhờ đó, làm giảm bớt các triệu chứng gây khó chịu vào ban đêm, giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.
Bác sĩ hướng dẫn một số tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch có xu hướng đau nhiều hơn vào ban đêm, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ và không thể ngủ ngon, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần. Bên cạnh điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh nên áp dụng những tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch phù hợp, giúp giảm đau vào ban đêm. Từ đó, cải thiện được chất lượng giấc ngủ.
1. Nằm kê chân cao khi ngủ
Chứng giãn tĩnh mạch xảy ra khi máu không thể chảy ngược về tim đúng cách, nên việc nằm ngửa và nâng cao chân khi ngủ sẽ giảm áp lực lên tĩnh mạch và cải thiện hệ tuần hoàn và giúp giảm đau, chuột rút và sưng tấy do giãn tĩnh mạch. Người bệnh có thể kê chân cao hơn tim (khoảng 7-10 cm) lên bằng gối hoặc đệm, đảm bảo máu tĩnh mạch sẽ đổ về tim một cách thuận lợi. (2)
2. Nằm ngủ với tư thế nghiêng bên trái
Nằm ngủ nghiêng, tốt nhất là nghiêng về bên trái được xem là tư thế ngủ tốt cho những người bị giãn tĩnh mạch chân. Tư thế nằm ngủ nghiêng bên trái đã được chứng mình là giúp cải thiện tuần hoàn và giảm khả năng hình thành cục máu đông ở bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch.
Tư thế này hỗ trợ lưu lượng máu tốt hơn và giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, giúp phân phối áp lực đồng đều hơn giữa hông và chân. Ngủ nghiêng bên trái cũng làm giảm phù nề vì dịch bạch huyết có thể chảy dễ dàng hơn qua hệ thống bạch huyết, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp người bệnh chống lại nhiễm trùng. Để nằm ngủ nghiêng bên trái được thoải mái hơn, người bệnh có thể sử dụng thêm gối ôm hoặc kẹp gối giữa hai đầu gối để giúp cột sống được thẳng và giảm áp lực lên hông dưới và lưng dưới.
3. Người suy giãn tĩnh mạch tránh tư thế nằm sấp khi ngủ
Nằm sấp khi ngủ là tư thế mà người bị giãn tĩnh mạch nên tránh vì tư thế này có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch, làm trầm trọng thêm cơn đau do giãn tĩnh mạch.
Không những vậy, nằm ngủ sấp cũng có thể gây căng cơ và khớp lưng và cổ, tạo áp lực lên lồng ngực, khiến người bệnh càng thấy khó chịu hơn. Do đó, thay vì nằm sấp, người bệnh nên nằm ngửa kê cao chân hoặc nằm nghiêng bên trái khi ngủ vào ban đêm sẽ giúp giảm thiểu áp lực lên tĩnh mạch, giảm bớt sự khó chịu và giúp người bệnh có được một giấc ngủ ngon. (3)
Biện pháp kết hợp tại nhà để dễ đi vào giấc ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch
Bên cạnh việc lựa chọn nằm ngủ đúng tư thế, người bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể kết hợp với một số biện pháp sau để giúp giảm triệu chứng bệnh, giãn co rút cơ, dễ đi vào giấc ngủ và tăng cường chất lượng giấc ngủ:
1. Đi dạo trước khi ngủ
Hiện nay, có rất nhiều người vì tính chất công việc phải ngồi, đứng quá lâu hoặc đi quá nhiều trong ngày. Những tư thế này, về lâu dài là nguyên nhân gây ra chứng giãn tĩnh mạch và cũng là yếu tố khiến các triệu chứng của bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Khi ngủ vào ban đêm, cơ bắp không hoạt động cũng dẫn đến tăng áp lực lên tĩnh mạch và gây đau nhức, khó chịu.
Vì vậy, người bệnh nên dành thời gian khoảng 20-30 phút đi bộ trước khi ngủ để giúp làm co các cơ ở chân và nén các tĩnh mạch, đẩy máu lên tim. Đi bộ buổi tối là biện pháp tốt giữ cho áp lực trong tĩnh mạch ở mức khỏe mạnh và giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ hơn.
2. Xoa bóp chân trước khi ngủ
Xoa bóp chân trước khi ngủ giúp thư giãn cơ bắp, kích thích tuần hoàn máu, giảm các triệu chứng ứ đọng máu, giảm phù chân, máu lưu thông tốt hơn, nhờ đó giảm tình trạng ứ đọng ở các tĩnh mạch ngoại biên. Đồng thời, xoa bóp chân cũng giúp giảm triệu chứng tê cứng chân, nhức chân ở người bị giãn tĩnh mạch và cơ bắp. Do đó, mỗi tối trước khi đi ngủ, người bệnh nên dành thời gian để xoa bóp đều vùng chân để giúp giảm căng cơ, giảm đau và ngủ ngon hơn.
3. Mang vớ giãn tĩnh mạch khi ngủ
Nếu người bệnh không thể mang vớ áp lực tĩnh mạch vào ban ngày, thì ngoài điều chỉnh tư thế ngủ, người bệnh có thể mang thêm vớ áp lực tĩnh mạch vào ban đêm.
Vớ áp lực tĩnh mạch tốt nhất nên được mang vào ban ngày. Vớ cũng có nhiều kích cỡ và mức áp lực khác nhau, vì vậy người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chọn loại vớ nén thích hợp. Mang vớ áp lực thường xuyên có thể giúp kiểm soát cơn đau, chuột rút, giảm sưng phù, tê bì do giãn tĩnh mạch và giúp người bệnh thoải mái hơn. Đặc biệt là vào ban đêm khi đi ngủ, người bệnh có thể mang vớ nén để giúp cải thiện hệ tuần hoàn đến mắt cá chân và bắp chân.
4. Uống sữa trước khi đi ngủ
Uống một ly sữa nóng trước khi đi ngủ có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả. Đặc biệt là sữa giàu canxi sẽ giúp thư giãn, giảm căng thẳng, từ đó dễ đi vào giấc ngủ hơn. Vì vậy, người bị khó ngủ cũng thử uống sữa trước khi đi ngủ để giúp tăng chất lượng giấc ngủ.
Bên cạnh uống sữa thì việc uống đủ nước mỗi ngày cũng rất quan trọng, nước có tác động tích cực đến lưu lượng máu và bạch huyết. Nước giữ cho hệ tuần hoàn được khỏe mạnh, máu được lưu thông tốt hơn, cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch.
>> Xem thêm: Bị suy giãn tĩnh mạch kiêng ăn gì và ăn gì? 7 thực phẩm siêu tốt
5. Tắm nước ấm
Tắm nước ấm giúp các cơ được thả lỏng, giúp thư giãn tinh thần, thả lỏng cơ xương, tạo tiền đề để đi vào giấc ngủ sâu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nước ấm cũng kích thích giãn mạch máu, nên người bệnh tĩnh mạch không nên tắm nước ấm quá lâu sẽ không tốt cho tĩnh mạch giãn.
Liên hệ BVĐK Tâm Anh để được tư vấn về giấc ngủ cho người giãn tĩnh mạch
Người bị giãn tĩnh mạch không nên tự ý dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần để có được giấc ngủ ngon. Khi nhận thấy triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch không cải thiện khi áp dụng các cách khắc phục tại nhà, xuất hiện các dấu hiệu như đau nhiều hơn, phù nề, tĩnh mạch bị giãn đổi màu, nổi to, ngứa, tê bì, nóng rát… hoặc bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ, nên đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa Tim mạch chuyên điều trị các bệnh lý về tim mạch và mạch máu để thăm khám sớm.
>> Xem thêm: Ngâm chân trị suy giãn tĩnh mạch có được không? Có nên ngâm nhiều?
Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chuyên điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu và lồng ngực, trong đó có điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả. Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch tại Việt Nam, sở hữu hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại nhất thế giới.
Đặc biệt, hệ thống phòng mổ trang bị thiết bị tối tân như hệ thống robot chụp mạch Artis Pheno cao cấp, máy chụp mạch DSA, máy chụp CT 1975 lát cắt đồng bộ chính hãng duy nhất ở Việt Nam, được đặt hàng đầu tiên tại Đông Nam Á… cho phép đáp ứng tốt nhất tất cả các yêu cầu của kỹ thuật can thiệp tim mạch từ đơn giản đến phức tạp.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Áp dụng những tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch sẽ giúp giảm bớt triệu chứng, giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Đồng thời, người bệnh nên có sự kết hợp với các biện pháp tại nhà, điều chỉnh lối sống để cải thiện tình trạng bệnh và tăng cường chất lượng giấc ngủ.