Viêm nang lông là bệnh về da do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm, gây ngứa, đau, phát ban,… Ai cũng có thể mắc viêm nang lông ở bất kỳ đâu trên cơ thể như mặt, lưng, cánh tay, chân. Bệnh có thể chữa khỏi bằng kèm bôi, thuốc uống nhưng trước tiên vẫn cần tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng để chữa trị và phòng ngừa viêm nang lông hiệu quả.
Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều nang lông. Viêm nang lông có thể xảy ra trên da ở bất cứ nơi nào (những nơi có nang lông), kể cả vùng da đầu, nhưng nhiều nhất trên vai, lưng, đùi, mông, cổ và nách, những nơi thường xảy ra ma sát. Viêm nang lông thường xuất hiện dưới dạng những vết sưng nhỏ, giống như mụn trứng cá hoặc phát ban.
Ổ viêm có thể xuất phát từ 1 nang lông và lây sang các nang lông xung quanh. Có 2 cấp độ viêm nang lông là cấp tính và mạn tính. Người béo phì dễ mắc viêm nang lông hơn.
Các loại viêm nang lông
Sau đây là các biến thể viêm nang lông thường gặp: (1)
1. Viêm nang lông do tụ cầu vàng
do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây nhiễm trùng nang lông, khiến da xuất hiện mụn nhỏ chứa đầy mủ màu đỏ hoặc trắng. Nếu được chăm sóc tốt bệnh sẽ chuyển biến tốt hơn trong vài ngày tiếp theo. Nhưng trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu vàng mạn tính cần được can thiệp và điều trị bởi bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da.
2. Viêm nang lông do Pseudomonas aeruginosa
Pseudomonas aeruginosa là một loại vi khuẩn phát triển mạnh trong nước nóng, chúng có mặt trong bồn tắm nước nóng, xoáy nước, cầu trượt nước… Vi khuẩn có thể lây nhiễm sang nang lông và gây phát ban. Vết phát ban trông giống như phát ban do loài tụ cầu gây ra, đôi khi gây ngứa. Triệu chứng viêm nang lông do Pseudomonas aeruginosa thường tự biến mất trong vòng vài ngày, hiếm khi trở nặng, cần can thiệp điều trị.
3. Viêm nang lông do Malassezia
Một họ nấm men thường gặp trên da. Khi Malassezia xâm nhập vào các nang lông, gây ra tình trạng ngứa giống như mụn trứng cá. Nó thường xảy ra ở ngực trên và lưng. Viêm nang lông do Malassezia trở nặng khi cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi.
4. Pseudofolliculitis barbae
Còn được gọi là “viêm da do dao cạo”, thường xảy ra ở vùng râu. Sau khi râu được cắt bằng dao cạo, các sợi râu bị cạo sát da có thể mọc ngược vào da, gây kích ứng. Nam giới có màu da đen và người tóc xoăn dễ mắc Pseudofolliculitis barbae hơn.
5. Sycosis barbae
Dạng viêm nang lông nghiêm trọng, có thể để lại sẹo. Sycosis barbae khiến toàn bộ nang lông nhiễm trùng, tạo thành mụn mủ lớn màu đỏ. Khi bị viêm nang lông Sycosis barbae, bạn tránh cạo râu và đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.
6. Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm
Bệnh có thể xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh kéo dài để điều trị mụn trứng cá. Theo thời gian, vi khuẩn kháng thuốc phát triển và nhân lên, khiến tình trạng mụn nặng hơn. Khi mắc viêm nang lông dạng này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
7. Nhọt cụm (Carbuncles)
Tình trạng mụn nhọt hình thành khi một vài nhọt xuất hiện ở một chỗ. nhọt cụm là sự kết hợp của nhiều nang lông bị nhiễm trùng, thường có kích thước lớn. Một số trường hợp bị Carbuncles cần được điều trị bằng thuốc hoặc thủ thuật để giải quyết ổ viêm.
8. Nhọt
Mụn nhọt, xảy ra khi nang lông bị nhiễm trùng sâu. Nhọt thường đỏ, mềm và đau, nổi lên sau vài ngày và có thể để lại sẹo. Trong một số trường hợp bị nhọt nặng cần dùng thuốc uống hoặc can thiệp bằng thủ thuật rạch mủ để điều trị.
9. Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan
Thường thấy ở những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch (hệ thống miễn dịch không hoạt động đầy đủ) hoặc trẻ sơ sinh. Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan không lây nhiễm. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là mụn mủ ngứa, thường thấy ở vai, cánh tay trên, cổ và trán. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị, có nguy cơ tái phát nhiều lần.
Các vị trí viêm nang lông thường gặp
1. Viêm nang lông trên mặt
Viêm nang lông trên mặt thường do nhiều nguyên nhân gây ra như tụ cầu vàng, vi khuẩn mủ xanh, nấm, vi khuẩn Demodex folliculorum,… Khiến da mặt nổi mụn đỏ, mụn đầu trắng và đen, ngứa da, mẩn đỏ, da sần sùi, lông/râu mặt mọc ngược và xoắn vào trong. (2)
Râu là nơi bị viêm nang lông nhiều nhất, chủ yếu do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), đôi khi do nhiễm thêm vi khuẩn gram âm, nấm sợi, virus herpes và Demodex. Bệnh thường kéo dài, khó chữa và dễ tái phát nhiều lần. Các chân râu bị viêm xuất hiện mụn đỏ, khi mụn vỡ, có thể để lại vết trầy và đóng vảy. Các mụn viêm nằm rải rác hoặc gộp lại thành đám trên da mặt.
Viêm nang lông trên mặt thường không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm. Nếu bị viêm nặng sẽ gây nhiễm trùng sâu, áp xe hoặc mụn nhọt. Khi bị áp xe gây tổn thương tuyến bã nhờn sẽ để lại sẹo sau khi khỏi bệnh.
Bạn cần chú ý đến việc vệ sinh da mặt, chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp. Khi bị viêm nang lông trên mặt bạn cần đến gặp chuyên gia hoặc bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da để được tư vấn và điều trị kịp thời.
2. Viêm nang lông da đầu
Viêm nang lông da đầu còn được gọi là viêm chân tóc hoặc viêm nang tóc. Đây là bệnh phổ biến xuất hiện ở người có da đầu dầu, làm việc trong môi trường nóng, ẩm và ô nhiễm. Nguyên nhân chính gây bệnh là do vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm và nấm Trichophyton.
Có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc viêm chân tóc như: khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, da đầu tiết nhiều mồ hôi, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài. Hoặc người mắc các bệnh như đái tháo đường, suy thận mạn tính, lao, hoặc suy giảm miễn dịch. Việc gội đầu quá nhiều hoặc sử dụng dầu gội chứa hàm lượng tẩy gàu cao có thể làm mất lớp ceramide bảo vệ da đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm xâm nhập.
Biểu hiện của viêm nang tóc thường là nổi các sẩn nhỏ như hạt kê ở chân tóc, có vảy, gây ngứa da, chúng xuất hiện nhiều ở vùng gáy và hai bên tóc mai. Trong trường hợp viêm nặng, bệnh có thể lan rộng tới vùng râu, lông mi, lông nách và kéo dài trong nhiều năm. Nếu người bệnh gãi ngứa nhiều, sẽ gây nhiễm khuẩn, chốc lở, xuất hiện hạch đau hai bên cổ. Viêm chân tóc mạn tính dễ dẫn tới suy nhược thần kinh, mất ngủ, thay đổi tâm trạng và suy giảm trí nhớ.
Nếu phát hiện các dấu hiệu viêm nang lông da đầu cần chú ý vệ sinh da đầu sạch sẽ, cẩn thận, không được gãi ngứa quá mức. Trong trường hợp bệnh kéo dài, trở nặng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị kịp thời.
3. Viêm nang lông vùng kín
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bạn bị viêm vùng kín như:
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách: vùng kín không được giữ sạch sẽ, vi khuẩn có thể tấn công lỗ chân lông và gây viêm nang lông.
- Tẩy lông vùng kín: tẩy lông không cẩn thận hoặc sử dụng phương pháp không đúng có thể làm tổn thương nang lông và gây viêm.
- Lớp sừng trên da quá dày: da chết tích tụ quá nhiều có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm nang lông.
- Do yếu tố cơ địa: cơ địa của mỗi người có thể khiến tuyến bã nhờn ở nang lông vùng kín hoạt động mạnh hơn trong kỳ kinh nguyệt, làm tăng nguy cơ bị viêm nang lông.
- Dị ứng với sản phẩm chăm sóc vùng kín hoặc đồ lót quá chật, ẩm ướt: các sản phẩm chăm sóc hoặc đồ lót không phù hợp có thể gây kích ứng và viêm nang lông.
Khi bị viêm nang lông vùng kín người bệnh cảm thấy thường xuyên ngứa ngáy, nổi mụn đỏ hoặc mụn viêm có lông ở giữa… mụn có thể vỡ, chảy máu, tràn dịch, gây đau rát vùng kín.
4. Viêm nang lông vùng lưng
Viêm nang lông ở lưng thường do vi khuẩn, tụ cầu xâm nhập vào nang lông gây nên. Nguyên nhân dẫn đến viêm nang lông vùng lưng thường do:
- Bẩm sinh.
- Cạo lông hoặc tẩy lông không đúng cách.
- Dị ứng hoặc nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh cá nhân kém.
- Mặc áo có chất liệu thô cứng, không thấm hút mồ hôi tốt.
Biểu hiện của viêm nang lông ở lưng là sự xuất hiện của nhiều nốt sần đỏ, gây ngứa. Trong trường hợp bị nặng, những nốt sần có thể phát triển thành mụn nhọt, đinh râu ở lưng, dễ để lại sẹo, vết thâm đen khi bình phục. Dù viêm nang lông ở lưng không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời dễ trở thành bệnh mãn tính, gây nhiễm trùng da, hạch bạch huyết lan vào máu, gây nguy hiểm.
Viêm nang lông phổ biến như thế nào?
Viêm nang lông là bệnh về da rất phổ biến, ai cũng có thể mắc trong đời. Bệnh có thể xảy ra với đàn ông, phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh. Một số loại viêm nang lông chỉ mắc ở những đối tượng đặc biệt. Viêm nang lông giả và sycosis barbae là hai loại viêm nang lông có liên quan chặt chẽ với việc cạo hoặc cắt râu ở đàn ông.
Dấu hiệu viêm nang lông
Dấu hiệu chính của viêm nang lông là nổi mụn đỏ trên da. Chúng cũng có thể trông giống như những vết sưng màu trắng, có thể chứa mủ (mụn mủ). Viêm nang lông gây ngứa, bứt rứt, khiến nhiều người muốn gãi. Để tránh làm tình trạng viêm tệ hơn bạn không nên gãi vào vùng da bị viêm nang lông sẽ làm trầy da, làm lỗ chân lông hở ra, nhiễm trùng sẽ nặng hơn.
Nguyên nhân bị viêm nang lông
1. Vi khuẩn
Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) và vi khuẩn gram âm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm nang lông. Các loại vi khuẩn này có thể tồn tại trên da mà không gây nhiễm khuẩn, nhưng nếu da bạn có vết xước chúng sẽ xâm nhập vào và gây viêm nang lông.
2. Nấm
Viêm nang lông khu vực trên lưng, ngực, vai thường do nấm men Trichophyton rubrum, Malassezia folliculitis (Pityrosporum folliculitis) hoặc Candida gây ra. Các thanh thiếu niên có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ tạo điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển và gây nhiều bệnh về da, trong đó có viêm nang lông.
3. Các nguyên nhân khác
Tình trạng lông mọc ngược hay ký sinh trùng Demodex folliculorum cũng gây viêm nang lông. Các yếu tố này chủ yếu gây viêm nang lông vùng cổ và mặt.
Yếu tố rủi ro gây viêm nang lông
1. Các yếu tố bên ngoài
- Thường xuyên mặc quần áo với chất liệu không thấm hút tốt, giữ mồ hôi, giữ nhiệt, găng tay cao su, ủng cao su.
- Ngâm mình trong bồn nước nóng, bồn tạo sóng hoặc hồ bơi công cộng không được bảo dưỡng tốt.
- Tổn thương nang lông do cạo, tẩy lông, mặc quần áo chật hoặc các phương pháp tạo kiểu tóc như duỗi tóc, đội tóc giả, nối tóc giả.
2. Các yếu tố bên trong
- Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như kem corticosteroid, prednisone, liệu pháp kháng sinh dài hạn để trị mụn trứng cá và một số loại thuốc hóa trị.
- Bị viêm da hoặc đổ mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis).
- Người bệnh tiểu đường, HIV/AIDS hoặc một tình trạng khác làm giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Biến chứng viêm nang lông có thể gặp?
Các biến chứng viêm nang lông có thể gặp bao gồm:
- Nhiễm trùng tái phát hoặc lan rộng.
- Sẹo vĩnh viễn.
- Các mảng da sẫm màu hơn (tăng sắc tố) hoặc nhạt hơn (giảm sắc tố) so với trước khi tình trạng xảy ra, thường là tạm thời.
- Phá hủy nang lông và rụng tóc vĩnh viễn.
- Mụn nhọt dưới da.
Chẩn đoán viêm nang lông
1. Khám da liễu/ tiền sử bệnh
Khi đi khám da liễu bác sĩ sẽ căn cứ vào các dấu hiệu trên da kết hợp cùng thông tin về tiền sử bệnh của người bệnh. Bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ da sẽ quan sát và đánh giá tình trạng viêm nhiễm, mức độ tổn thương trên da, vị trí nốt mụn. Đồng thời, người bệnh được hỏi một số câu hỏi về thời gian xuất hiện triệu chứng, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc bạn đang sử dụng.
Các bác sĩ sẽ đưa ra các kết luận về tình trạng da hiện tại, xác định xem có cần thiết làm thêm xét nghiệm hay không. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, giúp giảm nhanh các triệu chứng và hạn chế tình trạng viêm nhiễm trên da.
2. Nuôi cấy vi khuẩn
Bác sĩ sẽ lấy mẫu da từ vùng da bị viêm nang lông, nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Từ đó xác định chính xác loại vi khuẩn gây viêm nang lông. Nuôi cấy vi khuẩn giúp phát hiện được các tụ cầu và trực khuẩn mủ xanh, giúp bác sĩ có đầy đủ thông tin và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
3. Soi nấm
Nếu nghi ngờ nhiễm viêm nang lông do nấm, người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm soi nấm. Khi xác định chính xác loại nấm gây viêm nang lông bác sĩ mới có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng viêm nang lông của bạn ngày càng lan rộng, không có dấu hiệu thuyên giảm sau 1 - 2 tuần sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm theo toa để giúp kiểm soát tình trạng viêm nang lông. Thăm khám và điều trị ngay lập tức khi phát hiện có dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng, gia tăng đột ngột các mẩn đỏ, gây đau, sốt, ớn lạnh và cảm giác mệt mỏi.
Cách điều trị viêm nang lông
1. Thuốc
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị viêm nang lông, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh hiện tại, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng một số loại khám viêm dạng kem bôi hoặc uống như: (3)
- Kem kháng sinh tại chỗ.
- Kháng sinh đường uống
- Kem chống nấm tại chỗ.
- Dầu gội chống nấm
- Thuốc chống nấm đường uống
- Kem steroid
- Corticosteroid đường uống
Khi sử dụng thuốc để điều trị viêm nang lông bạn không nên tự ý mua và sử dụng mà phải tham khảo ý kiến, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
2. Laser/ liệu pháp ánh sáng
Trong trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp ánh sáng hoặc laser để điều trị viêm nang lông. Phương pháp này giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm nang lông hiệu quả, nhanh chóng.
3. Tiểu phẫu
Với trường hợp bị viêm nang lông với các mụn nhọt, bác sĩ sẽ tiến hành tiểu phẫu, rạch một đường nhỏ trên mụn nhọt để dẫn lưu mủ. Ưu điểm của tiểu phẫu là giảm nhanh cảm giác đau, thời gian phục hồi nhanh.
Biện pháp phòng ngừa viêm nang lông
Bạn có thể phòng ngừa viêm nang lông bằng các mẹo hữu ích sau đây:
- Vệ sinh da thường xuyên, sử khăn mặt và khăn tắm sạch sau mỗi lần tắm, không dùng chung khăn tắm hoặc khăn mặt.
- Giặt giũ thường xuyên, sử dụng nước xà phòng nóng để giặt khăn tắm, khăn lau mặt và các loại quần áo dễ thấm dầu.
- Bảo vệ làn da khỏi ma sát do ba lô, mũ bảo hiểm và quần áo chật.
- Nếu bạn đeo găng tay cao su thường xuyên, sau mỗi lần sử dụng, hãy lộn ngược chúng ra ngoài, rửa bằng xà phòng, rửa sạch và lau khô.
- Điều trị các bệnh liên quan có thể gây viêm nang lông như đổ mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis).
- Vệ sinh bồn nước nóng, hồ bơi thường xuyên, bổ sung thêm clo theo khuyến cáo. Nếu bạn đi bơi ở hồ bơi công cộng, khi ra khỏi hồ nên tắm lại với nước sạch, lau khô người và thay quần áo sạch.
- Nếu viêm nang lông thường xuyên tái phát hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Các câu hỏi liên quan
1. Viêm nang lông và viêm lỗ chân lông có giống nhau không?
Viêm nang lông và viêm lỗ chân lông giống nhau do đều chỉ tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập, gây viêm, ngứa ngáy, nổi mụn nhọt, phát ban…
2. Viêm nang lông có chữa được không?
Viêm nang lông hoàn toàn có thể điều trị được tại nhà bằng thuốc hoặc kem bôi ngoài da. Riêng các trường hợp nặng cần được bác sĩ điều trị bằng laser, tiểu phẫu,… hoặc bệnh hay tái phát cần điều trị dứt điểm.
3. Viêm nang lông chữa ở đâu tốt?
Khi bị viêm nang lông hoặc nghi ngờ mình bị viêm nang lông bạn có thể đến ngay Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da của BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Bệnh viện có những bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về da, cùng với sự giúp sức của hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến đến từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,… giúp chẩn đoán chính xác, điều trị nhanh chóng, dứt điểm tình trạng viêm nang lông.
Viêm nang lông là bệnh về da dễ mắc phải ở mọi đối tượng. Bệnh dù không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng dễ tái phát, gây ngứa ngáy, đôi khi đau nhức và nhiều vấn đề khác đi kèm. Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm nang lông để bảo vệ làn da của chính bạn và những người thân yêu.