Sau các tác giả Lương Vĩnh Phúc, Trần Ngọc Tảo, Nguyễn Châu, Trần Tâm v.v.. Vũ Khiêm đã góp một tiếng nói khó lẫn trong mảng thơ viết cho thiếu nhi ở Quảng Ninh hiện nay.
Nhà giáo Vũ Khiêm ký tặng thơ.Tác giả Vũ Khiêm sinh năm 1944, quê ở Diên Hồng, Thanh Miện, Hải Dương. Ông ra công tác, làm nghề dạy học ở Quảng Ninh từ năm 1965 đến năm 2005 thì nghỉ hưu. Hiện ông sống cùng gia đình tại phường Nam Khê (TP Uông Bí). Vì có thâm niên làm nghề dạy học nên Vũ Khiêm viết nhiều về những đề tài quen thuộc như: Mái trường, thầy cô, học trò, làng bản. Ông có khá nhiều thơ đăng trên báo Quảng Ninh, báo Hạ Long v.v.. từ những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước. Ông đã xuất bản các tập thơ “Gió giao mùa” (NXB Văn học, năm 1998), “Tiếng gọi” (NXB Hội Nhà văn, năm 2004), “Màu tím đưa nôi” (NXB Hội Nhà văn, năm 2004), “Cách một tầm tay” (NXB Hội Nhà văn năm 2009). Ông cũng có thơ in chung trong nhiều tuyển tập thơ của tỉnh cũng như trong phạm vi cả nước. Trong thời gian tới, ông sẽ lần lượt xuất bản các tập “Chênh vênh đường dốc”, “Phút linh thiêng”, “Cây sáo của nhà máy” và in một tuyển tập thơ Vũ Khiêm. Vũ Khiêm đã được trao giải khuyến khích Giải Văn nghệ Hạ Long năm 2005.
Thời trai trẻ, Vũ Khiêm từng có hàng chục năm làm thầy giáo cắm bản ở Bình Liêu. Và sau này, khi đã về làm công tác giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (nay là Đại học Hạ Long) ông vẫn say sưa làm thơ như để hồi tưởng lại những năm tháng lên vùng cao dạy học. Những khó khăn gian khổ của đời sống giáo viên miền núi đã in đậm trong thơ Vũ Khiêm: “Lớp mười lăm trẻ lao xao/ Sớm trong mây nổi, chiều vào sương bay/ Đêm xoá mù, đuốc cầm tay/ Rét thì đốt lửa ngồi quây, dạy vần/ Mưa dầm vắt bám kẽ chân/ Con nằm trong địu bước lần suối trơn/ Có ngày khoai bắp là cơm/ Hương rừng bóc mảnh quế thơm đầu mùa” (Em về cắm bản Thanh Y). Có lần tác giả Vũ Khiêm bảo với tôi rằng, ông làm thơ không phải để mưu cầu thành “nhà này”, “nhà nọ” mà chỉ là để san sẻ, gửi gắm tâm sự của một cựu giáo chức về những ngày đứng lớp, về học trò, trẻ thơ, về tình yêu quê hương, đất nước v.v..
Có lẽ cũng do làm giáo viên nhiều năm nên thơ Vũ Khiêm chân thành, trong sáng, ngôn ngữ thơ giản dị mà giàu cảm xúc: “Cô giáo/ Có tiếng nói êm như tiếng sáo/ Có đôi mắt sáng tròn như mắt bồ câu/ Có bước chân bền như sợi dây thau”. Thơ thiếu nhi của Vũ Khiêm thể hiện sự lý giải những hiện tượng tự nhiên với liên tưởng sâu sắc, lý thú và ngộ nghĩnh bằng con mắt của trẻ thơ: “Giấu kín trong ruột/ Chú bi đen ngời/ Bé mở cửa nhé/ Ra chơi bi ơi” (Quả nhãn). Vũ Khiêm khai thác những cái lạ, cái tưởng như bất hợp lý trong cách đặt tên sự vật: Quả bưởi không phải là ao hồ sao lại có tép, mộc nhĩ thực ra là cành gỗ nhỏ sao lại có tai, sông lớn nhưng sao lại gọi là con sông v.v.. Thơ thiếu nhi của Vũ Khiêm tập trung nhiều trong tập “Màu tím đưa nôi” với những bài đáng chú ý như: “Mèo con đi học”, “Nhện”, “Ếch con”, “Gà con líp chíp”, “Kiến tha mồi” v.v..
Vũ Khiêm viết nhiều thơ cho thiếu nhi với tính giáo dục cao. Thơ ông gửi gắm một ý tứ giáo huấn sâu xa nhưng nhẹ nhàng không giáo điều xơ cứng. Ông đã vượt qua được cái khó khăn mà nhiều người mắc phải khi làm thơ cho thiếu nhi là dạy dỗ các em bằng lối tư duy của người lớn. Thơ Vũ Khiêm thể hiện cái nhìn hồn nhiên, dí dỏm kiểu trẻ thơ.
Nhà thơ Nguyễn Châu, nguyên Trưởng Ban Thơ (Hội VHNT Quảng Ninh) nhận xét: “Nếu bạn từng tiếp xúc với Vũ Khiêm sẽ thấy thơ ông cũng giống như con người ông, không ồn ào, không bạo liệt mà cứ thủ thỉ, cứ nhẹ nhàng, như một lời tâm sự chân thành... Cái tạng của con người ông là vậy, mà cái tạng của thơ ông cũng là vậy! Và tôi nghĩ rằng điều đó cũng là tất yếu thôi, bởi ông là người yêu nghề giáo nên mới yêu thơ, để rồi vì yêu thơ ông lại càng yêu hơn nghề giáo...”.
Phạm Học