Thời gian gần đây, củ sâm đất được nhiều bà nội trợ yêu thích và tìm mua bởi hương vị ngon ngọt, lạ miệng và đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Vậy cụ thể củ sâm đất có tác dụng gì? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Củ sâm đất là gì?
Sâm đất là loài cây thân thảo, mọc hoang dã, có củ, du nhập từ Tân Cương, Trung Quốc, được trồng chủ yếu ở Lào Cai và một số địa phương miền núi phía Bắc nước ta. Củ cây sâm đất còn có các tên gọi khác là Hoàng Sin Cô, khoai sâm, địa tàng thiên hay Yacon. Nhìn bên ngoài, củ sâm khá giống khoai lang nhưng có ruột trắng trong hoặc vàng nhạt, đặc biệt có mùi thơm giống nhân sâm.
Cây sâm đất có thân mọc cao, lá to dạng hình tim. Hoa gần giống như hoa hướng dương nhưng nhỏ hơn nhiều. Sâm đất có khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn hán và có thể trồng ở hầu hết mọi nơi, miễn là thời tiết không quá lạnh. Củ sâm đất có 2 loại:
- Những củ màu đỏ mọc gần mặt đất được để lại làm giống
- Những củ lớn hơn nằm sâu dưới đất là củ sâm đất mà chúng ta dùng để ăn.
Hương vị và giá trị dinh dưỡng của củ sâm đất
Vị ngọt của sâm đất là do một loại carbohydrate được gọi là fructo-oligosaccarit tạo nên.
Các nhà khoa học hiện đại củ sâm đất có chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, protein, pectin, canxi, protein, saponin, polysaccharide, fructooligosaccharide, axit béo, các vitamin (A, C) cùng nhiều khoáng chất khác. Đây đều là những dưỡng chất có lợi và cần thiết cho cơ thể.
Củ sâm đất ăn sống được không?
Theo chia sẻ của nhiều người, sâm đất có vị giòn ngọt, thanh mát, có thể ăn sống, xào, nấu canh hoặc ngâm rượu. Loại củ này để được rất lâu, có thể bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ bình thường, khi phơi nắng hoặc nấu canh, củ có vị ngọt đậm đà và dẻo hơn.
Củ sâm đất có tác dụng gì? 3 tác dụng của sâm đất với sức khỏe
Sâm đất có nhiều lợi ích về sức khỏe nhưng đây chỉ là thực phẩm hỗ trợ
Củ sâm đất có nhiều lợi ích nhưng đây chỉ là thực phẩm hỗ trợ chứ không có tác dụng điều trị bệnh lý. Dưới đây là 3 công dụng nổi bật mà củ cây sâm đất mang lại cho sức khỏe.
1. Hỗ trợ giảm cân
Khi ăn sâm đất bạn sẽ có cảm giác no lâu hơn do trong sâm đất chứa nhiều chất fructooligosaccharide thường được gọi tắt là FOS, giúp cơ thể ít tiêu thụ các thức ăn khác và đẩy nhanh quá trình bài tiết chất thải khỏi cơ thể. Nhờ đó mà bạn có thể đưa sâm đất vào trong chế độ ăn giảm cân. Bạn có thể nấu canh với thịt hoặc luộc chín.
2. Tốt cho người bệnh tiểu đường
Củ sâm đất có tác dụng gì? Củ cây sâm đất có thành phần fructooligosaccharides hỗ trợ cơ thể không hấp thu đường đơn, giảm glucose trong gan và tăng khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể. Do đó, những người bị bệnh tiểu đường có thể thường xuyên tiêu thụ củ sâm đất.
3. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Uống nước cây sâm đất có tác dụng gì? Fructooligosaccharides có trong củ sâm đất có thể chuyển hóa thành carbohydrate, polyphenol giúp giảm lượng natri trong máu, cải thiện tình trạng hạ đường huyết, củng cố sức khỏe tim mạch.
Ngoài các tác dụng chính kể trên thì sâm đất còn có các tác dụng khác như hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, giúp xương chắc khỏe hơn, tăng cường chức năng sinh lý nam giới… Tuy nhiên các tác dụng này được biết đến ở dạng hỗ trợ, hoàn toàn không thay thế việc điều trị.
Củ sâm đất ngâm rượu như thế nào?
Sâm đất ngâm rượu có tác dung bồi bổ, tăng cường sức khỏe, lưu thông khí huyết
Bạn có từng thắc mắc sâm đất ngâm rượu có tác dụng gì? Theo chia sẻ của nhiều người, bên cạnh dùng để chế biến thành các món ăn thì sâm đất còn được ngâm rượu giúp bồi bổ, tăng cường sức khỏe, lưu thông khí huyết. Để có một bình rượu từ củ sâm thơm ngon, bạn cần chuẩn bị:
- Củ sâm đất (nên chọn củ to, còn tươi không bị giập)
- Rượu trắng nguyên chất
- Bình ngâm rượu (bình sứ, thủy tinh).
Cách ngâm rượu củ sâm đất
- Sâm đất: Rửa sạch để loại bỏ đất cát bên ngoài và để ráo nước
- Xếp sâm đất vào bình sao cho rễ hướng xuống đáy bình, xếp gọn và đẹp
- Cho rượu ngập bình đã xếp sẵn sâm đất và đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát
- Sau 3 tháng có thể sử dụng được rượu sâm đất.
Những lưu ý khi sử dụng sâm đất
Sâm đất là loại củ bổ dưỡng, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người, việc sử dụng sâm không đúng cách hoặc dùng quá thường xuyên trong thời gian dài sẽ có thể có nguy cơ bị ngộ độc. Người bị ngộ độc sâm đất có thể xuất hiện các triệu chứng như: buồn nôn, vã mồ hôi, tiêu chảy, mất ngủ, bứt rứt, phát ban…
Ai không nên sử dụng củ sâm đất?
Với câu hỏi ai không nên sử dụng sâm đất thì một số ý kiến cho rằng:
- Những người bị bệnh viêm gan, viêm túi mật không nên ăn củ nhân sâm vì có thể làm giảm cảm giác thèm ăn.
- Những người bị rối loạn chức năng thận hoặc bệnh gout đang điều trị bằng thuốc không nên sử dụng sâm đất vì sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị.
- Đối với những người bị bệnh ung thư ruột kết hay béo phì cũng không nên lạm dụng loại củ này mà cần hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai không được sử dụng nhân sâm đất, bởi có thể gặp phải những tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Gợi ý 3 món ăn chế biến từ củ sâm đất
Nhiều người thường thắc mắc sâm đất ăn như thế nào hay sâm đất nấu gì ngon? Theo các chuyên gia sức khỏe, sâm đất có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, dễ làm và tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số công thức gợi ý để bạn có thể tạo ra những món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng cho gia đình:
1. Canh sâm đất hầm xương
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Củ sâm đất
- Xương heo
- Cà rốt
- Gia vị nêm nếm.
Cách làm
- Xương heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, trụng qua nước sôi, vớt ra xả với nước lạnh. Sau đó, bạn có thể ướp với hành tím, hạt nêm, tiêu, bột ngọt khoảng 20 phút.
- Sâm đất và cà rốt rửa sạch, bào vỏ, cắt miếng vừa ăn. Với cà rốt, bạn có thể tỉa hoa cho đẹp.
- Sau đó đổ nước vào nồi, cho xương heo vào hầm chín nhừ.
- Cuối cùng cho khoai sâm đất, cà rốt và hầm khoảng 10 - 15 phút tắt bếp và nêm nếm lại cho vừa ăn.
2. Sâm đất xào thịt bò
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Củ sâm đất
- Thịt bò
- Hành lá, hành tím
- Gia vị nêm nếm.
Cách làm
- Củ sâm rửa sạch, bào vỏ, cắt khúc hoặc thái lát (tùy thích)
- Thịt bò rửa sạch, thấm khô, thái mỏng theo thớ ngang cho thịt không bị dai, ướp với tỏi băm, dầu ăn, hạt nêm, tiêu, muối.
- Phi hành tím với dầu ăn cho thơm rồi cho thịt bò vào đảo đều, khi thịt chín săn lại thì cho ra đĩa. Sâm đất xào với gia vị cho vừa ăn, khi sâm chín tái thì cho thịt bò đảo đều và thêm hành lá.
3. Nộm củ sâm đất
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Sâm đất
- Cà rốt
- Ớt tỏi băm nhỏ
- Đậu phộng, rau thơm, chanh
- Nước mắm, đường, bột ngọt
- Thịt gà xé nhỏ.
Cách làm
- Cà rốt, sâm đất rửa sạch, bào vỏ, thái sợi. Cho sâm đất đã thái sợi ngâm vào trong nước muối loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo.
- Rau thơm cắt nhỏ.
- Đậu phộng rang chín bỏ vỏ.
- Pha nước để trộn gỏi: Pha tỷ lệ 2 thìa đường, 4 thìa nước, 2 thìa nước cốt chanh, 1 thìa tỏi, 1 thìa ớt, 3 thìa nước mắm và khuấy đều.
- Cuối cùng, trộn tất cả nguyên liệu cùng với thịt gà xé nhỏ, lưu ý cần nhẹ tay để nộm sâm đất không bị giập.
Mua củ sâm đất ở đâu?
Củ sâm đất được trồng nhiều ở Lào Cai và những vùng đất ẩm ướt. Một cây có thể thu hoạch đến 4 - 5 kg củ. Bạn có thể dễ dàng mua củ sâm tại các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bán nông sản hoặc một số trang thương mại điện tử. Giá bán sâm dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Khi mua, bạn nên lựa những củ to, chắc tay, không bị sâu mọt. Bảo quản củ sâm ở nhiệt độ bình thường, có thể phơi nắng để củ dẻo ngọt hơn.
[embed-health-tool-bmr]